thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái ấy, chuyện ấy... sự thật và những giới hạn

 

Áo xiêm ràng buộc lấy nhau
(Nguyễn Du)

 

Gần đây, trong đời sống và trong văn chương, cái tục (cái ấy, chuyện ấy) xuất hiện tràn lan như một môđéc thời thượng. Bàn luận về vấn đề này cũng đã có đến hàng trăm trang sách. Một vấn đề xưa cũ. Cũ như từ khi loài người đã có cái ấy, chuyện ấy. Tuy nhiên, hiểu một cách đầy đủ về cái ấy, chuyện ấy… không hề đơn giản, đôi khi rơi vào những cực đoan, lệch lạc. Bài viết này nhằm mục đích tìm ra sự thật và những giới hạn của một vấn đề nhạy cảm nhất trong mọi thời đại này.

 

Muốn hay không muốn, cái tục vẫn cứ tồn tại trong đời sống. Tạo hoá sinh ra cái ấy (của cả ông lẫn bà) như một nghịch lý: vừa được xem là của quý lại vừa bị xem là của nợ. Gọi nó là cái tục hay không tục, không phải do tạo hoá mà do chính con người. Của quý hay của nợ, tất cả đều chỉ là sản phẩm của quan niệm. Về bản thể, trước sau nó vẫn là nó, cả mấy ngàn năm nay không hề thay đổi. Có chăng là lúc cương lúc nhu theo lẽ biến dịch: “cao giả ức chi”, “hạ giả cử chi[1]

Hình như đức Giôhêva khi tạo ra loài người và vạn vật, Người không làm cái việc đặt tên mà nhường phần ấy cho con người. Adam đặt tên cho vạn vật, có lẽ cho cả cái ấy, nhưng quan niệm nó như thế nào chỉ từ sau lúc đã ăn Trái Cấm. Tôi vẫn ngờ rằng, trí tuệ chưa chắc đã giúp cho con người nhận chân sự thật mà nhiều khi còn xuyên tạc, bóp méo sự thật. Hình như Kant từng có nói: “vật tự nó”, “bất khả tri”. Danh tính, khái niệm chỉ là cái vỏ ngôn ngữ làm chệch hướng nhận thức của con người. Chuyện trong Sáng thế ký [2] chỉ là quan niệm của đạo đức Thiên Chúa. Adam, Eva ăn Trái Cấm, đoạt lấy trí tuệ và ái tình, cái ấy lần đầu tiên thực hiện chức năng vĩ đại của mình để con người thành người. Xem hành vi ấy là tội lỗi đã tạo nên sự mặc cảm hàng ngàn năm nay của nhân loại. Biết đâu, lúc ấy, nếu không có lời phán truyền của đấng tối cao, thuỷ tổ loài người chúng ta dùng cái lá vả che cái ấy không phải vì xấu hổ, tìm cách nguỵ trang cái của nợ của mình, mà, kiêu hãnh tìm cách bảo vệ gìn giữ cái của quý lần đầu tiên được phát hiện ra. Luật lệ của Thiên đình chỉ là bản sao của những nguyên tắc đạo đức nơi Trần thế.

Cũng như ở phương Đông, chủ trương diệt dục của Phật và tư tưởng khắc kỷ của Khổng - Mạnh đã ném cái lẽ sống phồn thực nhất của loài người một cách thô bạo vào lò giáo huấn. Lịch sử trí tuệ của loài người đôi khi chạy vào con đường lẩn quẩn. Một mặt, các bậc thánh hiền vẫn coi trọng vấn đề sinh: “Thiên địa nhân huân, vạn vật hoá thuần, nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh”, [3] “Thiên địa giao nhi vạn vật thông dã, thượng hạ giao nhi kỳ chí đồng dã”, [4] “Thiên địa chi đại đức viết sinh”, [5] “Sinh sinh chi vị dịch” [6] Mặt khác, lại đẩy nhân loại vào chỗ diệt: “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Trong khi đó, đứng về phương diện nhân thể học, khi thực hiện chức năng chính đáng của cái ấy, không ai cảm thấy xấu hổ về mình. Sự mặc cảm, hay xấu hổ, tôi nghĩ, chỉ dành cho những kẻ bất lực hoặc lạm dụng trong những hành vi bất chính.

