thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hình như là “cởi quần”

 

Ồ đã 20 năm rồi đấy nhỉ. “Doi Moi” đã in sâu vào tâm trí rất nhiều người trong và ngoài nước như một dấu ấn đặc sắc của một thời đại khó lặp lại.

Xuân đã về, hoa nở khắp nơi. “Này hoa ban, một nghìn năm trước thì mày có trắng như thế không?” Đã có nhiều người đi tìm “hoa ban” bao quản gian nan sau khi Nguyễn Huy Thiệp tung ra cái câu hỏa mù nghe như có giọng bùa chú ấy. Có kẻ đi rất xa mà chẳng thấy, có người (như “núi vàng” Nguyễn Hoàng Sơn) ở Hà Nội bảo đã gặp ở Gia Lâm – ngay bên kia cầu Chương Dương – việc gì phải đi đâu xa mà tìm cho mệt. Ô, người ta đã làm gì mà phải đi tìm? Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên còn chủ sự cả tập Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp nữa, trong đó ta gặp rất nhiều tiếng nói và những tên tuổi uy thế như Hoàng Ngọc Hiến, Đặng Anh Đào, T. L. Filimonova, Greg Lockhart, Lại Nguyên Ân, Đỗ Văn Khang, Văn Tâm, Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Vy Khanh, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Đức Hiểu,... Viết về anh còn có sự góp mặt đầy tinh thần và trách nhiệm của những người xa tổ quốc như Trương Hồng Quang, Thụy Khuê hay Đoàn Cầm Thi; và cũng không thể bỏ qua tiếng nói của Dương Thu Hương. Sơ sơ như thế đã thấy đây là nhân vật gây ra nhiều hứng thú và mệt mỏi cho văn học.

Tuy mới 20 năm nhưng những năm tháng ấy khác bây giờ xa lắm. Mọi người đều đói, có nhiều nguồn tin là đã có nhiều người chết đói, chính tôi cũng đã có lúc nhịn đói một tuần (nhưng báo Văn nghệ thì bán chạy hơn bây giờ nhiều). Chiến tranh lớn đã qua đi cả thập kỷ nhưng mọi người vẫn phải nghe hàng ngày những từ ngữ đầy khí thế như từ “nắp hầm” trong mỗi bữa ăn, những đôi mắt người “mang hình viên đạn”, “kẻ thù giai cấp”, “âm mưu xâm lược”, “đời người là một khúc quân hành”, cùng những lời hứa hẹn và khích động phát hàng ngày trên loa phóng thanh rải khắp các phường xóm. 10 năm hậu chiến làm được nhiều chuyện mà trước đó hàng mấy chục năm trường không ai tưởng tượng nổi. Con người tha hóa khủng khiếp. Trộm cắp và “trấn lột” (từ này chính được phổ biến trong thời kỳ này) như rươi, người ngay sợ kẻ gian. Tất cả hầu như chỉ nghĩ đến tiền và đau khổ vì tiền, sẵn sàng vì tiền mà bất chấp mọi thứ gì liên quan đến tình người. Hàng triệu người lên thuyền di tản đi tìm cuộc sống khác. Cuộc tổng khủng hoảng về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội và con người hậu chiến đã lên đến cực điểm. Vì thế “Doi Moi” đã là chuyện không thể khác đi, có thể nói “đổi mới hay là chết”. Nghe hai tiếng “đổi mới” có vẻ hoành tráng thật thế nhưng hành động cụ thể lại thường là những việc quá cũ. “Khoán sản phẩm” trong nông nghiệp chẳng hạn. Trước đó mấy chục năm ông Kim Ngọc – một Bí thư Tỉnh ủy – đã bị ông Trường Chinh (các nhà sử học đã xác minh ông thuộc dòng dõi Trần Hưng Đạo!) kỉ luật cách chức vì thực hiện nó trước đấy. Sau khi thực hiện trở lại, nghe nói các cán bộ miền Nam đã không ngần ngại hỏi ông Trường Chinh về chuyện này thì được trả lời ngay: khi đó anh Kim Ngọc đúng, tôi sai. Và chỉ có vậy. Câu chuyện làm ta nhớ Trần Khánh Dư: “chúng ta là chim ưng, dân chúng là vịt trời; con chim ưng ăn thịt con vịt trời là lẽ thường tình.”

