thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Suy nghĩ về những cách cải thiện cái chết
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

RAYMOND FEDERMAN

(1928~)

 
Raymond Federman (sinh năm 1928, hiện sống tại Hoa Kỳ) là tiểu thuyết gia, kịch tác gia, nhà thơ, phê bình gia và dịch giả. Từng là giáo sư và trưởng khoa văn chương của nhiều viện đại học, tác giả của rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, và từng đoạt nhiều giải thưởng văn học lớn, Federman là một khuôn mặt quan trọng của văn chương hậu hiện đại.
 

____________________________

 

SUY NGHĨ VỀ NHỮNG CÁCH CẢI THIỆN CÁI CHẾT

 

Những nhà thống kê cho chúng ta biết [xem Sự Phiền phức của Chuyện chết, tác giả Tiêu Tùng & Trần Hòm, Nxb. Tử Vong, 1986, tr. 489][1] trong số gần năm tỉ cư dân trên Trái đất [có nghĩa con người ta — không có sổ sách nào, như chỗ chúng ta được biết, liên hệ đến dân số loài vật] có khoảng mười tám ngàn người chết mỗi phút.

Vâng, mười tám ngàn con người chấm dứt hiện hữu cùng trong một phút, gần như cùng một lúc, và trên cơ sở tiếp diễn. Những con số ấy làm cho đầu óc rối bù như một hoang mạc trừu tượng.

Một con tính chớp nhoáng trong đầu [cho dù trong trường hợp này bút và giấy hay nếu không thì một cái máy tính điện tử có thể cần để nắm được các con số không] có thể phát hiện là khoảng chừng mỗi sáu tháng một con số gần như tương đương với toàn bộ dân số trên hành tinh biến mất.

Vâng, mất tiêu, qua đời, chết — bất cứ ta nói theo cách nào, theo quan điểm của ta về chuyện chết.

Bởi lẽ nhân loại bằng kiểu này kiểu kia vẫn tìm cách tồn tại và hơn thế còn tìm cách để mình sống mãi, dù các nhà thống kê không ngừng cảnh báo chúng ta về những hiểm họa một sự gia tăng dân số đều đặn trên hành tinh này [xem Phê phán những Đột biến và Yêu cầu của việc gia tăng dân số quá mức, tác giả Thị & Văn Đa Mạng, Nxb. Bách Thần, 1994, tái bản lần thứ nhất, các trang 234-278][2] rõ ràng là một số lượng con người ngang bằng, hoặc lớn hơn tất hẳn phải ra đời mỗi phút để bảo tồn cho yếu tố nhân loại và duy trì sự thăng bằng giữa sinh và tử, từ tử cung đến tử huyệt, theo cách nói được truyền tụng.

Điều này, rõ là dứt khoát, cho ta nghĩ rằng chuyện đéo đụ, trên hành tinh này, diễn ra nhiều hơn chuyện chết chóc, nhất là do chỗ không phải mọi giao phối đều đưa đến thụ tinh và sản xuất dân số.

Thế nhưng đây không phải là điểm tranh cãi. Không, điểm tranh cãi ở đây không phải là về những con số, cũng không phải về vấn đề như thế nào tiến trình tái sản xuất con người đã bị lạm dụng và bị giảm giá một cách bừa bãi và đáng tiếc. Mối quan tâm cũng chúng ta ở đây là tình trạng thiếu những thống kê liên hệ đến các kiểu chết và các nguyên nhân chết. Bởi lẽ cho dù cái chết là một sự kiện tuyệt đối, chúng ta không vì thế mà không nên nghĩ rằng một khi ta nắm được những nguyên do chết khác nhau, có lẽ ta có thể hoàn thiện tiến trình chết.

Khá đáng phàn nàn, là nếu các nhà thống kê có ý hướng nắm những con số, thì họ lại dường như chẳng thèm nắm những cách thế. Nói thế có nghĩa là, họ đếm những người chết nhưng họ không đếm mà cũng không mô tả những kiểu chết. Vì chỉ quan tâm ghi chép những con số liên quan đến chuyện chết, ghi với ít nhiều chính xác và khách quan, các nhà thống kê đếch thèm để ý xem người ta chết như thế nào, và do đó không bao giờ cung cấp được những thông tin đúng về các kiểu và các nguyên nhân chết. Điều này quả cho thấy nền văn minh của chúng ta, may lắm, có thể cung cấp được tới mức độ nào, như Kafka từng nói, một ý niệm chết thiếu trước thiếu sau và sai lạc, là cái đòi hỏi chúng ta hoặc là phải nhắm mắt không biết hoặc là thỏa hiệp.

