thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TÔI VIẾT THẾ NÀO [III: Tôi đã bắt đầu từ đâu?]
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

UMBERTO ECO

(1932~)

 

Umberto Eco — nhà văn, nhà lý thuyết văn học, nhà tư tưởng — sinh ngày 5 tháng Giêng, năm 1932, tại Alessandria, vùng Piedmont, nước Ý. Ông tốt nghiệp ngành triết học tại viện đại học Turin năm 1954. Hiện ông là giáo sư ký hiệu học tại viện đại học Bologna, đồng thời giữ vô số các chức vụ hàn lâm tại nhiều học viện trên thế giới. Từ năm 1985 đến nay, ông được trao tặng hơn 30 bằng tiến sĩ danh dự từ nhiều viện đại học, trong số đó có Paris (Sorbonne Nouvelle) (1989), Buenos Aires (1994), Santa Clara (1996), Moscow (1998), Berlin (FUB) (1998), Montréal (UQAM) (2000), Jerusalem (2002) và Siena (2002), v.v.
 
Umberto Eco là tác giả của những tuyển tập tiểu luận lừng lẫy, trong đó có những cuốn đã được dịch sang Anh văn như: Kant and the Platypus, Serendipities, Travels in Hyperreality, và How to Travel with a Salmon. Ông cũng là tác giả của những tiểu thuyết thời danh, tiêu biểu cho văn chương hư cấu hậu hiện đại như The Name of the Rose, Foucault's Pendulum, và Baudolino. Tờ New York Times nhận định rằng tác phẩm của Eco "phức tạp, khiêu khích, khôi hài và sâu sắc", và ông là "một nhà văn của sự duyên dáng và thông tuệ." Tờ Atlantic Monthly nhận định rằng "Eco kết hợp học thuật hàn lâm với sự yêu thích những nghịch thuyết và một óc khôi hài đầy khoái hoạt, đôi khi đến mức khủng khiếp." Tờ Los Angeles Times cho rằng ông là "một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại của chúng ta."
 
"Tôi viết thế nào" là một bài viết theo yêu cầu của nhà biên tập Maria Teresa Serafini cho tập tiểu luận Come si scrive un romanzo (Milan: Strumenti Bompiani, 1976). Sau khi cuốn tiểu thuyết Baudolino của Umberto Eco được xuất bản, ông bổ sung vào bài này một số chi tiết mới có liên quan đến cuốn tiểu thuyết ấy. Bài viết đã bổ sung được Martin McLaughlin dịch sang tiếng Anh và in lại trong cuốn On Literature của Umberto Eco (Orlando, Florida: Harcourt Inc., 2004).
 
Đây là một bài viết dài, gồm 11 phần, mỗi phần có tiểu đề riêng, nhằm trả lời một câu hỏi do Maria Teresa Serafini đặt ra. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng bài viết này thành 11 kỳ.

 

___________________

 

 

TÔI ĐÃ BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

 

Giữa tuổi bốn mươi sáu và bốn mươi tám tôi đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay, Danh Tính của Hoa Hồng. [1] Tôi không có ý định bàn về những động cơ (tôi sẽ nói thế nào, hiện sinh chăng?) đã đưa tôi đến việc viết cuốn tiểu thuyết đầu tay: có nhiều động cơ, dường như đã tích luỹ từ trước, và tôi tin duy cái sự kiện tôi cảm thấy khao khát viết một cuốn tiểu thuyết cũng đã đủ là một lực thúc đẩy.

Một trong những câu hỏi nhà biên tập của tuyển tập tiểu luận này đã đặt ra cho những nhà văn mà bà tiếp xúc là: Trong quá trình sáng tạo một văn bản, người viết đã đi qua những chặng nào? Câu hỏi vô tình hàm ý rằng việc viết văn đi qua những chặng đường khác nhau. Thông thường, những nhà phỏng vấn ngây thơ thường bay lơ lửng giữa hai chủ ý mâu thuẫn nhau: một đằng, họ cho rằng một văn bản gọi là có tính sáng tạo thì phát triển hầu như chớp nhoáng trong sức nóng bí nhiệm của cơn cảm hứng xuất thần; đằng khác, họ lại cho rằng nhà văn đã theo một cuốn cẩm nang dạy nấu nướng, một bộ những quy tắc nào đó mà họ muốn thấy nhà văn tiết lộ.

Chẳng có những bộ quy tắc nào cả, hay đúng hơn, có rất nhiều quy tắc dị biệt và uyển chuyển; và cũng chẳng có một thứ dung nham nóng bỏng nào của cảm hứng. Nhưng quả thật là có một thứ ý tưởng tiên khởi và có những chặng đường rất rõ rệt trong một tiến trình phát triển từng bước.

