thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Truyện “Chuyến Xe” của Hoàng Ngọc Biên

 

Tôi muốn bàn về truyện ngắn “Chuyến Xe” của Hoàng Ngọc Biên (www.tienve.org). Đó là một tác phẩm đáng kể trong văn học Việt Nam, vì ý tưởng, cốt truyện, ngôn ngữ và cách hành văn. Nhưng tôi xin nói trước là tôi không dám tự nhận là “lý luận phê bình văn học gia”. Mà thật tôi thường ngậm ngùi nghĩ trong đời sống văn nghệ Việt Nam hiện tại, chúng ta thiếu “những chuyên gia” chân thành tìm kiếm, diễn giải và giới thiệu cho chúng ta những tác phẩm văn nghệ (ca nhạc, hội hoạ, văn thơ).

Trong đời sống văn nghệ Việt Nam hải ngoại, trên các trang báo chí thỉnh thoảng có những bài bình luận văn nghệ (như bài này của tôi đây) thì thường là viết bởi những người nghiệp dư không có tâm trí và điều kiện để tìm kiếm và diễn giải đến tận cùng những tác phẩm sáng giá chính yếu của văn học Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ vừa qua. Ngay đối với những “phê bình lý luận văn học gia” hải ngoại, ta đã phải tự hỏi tại sao vẫn chưa có một công trình nghiên cứu giới thiệu sự nghiệp của một nhà văn nhà thơ (của miền Nam Việt Nam xưa) đáng kể như Thanh Tâm Tuyền. Đối với Thanh Tâm Tuyền còn thế, thì kể chi đến những tác phẩm vô giá nhưng của những văn nghệ sĩ âm thầm như hoạ sĩ Vũ Cao Đàm ở Pháp, hoạ sĩ-điêu khắc gia Lệ Hà ở Montréal… hay của những nhà văn thơ yếm thế xa lánh chuyện tầm phào xã hội.

Thật ra nói về đời sống văn nghệ của một dân tộc, thì phải chờ đợi ở tất cả tầng lớp “lý luận phê bình văn nghệ gia” phát động từ lòng người dân sống trên quê hương xứ sở. Nhưng tầng lớp chuyên gia “lý luận phê bình văn nghệ” hiện nay của chúng ta là ai? Những tiến sĩ văn khoa không có công trình, những tư tưởng gia chính thống, những cán bộ nhân viên chính trị của chính quyền… Và như thế chúng ta thường đọc được những gì? Những bài văn giới thiệu khen chê thân hữu, thị hiếu riêng tư, nhỏ nhen, xu thời. Những bài phê bình ca ngợi bán buôn, thiếu ngay cả một chút tự trọng văn học.

Một ngày nào sẽ đến tay chúng ta một tuyển tập văn học chính đáng? Một tuyển tập để chúng ta làm sử liệu, để chúng ta có bàn đạp cho sự tiến triển văn nghệ của chúng ta! Cái ngày đó thật xa xôi, khi ngay bây giờ ở trên báo văn nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam nói đến một nhà văn tiêu biểu hiện đại như Dương Thu Huơng còn là một điều cấm kỵ. Chúng ta chỉ còn biết nhớ tiếc cái thời mà chỉ với tuyển tập Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã đánh dấu cả một thời đại thi ca không thiếu sót một thi nhân nào đáng kể (trong cái nhìn khách quan 70 năm sau)! Nhưng chắc một ngày nào đó rồi cũng sẽ đến! Đến những tuyển tập đánh dấu thời đại. Tôi nghĩ đến tuyển tập văn thơ đánh dấu nền văn học miền Nam Việt Nam trong những năm 60, 70, cái thời của thuyết hiện sinh, tiểu thuyết canh tân (les romans nouveaux), văn nghệ lập thể…; tôi nghĩ vậy vì một lý do rất giản dị, trong tuyển tập này nếu có thì phải có truyện ngắn “Chuyến Xe” của Hoàng Ngọc Biên. Tuy rằng theo chính tác giả, truyện này đã viết xong ở Sài Gòn năm 1987, nhưng tôi nghĩ truyện ngắn này là con đẻ của cái thời văn nghệ miền Nam Việt Nam nay đã xa xôi!