Nói cách khác, cái mà các nhà thống kê chưa bao giờ tính toán [dù sao cũng là theo hiểu biết của chúng ta], hay đúng ra là chưa bao giờ phân loại, chính là những nguyên do làm cho con người ra đi, qua đời, trở nên quá cố, đi tiếp, đổi thể. Có rất nhiều cách cao quí để nhìn nhận sự kiện chết. Thế nhưng do thiếu khả năng nhận ra sự lạ, các nhà thống kê không bao giờ ghi nhận những loại chết của những người rời bỏ chúng ta, những người đi theo những kẻ quá vãng, những người đối diện với ngày phán xét cuối cùng, những người hết thở, tiêu tùng, đi đến chung cuộc, ngưng hiện hữu, trở thành diệt vong, bị dập tắt, ngưng sống, không còn thuộc vào những chuyện thế gian nữa, vân vân. Đúng vậy, có rất nhiều cách người ta có thể dùng để tường trình cái chết, hoặc trực tiếp hoặc theo phép ẩn dụ, nhiều cách biểu hiện điều kiện chết phù hợp với đạo đức của ta, và ngay cả với thái độ mỹ học của ta trước nó.

Nếu chúng ta phải khởi sự theo dõi bước đi của nhiều loại chết, nói thế có nghĩa là mô tả chi tiết như thế nào những cái chết ấy đã xảy ra, thì có lẽ chúng ta sẽ có thể có khả năng làm chậm trễ tiến trình, và còn có thể làm cho nó bớt gây kinh hãi, bớt đau dớn, mặc dù tất nhiên ta không bao giờ có thể biến nó thành chuyện tránh khỏi hay đảo ngược được, bởi lẽ cái chết là một trạng thái hoàn toàn không thể thu hồi mà không cách gì ta có thể làm khác đi được. Thế nhưng quan trọng hơn nữa, với những mô tả chính xác các loại chết như thế, có lẽ chúng ta có thể cải thiện tiến trình. Đúng thế, việc này đòi hỏi nơi tập thể chúng ta một sự bùng nổ khác thường lòng thông cảm và thương cảm, những tình cảm thời buổi này hiếm có nơi chúng ta cũng như nơi những loài giòi bọ.

Rõ ràng trước mắt, là có một loại chết không thể nào biến đổi hay cải thiện, đó là chết tự nhiên. Ta không thể làm bất cứ gì khi cái hồi chung cuộc đến và bộ máy con người rơi vào tình trạng hoàn toàn hư nát và kiệt quệ. Khi đời sống đi tới chỗ hậu quả tự nhiên của nó, thì chúng ta chẳng còn xoay trở được bao nhiêu. Ta có thích nó hay không, nó có xảy ra trên giường ta hay không trong khi ngủ, kiểu chết ấy vẫn mang một nguyên lý không làm khác đi được — nó luôn luôn xảy ra đúng lúc, một nguyên lý mà ta không thể nào chứng minh là sai lầm cả về phương diện tinh thần cũng như triết học. Loại chết này chúng ta có thể gọi là kiểu chết hợp thời. Một loại khác, mặc dù nhiều người không chấp nhận được, mà ta cũng không thò tay vào sửa lại được, cho dù là tốt hơn hay xấu hơn, ấy là kiểu chết trong ân huệ của Chúa. Ở đây không thể có chuyện cải thiện bởi, do chính bản chất của nó, loại này hầu như hoàn hảo, bởi nguyên do của nó nằm ở chỗ khác.

