thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Văn phong của bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

UMBERTO ECO

(1932~)

 

Umberto Eco — nhà văn, nhà lý thuyết văn học, nhà tư tưởng — sinh ngày 5 tháng Giêng, năm 1932, tại Alessandria, vùng Piedmont, nước Ý. Ông tốt nghiệp ngành triết học tại viện đại học Turin năm 1954. Hiện ông là giáo sư ký hiệu học tại viện đại học Bologna, đồng thời giữ vô số các chức vụ hàn lâm tại nhiều học viện trên thế giới. Từ năm 1985 đến nay, ông được trao tặng hơn 30 bằng tiến sĩ danh dự từ nhiều viện đại học, trong số đó có Paris (Sorbonne Nouvelle) (1989), Buenos Aires (1994), Santa Clara (1996), Moscow (1998), Berlin (FUB) (1998), Montréal (UQAM) (2000), Jerusalem (2002) và Siena (2002), v.v.
 
Umberto Eco là tác giả của những tuyển tập tiểu luận lừng lẫy, trong đó có những cuốn đã được dịch sang Anh văn như: Kant and the Platypus, Serendipities, Travels in Hyperreality, và How to Travel with a Salmon. Ông cũng là tác giả của những tiểu thuyết thời danh, tiêu biểu cho văn chương hư cấu hậu hiện đại, như The Name of the Rose, Foucault's Pendulum, và Baudolino. Tờ New York Times nhận định rằng tác phẩm của Eco "phức tạp, khiêu khích, khôi hài và sâu sắc", và ông là "một nhà văn của sự duyên dáng và thông tuệ." Tờ Atlantic Monthly nhận định rằng "Eco kết hợp học thuật hàn lâm với sự yêu thích những nghịch thuyết và một óc khôi hài đầy khoái hoạt, đôi khi đến mức khủng khiếp." Tờ Los Angeles Times cho rằng ông là "một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại của chúng ta."

 

___________________

 

VĂN PHONG CỦA BẢN TUYÊN NGÔN ĐẢNG CỘNG SẢN

 

Thật khó tưởng tượng rằng một vài trang viết kha khá lại có thể một mình một ngựa thay đổi thế giới. Rốt cuộc thì toàn bộ tác phẩm của Dante cũng không đủ để khôi phục một Đế Chế La-mã Thần Thánh cho nhà nước-đô thị Ý. Nhưng, để tưởng niệm bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản của năm 1848, một văn bản chắc chắn đã gây nên một ảnh hưởng lớn trên lịch sử của hai thế kỷ, tôi tin rằng ta phải đọc nó lại một lần nữa để quan sát phẩm chất văn chương của nó, hay tối thiểu — ngay cả nếu người ta không đọc nó qua nguyên tác Đức ngữ — để quan sát cái kỹ năng hùng biện dị thường và cái lối lập luận của nó.

Năm 1971, một cuốn sách mỏng của một tác giả người Venezuela được xuất bản: cuốn Phong cách văn chương của Marx, do Ludovico Silva viết. (Một bản dịch tiếng Ý đã được xuất bản năm 1973.) Tôi nghĩ cuốn sách này đã tuyệt bản, nhưng nó rất đáng được tái bản. Trong cuốn sách này, Silva lần dò tìm lại xem con đường học văn của Marx đã phát triển như thế nào (ít người biết rằng Marx cũng đã từng làm thơ, dù là những bài thơ thảm hại, theo như những người đã đọc thơ ông), và phân tích từng chi tiết của toàn bộ tác phẩm của Marx. Thật đáng cho ta thắc mắc, Silva chỉ dành vài câu cho bản Tuyên Ngôn, có lẽ vì nó không phải là một tác phẩm hoàn toàn do cá nhân Marx viết. Thật tiếc, bởi nó là một văn bản đáng kinh ngạc ở chỗ nó khéo léo luân chuyển giữa giọng văn khải huyền và châm biếm, giữa những khẩu hiệu hùng hồn và những lời giải thích rõ ràng, và ngay cả đến hôm nay (nếu xã hội tư bản thật sự muốn trả thù về những cuộc nổi loạn mà mấy trang viết này đã gây ra) nó nên được đọc như một văn bản thiêng liêng cho những đại lý quảng cáo.

