thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vu vơ về việc viết văn (19): Phê bình — dân chủ và quyền lực

 

Lời tác giả:
 
1. Chữ “việc viết văn” ở đây mang nghĩa khá rộng, tương tự khái niệm “écriture” trong tiếng Pháp và “writing” trong tiếng Anh, chỉ kết quả của động thái viết như một hành vi sử dụng ngôn ngữ nói chung, chứ không hẳn chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi. Nói cách khác, với tựa đề này, tôi có thể viết linh tinh về đủ mọi thứ, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến phê bình và lý thuyết.
 
2. Một số ý trong loạt bài này được lấy lại từ những trang sách cũ tôi đã viết và đã xuất bản. “Lấy” chứ không phải “trích”. Khi “lấy” lại như thế, tôi có thể thêm bớt, sửa chữa, nên có khi chúng khác rất xa hình dạng ban đầu. Chính vì thế, tôi cảm thấy không cần phải ghi xuất xứ. Dù sao thì cũng là của mình mà.
 
3. Tôi biết là không nên nhưng tôi không thể cầm lòng để không thú nhận điều này: tôi rất thích cái tựa chung của loạt bài này. Sáu phụ âm “v” đi liền với nhau khiến đọc lên, nghe cứ nhẹ thênh thênh.
 
Quốc

 

___________________

 

PHÊ BÌNH — DÂN CHỦ VÀ QUYỀN LỰC

 

Trong ngôn ngữ của nhiều quốc gia Tây phương, phê bình, criticism hay critique, xuất phát từ chữ kritikós hay krĩnein trong tiếng Hy Lạp cổ với ý nghĩa đầu tiên là chia, cắt, phân biệt; sau, được dùng nhiều trong nghiên cứu cổ văn với nghĩa hiệu đính; trong luật pháp với nghĩa là phán xét; trong y khoa với nghĩa nguy kịch; từ đó, làm phái sinh ra từ "crisis", trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, có nghĩa là khủng hoảng, trong kịch và truyện, có nghĩa là thời điểm quyết định, chuẩn bị cho những chuyển biến lớn lao. Phê bình, như vậy, là tạo nên sự nghi ngờ, sự bất ổn và sự thay đổi: không có sự nghi ngờ, sự bất ổn và sự thay đổi sẽ không thể nào có tiến bộ.

Trong tiếng Việt, ngày xưa, người ta chỉ thường dùng chữ "bình", bình thơ và bình văn. "Bình" phần nhiều có nghĩa là tán, thiên về việc khen ngợi nhiều hơn là chê bai hay đả kích. "Phê", ngược lại, thường chỉ dùng trong những trường hợp như vua quan phê vào đơn từ của dân chúng, thầy giáo phê vào bài làm của học trò, bao giờ cũng là một hành động quyền uy của người trên đối với người dưới. Chính ám ảnh về quyền uy này của chữ "phê" đã khiến Hoài Thanh, khi viết cuốn Thi nhân Việt Nam vào đầu thập niên 40, đâm ra e dè không dám nhận mình là nhà phê bình: "Bình thì cũng còn được. Nhưng phê? Sao lại phê?"

