thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TÔI VIẾT THẾ NÀO [V: Từ thế giới đến văn phong]
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

UMBERTO ECO

(1932~)

 

Umberto Eco — nhà văn, nhà lý thuyết văn học, nhà tư tưởng — sinh ngày 5 tháng Giêng, năm 1932, tại Alessandria, vùng Piedmont, nước Ý. Ông tốt nghiệp ngành triết học tại viện đại học Turin năm 1954. Hiện ông là giáo sư ký hiệu học tại viện đại học Bologna, đồng thời giữ vô số các chức vụ hàn lâm tại nhiều học viện trên thế giới. Từ năm 1985 đến nay, ông được trao tặng hơn 30 bằng tiến sĩ danh dự từ nhiều viện đại học, trong số đó có Paris (Sorbonne Nouvelle) (1989), Buenos Aires (1994), Santa Clara (1996), Moscow (1998), Berlin (FUB) (1998), Montréal (UQAM) (2000), Jerusalem (2002) và Siena (2002), v.v.
 
Umberto Eco là tác giả của những tuyển tập tiểu luận lừng lẫy, trong đó có những cuốn đã được dịch sang Anh văn như: Kant and the Platypus, Serendipities, Travels in Hyperreality, và How to Travel with a Salmon. Ông cũng là tác giả của những tiểu thuyết thời danh, tiêu biểu cho văn chương hư cấu hậu hiện đại như The Name of the Rose, Foucault's Pendulum, và Baudolino. Tờ New York Times nhận định rằng tác phẩm của Eco "phức tạp, khiêu khích, khôi hài và sâu sắc", và ông là "một nhà văn của sự duyên dáng và thông tuệ." Tờ Atlantic Monthly nhận định rằng "Eco kết hợp học thuật hàn lâm với sự yêu thích những nghịch thuyết và một óc khôi hài đầy khoái hoạt, đôi khi đến mức khủng khiếp." Tờ Los Angeles Times cho rằng ông là "một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại của chúng ta."
 
"Tôi viết thế nào" là một bài viết theo yêu cầu của nhà biên tập Maria Teresa Serafini cho tập tiểu luận Come si scrive un romanzo (Milan: Strumenti Bompiani, 1976). Sau khi cuốn tiểu thuyết Baudolino của Umberto Eco được xuất bản, ông bổ sung vào bài này một số chi tiết mới có liên quan đến cuốn tiểu thuyết ấy. Bài viết đã bổ sung được Martin McLaughlin dịch sang tiếng Anh và in lại trong cuốn On Literature của Umberto Eco (Orlando, Florida: Harcourt Inc., 2004).
 
Đây là một bài viết dài, gồm 11 phần, mỗi phần có tiểu đề riêng, nhằm trả lời một câu hỏi do Maria Teresa Serafini đặt ra. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng bài viết này thành 11 kỳ.

 

___________________

 

 

TỪ THẾ GIỚI ĐẾN VĂN PHONG

 

Một khi cái thế giới [của cuốn tiểu thuyết] đã được thiết kế, những câu chữ sẽ nẩy ra, và (nếu mọi sự đều tốt đẹp) chúng sẽ là những câu chữ mà cái thế giới ấy và tất cả những biến cố xảy ra trong đó đòi hỏi. Vì lý do này, văn phong trong Danh Tính của Hoa Hồng — từ đầu đến cuối — là văn phong biên niên sử của thời trung cổ: gọn, trung thành với sự kiện, ngây thơ, và đầy những điều đáng kinh ngạc, hoặc đơn điệu, tuỳ trường hợp (vì một nhà tu khiêm tốn vào thế kỷ 14 không viết giống như Gadda[1] bây giờ, cũng không nhớ nhiều điều như Proust[2]). Trong Quả Lắc của Foucault, ngược lại, nhiều giọng văn khác nhau đã phải tham dự vào cuộc chơi: thứ ngôn ngữ học thức và cổ hoá của Agliè;[3] thứ ngôn ngữ giả D'Annunzio[4] của Ardenti;[5] thứ ngôn ngữ thẳng thừng mà lại mang tính văn chương một cách mỉa mai trong những hồ sơ mật của Belbo,[6] một lối viết vừa đầy chủ tâm bộc lộ lại vừa đầy khúc mắc; cái văn phong hàng chợ rẻ tiền của Garamond;[7] và những cuộc đối thoại tiếu lâm tục tĩu của ba nhà biên tập trong những giây phút cuồng tưởng bạt mạng của họ — những kẻ có khả năng pha trộn những mẩu trích dẫn uyên bác với những từ ngữ mang nghĩa đôi của loại khẩu vị văn chương rất đáng ngờ. Nhưng lối viết mà Maria Corti[8] đã gọi là "những cú nhảy âm vực"*[9] (và tôi biết ơn bà đã chỉ ra điều này) thì lại không tuỳ thuộc vào một quyết định đơn giản về văn phong: những cú nhảy ấy đã được quyết định bởi bản chất tự nhiên của cái thế giới mà trong đó các biến cố đã diễn ra, cái thế giới của những dòng văn hoá bất tương đồng.