Đặt lại vấn đề trên, tôi muốn nói đến sự lệch lạc trong nhận thức của con người. Trí tuệ đôi khi phát triển đến một mức nào đó, tự nó đánh mất cội nguồn của mình. Nên nhớ, cây trí tuệ không phải mọc ra ở cõi thiên đường hoang tưởng nào đó mà mọc ra ngay trên chính bộ phận sinh dục của con người và trở thành một thứ biểu tượng văn hoá.[7] Mọi tư duy về vũ trụ bắt đầu từ con người. Cái nguyên tắc lưỡng phân được dùng phổ biến trong triết học phương Tây lẫn phương Đông đều bắt đầu từ chuyện hoà hợp âm–dương, đực–cái của con người.[8] Con người tự khám phá mình trước khi tìm ra nguyên lý của vũ trụ.

Nói như thế, cũng có nghĩa là chúng ta phải xem lại các khái niệm văn hoá, thẩm mỹ. Hiện nay đã có hàng trăm các định nghĩa về văn hoá, thẩm mỹ, nhưng nhìn chung vẫn là thứ văn hoá, thẩm mỹ đã được định hình từ những kinh nghiệm trí tuệ của cả ngàn năm phong kiến. Chế độ phong kiến thống trị loài người mấy ngàn năm đã tạo ra một thói quen tuân thủ những ước lệ do nó đặt ra. Ta đã làm bao nhiêu cuộc cách mạng: cách mạng Phục Hưng, cách mạng Nhân quyền, cách mạng Nữ quyền… tưởng chừng xua tan cái bóng già nua, cằn cỗi của nó, nhưng rốt cuộc nó vẫn cứ phủ trùm trên đầu nhân loại. Văn hoá, thẩm mỹ phong kiến trở thành một thứ kinh mà những kẻ tay sai cuả nó đã biến thành một thứ vũ khí siết chặt cái vòng kim cô trên đầu những ai dám nổi loạn đặt ra một hệ tư tưởng văn hoá thẩm mỹ khác. Khái niệm văn hoá thẩm mỹ được đồng nhất với đạo đức, hiển nhiên là đạo đức phong kiến, dù nó có được biến hình hay bọc lót dưới những lớp vỏ mới. Một thói quen ai cũng dễ thấy: nói tục, văng tục là vô văn hoá, phi thẩm mỹ. Văn hoá thẩm mỹ phải là cái nho nhã, thanh cao kia! Nếu rơi vào cái lập trường hủ nho này, không khéo cả nền văn hoá dân gian và cả các cụ Nho chính cống, (như cụ Tam Nguyên Yên Đỗ chẳng hạn, người làm thơ thanh nhã nhất nhưng cũng tục nhất trong văn chương Việt Nam[9]) đều trở thành vô văn hoá tất. Trong khi, nho nhã, thanh cao chỉ là cái trật tự của đạo đức phong kiến kết tinh thành một lớp ngôn ngữ hết sức giả tạo của văn chương, đến một lúc nào đó bị mủn nát và thay thế thành một thứ ngôn ngữ khác gần với đời thường hơn. Cái vô lý nhất của các nhà ngôn ngữ học ở Việt Nam là ảnh hưởng cái căn bệnh sùng bái Nước Giời, coi từ ngữ Hán-Việt mới thực sự trang trọng. Tôi đã từng đấu khẩu với một giảng viên ngôn ngữ học về những từ ngữ chỉ cái ấy, chuyện ấy: chẳng lẽ dùng tiếng ta là dung tục, còn mượn của người Tàu lại trang trọng hơn ư? Tôi nói: không có nghĩa trang trọng hay thấp hèn khi nói đến cái ấy, chuyện ấy. Về nghĩa chiếu vật, dùng từ Hán-Việt hay thuần Việt cũng chỉ là một. Về nghĩa biểu cảm, chắc chắn dùng tiếng ta sướng hơn, bất luận trong hoàn cảnh nào: dù tức giận hay thư giãn, dù chán đời hay yêu đời, dù đau khổ hay hạnh phúc...

