thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một cuốn truyện độc sáng
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường,
tặng Hoàng Ngọc Biên & Hoàng Ngọc-Tuấn,
hai nhà văn tiên phong dịch văn chương Alain Robbe-Grillet.

 

 

Có nhiều thể loại văn chương. Lý do khiến người ta viết vì thế cũng nhiều. Trong số tác giả, người ta có thể phân biệt những người viết để phơi bày và giải toả những tình cảm của họ, và những người viết để trình bày và đóng góp những ý tưởng cho tranh luận. Những người khác thì viết để mua vui. Cuối cùng, còn vài kẻ viết vì tất cả những lý do đã kể.

Ông Alain Robbe-Grillet tự đặt mình vào địa vị các nhà văn trí thức nhất: cuốn tiểu thuyết đầu tiên[1] của ông là một guồng máy chính xác. Trong cuốn truyện này tất cả đã vận hành với sự chính xác của một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ. Một máy đồng hồ? Lại càng đúng vì thời gian ở đây giữ một vai chính. Ngoài ra, ông Alain Robbe-Grillet cũng lấy lại tất cả những chủ đề lớn của văn chương hiện đại, và luôn cả những chủ đề nhỏ nữa: ông sử dụng toàn kho vũ khí của truyện trinh thám và tiểu thuyết phiêu lưu. Do vậy khi phê bình Những cục tẩy (Les Gommes) người ta đã kể Simenon và Camus, Graham Greene và Kafka. Sao không?

Chúng ta thảy đã mơ ước viết được một cuốn truyện trinh thám không giống ai: kẻ bị ám sát sẽ là đứa giết người, hay nhà thám tử chính là người gây tội ác. Thế nhưng, với Robbe-Grillet nó còn phải là một cái gì khác hơn một cuốn truyện trinh thám. Và điều ấy là cái thực được đặt thành vấn đề ở đây.

Một người đàn ông bị bắn và được coi như đã chết: người này nghĩ tốt nhất nên lánh mặt, vì e sẽ bị sát hại lần nữa. Một cuộc điều tra được tiến hành. Độc giả biết rõ chuyện đã xảy ra. Chỉ các nhân vật là không biết. Chúng ta chứng khiến sự giải minh một sự thật mà chúng ta biết rõ (hay tưởng vậy). Cái đáng phục là những giả thiết tuần tự được đưa ra trong cuộc điều tra rốt cuộc khiến chúng ta bị lung lay. Những nghi ngờ dồn về phía nhà thám tử, bị tình thế đè nặng. Cuốn truyện xảy ra trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ và sau hai mươi bốn tiếng đồng hồ ấy, một viên đạn mới sẽ thoát khỏi nòng súng, lần này bởi chính tay nhà thám tử bị tình nghi, và kẻ mà viên đạn kết liễu sẽ là người đàn ông đã thoát chết đêm qua. Và như thế tất cả đã rơi vào một thứ trật tự nào đó: kẻ bị tình nghi [nhà thám tử] chính là tên sát nhân, kẻ bị ám sát đã chết thật. (Chính lúc giết người xong Wallace [nhà thám tử] mới phát hiện rằng Daniel Dupont [kẻ bị ám sát hôm trước] thật ra chưa chết!) Tất cả đã xảy đến với sự đình trệ hai mươi bốn tiếng. Câu đề từ trích dẫn Socrate đã sáng tỏ: "Thời gian, trông coi mọi việc, đã cung ứng giải đáp bất kể mi."

Đừng cho rằng sự ngẫu nhiên có dự phần ở đây. Tác giả đã dành hết mọi cố gắng vào việc làm cho tất cả trở nên thiết yếu và không thể tránh né trong câu chuyện của ông, và nó chỉ trở thành khó tin khi ta nhìn lui.

Các nhà văn đương đại đã tra khảo sự thật khá nhiều. Đáng kể nhất là Pirandello.[2] Thế nhưng, tin rằng sự thật hiện hữu ở bên ngoài những chứng cớ của con người, chưa có người nào đã nghĩ vậy. Ông Alain Robbe-Grillet muốn chứng minh sự thật là một ý niệm giản dị, mà cái thực thì mâu thuẫn và không ngừng chuyển động. Vì thế đồ vật cũng thay đổi bên trong cuốn truyện, và cũng xin lưu ý, nếu độc giả vấp phải những chi tiết [đối nghịch] con con, thì chúng không do cẩu thả mà do sự cố ý đã được suy nghĩ kỹ lưỡng.

