thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vu vơ về việc viết văn (20): Các hình thức chính của phê bình

 

Lời tác giả:
 
1. Chữ “việc viết văn” ở đây mang nghĩa khá rộng, tương tự khái niệm “écriture” trong tiếng Pháp và “writing” trong tiếng Anh, chỉ kết quả của động thái viết như một hành vi sử dụng ngôn ngữ nói chung, chứ không hẳn chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi. Nói cách khác, với tựa đề này, tôi có thể viết linh tinh về đủ mọi thứ, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến phê bình và lý thuyết.
 
2. Một số ý trong loạt bài này được lấy lại từ những trang sách cũ tôi đã viết và đã xuất bản. “Lấy” chứ không phải “trích”. Khi “lấy” lại như thế, tôi có thể thêm bớt, sửa chữa, nên có khi chúng khác rất xa hình dạng ban đầu. Chính vì thế, tôi cảm thấy không cần phải ghi xuất xứ. Dù sao thì cũng là của mình mà.
 
3. Tôi biết là không nên nhưng tôi không thể cầm lòng để không thú nhận điều này: tôi rất thích cái tựa chung của loạt bài này. Sáu phụ âm “v” đi liền với nhau khiến đọc lên, nghe cứ nhẹ thênh thênh.
 
Quốc

 

___________________

 

CÁC HÌNH THỨC CHÍNH CỦA PHÊ BÌNH

 

Từ trước đến nay, phê bình văn học Việt Nam thường chỉ có ba hình thức chính: (a) phê bình một tác giả, (b) phê bình một tác phẩm và (c) tổng kết một giai đoạn. Cả ba hình thức ấy đều tập trung vào việc viết và người viết, do đó, trên nguyên tắc, chúng bất cập bởi vì trong sinh hoạt văn học còn có ba khía cạnh khác quan trọng không kém mà phê bình không thể bỏ qua: (a) việc đọc, (b) việc phê bình và (c) bao trùm lên tất cả, văn hoá văn chương, tức những quy ước và quy luật, những điều, một mặt, làm cho văn chương trở thành văn chương chứ không phải chỉ là một dạng truyền thông thuần tuý và đơn giản; mặt khác, làm cơ sở cho cả việc viết, việc đọc lẫn việc phê bình.

Hơn nữa, trên thực tế, ở Việt Nam, cả ba hình thức (a,b,c) đều có rất ít chất phê bình, và càng ít hơn nữa, chất văn chương. Phần lớn các bài phê bình một tác phẩm của Việt Nam thực chất là những bài điểm sách, vừa sơ sài vừa đầy cảm tính, ít khi bám vào văn bản và cũng ít khi dựa vào một tiêu chuẩn thẩm mỹ nào nhất định hoặc cùng lúc dựa vào quá nhiều tiêu chuẩn khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, một cách hoàn toàn tự phát và bất nhất. Phê bình một tác giả thường có khuynh hướng thiên về giai thoại hoặc văn học sử, chủ yếu tập trung vào cuộc đời, vào đề tài của một số tác phẩm và vào một số đặc điểm trong tư tưởng tác giả, đặc biệt trong quan hệ với biến cố chính trị và xã hội chung của một thời đại. Những bài tổng kết một giai đoạn, hoặc giới hạn trong một năm hoặc mở rộng ra mười năm, mười lăm năm, hai mươi năm, rồi hai mươi lăm năm, v.v... thường có tính chất xã hội học về văn học hơn là phê bình văn học: chúng nhắm vào văn nghệ hơn là văn học; trong văn học, chúng tập trung vào khía cạnh sinh hoạt hơn là tác phẩm; trong tác phẩm, chúng ôm đồm cả những tác phẩm biên khảo lịch sử, xã hội và hồi ký, phần lớn là những hồi ký chính trị, hơn là chỉ giới hạn trong các tác phẩm văn học; cuối cùng, đối với các tác phẩm văn học, chúng chỉ dừng lại ở việc liệt kê kèm theo một ít lời bình chú hơn là phân tích và đánh giá một cách nghiêm chỉnh.