Ai cũng thấy rằng cái đất nước này không thể được quản lý theo kiểu cũ, kiểu “trại lính” được nữa. Nhưng ai dám nói? Lãnh tụ Nguyễn Văn Linh đã hô “đổi mới” và “cởi trói”, nữ sỹ Dư Thị Hoàn đã “cởi áo” (xin xem thêm "Hình như có người “cởi áo” trước hư không" trên Tiền Vệ), dĩ nhiên tôi muốn nói người “cởi quần” (“Giữa đám người mặc áo quần súng sính thì thằng cởi truồng có văn”) là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, với "Tướng về hưu". Hơn nữa, anh đã “cởi quần”, đã lột truồng cả một thời cuộc.

Nguyễn Huy Thiệp quan trọng đến cỡ nào? Một nhân vật hóa thân của nhà văn có nói: “Một số báo chí phương Tây như Le Monde hay Libération gọi tôi là nhà văn hiện đại lớn nhất Việt Nam. Tôi cũng không thích được gọi như thế vì gọi như thế cũng chẳng khác gì ví tôi như con ễnh ương lớn nhất giữa bầy ễnh ương!” Vậy"Tướng về hưu" đã “cởi quần” ai, đã lột truồng những gì?

Ông tướng trong truyện đã về hưu sau khi tự tay “chôn ba nghìn thằng” sau những chiến thắng oanh liệt. Ông xuất thân nông dân, cả đời sống với chiến trận, gia đình là những người lính, “ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, tình đồng đội son sắt, “súng là vợ, đạn là con”, cho đến khi nghỉ hưu về với gia đình ông đã biết chút gì đâu về những con người hậu chiến đã hình như hóa dã thú lúc nào không hay. Ông phát cho mọi thành viên “bình quân” như nhau mỗi người mấy mét vải bộ đội như một ý muốn âm thầm lập lại “trật tự kỷ cương” như thời chiến. Tất nhiên ý tưởng đó sụp đổ. Sau khi vị tướng cởi bỏ quân phục ông thấy mình hết mọi quyền uy và lạc lõng ngay tại nhà và quê hương mình giữa những cá nhân dị hợm. Thằng con đẻ yếm thế, nhu nhược trong cái khổ lụy có tên “bám váy vợ”. Quyền lực của cô vợ nằm ở đàn chó béc-giê và những nồi cám nấu bằng thai người. Những đứa cháu thờ ơ, vô cảm trước mọi chuyện đời đang diễn ra. Thằng em vợ lưu manh “mọi người đều gọi em là chó… chỉ mình chị gọi em là người”. Những nhà thơ đăng bài trên báo Văn nghệ làm việc ở nhà máy chế biên nước mắm. Những người hiền lành, tốt bụng nhất thì không dốt nát cũng dở hơi… Cái cảnh “lột truồng” xã hội sinh động nhất có thể chính là khi thằng em “chó má” khóc chị, là vợ ông tướng: “Ối chị ơi, sao chị lừa em mà đi?” Rồi con trai ông tướng tự vấn: “đến chết mà người ta cũng phải lừa nhau mới đi được. Hóa ra ngoài đồng kia rặt quân lừa đảo!” Không chốn nương thân giữa những người thân ông quay lại đơn vị cũ và chết cùng đồng đội như không thoát khỏi lời nguyền “sinh ư nghiệp, tử ư nghiệp”.

Ông tướng đã không biết tới lời Tố Hữu: Trong chiến tranh tất cả cho chiến thắng nên mọi ngón tay đều phải dồn sức mạnh cho cả bàn tay thành nắm đấm. Khi hòa bình rồi lại phải quan tâm đến từng ngón tay. Ông cũng không biết Lê Đức Thọ đã bảo Hoàng Ngọc Hiến: “Trong kháng chiến, tôi cắt tóc thế nào cũng được, nhưng bây giờ hòa bình rồi, cắt cũng phải có kiểu của nó”. Ông chắc càng đâu để ý đến ngụ ngôn của Trang Tử: kìa hãy xem đàn cá mắc cạn kia, chúng hà hơi bú mớm cho nhau từng chút nước bọt để cứu nhau mong đến khi trở về với nước, nhưng khi cá đã gặp nước bơi lội nhởn nhơ thì chúng nhìn nhau như những kẻ xa lạ. Càng là cái lẽ thường hằng “Thiên địa bất nhân sử vạn vật vi sô cẩu” mà Lão Tử đã vạch ra từ rất xưa. Loài chó rơm, sau lễ cúng tế được nâng niu trân trọng, lại trở về với cống rãnh mà thôi.