Ba cuốn tiểu thuyết của tôi mọc ra từ một ý tưởng chủng tử chẳng mấy khác một hình ảnh: đó là cái đã chiếm ngự tâm trí tôi và làm tôi muốn tiếp tục viết. Danh Tính của Hoa Hồng nẩy sinh trong lúc tôi đang mang một ấn tượng mạnh về hình ảnh một nhà tu bị giết trong một thư viện. Trong cuốn Những Phụ Chú về 'Danh Tính của Hoa Hồng', [2] khi tôi viết rằng "tôi muốn đánh thuốc độc một nhà tu", thì cái công thức nghịch nhĩ này được hiểu theo nghĩa đen, và nó mở đường cho một loạt những câu hỏi phái sinh về lý do tôi muốn gây ra tội ác này. Nhưng tôi đã chẳng hề muốn đánh thuốc độc một nhà tu (và thật tình chưa bao giờ làm thế); tôi bị mê hoặc bởi hình ảnh một nhà tu bị giết bằng thuốc độc trong lúc đang đọc một cuốn sách trong thư viện. Tôi không biết phải chăng tôi chịu ảnh hưởng từ thi pháp truyền thống của loại tiểu thuyết trinh thám Anh quốc, trong đó, cuộc ám sát phải xảy ra tại một nhà xứ. Có lẽ lúc ấy tôi đang theo đuổi những cảm xúc nào đó tôi đã trải qua vào năm mười sáu tuổi, trong một kỳ nghỉ ở một tu viện dòng Benedictine, nơi tôi đã đi qua những dãy hành lang vòng cung rồi bước vào một thư viện tối tăm, và tôi thấy cuốn Acta Sanctorum [Hành Trạng Các Vị Thánh] mở ra trên một bục giảng, và nhờ đó tôi mới biết không chỉ có một vị Chân Phước Umberto với lễ kỷ niệm vào ngày 4 tháng Ba, như tôi đã tưởng thế, mà cón có một vị Thánh Umberto, một giáo hoàng, lễ kỷ niệm vào ngày 6 tháng Chín, và ông là người đã cải huấn một con sư tử trong rừng. Nhưng người ta có thể thấy rằng ngay vào lúc ấy, trong khi tôi đang lật qua cuốn sách khổ lớn mở dọc trước mặt tôi, trong sự im lặng tối thượng, giữa những tia sáng rọi xuyên qua những khung cửa kính mờ trông như khắc những đường rãnh lên các bức tường và dừng lại ở các vòm mái chóp nhọn, tôi đã trải một khoảnh khắc xúc động mạnh mẽ.

Tôi không biết. Nhưng sự thật là hình ảnh đó — hình ảnh của một nhà tu bị ám sát lúc đang đọc sách — có lúc đã đòi hỏi tôi xây dựng một điều gì khác chung quanh nó. Những ý tưởng còn lại đã từng chút rồi từng chút nẩy sinh, để làm cho hình ảnh ấy có ý nghĩa, bao gồm cả cái quyết định đặt câu chuyện vào thời Trung Cổ. Thoạt tiên tôi nghĩ nó nên xảy ra vào thời hôm nay; rồi tôi lại quyết định rằng, bởi tôi có hiểu biết và sự yêu thích đối với thời Trung Cổ, thì việc biến nó thành bối cảnh cho câu chuyện của tôi là việc đáng làm. Tất cả những chi tiết còn lại thì tự chúng dần dần hiện ra, trong khi tôi đọc, xem tranh ảnh, giở lại những ngăn tủ nơi có một đống thẻ ghi chép về thời Trung Cổ mà tôi để dành đã hai mươi lăm năm cho những mục đích hoàn toàn khác.

Với cuốn Quả Lắc của Foucault [3] thì mọi sự lại phức tạp hơn. Tôi đã phải đi đó đây để tìm cái hình ảnh manh nha — hay, đúng hơn, hai hình ảnh manh nha, như chúng ta sẽ thấy — giống như một nhà phân tâm học dần dần rút ra cái bí mật của bệnh nhân từ những mẩu ký ức rời rạc và những mảnh chiêm bao. Trước hết, tôi chỉ cảm thấy một nỗi lo lắng: tôi đã viết một tìểu thuyết — tôi tự nhủ — cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong đời tôi, và có lẽ là cuốn cuối cùng, bởi tôi có cảm giác rằng tôi đã đem vào trong nó tất cả những điều tôi ưa thích hay thấy hấp dẫn, cùng với tất cả những điều tôi có thể nói, thậm chí một cách gián tiếp, về chính mình. Liệu còn điều gì nữa thực sự thuộc về tôi mà tôi có thể kể lại? Và có hai hình ảnh đến với trí óc tôi.