Khi người ta bàn đến một tác phẩm văn nghệ, người ta thường nói đến tác giả, thân thế và sự nghiệp. Hoàng Ngọc Biên chắc chắn đã trưởng thành trong những năm 60-70, cái thời đầy suy tư và đầy nghi vấn của văn học miền Nam Việt Nam. Hoàng Ngọc Biên chắc nay đã phải có một sự nghiệp văn thơ. Ngoài truyện ngắn này, người ta còn đọc được nhiều tiểu luận, cùng những dịch thuật, những bài thơ của Hoàng Ngọc Biên trên mạng điện tử Tiền Vệ (www.tienve.org). Qua ngay những sáng tác đó, người ta chắc có thể khái niệm ít nhiều tổng quát về nhà văn, nhà thơ Hoàng Ngọc Biên. Nhưng riêng tôi, tôi cảm thấy chưa đủ tài liệu chính đáng để nhận xét truyện ngắn “Chuyến Xe” trong bối cảnh toàn diện sự nghiệp của nhà văn và nhà thơ Hoàng Ngọc Biên. Trong những đoạn viết sau đây, tôi sẽ chỉ bàn về truyện ngắn “Chuyến Xe”, một tác phẩm văn học khách quan đơn độc.

Truyện “Chuyến Xe”, theo tôi nghĩ, có lẽ tác giả phải nên lấy nhan đề là “Ngồi đợi một chuyến xe”. “Ngồi đợi một chuyến xe” giúp cho độc giả nghĩ ngay đến “Đón đợi Godot” (En attendant Godot -- Godot ám chỉ God, tiếng Anh có nghĩa là Thượng Đế), một kịch bản nổi tiếng của Samuel Beckett (1906-1989, giải thưởng văn chương Nobel 1969). Chắc chắn Hoàng Ngọc Biên đã đọc kịch bản này của S. Beckett hay ít nhất những lời bình luận trên văn đàn thế giới về kịch bản. Nhưng trong điều kiện thông thường của văn học Việt Nam, tôi không nghĩ Hoàng Ngọc Biên đã từng xem trình diễn vở kịch trước khi viết truyện ngắn “Chuyến Xe”. Dù sao truyện ngắn của Hoàng Ngọc Biên với kịch bản của S. Beckett có chung một cốt truyện. Sự phi lý trong cái phận con người. Chúng ta đều đón đợi, đón đợi thật một cái gì chính ta không biết, mà nếu có đến nó sẽ đưa về đâu ta lại càng không biết. Chúng ta đón đợi thượng đế? Thượng đế vô hình trung, dù đến có xếp đặt lại cho chúng ta không những vấn nạn, những ngõ cụt? Hay chúng ta đều ngồi đợi một chuyến tàu trong một nhà ga hư ảo? Đón đợi chuyến tầu để đi về đâu, về chốn nào cho cuộc đời đổi mới? Cốt truyện có tính cách triết lý phổ quát nhân bản. Mà thật chúng ta tất cả như chẳng cùng đón đợi sao, ít nhất là đón đợi thần chết! Nhưng ngay thần chết nữa là gì, chúng ta nào có biết. Thần chết có bao giờ đến khi chúng ta đón đợi, và khi đến để mang chúng ta đi nhưng đã chắc gì cho chúng ta giải mã được tất cả những khổ đau, những khắc khoải mà chúng ta đeo mang!

Bản kịch của S. Beckett là vở kịch hai cảnh với năm nhân vật. Năm nhân vật vu vơ đồng tụ, cùng nói không đâu, lời lẽ đan chéo chờ đợi mù mờ, ẩn dụ sự bí quẫn phi lý của tất cả cuộc đời…Truyện ngắn của Hoàng Ngọc Biên cũng dễ dàng có thể tạo dựng thành một vở kịch, một cảnh và một nhân vật. Cuộc “độc thoại không đầu không đuôi” của “ kẻ mất trí”. Một anh chàng ngồi ngày này qua ngay khác ở một công viên “nhỏ bé thiểu não”, bên này hàng rào héo nát của một nhà ga “chợ trời hư ảo”. Anh ngồi đợi một chuyến tàu không bao giờ đến, mà cũng không biết mình đợi để đi đâu. Rồi anh tự nói chuyện, độc thoại loạn bay, người thường đều phải nghĩ là chàng điên rồ hay mất trí. Độc thoại với những tình ý vu vơ tiềm ẩn, với những hình ảnh mờ mờ chợt đến mà đã vội đi… Thật như là một bức hoạ sơn dầu trừu tượng, chỉ toàn màu sắc đột phá đến từ cõi thâm sâu. Nhưng là một bức tranh trừu tượng nghệ thuật, nghĩa là tác giả để lại ấn tượng cho người xem! Ấn tượng hiện diện một con người ưu tư nuối tiếc, khắc khoải không cùng…