Nó bắt đầu bằng một hồi trống rầm rộ, như bài Giao Hưởng Số Năm của Beethoven: "Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu" (và đừng quên rằng chúng ta vẫn còn gần với thời kỳ nở rộ của loại tiểu thuyết gothic kiểu tiền-Lãng Mạn và Lãng Mạn, và những bóng ma phải được xem với con mắt nghiêm túc). Tiếp theo ngay sau đó là một đoạn sử ký yếu lược của cuộc đấu tranh giai cấp từ La-mã cổ đại cho đến sự ra đời và phát triển của giai cấp tư sản, và những trang dành cho những cuộc chinh phục mà giai cấp mới mẻ, "cách mạng" này đã đạt được là những trang tạo nên một thiên hùng ca tiên khởi mà cho đến hôm nay vẫn còn giá trị, cho những người ủng hộ việc kinh doanh theo thị trường tự do. Ta thấy (tôi thực sự muốn nói "ta thấy", một cách cụ thể rõ ràng gần như xem điện ảnh) cái lực lượng bất khả cưỡng kháng này — cái lực lượng được tăng cường bởi nhu cầu tìm thị trường mới cho những hàng hoá của nó — lan toả khắp cả thế giới từ đất liền đến biển khơi (và, theo sở kiến của tôi, ở đây, anh chàng Marx Do-thái, với dáng dấp của một Đấng Cứu Thế, đang nghĩ đến đoạn mở đầu của thiên Sáng Thế Ký), lật đổ và biến cải những đất nước xa xôi bởi giá rẻ của các sản phẩm là lực lượng đại pháo của nó, cho phép nó đánh sập bất kỳ cái trường thành nào của Trung Hoa và bắt buộc ngay cả những giống người man di — những kẻ mang lòng căm thù tột độ đối với ngoại nhân — cũng phải chịu đầu hàng; nó thiết lập và phát triển những đô thị như một biểu tượng và như nền tảng cho sức mạnh của nó; và nó trở thành đa quốc gia, hoàn cầu hoá,[1] và thậm chí phát minh ra một nền văn học không còn mang tính quốc gia mà mang tính quốc tế.

Cuối khúc tụng ca này (vốn đầy sức thuyết phục và hầu như biểu lộ một lòng ngưỡng phục chân thành), đột nhiên ta lại thấy một cú giật ngược đầy kịch tính: nhà phù thuỷ phát hiện rằng ông không thể điều khiển được những sức mạnh từ dưới lòng đất mà ông đã triệu lên, kẻ chiến thắng — giai cấp tư sản — bị ngộp thở bởi chính cái nền sản xuất quá đà của mình và đành phải từ mạn sườn của mình đẻ ra kẻ đào mồ chôn chính mình — kẻ đào mồ ấy chính là giai cấp vô sản.

Đến đây thì cái lực lượng mới này bước vào sân khấu: thoạt tiên, trong giai đoạn còn manh mún và hỗn độn, nó được trui rèn trong hành động phá hoại nhà máy và rồi bị giai cấp tư sản sử dụng như những toán xung kích buộc phải chiến đấu chống lại những kẻ thù của kẻ thù của nó (giai cấp quân chủ chuyên chế, thành phần địa chủ, thành phần tiểu tư sản), cho đến khi nó dần dần thu hút được các thợ thủ công, đám tiểu thương, và các điền chủ nông dân, những thành phần trước kia là đối thủ của nó nhưng giờ đây bị biến thành những kẻ vô sản bởi bàn tay của giai cấp tư sản. Cuộc thay đổi đột ngột này biến thành cuộc đấu tranh khi công nhân tổ chức lại hàng ngũ nhờ một sức mạnh khác mà giai cấp tư sản đã khai triển để phục vụ cho lợi ích của chính nó: các phương tiện truyền thông. Ở điểm này thì bản Tuyên Ngôn nêu phương tiện hoả xa ra làm ví dụ, nhưng các tác giả cũng đang nghĩ đến các phương tiện truyền thông đại chúng mới mẻ (và ta chớ quên rằng trong cuốn Gia đình thần thánh, Marx và Engels đã có thể sử dụng thứ máy vô tuyến truyền hình của thời ấy — tức là loại tiểu thuyết đăng thành nhiều kỳ — như một mô hình của trí tưởng tượng tập thể, và họ đã phê phán cái ý thức hệ của nó bằng cách vận dụng chính cái ngôn ngữ và những tình huống đã được loại tiểu thuyết nhiều kỳ ấy phổ biến trong đại chúng).

