thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vu vơ về việc viết văn (9): Tính hệ thống

 

Lời tác giả:
 
1. Chữ “việc viết văn” ở đây mang nghĩa khá rộng, tương tự khái niệm “écriture” trong tiếng Pháp và “writing” trong tiếng Anh, chỉ kết quả của động thái viết như một hành vi sử dụng ngôn ngữ nói chung, chứ không hẳn chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi. Nói cách khác, với tựa đề này, tôi có thể viết linh tinh về đủ mọi thứ, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến phê bình và lý thuyết.
 
2. Một số ý trong loạt bài này được lấy lại từ những trang sách cũ tôi đã viết và đã xuất bản. “Lấy” chứ không phải “trích”. Khi “lấy” lại như thế, tôi có thể thêm bớt, sửa chữa, nên có khi chúng khác rất xa hình dạng ban đầu. Chính vì thế, tôi cảm thấy không cần phải ghi xuất xứ. Dù sao thì cũng là của mình mà.
 
3. Tôi biết là không nên nhưng tôi không thể cầm lòng để không thú nhận điều này: tôi rất thích cái tựa chung của loạt bài này. Sáu phụ âm “v” đi liền với nhau khiến đọc lên, nghe cứ nhẹ thênh thênh.
 
Quốc

 

___________________

 

TÍNH HỆ THỐNG

 

Lý thuyết nào cũng cần có tính hệ thống.

Nói đến tính hệ thống, thật ra, cũng là nói đến các mối quan hệ chặt chẽ và có thứ bậc giữa các ý tưởng và các luận điểm, giữa các ‘nguyên lý’ và các hệ luận. Những ý nghĩ rời, bộc phát tình cờ như một phản hồi tự nhiên khi chúng ta đối diện với vô số sự kiện khác nhau trong đời sống không phải là lý thuyết. Lý thuyết là cách nhìn có tham vọng bao quát toàn cảnh vấn đề và đi sâu vào ‘bản chất’ của văn học, xây dựng những tiền đề trên đó chúng ta có thể tiến hành việc đọc, việc diễn dịch và việc đánh giá các tác phẩm văn học. Trong lý thuyết, các luận điểm phải được đẩy đến tận cùng nhưng bao giờ cũng phải giữ được sự nhất quán: tất cả đều phải dựa trên một số tiền đề chung nhất. Tôi cho một trong những khuyết điểm lớn nhất trong sinh hoạt văn học nghệ thuật cũng như văn hoá nói chung của Việt Nam từ xưa đến nay là hiếm khi chúng ta dám đi đến tận cùng bất cứ điều gì. Không dám đi đến tận cùng, chúng ta không những từ chối tư cách những người lập thuyết mà còn xoá bỏ mọi cơ hội và mọi hy vọng làm cách mạng của các thế hệ kế tiếp: không ai có thể lật đổ được một cái vô hình. Nhưng muốn đi đến tận cùng, ngoài sự dũng cảm, người ta còn cần khả năng phân tích và khái quát hoá. Jonathan Culler nói đến tính phân tích như một trong những thuộc tính căn bản của lý thuyết.[1] Ðành là đúng. Tuy nhiên, theo tôi, để hình thành lý thuyết, điều kiện cần không kém, nếu không muốn nói là trước cả khả năng phân tích, chính là năng lực khái quát hoá để người ta có thể nắm bắt được những gì thuộc về ‘bản chất’, sâu kín và trừu tượng nhất. Nhờ tính chất khái quát hoá ấy, lý thuyết có độ mở và sức lan toả rất rộng: nó có thể cung cấp hoặc gợi ý cho các chuyên gia ở các lãnh vực khác một cách nhìn mới khi tiếp cận với các vấn đề thuộc lãnh vực chuyên môn của họ. Jonathan Culler gọi đó là tính chất liên ngành và khẳng định: “Tác phẩm được xem là lý thuyết phải có tác động vượt ra ngoài lãnh vực nguyên thuỷ của nó.”[2] Những lý thuyết về ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure, về phân tâm học của Sigmund Freud, về nhân chủng học của Claude Levi-Strauss, về lịch sử tính dục của Michel Foucault, về ký hiệu học của Umberto Eco, về sự thay đổi trong điều kiện tri thức của thời đại của Jean-Francois Lyotard... đã có ảnh hưởng cực kỳ sâu đậm trong lãnh vực nghiên cứu văn học. Từ thập niên 1960 về sau, càng ngày càng có nhiều người được xem là lý thuyết gia văn học mặc dù đề tài nghiên cứu của họ rất xa văn học: Không trực tiếp bàn đến văn học nhưng những khám phá và những phân tích của họ về ý nghĩa, ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử, chính trị hoặc về tâm thức con người đã làm thay đổi cách nhìn về văn học còn hơn cả những lý thuyết thuần tuý văn học truyền thống.

 

----------

Đã đăng:

Vu vơ về việc viết văn (1): Xa lộ là tử lộ

Vu vơ về việc viết văn (2): Đổi mới

Vu vơ về việc viết văn (3): Lý thuyết và cẩm nang

Vu vơ về việc viết văn (4): Lý-thuyết-phi-lý-luận

Vu vơ về việc viết văn (5): Lý-luận-phi-lịch-sử

Vu vơ về việc viết văn (6): Lý thuyết và phê bình

Vu vơ về việc viết văn (7): Lý thuyết và khủng hoảng

Vu vơ về việc viết văn (8): Tinh thần phê phán

_________________________

[1]Jonathan Culler (1997), Literary Theory, A Very Short Introduction, Oxford: Oxford University Press, tr. 14.

[2]Như trên, tr. 3.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021