Tôi không đặt ra cái gọi là văn hoá tục hay mỹ học về cái tục để thách thức văn hoá, mỹ học, đạo đức, như anh Nguyễn Hưng Quốc,[10] mà chỉ thừa nhận cái tục tồn tại như một phạm trù của văn hoá, mỹ học. Không có sự đối lập giữa thanh và tục trong một cơ cấu văn hoá, thẩm mỹ chung. Ngẫm nghĩ mà xem, trong cái thanh biết đâu lại có cái tục, và trong cái tục biết đâu lại rất thanh. Khỏi phải tầm chương trích cú trong di sản văn hoá, văn học trác tuyệt của nhân loại, ai cũng thấy rõ điều ấy.

Có lẽ, phương pháp luận của vấn đề phải trở lại từ quan hệ giữa cái quầncái trong quần như cách nói của anh Nguyễn Hưng Quốc. Đây là vấn đề rất căn bản, giải quyết tận gốc cơ cấu văn hoá thẩm mỹ của loài người. Nhà văn Đức Franz Werfel xem chiếc lá vả che kín bộ phận sinh dục của Adam và Eva là “tài liệu văn hoá đầu tiên” của loài người. Đó là cách nói hay. Nhưng tôi nghĩ, nói theo cách của Gail Weiss đúng hơn. Nó là một thứ văn bản (text) ẩn mật trong đó cả một “chân trời tự sự”, “cho mọi câu chuyện mà chúng ta kể về chúng ta”.[11] Cái quần vốn là cái che đậy cái trong quần, vô cớ mà cái quần trở thành một thứ ngôn ngữ xuyên tạc sự thật của cái trong quần. Cái sự thật kỳ diệu trong sự sống của loài người được Adam và Eva vừa khám phá đã bị giấu kín trong cõi tối tăm, bí ẩn. Hình như, chính F. Engels, người kế thừa học thuyết tiến hoá của Darwin, khi nói về hôn nhân và gia đình đã cho rằng: hai phát minh vĩ đại nhất để con vượn biến thành người là hôn nhâncái quần. Nhưng ông cũng nói, đó là hai phát kiến ngu xuẩn nhất của nhân loại, bởi vì những thứ ấy đã cầm tù con người. Hiện tượng ngoại tình, phô diễn sự loã thể trong thế giới hiện đại chính là sự nổi loạn trên hành trình tìm lại cội nguồn tự do của một thời nguyên thuỷ. Tất nhiên, lịch sử bao giờ cũng vận động theo chiều hướng một đi không trở lại. Không ai muốn quay lại hoàn toàn cái thời hoang dã, chủ trương cởi quần giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng cũng không ai muốn tiêu diệt cái trong quần của mình để chỉ còn lại cái quần, trừ phi có lũ thái giám ngày xưa và đám ca sỹ đực thời nay vì lẽ mưu sinh thúc bách.