Ở điểm này thì những người Cộng Sản bước lên khán đài. Trước khi phát biểu với một cung cách mang tính cương lĩnh rằng họ là ai và họ muốn gì, thì bản Tuyên Ngôn (trong một động thái hùng biện siêu hạng) đặt chính nó vào vị thế của giai cấp tư sản đang khiếp sợ trước những người Cộng Sản, và tung ra một vài câu hỏi kinh khủng: Có phải các anh muốn xoá bỏ quyền sở hữu? Có phải các anh muốn phụ nữ là của chung? Có phải các anh muốn triệt tiêu tôn giáo, dân tộc, gia đình?

Ở đây thì mọi sự trở nên tế nhị hơn, bởi bản Tuyên Ngôn dường như trả lời tất cả những câu hỏi ấy theo một lối trấn an, như thể để làm cho các đối thủ bớt căng thẳng — thế rồi, bất ngờ, nó nện một quả ngay vào ức của họ, và giành được những tràng vỗ tay reo hò của quần chúng vô sản... Có phải các anh muốn xoá bỏ quyền sở hữu? Tất nhiên là không. Nhưng các mối quan hệ về quyền sở hữu thì bao giờ cũng thay đổi: chứ chẳng phải cuộc Cách Mạng Pháp đã xoá bỏ quyền sở hữu theo lối phong kiến để lập ra quyền sở hữu theo lối tư sản hay sao? Có phải chúng tôi muốn xoá bỏ tài sản tư nhân? Quả là một ý tưởng điên rồ; chẳng có chút cơ may nào cho cái ý tưởng về tài sản tư nhân ấy, bởi nó là thứ tài sản của một phần mười dân số vận hành ngược chiều với chín phần mười dân số còn lại. Có phải các anh đang oán trách rằng chúng tôi muốn xoá bỏ tài sản "của các anh"? Ừ thì, đúng đấy, đó đích thị là điều chúng tôi muốn làm.

Phụ nữ là của chung ư? Thôi đi, chúng tôi ưu tiên làm cho nhẹ bớt cái vai trò của phụ nữ như những công cụ sản xuất? Các anh có thấy chúng tôi xem phụ nữ là của chung hay không? Xem phụ nữ như vật sở hữu chung là cái trò do các anh phát minh ra, bởi ngoài việc sử dụng các bà vợ của mình, các anh còn lợi dụng cả vợ của công nhân và, như một trò thể thao tối thượng, các anh còn thực hành cả cái nghệ thuật dụ dỗ vợ của đám bạn đồng đẳng. Triệt tiêu dân tộc ư? Nhưng làm sao các anh có thể tước đoạt từ giai cấp công nhân một điều gì đó mà họ chưa từng sở hữu? Ngược lại, chúng tôi muốn biến chính chúng tôi thành một dân tộc và reo mừng chiến thắng...

Và cứ thế cho đến đoạn kiệt tác của sự dè dặt, tức là câu trả lời cho vấn đề tôn giáo. Chúng ta có thể trực nhận rằng câu trả lời là "Chúng tôi muốn triệt tiêu cái tôn giáo này," nhưng văn bản không nói thế: vừa mới hé mở cái đề tài hết sức tế nhị này ra, nó lướt nhanh đi chỗ khác và để cho chúng ta tự suy luận rằng mọi cuộc cải biến đều có một cái giá của nó, nhưng để cho mọi chuyện được tốt đẹp, hãy đừng chạm đến những vấn đề quá tế nhị như thế ngay lập tức.