Thực ra, Hoài Thanh không thấy hết ý nghĩa cách mạng của việc sử dụng chữ phê bình trong sinh hoạt văn học: nó là sự giành giật quyền uy của người dưới đối với người trên. Xưa, chỉ có người trên mới có quyền phê bình người dưới; làm ngược lại là bất kính và phạm thượng. Nay, bất cứ ai cũng có quyền phê bình; không phải chỉ phê bình người khác mà còn phê bình cả hệ thống mỹ học gắn liền với ý thức hệ đang thống trị trong xã hội. Chính vì thế, trong hành động phê bình có hai khía cạnh nổi bật vừa đối nghịch vừa bổ sung cho nhau. Thứ nhất, bản thân nó, phê bình, vừa là điều kiện vừa là kết quả của một tiến trình dân chủ hoá. Phê bình chỉ có thể tồn tại khi người ta chấp nhận sự đối thoại, chấp nhận quyền đối thoại của người khác và quan trọng hơn cả, chấp nhận được/bị phán đoán theo một tiêu chuẩn riêng của văn học, xuất phát từ đặc trưng cơ bản của văn học. Không phải là điều dễ. Trong một sinh hoạt văn học thiếu tính chuyên nghiệp, người ta dễ có tâm lý gian lận, muốn được hưởng chế độ ưu đãi: một lãnh tụ làm thơ muốn được đánh giá vừa như một nhà thơ vừa như một lãnh tụ; ngay cả một người cầm bút bình thường cũng vẫn muốn được đánh giá theo những tiêu chuẩn kép như vậy: hoặc vừa là một người cầm bút vừa là một người lớn tuổi hoặc vừa là một người cầm bút vừa là một người có tinh thần dân tộc hay có nhiệt tình tranh đấu cho một lý tưởng cao đẹp, v.v... Với tiêu chuẩn kép như vậy, người ta có cảm tưởng một nhà thơ sẽ được cộng thêm một số điểm nếu là một vị lãnh đạo, là một anh hùng, là một kẻ từng bị tù đày, hoặc thậm chí, là một người cao niên. Từ chối việc cộng thêm điểm như vậy, nhà phê bình có thể bị xem như không có "tâm", một khái niệm khá mơ hồ để có thể bị diễn dịch thành nhiều cách khác nhau, và dù diễn dịch theo cách nào đi nữa thì nó cũng có khả năng giết chết phê bình. Bởi vậy, để phát triển phê bình nhiều khi chúng ta phải bắt đầu từ một nơi rất xa: phát triển ý thức dân chủ để người ta có thể chấp nhận cái quyền phê bình của người khác và nhìn hoạt động phê bình như một sinh hoạt trí thức lành mạnh chứ không phải là một trò lên mặt dạy dỗ hay đánh đá nhau. Không phải ngẫu nhiên mà trên thế giới, phê bình chỉ nở rộ từ đầu thế kỷ 20 và chỉ ở những nơi dân chủ được tôn trọng nhất. Thứ hai, thực chất của phê bình không phải chỉ là chuyện chữ nghĩa mà là một thứ quan hệ quyền lực. Một trong những luận điểm chính làm nền tảng cho nhiều tác phẩm khác nhau của Michel Foucault là quyền lực gắn liền với kiến thức, đồng nhất với kiến thức, có mặt trong tất cả mọi diễn ngôn của con người. Theo tôi, hình như không ở đâu quan hệ quyền lực lại thể hiện rõ rệt như là trong lãnh vực phê bình. Có điều, quan hệ quyền lực trong phê bình khác với quan hệ quyền lực trong chính trị: trong chính trị, đó là quan hệ quyền lực giữa các cá nhân với nhau và nhắm mục đích thống trị nhau; trong phê bình, đó là quan hệ quyền lực giữa ý thức thẩm mỹ này và một hay nhiều ý thức thẩm mỹ khác và mục đích chính là để kích thích sự vận động của văn học và của cả văn hoá nữa.

 

----------

Đã đăng:

Vu vơ về việc viết văn (1): Xa lộ là tử lộ

Vu vơ về việc viết văn (2): Đổi mới

Vu vơ về việc viết văn (3): Lý thuyết và cẩm nang

Vu vơ về việc viết văn (4): Lý-thuyết-phi-lý-luận

Vu vơ về việc viết văn (5): Lý-luận-phi-lịch-sử

Vu vơ về việc viết văn (6): Lý thuyết và phê bình

Vu vơ về việc viết văn (7): Lý thuyết và khủng hoảng

Vu vơ về việc viết văn (8): Tinh thần phê phán

Vu vơ về việc viết văn (9): Tính hệ thống

Vu vơ về việc viết văn (10): Cái đẹp của lý thuyết

Vu vơ về việc viết văn (11): Viết văn như đánh võ

Vu vơ về việc viết văn (12): Mùi văn

Vu vơ về việc viết văn (13): Tác phẩm như ngân hàng

Vu vơ về việc viết văn (14): Văn bản

Vu vơ về việc viết văn (15): Liên văn bản

Vu vơ về việc viết văn (16): Lập dị và thời thượng

Vu vơ về việc viết văn (17): Tài năng lớn như những kẻ phá hoại lớn

Vu vơ về việc viết văn (18): Bùi Giáng và ngôn ngữ thơ


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021