Tôi đồng ý với anh Nguyễn Hưng Quốc, giữa cái quầncái trong quần là một trận địa, nhưng không phải là sự xung đột gay gắt giữa bản năng và văn hoá. Bởi vì, giữa bản năng và văn hoá không bao giờ có sự xung đột. Văn hoá đúng nghĩa với tư cách là toàn bộ những giá trị tinh thần của nhân loại, trong nó hàm chứa cả bản năng, và ngược lại, bản năng với sự thăng hoa kỳ diệu của nó sẽ trở thành văn hoá. Khi cái trong quần đã có cái quần bọc lót, chỉ có trận địa giữa cái tôi cá nhân (individu) và con người xã hội (person) nảy sinh. Đây là trận chiến giữa cái sự thật và cái mặt nạ đạo đức. Trận địa này là cuộc chiến vô tận. Không có thế lực nào (dù là chính trị) đủ sức giương cờ và căng biểu ngữ để khoe phần thắng về mình. Khi nào cuộc chiến này đi đến chỗ bình yên, hay đúng hơn là sự hoà giải, cả cái quầncái trong quần sẽ cùng nhau đi đến đỉnh cao của văn hoá thẩm mỹ. Sự đối lập mâu thuẫn thường gặp trong đời sống chỉ là thói quen cực đoan: xem cái quần là văn hoá và cái trong quần là vô văn hoá. Trong khi, sự thật không ai xem cái quần quý hơn cái trong quần. Việc xem cái trong quần là cái bẩn thỉu chỉ là tàn dư của cái thời con người chưa biết làm vệ sinh bộ phận sinh dục. Xin lỗi, thời nay đã có kotex, softina với phong cách (style), cái tục được chắp cánh bay khắp nơi, cớ sao không được trân trọng để đi vào nghệ thuật. Những cách chửi tục lấy cái ấy, chuyện ấy văng vào mặt ai đó, không khéo lại tự hạ bệ cái của quý đã từng được tổ tiên ta tôn thờ, tín ngưỡng. Tập tục kiêng kỵ (tabu) là có thực nhưng không đồng nghĩa với việc né tránh, coi thường cái tục. Theo tôi, hãy gạt mọi thành kiến méo mó đang ngự trị trong đời sống mới có thể đi về tận cùng “bản lai diện mục” của cái ấy.[12] Cái quần chỉ là một thứ hình thức cho nội dung là cái trong quần. Đến lúc nhân loại sẽ hiểu rằng, cái quần tồn tại không nhằm mục đích tiêu diệt cái trong quần mà thực hiện nhiều chức năng: bảo vệ, gìn giữ và làm sạch đẹp cho cái trong quần. Văn hoá, thẩm mỹ chính là mối quan hệ hài hoà ấy. Những biểu hiện lệch lạc hoặc phô trương cái trong quần, hoặc chỉ tự hào về cái quần đều là sản phẩm vô văn hoá, phi thẩm mỹ.

Văn hoá, thẩm mỹ xét đến cùng là hành vi điều chỉnh mọi ứng xử của con người. Nó như bánh răng cưa nằm giữa biên giới của cái trần tục và cái thánh thiện. Những chuệch choạc thường thấy trong đời sống, hoặc tuyệt đối hoá cái này hoặc thiên lệch về cái kia, không làm cho văn hoá, thẩm mỹ tồn tại với tư cách là những giá trị tinh thần đẹp đẽ của nhân loại mà là sự huỷ diệt, tàn phá văn hoá, thẩm mỹ.

Như vậy, điều cuối cùng đặt ra là phương thức biểu hiện cái tục như thế nào. Muốn hay không muốn, loài người vẫn cứ phải đi tìm cái bí ẩn của nó. Đấy là khao khát đầy tính nhân văn. Tìm ra cõi bí ẩn của cái ấy, chuyện ấy để mang lại hạnh phúc chính đáng cho con người, hình như là lãnh địa muôn thuở của văn hoá, thẩm mỹ của nhân loại, chứ không phải là chuyện đồi phong bại tục. Tất nhiên, không phải anh cứ làm ngược cái điều Adam và Eva đã làm, vứt bỏ cái lá vả đi, là có thể hiểu nó. Ai lớn lên chẳng đã cởi quần để làm chuyện ấy, nhưng chắc gì lúc ấy ta đã hiểu đầy đủ về cái của quý của mình. Không hiếm người, nhân lúc có cuộc trao đổi về tình dục trong văn chương đã tha hồ cởi quần văng tục, nhưng rốt cuộc chỉ là trò giải trí nhất thời. Mặc quần lúc nào, cởi quần lúc nào và để làm gì mới là điều đáng nói. Văn hoá, mỹ học không từ chối cái tục, cũng chẳng chấp nhận cái thanh giả tạo mà nó đòi hỏi một phương thức biểu đạt trên tinh thần những giá trị nhân văn. Theo tôi đến lúc cần nghiêm túc trao đổi trên tinh thần học thuật chân chính mới có thể thuyết phục người đọc.