Thế rồi tiếp theo đó là cái phần cốt lõi nhất của chủ nghĩa, cái cương lĩnh của phong trào, sự phê bình về những kiểu chủ nghĩa xã hội khác nhau, nhưng đến chặng này thì độc giả đã bị những trang chữ trước đó làm ngây ngất đi rối. Và nếu như phần cương lĩnh quá khó hiểu, thì sẵn đây, chúng ta tìm thấy ngay một cú chích tối hậu đúng vào cái đuôi, đó là hai khẩu hiệu tuyệt diệu, dễ hiểu, dễ nhớ và mang vận mệnh (tôi thấy dường như thế) đảm nhận một tương lai phi thường: "Giai cấp công nhân không có gì để mất ngoài những xiềng xích của họ," và "Giai cấp công nhân trên toàn thế giới, hãy đoàn kết lại!"

Ngay cả không tính đến khả năng thi pháp thực sự để tạo nên những ẩn dụ đáng nhớ của nó, bản Tuyên Ngôn vẫn là một kiệt tác của nghệ thuật hùng biện chính trị (nhưng không chỉ riêng chính trị mà thôi), và nó nên được học hỏi ở nhà trường song song với cuốn Những bài công kích Catiline của Cicero và bài diễn văn của Mark Antony đọc trước thi hài của Julius Caesar trong kịch Shakespeare, đặc biệt nếu Marx thông hiểu văn hoá cổ điển, như người ta vẫn tin thế, thì hẳn có khả năng rằng chính những văn bản ấy đã nằm sẵn trong óc ông khi ông viết bản Tuyên Ngôn.

 

 

--------------
Dịch từ bản Anh văn: “On the Style of The Communist Manifesto”, trong Umberto Eco, On Literature , trans. Martin McLaughlin (Orlando, Florida: Harcourt Inc., 2004), 23-27.

 

_________________________

[1]Hiển nhiên, khi tôi viết bài này, thuật ngữ “hoàn cầu hóa” (globalization) đã sẵn có, và tôi đã không sử dụng nó một cách tình cờ. Nhưng hôm nay, khi tất cả chúng ta đã trở nên nhạy cảm với vấn đề hoàn cầu hoá, thì quả là nên quay về đọc lại những trang Tuyên Ngôn. Thật đáng cho ta phải kinh ngạc khi thấy bản Tuyên Ngôn đã chứng kiến, 150 năm trước thời của nó, sự ra đời của tiến trình hoàn cầu hóa, và những năng lực mới mà tiến trình này sẽ phóng toả. Hầu như nó gợi ý rằng tiến hoàn cầu hóa không phải là một điều ngẫu nhiên xảy ra trong tiến trình bành trướng của chủ nghĩa tư bản (chỉ vì bức tường Bá-linh đã sụp đổ và Internet đã hiện diện) mà đúng ra nó là cái dạng thức không thể tránh được mà giai cấp đang nổi lên nhất quyết theo đuổi, ngay cả cho dù lúc ấy, trong cuộc mở rộng thị trường, biện pháp thuận lợi nhất (dù cũng gây đổ máu nhiều nhất) để nó đạt được cứu cánh là việc chiếm thuộc địa. Một lần nữa, cũng nên (và điều này không chỉ là lời khuyên cho giai cấp tư sản mà cho tất cả các giai cấp) lưu ý đến lời cảnh báo rằng bất cứ một lực lượng nào chống lại bước quân hành của cuộc hoàn cầu hóa, thì ngay từ bước đầu lực lượng ấy cũng manh mún và hỗn độn, có khuynh hướng phản kỹ nghệ hoá, và có thể bị kẻ thù của nó sử dụng để chống lại chính những cuộc đấu tranh của nó.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021