Hình ảnh đầu tiên là cái quả lắc mà tôi đã thấy lần đầu tại Paris ba mươi năm về trước, và nó đã tạo một ấn tượng to lớn trong tôi. Tôi không nói rằng tôi đã lãng quên nó suốt bao nhiêu năm ấy. Ngược lại, có một dạo vào những năm sáu mươi tôi được một người bạn là đạo diễn điện ảnh yêu cầu tôi viết một kịch bản phim. Tôi không muốn nói về việc ấy, bởi rốt cuộc cái kịch bản đã bị dùng để làm một cuốn phim tệ hại chẳng có gì dính dấp đến ý tưởng nguyên thuỷ của tôi nữa, và tôi may mắn đã làm được những việc cần làm để bảo đảm rằng tên tôi không xuất hiện bất cứ nơi nào trong cuốn phim — đó là chưa kể họ đã trả cho tôi chỉ một chút tiền còm. Nhưng trong kịch bản ấy có một cảnh xảy ra trong một hang động, giữa hang động có treo một quả lắc khổng lồ, và có một người nào đó đang bám vào nó, đung đưa vùn vụt trong bóng tối.

Hình ảnh thứ hai chiếm ngự tâm trí tôi là hình ảnh chính tôi chơi kèn trumpet trong một đám chết của những dân quân. Một câu chuyện có thật, mà, ngoài việc đem nó vào tiểu thuyết, tôi chưa bao giờ ngưng kể lại. Không phải tôi thường kể ở bất cứ nơi nào, mà chỉ luôn luôn kể trong những hoàn cảnh rất thân mật: đêm khuya, uống cốc whisky cuối cùng trong một quán rượu hiếu khách, hay trong lúc tản bộ dọc theo bờ nước, khi tôi cảm thấy một người đàn bà, ở trước mặt hay bên cạnh tôi, đang chờ đợi nghe một câu chuyện thú vị để rồi sẽ thốt lên "Thật tuyệt" và nắm lấy tay tôi. Một câu chuyện có thật mà chung quanh nó là những hoài niệm kết lại từng chùm, và là một câu chuyện tôi thấy thật đẹp đẽ.

Thế đấy, cái quả lắc và câu chuyện xảy ra trong nghĩa địa vào một buổi sáng ngập nắng. Tôi cảm thấy tôi có thể kể một câu chuyện quanh hai điều ấy. Chỉ có một vấn đề: làm cách nào để chuyển từ cái quả lắc đến chiếc kèn trumpet? Câu trả lời cho vấn đề này đã làm tôi mất tám năm trời, và đã trở thành cuốn tiểu thuyết.

Tương tự như vậy, với cuốn tiểu thuyết Hòn Đảo của Ngày Trước [4] tôi bắt đầu từ hai hình ảnh rất mạnh mẽ — hai hình ảnh ấy đã hiện ra để đáp ứng tức khắc cho câu hỏi: nếu tôi phải viết cuốn tiểu thuyết thứ ba, nó sẽ nói về điều gì? Tôi đã nói quá nhiều về những tu viện và những bảo tàng viện, tôi tự nhủ, quá nhiều, thật vậy, về những địa điểm văn hoá, do đó tôi nên thử viết về thiên nhiên. Chỉ thiên nhiên mà thôi. Và làm cách nào để tôi bị bắt buộc phải nhìn thấy chỉ thiên nhiên mà thôi? Bằng cách đặt một kẻ đắm tàu lên một hoang đảo.

Thế rồi, cùng lúc ấy, nhưng vì những lý do hoàn toàn không liên hệ, tôi đã mua một chiếc đồng hồ chỉ giờ quốc tế, có một cái vòng ở giữa xoay theo chiều ngược lại các cây kim để làm cho giờ địa phương xếp hàng với một loạt những địa danh được viết phía ngoài cái vòng. Loại đồng hồ này có một biểu hiệu chỉ đường phân ngày quốc tế. Đường phân ngày này hiện diện, như chúng ta đều biết, không phải vì lý do nào khác hơn là người làm đồng hồ đã đọc cuốn Vòng Quanh Thế Giới trong Tám Mươi Ngày, [5] nhưng nó không phải là cái mà chúng ta hằng ngày phải nghĩ đến. Điều này gây một tia chớp loé cho cảm hứng: anh chàng đắm tàu của tôi phải ở phía tây của đường phân ngày và thấy một hòn đảo ở phía đông, một hòn đảo xa cách cả về không gian lẫn thời gian. Từ chỗ đó chỉ thêm một bước ngắn nữa là đến cái quyết định rằng anh chàng này thực ra không ở trên hòn đảo mà đối diện với nó.