Thế cho nên, trong cuốn Hòn Đảo của Ngày Trước, chính bản chất tự nhiên của cái thế giới mà từ đó cuốn tiểu thuyết nẩy sinh đã quyết định không chỉ văn phong mà thậm chí cả kết cấu của đối thoại và mối xung đột triền miên giữa người kể chuyện và nhân vật, với sự tham dự sau đó của độc giả — người liên tục tham dự như một chứng nhân và một kẻ tòng phạm trong mối xung đột đó. Đúng ra, trong Quả Lắc của Foucault, câu chuyện xảy ra trong thời đại hôm nay, nên không có vấn đề phục hồi một thứ ngôn ngữ không còn hiện hành. Trong Danh Tính của Hoa Hồng, câu chuyện lại được đặt vào những thế kỷ khá xa xưa, nhưng vào thời người ta nói một ngôn ngữ khác, vì thế thứ tiếng Latin của các giáo sĩ Cơ-đốc được sử dụng thường xuyên (hoặc, theo nhận định của một số người, quá thường xuyên) trong cuốn tiểu thuyết để nhắc độc giả rằng câu chuyện đã xảy ra vào một thời xa xưa. Vì lý do này, mô thức văn phong của cuốn sách, một cách gián tiếp, là thứ tiếng La-tinh của những biên niên sử gia vào thời ấy, nhưng, một cách trực tiếp, là những bản dịch hiện đại mà chúng ta vẫn thường đọc (và, dù sao đi nữa, tôi đã cẩn thận cảnh giác độc giả rằng tôi đang chuyển soạn từ một bản dịch vào thế kỷ 19 của một cuốn biên niên sử thời trung cổ). Tuy nhiên, trong Hòn Đảo của Ngày Trước, nhân vật của tôi không thể không nói năng theo kiểu hoa hoè thời baroque, dù chính tôi không thể nói năng được như vậy, trừ khi tôi nhại lại một văn bản thời baroque mà Manzoni chê bai ngay từ đầu lúc ông sao chép nó lại trong cuốn tiểu thuyết Những Kẻ Đã Hứa Hôn.[10] Do đó tôi đã phải dựng ra một người kể chuyện, một kẻ có những lúc cảm thấy bực mình với những trò nói năng hoa hoè quá trớn của nhân vật của hắn, có những lúc lại để cho chính mình thưởng thức những trò ấy, và có những lúc khác lại sử dụng nhuần nhuyễn những trò ấy để hấp dẫn người đọc.

Như thế, ba thế giới khác nhau đã buộc tôi thực hành ba cái "exercises de style", [11] để rồi, trong lúc hành văn, chúng đã trở thành ba lối tư duy và quan sát, và tôi hầu như đã bị lôi kéo vào cuộc để chuyển dịch lại những kinh nghiệm thường nhật của chính tôi trong thời gian đó qua ba văn phong ấy.

 

[Đón xem kỳ VI: "Cuốn tiểu thuyết Baudolino, trường hợp ngoại lệ"]

 

 

--------------
Dịch từ bản Anh văn: “How I Write”, trong Umberto Eco, On Literature , trans. Martin McLaughlin (Orlando, Florida: Harcourt Inc., 2004), 316-318.

 

--------------
Chú thích của Umberto Eco:
* Maria Corti, "I giochi del Piano", trong L'Indice dei Libri del Mese 10 (1988), 14-15.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Carlo Emilio Gadda (1893-1973), tiểu thuyết gia Ý.

[2]Marcel Proust (1871-1922), tiểu thuyết gia Pháp.

[3]Agliè — nhân vật trong tiểu thuyết Quả Lắc của Foucault — là một ông lão tự cho rằng kiếp trước của mình là bá tước de Saint-Germain (một người quý tộc đa tài và có hành trạng rất kỳ bí, không rõ năm sinh, qua đời năm 1784).

[4]Gabriele D'Annunzio (1863-1938), tiểu thuyết gia, thi sĩ, kiêm kịch tác gia Ý, nổi tiếng với một văn phong huê dạng, cầu kỳ.

[5]Đại Tá Ardenti — nhân vật trong tiểu thuyết Quả Lắc của Foucault — là tác giả một cuốn sách về những điều bí ẩn của Hiệp Sĩ Thánh Chiến Công Giáo thời Trung cổ.