Đó là nghệ thuật cận đại, nghệ thuật lập thể, tiểu thuyết canh tân! Hết rồi những tác phẩm dài dòng đạo đức, lý luận một hai, tả cảnh tả tình ra đâu ra đấy. Tất cả vấn đề, đặc biệt trong nghệ thuật cận đại, là chuyện con người đối diện với chính mình (theo thuyết hiện sinh). Chúng ta hãy quên đi người hùng của truyện cũ. Mà những anh hùng cứu thế, cứu dân cứu nước, lại thường mang mặt nạ Hitler, Staline hay có khi cả Mao Trạch Đông nữa! Hãy sống như con người nhỏ bé, hạt bụi trong thế giới đại kim khí khoa học này. Tình nhân loại không cần phải cao xa, rao lên với dao búa, nó có thể nằm ngay trong sự việc của hai con người một chiều đông túi rỗng chia nhau một điếu thuốc cuối cùng. Tình yêu nữa đâu phải quì gối dâng nhau vàng ngọc, mà chính là những phút chạnh lòng nhớ thương, mộng tưởng dìu nhau đi một đoạn đường của sự vĩnh hằng cô đơn. Nghệ thuật phải là và chỉ có thể là những gì phát động tự tâm can, trong tiềm thức của một tâm hồn thật riêng tư, chân thành tràn đầy sự sống nhân sinh trong vũ trụ bao la.

Ý thức như trên, truyện ngắn của Hoàng Ngọc Biên thật là một tác phẩm nghệ thuật. Qua độc thoại không đầu không đuôi của một kẻ mất trí, vẫn hiển hiện một con người. Một con người toàn diện, có bối cảnh lịch sử, nhớ thương và ước vọng. Không có gì trên giấy trắng mực đen, nhưng chỉ một vài ký hoạ, những ý điệu không đâu, những ký ức nửa vời. Trong cái cảnh u mờ linh động, chúng ta vẫn nhận ra con người mà ta muốn cầm tay và chia sẻ, con người đeo mang cùng ta một số suy tư và muôn vàn cảm nghĩ.

Cái gì tôi thu nhận trước hết, là bối cảnh lịch sử của cốt truyện. Cái khoảng thời gian bí cực không cùng, những năm đầu 70 ở miền Nam Việt Nam xã hội hoang mang trống rỗng mà Thanh Tâm Tuyền đã miêu tả trong quyển truyện Một Chủ Nhật khác (1975). Tất cả chờ đợi một “cuộc đổi đời lớn lao”. Cuộc đổi đời đã đến thật ngày 30 tháng 4, 1975! Nhưng sau ngày đó, tất cả lại rơi vào sự vắng lạnh không tiếng cười tiếng hát, chỉ những tiếng thì thào nôn nao kẻ ở người đi, bước chân công an trên hè phố, trong đêm cùng. Một tấm màn ảm đạm phủ lên đường phố, cái vắng vẻ thiếu nhân tình mà Đặng Đình Hưng đã cho chúng ta cảm nhận trong bài thơ “Ô Mai”, mà Bùi Xuân Phái cũng cho chúng ta cảm thấy qua những bức tranh “Phố Phái” của những năm 60, đầu 70 ở Hà Nội. Hoàng Ngọc Biên diễn tả qua những lời “điên rồ” của “kẻ mất trí”! Cái công viên nhỏ bé thiểu não đầy rác rưởi. Cái nhà ga hư ảo chợ trời không người bán người mua.