Từ đầu câu chuyện, như chiếc đồng hồ của tôi đã cho thấy, ngay tại điểm định mệnh này, là đảo Aleutan, và tôi không thể tìm thấy lý do chính đáng nào để đặt một người lên đảo ấy cho y làm một điều gì đó. Vậy thì y ở chỗ nào? Kẹt trên một dàn khoan dầu chăng? Hơn thế nữa, như tôi sẽ nói rõ ngay dưới đây, tôi chỉ viết về những nơi chốn tôi đã đặt chân đến, và cái ý nghĩ đi đến những địa điểm lạnh lẽo ấy để tìm một dàn khoan dầu, không thực sự làm tôi khoái trá.

Thế rồi, trong khi tiếp tục lật từng trang cuốn bản đồ thế giới, tôi đã khám phá ra rằng đường phân ngày còn đi xuyên qua quần đảo Fiji. Từ Fiji, đến Samoa, đến cụm đảo Solomon... Ở điểm này thì những hồi ức khác can dự vào, những lộ trình khác mở ra. Tôi đọc vài cuốn sách, và rồi tôi lọt vào giữa thế kỷ thứ mười bảy, thế kỷ mà những chuyến du hành thám hiểm Thái Bình Dương bắt đầu được nhiều người thực hiện. Điều này khiến tôi nhớ lại nhiều phương diện của công trình nghiên cứu cũ của tôi về văn hoá baroque. Rồi điều này đưa đến ý nghĩ rằng anh chàng đắm tàu có thể được đặt lên một chiếc thuyền bỏ hoang, một loại thuyền ma ... Và, vèo, tôi bắt tay vào việc. Từ chặng đó trở đi, tôi muốn nói, cuốn tiểu thuyết đã có thể tự bước đi trên hai bàn chân của nó.

 

[Đón xem kỳ IV: "Trước hết, xây dựng một thế giới"]

 

 

--------------
Dịch từ bản Anh văn: “How I Write”, trong Umberto Eco, On Literature , trans. Martin McLaughlin (Orlando, Florida: Harcourt Inc., 2004), 307-311.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Danh Tính của Hoa Hồng tức là tiểu thuyết Il nome della rosa của Umberto Eco (Milano: Bompiani, 1980).

[2]Những Phụ Chú về 'Danh Tính của Hoa Hồng' tức là cuốn tiểu luận Postille al nome della rosa của Umberto Eco (Milano: Bompiani, 1984), in kèm theo tiểu thuyết Il nome della rosa.

[3]Quả Lắc của Foucault tức là tiểu thuyết Pendolo di Foucault của Umberto Eco (Milano: Bompiani, 1988).

[4]Hòn Đảo của Ngày Trước tức là tiểu thuyết L'isola del giorno prima của Umberto Eco (Milano: Bompiani, 1994).

[5]Vòng Quanh Thế Giới trong Tám Mươi Ngày tức là tiểu thuyết Le tour du monde en quatre-vingt jours (1872) của Jules Verne (1828-1905).

 

Đã đăng:

Tôi là một ví dụ khá bất thường của một người viết truyện hư cấu. Bởi tôi đã khởi sự viết truyện ngắn và tiểu thuyết trong khoảng thời gian từ tám đến mười lăm tuổi, rồi tôi ngưng, chỉ để khởi sự một lần nữa khi tôi đã đến bên lề tuổi năm mươi...
 
Đó là một quyết định mà suốt hơn ba mươi năm sau tôi vẫn không hề cảm thấy hối tiếc. Tôi muốn nói rằng tôi không phải là một trong những người bị số phận buộc phải viết về khoa học nhưng lúc nào tâm tư cũng cháy bỏng khát vọng viết về nghệ thuật...

 

Một bài viết khác của Umberto Eco:

Văn phong của bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản  (tiểu luận / nhận định) 
... nó là một văn bản đáng kinh ngạc ở chỗ nó khéo léo luân chuyển giữa giọng văn khải huyền và châm biếm, giữa những khẩu hiệu hùng hồn và những lời giải thích rõ ràng, và ngay cả đến hôm nay (nếu xã hội tư bản thật sự muốn trả thù về những cuộc nổi loạn mà mấy trang viết này đã gây ra) nó nên được đọc như một văn bản thiêng liêng cho những đại lý quảng cáo... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021