Tại sao cuốn truyện được gọi là Những cục tẩy? Tại vì nhà thám tử trong suốt cuộc điều tra đã ghé vào tất cả những tiệm sách của thành phố tìm mua một cục tẩy lý tưởng. Nếu như nó có thật, sự hiện hữu của nó sẽ đối chọi dự thảo cuốn sách. Hay là ông Robbe-Grillet lại muốn chơi trò biểu trưng đây?

Phần dành cho mô tả khá quan trọng. Mô tả tỉ mẩn[3] từng chi tiết một — khiến ta nghĩ đến Queneau của Le Chiendent và Les Enfants du limon — giúp vào việc áp đặt sự điên rồ của tất cả. Nếu như ông Robbe-Grillet đã không có sự ý thức về cái cụ thể đến mức ấy, tính cách trừu tượng của Những cục tẩy sẽ bớt hấp dẫn đối với chúng ta.

Giờ đây, tôi đã bảo rồi hay chưa, rằng tác giả hoàn toàn vắng bóng[4] trong cuốn truyện của ông? Tác phẩm của ông, một cuộc ám sát bị trì hoãn, thất bại rồi thành công, có thể là cái cớ cho một chiếu rọi bằng phân tâm học. Những cục tẩy là một trong những cuốn sách phong phú nhất trong mùa này.[5]

 
Tạp chí (?) Paris-Normandie, 24 tháng Tư 1953.
 
Nguồn: Dossier de presse Les Gommes et Le Voyeur d' Alain Robbe-Grillet, nxb Editions de l'IMEC và nxb 10/18, 2005.

 

 

--------------------------------

Chú thích của người dịch:

[1] Những cục tẩy là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Robbe-Grillet được nxb Minuit và nxb Club Francais du Livre in cùng lúc vào năm 1953, đoạt giải Fénéon. Cuốn truyện đầu tay của ông là Một vụ giết vua (Un Régicide) bị nhà Gallimard từ chối năm 1949. Mãi đến năm 1978 nhà Minuit mới cho ra mắt.
 
[2] Luigi Pirandello (1867-1936), nhà văn và kịch tác gia Italia, Nobel 1934. Cuốn truyện và vở kịch nổi tiếng nhất của ông là Cố Mattia Pascal (Il fu Mattia Pascal, truyện, 1904) và Sáu nhân vật tìm tác giả (Sei personaggi in cerca d'autore, kịch, 1921).
 
[3] Kỳ quan trong Les Gommes là một phần tư khoanh cà chua được Robbe-Grillet mô tả tỉ mỉ, khách quan, "tựa một bức chân dung trong truyện Balzac dù không có nhu cầu tâm lý", - nó "không có bề dày và chiều sâu", - "bề ngoài không che dấu một trái tim", "không gói ghém một hình ảnh nào khác hơn chính nó", - "không có chung điểm với cái cần mẫn tiểu công nghệ của một nhà văn tả chân", - "hủy diệt đồ vật cổ điển", - "sự mô tả tỉ mỉ chỉ lưu lại ở bề mặt của đồ vật, được nhìn lướt qua một cách đồng đều, không ưu ái phẩm chất riêng biệt nào: vậy là trái ngược với bút pháp thơ" (Roland Barthes, "Littérature objective" trong "Critique, No. 86-87, juillet-aout 1954, xem nguồn).
 
[4] Paul-André Lesort thì ngược lại cho rằng Alain Robbe-Grillet với "sự khéo tay, sự hiểu biết, và văn chương của mình", đã có mặt khắp nơi trong Les Gommes để điều khiển cái guồng máy của ông ("Combat, 9 juillet 1953", xem nguồn).
 
[5] "Tất cả những yếu tố của truyện trinh thám truyền thống hình như đã có mặt đầy đủ, tuy nhiên Les Gommes còn là một cái gì khác hẳn mà bạn cần phải đọc qua nếu muốn khám phá cái khía cạnh ấy của tiểu thuyết mới." (Tóm lược của một độc giả Pháp, đăng tải trên http://www.Amazone.fr).
 
Tựa bài này, các chữ nghiêng và trong ngoặc [...] do người dịch bổ sung. (NĐT)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021