Tuy nhiên, những loại chết khác thì chắc chắn có thể cải thiện được. Chẳng hạn, những kiểu chết do người khác gây ra. Ở đây ta có thể làm nhiều chuyện để giảm con số, và có lẽ còn có thể loại trừ toàn bộ loại này. Đơn giản là chỉ việc quan tâm ngăn ngừa và chăm nom. Quả thật, khi đối phó với với loại này, chúng ta phải phân biệt rõ giữa những cái chết do người khác gây ra một cách cố ý, và những cái chết do người khác gây ra một cách vô tình. Có thể nói là kiểu trước là không thể tránh bởi nó do ngẫu nhiên xảy ra, trong khi kiểu sau có lẽ có thể ngăn ngừa bởi nó do tai nạn mà xảy ra. Bởi lẽ như ông Tử Sĩ[3] giải thích [trang 130] trong tác phẩm có sức thuyết phục và vui nhộn Cái nhìn Thế giới về Những Ngẫu nhiên và Tai nạn Rùng rợn [Nhà xuất bản Nhà Hòm, 1982][3]: Tai nạn chỉ là một việc xảy ra, trong khi ngẫu nhiên là một việc sắp xảy ra rồi xảy ra.” [Bản dịch của tôi]. Tuy nhiên, loại chết do người khác gây ra vì tai nạn có lẽ phải được liệt kê riêng, để những người chết do một kiểu chết như thế có thể yên nghỉ mà không oán giận, thỏa mãn vì cái chết của mình đã không do cố tình.

Tương tự như thế, loại chết tự mình giáng lên đầu mình là loại, mặc dù sau này được bàn cãi nhiều, và rất được quan tâm trong những nhóm người có đầu óc phóng khoáng cũng như những nhóm thần học, còn lâu mới kiểm soát được. Nó chắc chắn có thể chịu nổi ít nhiều cải thiện.

Được nêu ra còn có những loại chết vì tai nạn, không phải gây ra bởi những người khác mà là bởi chính người chết do chính anh, ông hay cô ấy bất cẩn. Danh sách này thì vô tận. Tất nhiên, tất cả những loại này đều có thể được chia thành những loại nhỏ, như những cái chết non, những cái chết bất ngờ, những cái chết bí mật, những cái chết không tự nhiên, chết đói, chết vì bội thực, chết vì điện giật, chết đuối hay chết vì dùng thuốc quá liều lượng, và những loại chết khác thậm chí còn kỳ lạ và hấp dẫn hơn nữa. Trong tất cả các loại chết này, ta có chỗ để cải thiện, và còn có thể loại trừ toàn diện, nếu như ta có sẵn những con số thống kê để sử dụng.

Tuy nhiên, có một kiểu, đặt ra nhiều vấn đề thực sự về mặt cải thiện có thể xảy ra, và ấy là loại chết của chính chúng ta. Bởi lẽ chúng ta không biết trước hình thức nào cái chết của chúng ta sẽ chọn, trừ phi, tất nhiên, là nếu chúng ta chọn tự tử, nên chúng ta không bao giờ có thể tự đề xuất những cải thiện có thể thực hiện. Đối diện với cái chết không tránh khỏi và chắc chắn của chính chúng ta, chúng ta chỉ có thể đặt nó vào một loại mơ hồ và không định rõ, không hi vọng có thể cải thiện, bởi ta không thể cải thiện những gì ta không biết.

Có chỗ lạ là cái nền văn minh này đây của chúng ta xưa nay vẫn đo mọi thứ, đếm mọi thứ, đánh giá, cân lượng, đóng gói, phân tích, một nền văn minh tự cho là biết tất cả mọi thứ, lại đã thất bại không đưa ra được những thống kê chính xác cho những loại chết. Theo như vậy, văn minh của chúng ta đã ngăn cản mọi khả năng cải thiện có thể có trong lĩnh vực này.

Có lẽ, cũng như con số những ngôn ngữ người ta sử dụng trên hành tinh này không thể tính toán được [không ai biết chính xác có bao nhiêu thứ ngôn ngữ, tất cả những gì chúng ta biết một cách mơ hồ và cho rằng mình biết ấy là có hơn bốn ngàn thứ ngôn ngữ, và có nhiều thứ chưa được nhận diện] là chuyện lạ lùng, cũng lạ lùng như thế là những loại chết người ta không tính sổ được. Có phải điều đó có nghĩa có một mối liên kết huyền bí giữa ngôn ngữ và sự chết mà ta sẽ không bao giờ giải thích được? Bởi vì quả thật, giống như có một số nhà ngữ học từ chối nhìn nhận một số ngôn ngữ và chỉ xếp loại chúng như những tiếng địa phương, một số loại chết cũng bị bác bỏ và bị coi là vô nghĩa bởi vì chúng rơi vào những thể loại khác. Đó là trường hợp, chẳng hạn, của những loại chết huyền bí vì tra tấn, là loại thường không được biết tới bởi lẽ nó bị nhìn chỉ như một phần chia nhỏ không đáng kể của thể loại chết rộng lớn hơn là loại chết vì bạo lực. Trong quan điểm của chúng tôi, chết vì bị tra tấn xứng đáng được có một loại riêng, dù chỉ là vì ngày nay nó trở thành rất phổ biến trên hành tinh chúng ta.