Bởi vậy, không có gì lạ khi cả ba hình thức kể trên, mặc dù là những thể tài chủ đạo trong phê bình văn học Việt Nam, lại chỉ là những thể tài phụ trong phê bình văn học các quốc gia có trình độ phát triển cao trên thế giới. Phụ, theo ba nghĩa: một, chúng chỉ xuất hiện một cách hoạ hoằn; hai, chúng được xem như nghiêng về lãnh vực báo chí hoặc nghiên cứu văn học và giảng dạy văn học hơn là phê bình văn học; và ba, phần nhiều chúng được viết bởi giới ký giả hoặc học giả hơn là giới phê bình thực sự. Tìm cho ra được, trong danh sách tác phẩm của những nhà phê bình hàng đầu ở Tây phương trong ba bốn thập niên vừa qua, những cuốn sách phê bình về từng giai đoạn văn học hoặc những tuyển tập bao gồm nhiều bài viết khác nhau về các tác phẩm văn học cụ thể không phải là điều dễ.

Điều đó cũng có nghĩa là phê bình văn học trên thế giới từ mấy chục năm nay đã có một sự chuyển hướng rất rõ rệt. Nếu trước kia, với chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn, người ta xem tác phẩm văn học như một tấm gương phản ánh hiện thực hoặc như một nơi bộc lộ tâm tình và tư tưởng của tác giả; với Phê Bình Mới, hình thức luận và cấu trúc luận, người ta xem tác phẩm văn học như một chỉnh thể thẩm mỹ tự tại và được cấu trúc một cách chặt chẽ theo một số quy luật nhất định, thì sau này, với hậu cấu trúc luận và giải cơ cấu, quan niệm của phần đông giới phê bình đã thay đổi: họ xem cả tác phẩm lẫn tác giả đều là sản phẩm của một cái gì khác. Đã đành tác giả là kẻ tạo ra tác phẩm; tuy nhiên, đến lượt hắn, tác giả, lại được tạo ra bởi những thế lực nằm ngoài tầm kiểm soát của hắn, trong đó nổi bật nhất là hai yếu tố: tiềm thức và ngôn ngữ. Đặc biệt là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là sản phẩm của xã hội và của lịch sử; sử dụng ngôn ngữ, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải chấp nhận vô số những quy ước văn hoá gắn liền với các yếu tố từ vựng, với quy luật về cú pháp cũng như với các biện pháp tu từ của ngôn ngữ đó. Khi chúng ta cầm bút, thực chất là bao nhiêu quy ước văn hoá mai phục bên trong ngôn ngữ ấy đang viết qua tay của chúng ta.

Tìm hiểu văn học, do đó, phần nào trùng lấp lên việc tìm hiểu văn hoá. Giữa hai lãnh vực này có một số điểm tương đồng rõ rệt. Thứ nhất, cả hai đều liên hệ đến những phạm trù giá trị, đến những điển phạm (canon); thứ hai, ngay cả những giá trị và những điển phạm ấy cũng đều là những cái mã (codes), những quy ước được hình thành dần dần trong lịch sử và thay đổi theo từng góc nhìn khác nhau: cách nhìn của một người đàn ông khác cách nhìn của một người phụ nữ; cách nhìn của một tên thực dân khác cách nhìn của một người dân thuộc địa; cách nhìn của một người có "đời sống tính dục bình thường" khác cách nhìn của một người đồng tính luyến ái, v.v... Cuối cùng, với tư cách là những cái mã và những quy ước, cả văn học lẫn văn hoá đều là những hình thức diễn ngôn (discourse), những văn bản (text), ở đó, người ta có thể sử dụng một phương pháp phân tích chung. Chính vì thế, trong môi trường đại học, các môn nghiên cứu, phê bình và lý thuyết văn học thường được nhập chung với môn Văn Hoá Học (Cultural Studies); trong môi trường học thuật, lý thuyết văn học và lý thuyết văn hoá thường có một số lý thuyết gia chung, từ Mikhail Bakhtin đến Michel Foucault, từ Jacques Lacan đến Julia Kristeva, từ Jean-François Lyotard đến Marshall McLuhan, v.v...; hơn nữa, cả hai còn được nhập làm một dưới cái tên gọi suông là "lý thuyết". Chỉ là "lý thuyết" thôi. Chỉ là "theory" thôi. Theo Jonathan Culler, cái gọi là "lý thuyết" ấy có bốn đặc điểm chính: một, tính chất liên ngành; hai, tính chất phân tích và tư biện liên quan đến những vấn đề như viết lách, ngôn ngữ, ý nghĩa, chủ thể và phái tính; ba, tính chất phê phán đối với những cách nghĩ thông thường, vốn xem mọi thứ đều là "tự nhiên"; và bốn, tính chất phản tỉnh, suy nghĩ về chính sự suy nghĩ, suy nghĩ về những yếu tố làm cho văn chương cũng như mọi hình thức diễn ngôn khác trở thành có ý nghĩa, v.v...

