thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
«Điều tôi chưa biết gọi tên…» — Đọc NỖI ĐAU của Marguerite Duras

 

«Rarement Duras avait atteint cette force de persuasion
directe, émotive, sans passer par le symbolique,
mais de manière lapidaire, frontale, qui nous fait presque honte
d’entrer avec elle dans cette douleur qui est la sienne, si viscéralement».
 
«Hiếm khi nào Duras thuyết phục như thế,
trực tiếp và xúc cảm, mà không cần dùng đến hình tượng,
nó tàn nhẫn, cục cằn, làm cho chúng ta gần như xấu hổ
khi bước cùng nhà văn vào nỗi đau sâu thẳm của bà».
 
(Alain Vircondelet. Le Nouveau dictionnaire des œuvres, 1994)

 

Marguerite Duras sinh năm 1914 tại Gia Định Sài Gòn và mất năm 1996 tại Paris nơi bà tới sinh sống vào năm mười tám tuổi. Cha bà, giáo viên toán, mắc bệnh, chết lúc bà lên năm. Mẹ dạy trường tiểu học, mua tại «Sa đéc, trên bờ sông Mê kông» một đồn điền nhỏ hàng năm bị đại dương nhận chìm, sống với ba đứa con trong cảnh cơ cực. Bi kịch gia đình cùng mảnh đất chôn rau cắt rốn hiện hữu khắp nơi trong tác phẩm của Duras — gồm «văn, kịch, phim» như chính bà định nghĩa — từ Chiếc đập chống Thái bình dương (Un barrage contre le Pacifique, 1950), đến Bài ca Ấn-độ (India Song, 1973), Người tình (L’Amant, giải Goncourt năm 1984).

 

1. Duras & Antelme. Một cuộc chiến — hai tiểu thuyết

Năm 1939, Duras kết hôn với Robert Antelme và cùng hoạt động trong một tổ chức kháng chiến tại Paris. Tháng 6 năm 1944, bị Gestapo bắt, Antelme được tự do lúc hết Thế Chiến Thứ Hai sau khi đã qua nhiều trại tập trung ở Fresnes, Buchenwald, Gandersheim và Dachau. Tiểu thuyết Nỗi đau (La douleur) của Duras mang tính tự truyện, xuất bản năm 1985, nhưng theo tác giả thì đó là nhật ký bà viết từ năm 1945, thuật lại cuộc chờ đợi của Marguerite — người kể chuyện — có chồng là Robert L. bị bắt giam trong tại tập trung. Tháng 4 năm 1945, nhờ người bạn là D. (tức Dionys Mascolo, sau này cũng là một nhà văn danh tiếng), Marguerite đi tìm dấu vết của Robert L. nhưng vô vọng. Cùng lúc, cô phát hiện ra tội ác kinh hoàng của phát xít Đức. Trong chờ đợi tuyệt vọng, hồ nghi, giận giữ, ban ngày cô làm việc cho Bộ phận tìm kiếm những người mất tích, còn ban đêm thiếp ngủ «trong cái hố đen, bên cạnh anh ấy đã chết». Tháng 5 năm đó, một người bạn cùng tổ chức kháng chiến của Marguerite là François Mitterrand, lúc đó là thứ trưởng bộ Người Lưu Vong, Tù Nhân và Người Đi Đày, tổng thống tương lai nước Cộng Hoà Pháp, tình cờ tìm thấy Robert L. trong một lán vứt người chết. Ông tổ chức cho Robert hồi hương. Suốt nhiều tháng trời, Marguerite chăm sóc bóng ma đó. Khi sức lực anh phục hồi, cô nói với Robert ý nguyện được chung sống với D. và có một đứa con. Năm 1946, mùa hè đầu tiên của hoà bình, nhìn Robert hướng ra biển và mỉm cười với mình, cô dự định «nói điều gì về mối tình đó», «viết một chút về cuộc trở về này». Cuốn sách đó chính là Nỗi đau, và phải đến năm 1985 mới mang hình hài trọn vẹn.

Năm 1947, Antelme in cuốn Loài người (L’Espèce humaine), tiểu thuyết duy nhất đời ông, thuật lại kinh nghiệm đói, nhục, chết trong trại tập trung bằng một ngôn từ cực kỳ chính xác trần trụi. Trong thế giới đày ải đó, con người tha hoá không phải vì ăn thứ rác rưởi, mà vì không chia sẻ thứ rác rưởi đó với đồng loại của mình. Được xem như một trong những kiệt tác của văn học đương đại, «một cuốn sách thiết yếu để hiểu thế kỷ 20», tiểu thuyết của Antelme kể rằng ý thức thuộc về loài người là điều duy nhất giúp ông sống sót, thoát khỏi thú tính mà Đức quốc xã muốn đẩy người tù vào.