Chàng trai “mất trí” đến ngồi trong công viên đó, chờ một chuyến tầu đi qua cái nhà ga đó. Người đọc có lẽ cũng thầm theo chân, tự thấy mình sống giấc mơ của chàng trai, chờ đợi “đổi đời thật một lần nữa”, xa lánh cái vắng lạnh nghèo nàn “điên rồ” đang bao trùm thời đại. Lên đường ra đi! Mang theo túi vải chỉ có mẩu bánh mì khô, một chiếc áo sạch và thêm một bức thư bút tích của mẹ, một bài thơ của cha. Rồi ngồi chờ “chuyến xe” và nhìn mây trắng bay. Nhìn mây như thi sĩ và kịch tác gia người Đức Bertolt Brecht (1898-1956) trong một bài thơ nổi tiếng, nhìn mây trắng bồng bềnh nhớ đến một người con gái và nhớ đến một cái hôn nồng. Anh chàng “mất trí” của Hoàng Ngọc Biên nhớ tới cô bạn tuổi thơ nhà bên người Minh Hương và thầm tự hỏi giờ cô đã ra sao, đã lên thuyền di tản vượt biên đến chân trời nào. Hay thoáng hiện trong đầu anh hình ảnh cô gái lai tây, đã gặp chỉ một lần, mà anh chợt tự nói sao xưa anh đã không bắt nắm hai bàn tay dù trong một giây thông cảm. Những hình ảnh, những ký ức tuôn trào. Cái gì làm xúc động nhiều người có lẽ phải là qua những câu nói bâng quơ, hiển hiện hình ảnh người mẹ và hình ảnh người cha. Người mẹ trong bức thư dặn dò chồng gìn giữ sức khoẻ ở chiến khu hành quân kháng chiến, thư viết tay xưng tôi và ký tên con gái giúp chúng ta cảm nhận ra người đàn bà Việt Nam tự kiềm chế trái tim sống qua thời loạn. Còn người cha! Chàng thanh niên với chiếc ba lô trên vai, chiếc xe đạp gần gãy, vượt đèo vượt suối làm tròn nhiệm vụ dân quân, khi kháng chiến toàn thắng, mấy năm sau trở về ngồi bên vợ bên con, đối diện đời thường và xã hội xung quanh, thẫn thờ nhớ tiếc núi rừng và cái thời hồn nhiên vô tư đồng đội bên nhau, cùng nhau sống giấc mộng trần gian lý tưởng…

Những tình ý, những hình ảnh như thế dồn dập, lôi cuốn người đọc, người nghe. Nhân vật “mất trí” mỗi lúc một thêm sinh động, tràn trề tình người, tầm thường yếu đuối nhưng kiểu cách cao sang, mang mang một hoài bão thâm trầm… Tất cả những điều như vậy bộc lộ tài nghệ của nhà văn. Như trên tôi đã nói, truyện ngắn “Chuyến Xe” của Hoàng Ngọc Biên có thể dễ dàng tạo dựng thành một vở kịch “độc thoại một màn một nhân vật”. Văn của Hoàng Ngọc Biên, từ ngữ không thiếu nhưng không rườm rà cao học, câu nói như mạch nước trải dài. Có những câu dài đến bốn hay năm hàng chữ, 40 hay 50 từ ngữ, nhưng lôi cuốn người đọc người nghe triền miên tiếp thu. Dĩ nhiên là giữa những đoạn văn có những khoảng im. Những khoảng im mà diễn viên của kịch bản sẽ biết làm cho chúng ta thêm chìm đắm và như thế sâu lắng rơi vào khoảng trời tại hiện sinh của nhân vật. Trong kịch bản S. Beckett, những khoảng im như vậy chiếm đến nửa thời gian của vở kịch!

Sau cùng hết, tôi chỉ tiếc một điều. Với đoạn kết của truyện, tác giả không để lại cho tôi một ấn tượng. Có lẽ phải cho cuộc “độc thoại không đầu không đuôi” kết thúc bằng “một tiếng thét”? “Tiếng thét” của sự tỉnh giấc. Tiếng thét như trong bức tranh Tiếng thét (Le Cri) của Edvard Munch (hoạ sĩ Na Uy, 1863-1944); con người “mất trí’, con người như tất cả con người chúng ta cũng phải một lúc nào tỉnh giấc. Hoảng hốt đối diện thực tại! Kinh hoàng ngộ rằng “con tàu” mà chúng ta chờ đợi đã đến và đã đi qua từ xưa rồi; chúng ta tất cả đều là những kẻ lỡ chân, lỡ ít nhất một chuyến tàu!

 

Tháng 3/2006

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021