thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vu vơ về việc viết văn (8): Tinh thần phê phán

 

Lời tác giả:
 
1. Chữ “việc viết văn” ở đây mang nghĩa khá rộng, tương tự khái niệm “écriture” trong tiếng Pháp và “writing” trong tiếng Anh, chỉ kết quả của động thái viết như một hành vi sử dụng ngôn ngữ nói chung, chứ không hẳn chỉ giới hạn trong phạm vi văn xuôi. Nói cách khác, với tựa đề này, tôi có thể viết linh tinh về đủ mọi thứ, từ thơ đến văn, từ sáng tác đến phê bình và lý thuyết.
 
2. Một số ý trong loạt bài này được lấy lại từ những trang sách cũ tôi đã viết và đã xuất bản. “Lấy” chứ không phải “trích”. Khi “lấy” lại như thế, tôi có thể thêm bớt, sửa chữa, nên có khi chúng khác rất xa hình dạng ban đầu. Chính vì thế, tôi cảm thấy không cần phải ghi xuất xứ. Dù sao thì cũng là của mình mà.
 
3. Tôi biết là không nên nhưng tôi không thể cầm lòng để không thú nhận điều này: tôi rất thích cái tựa chung của loạt bài này. Sáu phụ âm “v” đi liền với nhau khiến đọc lên, nghe cứ nhẹ thênh thênh.
 
Quốc

 

___________________

 

TINH THẦN PHÊ PHÁN

 

Một trong những điều kiện quan trọng nhất của lý thuyết chính là tinh thần phê phán: lý thuyết chỉ được ra đời từ, và được nuôi dưỡng bởi, tinh thần phê phán. Không phải chỉ là điều kiện, theo Jonathan Culler, tinh thần phê phán còn là một thuộc tính tất yếu của lý thuyết, bên cạnh ba thuộc tính căn bản khác: tính liên ngành, tính phân tích và tính phản tỉnh.[1] Trong ý nghĩa đó, theo tôi, lý thuyết trước hết là một hình thái của phê bình: lý thuyết nào cũng được xây dựng từ nỗ lực đả phá những quan niệm cũ kỹ, bất cập hay sai lầm trước đó. Mối quan hệ giữa lý thuyết và phê bình, do đó, là một thứ quan hệ hai chiều và thực sự biện chứng: phê bình vừa là một cách vận dụng lý thuyết nhưng đồng thời cũng vừa là tiền đề của lý thuyết; lý thuyết, cũng vậy, vừa sinh ra từ phê bình lại vừa phục vụ phê bình. Hơn nữa, cũng có thể nói lý thuyết chính là phê bình về phê bình, hoặc còn được gọi là siêu-phê hình (metacriticism): phê bình những tiền đề được dùng làm cơ sở cho hoạt động phê bình nói chung.

Riêng ở Việt Nam, nói đến nhu cầu xây dựng một hệ thống lý thuyết mới, điều cần thiết và khẩn thiết nhất là phải rèn luyện cách suy nghĩ mang tính phê phán (critical thinking) mà một trong những đối tượng cần phê phán đầu tiên chính là những quan điểm vốn được chấp nhận như những chân lý lâu đời và hiển nhiên, những tiền đề được sử dụng như chỗ dựa vững chắc cho các phán đoán của chúng ta về các hiện tượng văn học.

Tiếc thay, tinh thần phê phán lại là điều dường như chúng ta thiếu nhất.

Ðọc các bài tiểu luận do giới cầm bút Việt Nam viết, người ta dễ nhận ra một số đặc điểm: một, bị ám ảnh bởi con người hơn là vấn đề, hai, sự sùng bái đối với quyền lực và ba, dễ bị khuất phục trước tính đại chúng. Tranh luận, người ta hiếm khi phân tích một cách khách quan các luận điểm chính của đối thủ mà chỉ chăm chăm tập trung vào tính cách và các quan hệ xã hội của người ấy.[2] Ngược lại, bênh vực cho một ý kiến, thay vì phải dùng lý luận, người ta chỉ cần dẫn ra một câu tục ngữ, ca dao, một danh ngôn, hay một lời phát biểu của một vị lãnh tụ nào đó, thế là coi như xong: vấn đề đã được giải quyết và chân lý đã được sáng tỏ. Hiếm người tự đặt câu hỏi: liệu những câu tục ngữ, ca dao, danh ngôn hoặc những lời phát biểu ấy có đúng hay không? Liệu lãnh tụ của mình, bước ra ngoài lãnh vực chính trị, bàn chuyện văn học, nghệ thuật, có gì đáng tin cậy hay không? Ngay cả khi họ bàn chuyện chính trị thì một nhà chính trị lớn có nhất thiết lúc nào cũng đúng hay không? Liệu lời phát biểu của một chuyên gia, ngay cả chuyên gia hàng đầu trong một lãnh vực nào đó, có phải là toàn bộ chân lý hay không?

Nguyên tắc cơ bản của cách suy nghĩ mang tính phê phán là: không có gì có thể được xem là chân lý trước khi chúng được chứng minh là chân lý. Trong việc chứng minh ấy, người ta chỉ tin cậy vào một điều duy nhất: óc lý luận. Ðiều này có nghĩa là mọi sự suy nghĩ mang tính phê phán đều được bắt đầu bằng ba điều kiện: sự hoài nghi, sự tự tin và khát vọng tìm hiểu sự thật. Hoài nghi mọi quyền lực và tự tin ở chính năng lực tư duy của mình. Nói cách khác, hoài nghi Thượng đế và tự tin ở con người. Bất cứ lý thuyết gia nào, ở khởi thuỷ của cuộc ngao du vào thế giới lý thuyết, cũng đều, như Nietzsche, tin là “Thượng đế đã chết”. Thượng đế không chết thì người ta cũng sẽ khai tử Thượng đế để lý trí được lên ngôi, với nó, người ta đi tìm lại chân lý một cách tự do và thanh thản.

 

----------

Đã đăng:

Vu vơ về việc viết văn (1): Xa lộ là tử lộ

Vu vơ về việc viết văn (2): Đổi mới

Vu vơ về việc viết văn (3): Lý thuyết và cẩm nang

Vu vơ về việc viết văn (4): Lý-thuyết-phi-lý-luận

Vu vơ về việc viết văn (5): Lý-luận-phi-lịch-sử

Vu vơ về việc viết văn (6): Lý thuyết và phê bình

Vu vơ về việc viết văn (7): Lý thuyết và khủng hoảng

_________________________

[1]Jonathan Culler (1997), Literary Theory, A Very Short Introduction, Oxford: Oxford University Press, tr. 14-15.

[2]Hình thức nguỵ biện này thường được gọi là “ad hominem”.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021