Sau một màn “cởi” ngoạn mục đưa anh lên tầm thời đại, Nguyễn Huy Thiệp đã trở thành hiện tượng quan trọng vào bậc nhất của văn học “Đổi Mới”. Sau "Tướng về hưu" là sự xuất bản một loạt những "Tâm hồn mẹ", "Huyền thoại phố phường", "Giọt máu", "Muối của rừng", "Không có vua", "Những người thợ xẻ", "Những bài học nông thôn", "Thương nhớ đồng quê", "Sang sông", "Chút thoáng Xuân Hương", "Mưa", "Nguyễn Thị Lộ", "Trương Chi",… mà truyện nào cũng đặc sắc, hình như là đủ đưa anh lên tầm quốc tế. Thế nhưng những truyện được ghi nhận sâu sắc và gây bàn cãi nhất chính là chùm truyện Con gái thủy thần, ba truyện có đề tài lịch sử "Kiếm sắc", "Vàng lửa", "Phẩm tiết" và tập truyện núi rừng Những ngọn gió Hua Tát. Nhà văn Hồ Anh Thái thích nhất Con gái thủy thần vì nó dân dã, nó ma quái, nó ám ảnh, nhưng đến phần ba thì anh lại thấy chán ngắt vì Thiệp đã cất cái giọng “nhà quê” lên mà dạy đời. Chùm truyện đề tài lịch sử gây tranh luận ầm ĩ nhất vì nhiều người không hiểu anh định nói gì, chỉ biết là đọc thấy rất lạ rất hút; rất nhiều ông bảo Thiệp bôi nhọ lịch sử, thóa mạ anh hùng hay so sánh quyền lực chính trị với nghệ thuật. Có một nhà văn hóa amateur nghe nhiều những câu như thế đã nóng tiết: “Các ông câm mẹ nó hết đi! Thực ra Thiệp muốn nói lên cái câu của các cụ: Anh hùng khí đoản, nhi nữ tình trường.” Những câu chuyện về cái đề tài này cho đến nay vẫn chưa chấm dứt. Còn rất đông người đã thích mê mẩn Những ngọn gió Hua Tát có lẽ vì cái không gian huyền thoại lãng mạn classique hơn cả classicisme của chúng. Đánh giá cả một sự nghiệp có chừng ấy không khỏi có phần sơ suất, hy vọng sẽ có những luận văn tiến sĩ văn chương bàn sâu hơn, chi tiết hơn cho thỏa lòng yêu Thiệp (và ghét Thiệp) của mọi người.

Truyện anh viết được in khắp nơi trong và ngoài nước. Anh đi nói chuyện. Anh đi nước ngoài. Anh cho đắp tượng Phật ngay giữa vườn nhà như thể một điểm níu kéo cho đức tin của mình. Không biết anh có hay rằng chính Phật cũng không ưa các loại tượng thần, cho đó là nơi cư ngụ của quỷ dữ. Ở Hà Nội cũng có một người khác đắp tượng Phật giữa một khuôn viên rộng hàng vạn mét vuông đất nội thành, đó là Nguyễn Bảo Sinh (có biệt danh Sinh “chó” – ghi danh một cái nghề khét tiếng của anh). Tượng của Nguyễn Bảo Sinh là tượng Phật Bà Quan Âm đứng ôm bình bồ liễu nhưng lại theo tỷ lệ 1/6 của Hy Lạp. Anh còn tạc cả thầy trò Đường Tăng để nêu cái ngũ đức Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín. Sau anh khiêm tốn tạc tượng mình nhỏ nhoi com-lê ca-vát sau tượng Phật Bà nhưng đứng trên quả địa cầu. Vì thế mà trong dân gian có câu vui vui:

Bảo Sinh đứng trên quả địa cầu
Sủa gâu gâu

Bảo Sinh có nhiều tài, lại hay thơ. Anh tự gọi thơ mình là “huyền thi” với “những câu thơ đi tắt đón đầu thẳng vào ý thơ mà bỏ qua mọi nhạc tính hay tu từ”. Thiệp thích thơ Sinh nên cũng hay trích “huyền thi” vào truyện của mình, lại còn mang sang đọc bên Mỹ. Nghe nói hai người rất thân nhau, và Nguyễn Huy Thiệp đã có bài giới thiệu Sinh trên báo, gọi anh là “nhà thơ dân gian”.

Nguyễn Huy Thiệp còn có công giới thiệu nhiều người viết khác đến với công chúng.

Đáng nể nhất là anh có nhiều bài viết về thi sỹ đồng quê Đồng Đức Bốn, bạn chí thiết của anh. Anh lăng-xê Bốn bằng một luận đề về thơ và nhà thơ:

Trong thơ ranh giới chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp rất khó xác định. Thơ dân chủ và... bao la đến nỗi có lần nhà văn Phạm Thị Hoài (vốn hóm hỉnh) từng mơ đến việc ra đời nước cộng hòa của các nhà thơ(!). Trong lịch sử Phật giáo đã xảy ra việc chia ra hai môn phái Bắc tông (Thần Tú) và Nam tông (Huệ Năng). Môn phái Bắc tông gọi là tiệm ngộ (giác ngộ dần dần) có phần coi trọng sự học hành kinh điển và tổ chức. Môn phái Nam tông gọi là đốn ngộ (giác ngộ tức khắc) có phần coi trọng trực giác nhiều hơn. Thực ra, hai môn phái ấy đều chung một thầy, đều thờ Phật, đều cùng mục đích hoằng dương Phật pháp. Xét về mặt nào đấy, trong thơ cũng có thể chia ra hai môn phái tiệm ngộ (trí năng)đốn ngộ (trực năng). Chế Lan Viên, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Anh Ngọc, Hoàng Trần Cương v.v... là trí năng chăng? Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Đồng Đức Bốn v.v… là trực năng chăng?

Anh có cái lý của anh, hình như là một nhà tư tưởng theo hướng Duy tâm chủ quan. Tuy nhiên, tôi lại thấy thích cái quan niệm mà anh mới phát biểu vào ngày cuối cùng của năm ngoái (xin hãy bỏ qua cái lỗi nhỏ về toán học của người viết văn):

Thú thực, tôi rất mong thơ ca tĩnh lặng. Tôi đã có lần nói về ba loại nhà thơ: loại 1 là của những người trẻ (những trai tân, gái tân), những thiên thần, số này chiếm tỷ lệ 0,1%. Loại 2 là “thi ngôn chí”: thơ nói ra cái chí của con người (chí tình, chí nghĩa, chí anh hùng...), số này chiếm tỷ lệ 0,1%. Còn lại 98% chỉ toàn là thơ nhảm nhí, thơ tuyên truyền, thơ về hưu, thơ thù tạc, thơ tán tỉnh, không ra gì, tĩnh lặng là phải, im miệng là phải.

Đầu Xuân Tân Tị 2001, anh viết về Bốn:

Đồng Đức Bốn xuất hiện trong làng thơ Việt Nam khoảng 10 năm nay, viết chừng 80 bài thơ, trong đó có tới trên dưới 15 bài thơ được khách sành văn chương xếp vào loại cực hay, tài tử vô địch! Còn lại, thực ra nhiều bài cũng chẳng ra gì.

Lại còn kết luận một câu chết người:

Tiếc cho Đồng Đức Bốn đọc không nhiều sách, không chịu học hành, đôi khi bừa bãi ngông cuồng, lại không biết viết (anh thường làm thơ trong đầu rồi đọc cho người khác chép), vốn từ vựng có lẽ chỉ ngót nghét có... 600 từ! Nếu không, chúng ta đã có một nhà thơ chân quê hạng nhất!