Bởi vì chết là một biến cố thuần túy, một biến cố hoàn hảo, như nhà Cấu trúc học vĩ đại Michel Foucault gọi nó trong tiểu luận Theatrum Philosophicum [xem tạp chí Critique, Tập XXXVI, Số 282, 1970],[4] mọi nỗ lực suy nghĩ rằng biến cố ấy có thể cho nó một dáng vẻ phẩm chất siêu hình, nhưng không bắt buộc phải là lập luận siêu hình có thể thẳng thừng đặt ý niệm chết vào một hệ thống nhân quả, là chuyện không thể có được. Bất kể rơi vào loại nào, cái chết cũng có thể có một nguyên nhân, mà người sắp chết có thể biết hoặc không biết, nhưng nó không thể có một hậu quả, chắc chắn là không có với chính con người đã chết. Không có hậu quả cái chết. Chắc chắn thế, những người khác có thể cảm nhận hậu quả cái chết, nhưng điều ấy nằm ngoài vấn đề đề cập ở đây. Khi anh chết rồi, anh không cảm nhận gì cả. Chính trong nghĩa này mà cái chết là một biến cố thuần túy.

Như đã không ngừng được chứng minh qua lịch sử, biến cố chết có cái lô gích phức tạp riêng của nó. Bởi thế nên các nhà thống kê gặp rất nhiều khó khăn khi xếp loại cái chết. Cái chết bất chấp lô gích của con người. Nó chỉ theo đúng cái lô gích phi lý trí của chính nó, ta có thể nói như thế. Cái chết đếch quan tâm tới đời sống, đời sống của con người hay bất cứ gì. Trong nghĩa đó, bóp méo một dòng của Alfred de Vigny[5] để hỗ trợ cho giả định của chúng ta: Seule la mort est parfaite, tout le reste est imperfection.[5]

Sự kiện chết là một tình trạng hiện hữu [ấy, có lẽ ta nên nói một tình trạng phi hiện hữu, nhưng nói thế thì làm cho cái chết nghe tiêu cực quá] mà một sự khẳng định liên quan đến nó có thể hoặc là đúng hoặc là sai bởi vì chết là một biến cố thuần túy không xác minh được gì, không khẳng định được gì, không chứng tỏ được gì cả.

Dưới đây là một minh họa thích đáng về phẩm chất không khẳng định của cái chết. Chẳng hạn, khi ta bảo Federman đã chết, bất kể cái chết của hắn rơi vào loại chết nào, chúng ta đơn giản chỉ đang chỉ định một điều kiện, hay chỉ biểu hiện một ý kiến riêng hay sự tin tưởng riêng. Thế nhưng bất cứ trong trường hợp nào, cái chết của Federman cũng chỉ có thể được những người khác phát biểu, và như thế thì chẳng có nghĩa gì với hắn một khi hắn đã qua đời. Người chết không khi nào có thể phát biểu được cái chết của chính mình, hắn không bao giờ có thể nói tôi đã chết![6] Tất nhiên trừ phi là nói theo lối ẩn dụ hoặc dùng biệt ngữ thần học. Những người khác nói về chúng ta như vậy sau khi chúng ta chết đi, sau khi chúng ta trở thành biến cố thuần túy của cái chết theo một cách thế mẫu mực, khi chúng ta đổi thì, và khi không còn ở thì hiện tại, cũng không ở thì quá khứ. Khi chúng ta đã biến mất vào sự hoàn hảo.