[6]Belbo — nhân vật trong tiểu thuyết Quả Lắc của Foucault — là biên tập viên của một nhà xuất bản, và là bạn của Casaubon (người kể chuyện). Belbo bị mất tích, và Causabon tin rằng bạn của mình đã bị bắt cóc bởi các Hiệp Sĩ Thánh Chiến Công Giáo thời Trung cổ.

[7]Garamond — nhân vật trong tiểu thuyết Quả Lắc của Foucault — là giám đốc nhà xuất bản nơi Belbo làm việc. Nhà xuất bản này là nơi nhận bản thảo cuốn sách của Đại Tá Ardenti.

[8]Maria Corti (1915-2002) là phê bình gia văn học, tiểu thuyết gia, và giáo sư của đại học Pavia. Cuốn tiểu thuyết Otranto (1962) của bà đoạt giải Premio Crotone. Năm 1990 bà được trao tặng giải thưởng Premio della Presidenza del Consiglio dei Ministri per la Letteratura.

[9]Trong âm nhạc, "những cú nhảy âm vực" là những chỗ trong giai điệu có các nốt nhạc nhảy từ âm vực này đến âm vực khác, chẳng hạn những chỗ mà một ca sĩ ở âm vực alto cần phải sử dụng giọng óc để hát những nốt cao vút thuộc âm vực soprano. Như thế, ta có thể hiểu "những cú nhảy âm vực" trong văn chương, theo cách nói của Maria Corti, là những cú nhảy vọt tuyệt diệu trong văn phong của một tác phẩm.

[10]Alessandro Manzoni (1785-1873), tiểu thuyết gia kiêm thi sĩ của Ý, nổi tiếng với tiểu thuyết I promessi sposi [Những Kẻ Đã Hứa Hôn] (1827). Trong cuốn ấy, ngay chương đầu tiên, Manzoni đã sao chép, với vẻ chê bai, một văn bản đặc trưng cho văn phong hoa mỹ rườm rà kiểu baroque của Quận Công Don Carlos de Aragón.

[11]"Exercices de style" [Những bài tập văn phong] là nhan đề một cuốn sách lừng lẫy (xuất bản năm 1947) của Raymond Queneau (1903-1976). Trong cuốn sách này, Queneau viết một truyện ngắn qua 99 văn phong khác nhau. Ấn bản đầu tiên của Exercices de style đã gây nên một sự thán phục đặc biệt trong văn giới Pháp, và nhờ đó Queneau được bầu vào Académie des Goncourt.

 

Đã đăng:
Tôi là một ví dụ khá bất thường của một người viết truyện hư cấu. Bởi tôi đã khởi sự viết truyện ngắn và tiểu thuyết trong khoảng thời gian từ tám đến mười lăm tuổi, rồi tôi ngưng, chỉ để khởi sự một lần nữa khi tôi đã đến bên lề tuổi năm mươi...
Đó là một quyết định mà suốt hơn ba mươi năm sau tôi vẫn không hề cảm thấy hối tiếc. Tôi muốn nói rằng tôi không phải là một trong những người bị số phận buộc phải viết về khoa học nhưng lúc nào tâm tư cũng cháy bỏng khát vọng viết về nghệ thuật...
... Thông thường, những nhà phỏng vấn ngây thơ thường bay lơ lửng giữa hai chủ ý mâu thuẫn nhau: một đằng, họ cho rằng một văn bản gọi là có tính sáng tạo thì phát triển hầu như chớp nhoáng trong sức nóng bí nhiệm của cơn cảm hứng xuất thần; đằng khác, họ lại cho rằng nhà văn đã theo một cuốn cẩm nang dạy nấu nướng, một bộ những quy tắc nào đó mà họ muốn thấy nhà văn tiết lộ...
Nhưng cuốn tiểu thuyết bước đi về đâu? Đây là vấn đề thứ nhì mà tôi thấy là nền tảng cho một thi pháp tự sự. Khi những nhà phỏng vấn hỏi tôi, "Ông đã viết cuốn tiểu thuyết của ông như thế nào?" tôi thường trả lời cụt ngủn: "Từ trái sang phải." Nhưng trong bài viết này tôi có đủ chỗ cho một câu trả lời phức tạp hơn...

 

Một bài viết khác của Umberto Eco:
Văn phong của bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản  (tiểu luận / nhận định) 
... nó là một văn bản đáng kinh ngạc ở chỗ nó khéo léo luân chuyển giữa giọng văn khải huyền và châm biếm, giữa những khẩu hiệu hùng hồn và những lời giải thích rõ ràng, và ngay cả đến hôm nay (nếu xã hội tư bản thật sự muốn trả thù về những cuộc nổi loạn mà mấy trang viết này đã gây ra) nó nên được đọc như một văn bản thiêng liêng cho những đại lý quảng cáo... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021