Xuân Quý Mùi 2003 anh lại có bài viết về Bốn, nghe đồn lần này là viết theo đơn đặt hàng nên bài viết rất có “khí”. Nhưng những bài hay nhất của anh về Bốn là vào hồi năm ngoái khi Bốn mắc bạo bệnh với những cái title thế này: "Một nhân vật hoang đường", "Một người bạn hiếm có"… với một câu hết sức ấn tượng:

Tôi có lần nói đùa rằng Đồng Đức Bốn chỉ biết có 600 từ tiếng Việt. Giải pháp tốt nhất khiến Đồng Đức Bốn thoát khỏi lưới rập ngôn từ là thả phanh nói tục, nói toạc ra thẳng thừng. Nói tục là một cách tiếp cận chân lý trắng trợn và hiệu quả nhất. Tôi chưa thấy ai nói tiếng Việt tục hay như Đồng Đức Bốn! “Mở miệng thời văng tục rầm lên”. Đồng Đức Bốn không suy nghĩ nhiều nhưng khi tia chớp bản năng vừa mới bừng lên loé sáng là anh “múc liền, bụp luôn”!

Thiệp còn viết truyện "Đưa sáo sang sông" đến hai lần để đưa Bốn vào làm nhân vật. Yêu nhau đến thế được sao? Tình bạn duo ấy cũng đã để lại cho mọi người những ý tượng lạ lẫm, đáng yêu, đáng trọng về thơ.

Nguyễn Huy Thiệp còn viết bài về một Phan Huyền Thư “khá tinh tế, đức hạnh và lịch sự” với thể thơ “tự do thật”, với “nỗi buồn day dứt khôn tả” đến mức có lúc nhà thơ “muốn cáo phó mình”.

Đó còn là Vi Thùy Linh viết bằng “tâm hồn và cơ thể”, “là một đại diện đáng kể nhất, thậm chí nguy hiểm nhất” với “kẻ tình nhân trong thơ [cô] là một tên Sở Khanh rất đáng kể, siêu phàm”, đến mức “không thể nhận ra Vi Thùy Linh là một nhà thơ tình [hay] một nhà thơ tội nghiệp luôn bị phụ tình”. Với tập thơ mới nhất của Linh, anh nhận xét: “Năm vừa qua có sự trở lại của Vi Thùy Linh với tập Đồng tử nhưng Linh giờ đây đã qua giai đoạn thiên thần rồi, không còn “thơ” nữa.”

Ngoài ra anh còn viết về nhiều nhân vật lạ lẫm khác trong thơ ca. Tất cả những bài giới thiệu ấy như những cố gắng gồng mình lên để cởi bỏ những gì cũ kỹ, nặng nề, những gông cùm của tư tưởng để mang lại những sinh khí mới của tinh thần “doi moi” do chính anh góp phần lớn tạo dựng nên. Hãy nghe chính anh tổng kết văn học Việt Nam 20 năm qua:

Từ 1986 bắt đầu công cuộc đổi mới trong xã hội ta. Trước giai đoạn này văn học chỉ có một giọng, một luồng chính thống. Nguyễn Minh Châu gọi đó là nền văn học minh họa, có lẽ cũng không chính xác... nhưng rõ ràng trước 1986 chỉ có một dòng chảy, một “tư tưởng”, chỉ có một thứ “văn học mậu dịch”.
 
1987-1990: văn học cựa quậy, bắt đầu có những thí nghiệm cách tân, xã hội chấp nhận sự đa thanh trong văn học. Các cây bút mới xuất hiện. Các “ông tướng cũ” (trong văn học) “về hưu” hoặc “ngỏm”, một thế hệ nhà văn mới hình thành.
 
Giai đoạn 1990-2000: Thế hệ nhà văn mới hình thành, khẳng định mình, trụ lại được và có thêm nhiều “đệ tử” tạo ra một dòng chảy nữa, mới (gọi là gì thì không biết nhưng tự do hơn, “trăn trở” hơn, ngày càng có ảnh hưởng lớn trong xã hội). Dòng chảy này (chưa thành trường phái) vẫn tồn tại song song với dòng văn học chính thống, dòng văn học nặng về bao cấp.
 