Chúng ta không sao cưỡng khỏi trích dẫn ở đây, để hỗ trợ cho luận cứ của mình, cái dòng thơ tuyệt diệu trong Le Cimetière Marin của Paul Valéry mô tả cực kỳ súc tích biến cố thuần túy của cái chết: Le don de vivre a passé dans les fleurs![7]

Sẽ là chuyện táo bạo nếu chúng ta thử tìm cách và chuyển qua tiếng Anh một cách trung thành ý nghĩa và tính nhục dục của những từ này. Ta chỉ có thể thử cố tìm một nghĩa vụng về gần nghĩa của nó: The gift of life has become flowers![7]

Nhưng hãy trở lại đề tài của chúng ta. Sự kiện Federman không thể nói tôi đã chết. Sự kiện không có khả năng nói cái chết của mình là thể loại tối cao có thể triệt hạ tất cả các thể loại khác. Đó là thể loại tối thượng, thể loại không nói được của cái chết. Bất kể người ta chết già, chết trong lúc còn nhanh nhẹn, chết khi hãy còn cường tráng, chết trong lúc đang còn làm việc, chết non hay chết trong khi ngủ, chết trong phòng hơi độc, chết trong lúc làm tình với người yêu của mình, khi mọi chuyện đã làm xong và đã nói xong, thì đó là loại chết đã đạt đến sự toàn thiện bởi người ta không còn nói về nó được nữa.

Ngôn ngữ biến mất trong cái chết, và cái chết biến mất trong im lặng. Hay là, chính cái chết biến mất trong ngôn ngữ, và ngôn ngữ thì biến mất trong im lặng?

 

Tháng Ba 2000

 

-------------------
Dịch từ nguyên tác "Reflections On Ways to Improve Death" của Raymond Federman.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

Đoản văn trên có mấy chỗ tác giả Raymond Federman “hư cấu” các tên sách, tên tác giả, và tên nhà xuất bản, cụ thể như ở các chú thích [1], [2][3] dưới đây:

[1]Nguyên tác: [see The Inconvenience of Mortality, by Morton Passaway & Gerald Coffin, The Amigone Press, 1986, p. 489].

[2]Nguyên tác: [see The Critical Contingencies & Exigencies of Surpopulation, by Angel & Peter Moreheads, Pantheon Press, 1994, second edition, pp. 234-278].

[3]Nguyên tác: For as Regis Dumort explains [page 130] in his convincing and exhilarating Vue Mondiale des Coincidences et Accidents Macabres [Les Éditions des Pompes Funèbres, 1982].

[4]Michel Foucault (1926-1984) là triết gia người Pháp [tác giả Histoire de la folie à l’âge classique (1961), les Mots et les choses (1966), le Souci de soi (1984), vân vân] mà một trong những đề tài suy nghiệm khá phổ biến là cái chết.

[5]Alfred de Vigny (1797-1863) là một nhà văn, nhà thơ lãng mạn của Pháp. Câu thơ của Vigny trong La mort du loup là “Seul le silence est grand, tout le reste est faiblesse” (Chỉ có im lặng là lớn lao, toàn bộ còn lại đều là yếu đuối) đã được tác giả Federman “bóp méo” thành “Chỉ có cái chết là toàn hảo, toàn bộ còn lại đều là khiếm khuyết”.

[6]Ngoại trừ, người dịch xin có “lời bình”, trường hợp diễn viên hài Fernandel người Pháp, trong một phim xưa, đã leo lên một gác chuông nhà thờ, hình như là vào ngày Chủ nhật, vừa rung chuông vừa la lớn: je suis mort! je suis mort! (tôi chết rồi! tôi chết rồi!)?

[7]Paul Valéry (1871-1945) là nhà văn, nhà thơ Pháp. Một trong những tác phẩm được nhiều người biết đến là bài thơ dài La Jeune Parque (1917), có thể cũng là điểm khởi đầu cho những tác phẩm suy nghiệm của ông về ngôn ngữ, hội họa, âm nhạc và khoa học. Người đọc Valéry ít ai quên bài thơ dài Le Cimetière Marin gồm 24 đoạn, đoạn thứ mười lăm có dòng đã được Raymond Federman trích dẫn: Le don de vivre a passé dans les fleurs! mà ông đã khiêm nhượng “thử” tìm một nghĩa tương đương trong tiếng Anh: The gift of life has become flowers! [Có thể tham khảo bản dịch The Graveyard by the Sea của David Paul (trong Jackson Mathews, The Collected Works of Paul Valéry, Bollingen Series XVI) sau đó được đưa vào cuốn Paul Valéry — An Anthology, do James R. Lawler chọn và giới thiệu, Princeton University Press, 1977. Câu thơ đẹp của Valéry được D. Paul chuyển ngữ như sau: The gift of living has passed into flowers!]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021