Hai tác phẩm của Duras và Antelme có thể đọc như đối thoại giữa một người đàn ông và một người đàn bà về chiến tranh, về nỗi đau và cách ứng xử với nó bằng văn học. Trong Nỗi đau, Duras nói về tiểu thuyết của Antelme, không dấu một chút gây chiến: «Anh ấy viết một cuốn sách về những điều anh ấy cho là đã sống ở Đức. Sau khi cuốn sách viết rồi, làm rồi, in rồi, anh không nói gì đến trại giam của Đức nữa. Anh không bao giờ động đến các từ này. Không bao giờ nữa. Cũng không bao giờ nhắc đến tên cuốn sách nữa». Như vậy, trước kỷ niệm đau buồn, nhà văn nữ phải chờ bốn mươi năm mới có thể chuyển nhật ký thành văn học, còn nhà văn nam lại bị hối thúc bởi nhu cầu, sự khẩn thiết phải nói: ngay trên đường từ trại tập trung về nhà, Robert nói không ngừng, sợ sẽ chết trước khi về tới Paris.

 

2. Từ Người tình đến Nỗi đau

Một hôm, khi tôi đã có tuổi, trong tiền sảnh một toà nhà công cộng, một người đàn ông đi về phía tôi. Ông ta tự giới thiệu và nói: ‘Tôi biết bà từ rất lâu rồi. Mọi người đều nói trước kia bà rất đẹp, tôi đến để nói với bà rằng với tôi giờ đây bà đẹp hơn, tôi không thích gương mặt thiếu nữ của bà bằng gương mặt bà đang có, gương mặt bị tàn phá’   (Người tình).

Đọc tự truyện Người tình của Duras ngay từ năm 1985, nhưng mãi sau này tôi mới hiểu đoạn mở đầu kỳ lạ này dù không ngừng bị ám ảnh. Câu chữ Duras lắng đọng, giản dị nhưng khó nắm bắt, được viết ra như bằng máu thịt, vì vậy đọc Duras người ta cảm nhiều hơn hiểu. Và ở mỗi tuổi, cảm với một sắc thái khác. Đối lập với “18 tuổi gương mặt tàn phá” khi mất người tình, là “15 tuổi rưỡi. Cơ thể mảnh, yếu, bộ ngực còn trẻ con phủ màu hồng nhạt và màu đỏ”. Với cơ thể đó, trong một chuyến phà qua sông Mê Kông, cô gái da trắng sẽ gặp người đàn ông Trung Hoa xa cách về mọi thứ: văn hoá, chủng tộc, tiền tài và biển kinh nghiệm tình ái. Sau này, dưới tầng tầng lớp lớp kỷ niệm, không ngừng trở về trong Duras hình ảnh người đàn ông xa lạ nhìn cô thiếu nữ đang soi gương trong mắt anh ta. Duras kể về mình ở ngôi thứ ba: “Người đàn ông lịch sự từ xe hơi bước xuống, anh ta hút một điếu xì gà Ăng-Lê. Anh ta nhìn cô gái đội mũ phớt và đi giầy đính kim nhũ, tiến chầm chậm về phía cô”. Chính cuộc tình cuồng nhiệt nhưng ngắn và tủi nhục đó sẽ nuôi dưỡng hầu hết tác phẩm của Duras. Như hy vọng tiếp nối, ngay cả khi người tình đã chết ? “Tôi được biết chàng đã chết từ lâu rồi” (Người tình Hoa Bắc, L’Amant de la Chine du Nord, 1991).

Cũng như Người tình, Nỗi đau mở ra với hình ảnh nhà văn «đã có tuổi», lục kiếm ký ức, hạch hỏi quá khứ, đi tìm người con gái trẻ là mình ngày xưa, hy vọng hiểu được gốc rễ nhân cách và con đường đi đến văn học của chính bà. Cả hai tác phẩm cùng xuất phát từ một nguồn: nỗi đau thể xác và tinh thần. Nỗi đau: «Nỗi đau là một trong những điều quan trọng nhất đời tôi». Người tình: «Rất nhanh trong đời tôi đã là quá muộn. 18 tuổi đã là quá muộn. […] 18 tuổi tôi đã già». Trực diện, dữ dội, Duras đưa người đọc mấp mé cái ngưỡng của sự chịu đựng. Trong hai đoạn mở đầu đó, nữ văn sĩ dao động giữa hai tình cảm trái ngược: ao ước được nói lên nỗi đau nhưng hổ thẹn không muốn cho độc giả xem những kỷ niệm đã chôn vùi, trong «bộ tủ xanh» ở nhà nghỉ tại vùng Neauphle-le-château, hay trong miền đất Đông dương xa xôi. Nỗi đau: «Giờ đây tôi đang ngồi trước những trang nhật ký cũ tràn đầy một nét chữ nhỏ cực kỳ đều đặn và lặng lẽ. Tôi ở trong tình trạng vô cùng xáo trộn về tinh thần lẫn tình cảm, mà tôi không dám động tới. So với nó, văn chương chỉ làm tôi hổ thẹn mà thôi». Người tình: «Tôi thấy tất cả các giới hạn đều rộng mở, sẽ không còn một bức ngăn nào, ngôn từ không biết chui vào đâu để ẩn náu, để cấu thành, để được đọc nữa».