2000-2005: Hai dòng văn học cùng tồn tại, kích thích nhau, “cùng lý tưởng nhưng khác môn phái”. Nên phát triển cả hai dòng này trong tình thế văn học hiện nay. Xu hướng văn học “tự do” đã được thí nghiệm nhưng chưa có chỗ đứng chân vững chắc, vì quán tính của dòng văn học mậu dịch, bao cấp (dưới danh nghĩa chính thống) vẫn còn rất lớn, vẫn chiếm chỗ đứng thượng phong, chủ đạo trên văn đàn. Một mặt khác, cơ chế thị trường vẫn chưa bảo đảm đủ sự nâng đỡ vật chất để nó phát triển. 

Những luận điểm của Thiệp luôn gây hấn. Lúc nào anh cũng muốn “lột truồng” mọi bộ mặt, mọi ngụy tạo, mọi trò hề để đi thẳng vào bản chất mọi vấn đề. Kịch điểm là vụ “Hoa thủy tiên” đầu năm 2004 (Xin xem thêm bài "Mơ" trên talawas 30.6.2004). Nhưng xin hãy xem kỹ, những gì anh viết đều có sự tiếp cận chân lý đến hết mình.

Phật của Bảo Sinh thì đứng nhưng Phật của Thiệp lại ngồi, trông rõ là nhàn du tiên cảnh nơi Tây phương cực lạc. Mỗi lần ngồi viết Thiệp đều thắp trầm, cho nên người ta bảo văn anh sáng và linh là nhờ đó. Phải chăng vì thế mà anh viết nhiều câu như thánh phán, nghe như có giọng phù thủy. Xin đơn cử:

“Tin tôi đi, tình yêu là một hung thần.”
“Vợ người thì đẹp. Vợ mình lại tử tế.”
“Đàn bà rất thích những ngôi nhà có cửa sổ rộng.”
“Đàn bà là giống phản trắc, đàn ông là giống đểu cáng.”
“Làm thằng đàn ông đừng nên xấu hổ vì có con buồi.”

Nguyễn Huy Thiệp có bài viết bảo nhà văn Nguyễn Việt Hà có mỗi cái giọng “túy quyền”. Thế thì Thiệp còn phải nói là có cái giọng bùa ngải và thuốc phiện. Ta hãy đọc lại những "Mưa", "Món hạc quay", nhất là "Không khóc ở California" sẽ thấy cái luận điệu quay quắt, phiêu linh, nhạt mờ không thời gian, chỉ còn những hiệu ứng văn chương quay cuồng trong trí não người đọc.

Để kết thúc bài viết nhỏ nhẹ về một Nguyễn Huy Thiệp “cởi quần” để “đổi mới” xin được nhắc tới một thành quả văn học có tính độc sáng của người “cởi quần” mà không ai có thể quên được: anh là người đầu tiên văng cứt vào văn học Việt Nam một cách trắng trợn, hiệu quả và day dứt nhất. Từ "Trương Chi", "Phẩm tiết" cho đến "Còn mãi một tình yêu" hay "Chuyện ông Móng"…, cứt hiện lên với mọi hình thái cao quý, hiên ngang, phũ phàng, bộc trực, chân thực, phản kháng, khủng bố và đầy nhân tính của nó. Chính nhờ thế mà anh có một hỗn danh vinh dự có nhẽ còn hơn cả Huân chương Sao vàng mà hình như phải là người thấu hiểu Phật tính mới dám nhận – nhiều người gọi anh là Thiệp “cứt”.[1] Phải chăng đó chính là nền tảng cho tuyên ngôn bất hủ của anh về sáng tạo văn chương:

Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa, đấy là chí thánh.

 

21.2.2006

 

---------------
CHÚ THÍCH:
Tôi vốn rất ngại đọc những bài có nhiều chú thích nên đã không đưa vào đây một chú thích nào. Nếu bạn đọc nào có nhu cầu tìm hiểu kỹ hơn các trích dẫn tôi xin sẵn sàng cung cấp nguồn gốc của mọi tư liệu. E-mail của tôi: [email protected]

 

_________________________

[1]Có lẽ Đặng Thân muốn nói đến chữ "cứt" trong một công án Thiền: "Que cứt khô" (càn thỉ quyết, 乾 屎 橛 ).
Một tăng sĩ hỏi tổ Vân Môn: "Phật là gì?" Tổ đáp: "Que cứt khô." [Chú thích của Tiền Vệ]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021