Gắn liền với việc nghiên cứu văn hoá và gắn liền với lý thuyết theo nghĩa vừa nêu, phê bình thoát hẳn ra khỏi tình trạng thưởng ngoạn hồn nhiên thường chỉ dừng lại ở việc trầm trồ từng chữ và bắt bẻ từng câu để khai quật những quan điểm mỹ học đằng sau tác phẩm và phanh phui cái cơ sở văn hoá dẫn đến việc hình thành các quan điểm mỹ học ấy. Như vậy, tuy cũng nghiên cứu về văn hoá, nhưng nhiệm vụ của nhà phê bình khác hẳn nhiệm vụ của các nhà văn hoá. Các nhà văn hoá vốn là những kẻ nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc học, của "trình độ văn hoá" với tham vọng cao nhất là chiếm lĩnh thật nhiều kiến thức thuộc nhiều lãnh vực khoa học xã hội khác nhau, từ ngôn ngữ đến lịch sử, văn học và triết học, nghĩa là biến thành một người học trò cực kỳ xuất sắc, một sản phẩm hoàn hảo của một nền văn hoá nhất định. Các nhà phê bình thì khác. Phê bình là từ chối làm một sản phẩm thuần thành của văn hoá. Phê bình là đứng nhích ra, dù chỉ một chút, cái nền văn hoá đã tạo ra mình. Phê bình là hoài nghi, là tra vấn những gì vốn được văn hoá công nhận như những giá trị vĩnh cửu.

 

----------

Đã đăng:

Vu vơ về việc viết văn (1): Xa lộ là tử lộ

Vu vơ về việc viết văn (2): Đổi mới

Vu vơ về việc viết văn (3): Lý thuyết và cẩm nang

Vu vơ về việc viết văn (4): Lý-thuyết-phi-lý-luận

Vu vơ về việc viết văn (5): Lý-luận-phi-lịch-sử

Vu vơ về việc viết văn (6): Lý thuyết và phê bình

Vu vơ về việc viết văn (7): Lý thuyết và khủng hoảng

Vu vơ về việc viết văn (8): Tinh thần phê phán

Vu vơ về việc viết văn (9): Tính hệ thống

Vu vơ về việc viết văn (10): Cái đẹp của lý thuyết

Vu vơ về việc viết văn (11): Viết văn như đánh võ

Vu vơ về việc viết văn (12): Mùi văn

Vu vơ về việc viết văn (13): Tác phẩm như ngân hàng

Vu vơ về việc viết văn (14): Văn bản

Vu vơ về việc viết văn (15): Liên văn bản

Vu vơ về việc viết văn (16): Lập dị và thời thượng

Vu vơ về việc viết văn (17): Tài năng lớn như những kẻ phá hoại lớn

Vu vơ về việc viết văn (18): Bùi Giáng và ngôn ngữ thơ

Vu vơ về việc viết văn (19): Phê bình — dân chủ và quyền lực

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021