Bài viết này, thú thật, chỉ là mấy dòng suy ngẫm sơ khai. Cái đáng ghét nhất của nó là sự trịnh trọng. Nhưng lỗi không phải ở người viết. Lỗi ở cơ chế. Cái ấy thật bất thường và phức tạp, lúc cương lúc nhu đầy huyền bí. Nó là một thứ Đạo theo cách nói cổ điển hay là cái Lỗ đen theo cách nhìn của vật lý học hiện đại. Tôi đã quen với văn hoá mặc quần cổ điển nên đòi hỏi cởi quần một cách công khai thật khó khăn. Chỉ biết rằng, mặc dù cái ấy, chuyện ấy có lúc bị niêm phong, nhưng cái kho tàng bí ẩn này vẫn luôn luôn hấp dẫn các nhà văn hoá, thẩm mỹ từ xưa đến nay. Hình như, chính chiếc lá vả Adam Eva che lên cái ấy của mình, bắt đầu từ đó, cái ấy, chuyện ấy mới thực sự trở nên thú vị, hấp dẫn. Nếu không có chiếc lá vả ngày xưa hay cái quần bây giờ, cứ phơi trần nhồng nhỗng ra mà xem… Nhàm chán vô cùng!

Kết thúc bài này, tôi muốn nhắc đến câu chuyện thầy trò Đường tăng trong Tây du ký. Ông Ngô Thừa Ân khá thâm thuý khi đưa cả ông trí, ông đức, ông dục lên cõi Niết Bàn. Tôi thích cả hai câu nói thật lòng của hai nhân vật hư hỏng trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp. Một là câu nói của lão Kiền trong "Không có vua": “Làm thằng đàn ông cũng không nên xấu hổ vì có con buồi”. Hai là câu nói của tay Bường trong "Những người thợ xẻ": “Mày chẳng hiểu gì. Ai lại đi tính tuổi bướm bao giờ”. Cả buồi lẫn bướm trên cõi thế gian này đều trường sinh bất lão. Nhưng câu nói này của Ngọc trong cùng truyện mới đích thực là văn hoá: “Con người - sự cao cả hình như ở chính giới hạn của nó”. Rất dân chủ và thực tiễn, chính tay Bường, người cưỡng hiếp cái Quy đã cụ thể hoá cái giới hạn trừu tượng kia: “Đúng thế đấy! Mày có thấy con Quy bị lột truồng không? với cách quặp đùi của nó, nó hoàn toàn cao cả về mặt tinh thần”.

Giữa muốn và không muốn… tất cả rồi phải nằm trong giới hạn!

 

Ất Dậu, những ngày nóng bức

 

_________________________

[1]Kinh Dịch: càng ngỏng lên cao, càng bị đè xuống, càng bị đè xuống càng ngỏng lên cao.

[2]Kinh Thánh, Cựu ước và Tân ước, Nxb Thuận Hoá, 1995, tr.2, 3.

[3]Chu Dịch, "Hệ Từ Hạ truyện". (chú thích của Tiền Vệ)

[4]Dịch Kinh, "Thoán truyện". (chú thích của Tiền Vệ)

[5]Chu Dịch, "Hệ Từ Hạ truyện". (chú thích của Tiền Vệ)

[6]Chu Dịch, "Hệ Từ Thượng truyện". (chú thích của Tiền Vệ)

[7]Jean Chevalier, Alain Gheerbrant. Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng - Trường viết văn Nguyễn Du, 1997, tr 142.

[8]Xem thêm Tinh hoa đạo học Đông phương của Nguyễn Duy Cần, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1993. “Y đạo thông Tiên đạo” chính y thuật dưỡng sinh đã giúp con người phát hiện ra nguyên lý âm dương của vũ trụ, cái cụ thể sinh ra cái trừu tượng.

[9]Xem các câu đối tục và những bài thơ trào phúng như Đĩ Cầu Nôm, Chuyện làng Cuội… của Nguyễn Khuyến.

[10]Nguyễn Hưng Quốc, Văn hoá tục.

[11]Như trên

[12]Lục tổ Huệ Năng bảo: “Bất tư thiện, bất tư ác, chính dữ ma thời, ná cá thị minh bản lai diện mục” (đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác, chính lúc đó mới hiện rõ bản lai diện mục của mình).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021