Hai tiểu thuyết không chỉ là tâm sự, là tự thú. Giữa kêu la và im lặng, giữa tình yêu và thù hận, nó phô bày nỗi đau trần trụi, không bao bọc. Ngay tên gọi của hai tác phẩm – «Người tình»«Nỗi đau» – cũng khiêu khích. Chúng trưng ra miền sâu kín, cấm đoán, bí mật của tâm hồn. Gần nửa thế kỷ mới được nói ra, nỗi đau của người đàn bà vì vậy tiềm ẩn, nhưng không kém mạnh mẽ, như đã chín cùng thời gian. Trong Nỗi đau, khi nam giới im lặng, phụ nữ là kẻ tiếp sức. Trong Người tình, khi người đàn ông đã chết, người đàn bà phải sống để kể về tình yêu đã mất.

Nỗi đau cũng là sự co kéo giữa ý thức về tính bất lực của văn học và khao khát làm nhân chứng. Ngay mở đầu, Duras nghi ngờ: «Làm sao tôi có thể viết được điều mà đến giờ tôi còn chưa biết gọi tên và làm tôi run sợ mỗi khi đọc lại [...] Từ ‘viết’ có lẽ không hợp». Nhưng cuộc chiến chống lãng quên cũng thật quyết liệt. Nhà văn phải giành giật cuốn nhật ký «bị bỏ bẵng nhiều năm trong căn nhà ngập nước mùa đông» khỏi ẩm ướt, thời gian, cái chết.

Trong kịch bản phim Hiroshima tình yêu của tôi (Hiroshima mon amour, 1959), tuyệt tác khác của Duras, mùa hè 1957 một nữ diễn viên Pháp sang Hiroshima tham gia vào một bộ phim về hoà bình, gặp và yêu một người đàn ông Nhật. Giữa những giây phút bốc lửa, là những mẩu đối thoại của cặp tình nhân về cuộc chiến mà mỗi người vừa trải qua. Đan xen với những thây người chết cháy, những căn nhà bốc khói của Hiroshima vừa bị bom nguyên tử, là kỷ niệm của nhân vật nữ về mối tình ngang trái của cô với một người lính Đức trong Thế Chiến Thứ Hai tại thành phố nhỏ Nevers nước Pháp: anh đã chết đúng vào ngày nước Pháp giải phóng còn cô gái phát điên, bị giam vào hầm kín, bị cạo trọc đầu như lúc đó dân chúng Pháp trừng phạt tất cả những người phụ nữ như cô. Trong cuộc ngoại tình chớp nhoáng tại Hiroshima, hai nhân vật chính đều không có tên cũng như ít biết về hiện tại của nhau, khác nhau trên mọi phương diện — địa lý, màu da, lịch sử — nhưng đã tìm thấy nhau trong «những cứ liệu chung của loài người: nhục dục, tình yêu và bất hạnh» (Duras).

Cũng như thế, kể về chiến tranh, Nỗi đau đặc biệt ưu tiên nhân chứng nữ. Họ là bà Kats «thách thức Chúa» trong khi đợi đứa con gái Do-thái tàn tật thực ra đã chết khi đi đày; là vợ những người tù chờ chồng ở ga Orsay từ 7 giờ sáng đến 3 giờ sáng; là các nữ lao động khổ sai «mặt biến dạng» còn «tay đen kịt dầu máy Đức» bị đối xử như «rác rưởi» sau chiến tranh; là thiếu phụ 20 tuổi «chửa, bụng trồi ra khỏi cơ thể», có chồng bị xử bắn; là cô bé Do-thái bị cắt tất cả các bộ phận sinh dục; là chính bản thân Duras có con lọt lòng đã chết trong thời Đức chiếm đóng còn chồng thì bị bắt. Những người đàn bà này là nạn nhân của cuộc chiến họ không tham gia.

Nỗi đau hay chiến tranh nhìn từ nữ giới.

 

Hà Nội, tháng 10 năm 1998

 

------------------
Chú thích: Bài viết này đã được sử dụng làm lời tựa, in song ngữ, cho bản dịch Nỗi đau (La Douleur de Marguerite Duras) của Đoàn Cầm Thi, NXB Phụ Nữ, Hà Nội, 1999.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021