thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Văn chương và lý thuyết mất trinh

Mấy câu thơ Bùi Giáng:

Em về giũ áo mù sa

Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay...

Sao thế nhỉ? Có ánh tà huy nào khép nép sau lớp quần phong nhuỵ vậy?

Cũng cùng một nhà thơ, cái e ấp, cái tà huy phong nhuỵ ấy cơ hồ là dáng vẻ khép nép, bỡ ngỡ của riêng một lần đầu:

Mặc người mưa Sở mây Tần

Riêng mình gìn giữ một lần đầu tiên...

Nhưng Kiều ­ như đoá trà mi tiếc nuối của Nguyễn Du ­ có được riêng mình gìn giữ thế đâu? Tiếc thay một đoá trà mi / Con ong đã tỏ đường đi lối về... Kiều vùi hoa dập liễu, Kiều chán chê mưa Sở mây Tần, những mười lăm năm trời, vậy mà, vẫn có thể ngửng đầu với Kim cái ngày hạnh ngộ: Chữ trinh còn một chút này...

Rồi người sương phụ lay lắt lửa lòng của Nguyễn Bính một đêm đông lạnh lẽo. Một bước đi thôi, một bước nữa, trong những lời thầm thủ thỉ bên con: Gái goá qua đò uổng tiết trinh. Cái sự trinh trắng ngày xưa đâu còn nữa: Màu hồ đã mất đi rồi/ Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma... “Màu hồ” đã mất, có giữ thì cũng chẳng biết giữ cái gì; bà, ví như Caesar lúc đã qua bên kia sông Rubycon, không còn sợ hãi những tiếng điều thế gian gì nữa.

Rồi Loan - Ðoạn Tuyệt - Nhất Linh. Ðêm động phòng hoa chúc nhìn Thân, người chồng mình không hề yêu, loay hoay với mảnh vải trắng trên tay mà lòng tự nhủ lấy lòng, khinh bỉ: Chỉ có sự trinh trắng của tâm hồn mới là đáng quý... Loan, như vậy, có trắng cũng chỉ là trăng trắng ở màu thể xác, còn tâm hồn, cái cho là đáng quý, đã vẩn đục mất rồi; chỉ có một Thân ngu đần và hủ lậu kia mới hí hửng với mảnh vải nhuốm màu mong đợi trong tay...

Sao mà rắc rối? Tiếc thay. Mất rồi. Uổng. Làm đầu. Tâm hồn. Thể xác. Ðáng khinh. Ðáng quý. Rồi những triết lý nhân gian: Chính chuyên chết cũng ra ma / Lẳng lơ chết cũng khiêng ra ngoài đồng; những ma chước, như một thứ cạm đời: Nước vỏ lựu, máu mào gà / Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên.

Chữ trinh, từ những chuyện đời hư thực như thế, đã nói lên cái gì đó vừa tượng trưng vừa cụ thể. Tượng trưng như những gì diễn ra trong đầu Loan đêm tân hôn, như “chút này làm ghi” của Kiều sau mười mấy năm lăn lóc. Cụ thể như mảnh vải trắng nhuốm màu mong đợi trong tay Thân sau đêm tân hôn, như cái sự thông tỏ đường đi lối về của đoá trà mi tiếc nuối, như bát nước vỏ lựu máu mào gà mượn màu chiêu tập, như cái chắt lưỡi tiếc rẻ cho một lần qua đò dang dở đời sương phụ...

Tượng trưng, nó thuộc về ý thức: Kiều bao giờ cũng nghĩ về Trọng: Vui là vui gượng ấy mà/ Ai tri âm đó mặn mà với ai; Loan bao giờ cũng hướng về Dũng, ngay cả lúc cuộn mình trong vòng tay siết chặt của Thân. Cụ thể, như cái bức màn sinh học phân biệt con gái và đàn bà. Nhớ, một nhân vật lẳng lơ của Maxim Gorki: Gái tơ mà biết ngượng / Sao trở thành đàn bà? Vượt qua bức màn ấy, cô gái trinh trắng đã trở thành một con người khác hẳn và đánh mất nét e thẹn của một lần đầu tiên; như là danh tướng Caesar: bên này bờ Rubycon, hãy còn do dự; bước qua bờ bên kia, đã là một người quyết đoán.

Tuy nhiên, trong thuở hồng hoang, ý thức về bức màn Rubycon mỏng manh ấy lại là cái gì đó khác hẳn!

Khi nhân loại còn bị nữ giới ngự trị trong tín ngưỡng phồn thực, thân xác nữ giới, với họ, đã gói ghém gần như trọn vẹn những bí ẩn của một vũ trụ vô cùng tận. Trông cứ như một thiên nhiên huyền bí: con người cũng từ đó mà ra, những mầm sống mong manh cũng nhờ đó mà duy trì, những chu kỳ thiên nhiên như chu kỳ mặt trăng cũng vào đó bày biện (1). Nhân loại cảm thấy e dè và sợ hãi.

Tuy nhiên dục vọng, cái khó mà chế ngự, lại làm họ điên đảo. Một bên là tín ngưỡng: họ kính cẩn và sợ hãi; một bên là bản năng: họ tự dày vò vì thèm khát; và rồi, như một giải pháp trung dung, họ cụ thể hoá niềm e sợ ở một phần nhất định của cơ thể và ở một giai đoạn nhất định trong những chu kỳ sinh lý. Phần cơ thể ấy là bức màn Rubycon mỏng manh, giai đoạn sinh lý ấy là những ngày Rubycon hối hả tuôn trào (2).

Như thế, với họ, cái mà đời sau cho là biểu tượng của sự ngây thơ trong trắng trông sao nhờn nhợn, trông sao ghê ghê và sờ sợ. Họ tưởng tượng nên con rắn vô hình đang trú ngụ bên trong và nó sẽ vùng vẫy cắn xé khi bức màn bị tàn phá. Lúc đó, với nam giới, người bạn đời lý tưởng của họ phải là một đoá trà mi đã thông tỏ đường đi lối về: hoặc là những goá phụ, hoặc là kẻ từng trải kinh nghiệm chứ không thể là những thiếu nữ ngây thơ trinh trắng. Marco Polo, trong cuốn phiên lưu ký để đời, đã kể lại cảnh tượng những thanh niên Tây Tạng đây đẩy từ chối, không chịu làm chồng trinh nữ.

Và như thế, những đoá trà mi! Ðể thông tỏ đường đi lối về, họ phải nhờ cậy đến những quyền năng siêu nhiên nào đó: viên tù trưởng, vị pháp sư hay thậm chí những ngẫu tượng dương vật bằng gỗ hay bằng đá tại các đền thờ. Tại Malabar Coast, những thiếu nữ sắp lấy chồng phải sính lễ cầu xin để được những pháp sư “hái hoa” trước lễ thành hôn; trong xã hội La Mã cổ đại, trước khi về nhà chồng, các cô dâu phải trải qua nghi thức dâng hiến với những ngẫu tượng dương vật tại các đền thờ trước đã!

Qua cái thuở hồng hoang, vai trò của nữ giới lại bị hạ bệ cùng với sự hình thành của trật tự phụ quyền. Những gì gọi là huyền hoặc và bí ẩn trong thân xác họ đã dần dà hé mở: nét bí ẩn đã nhạt thì nét đe doạ cũng nhạt theo. Ðể rồi, khi nam giới vươn lên nắm lấy vai trò tối thượng ở gia đình và ở xã hội, khát vọng chủ nhân lại bừng lên cả ở quan hệ nam-nữ: bây giờ những tấm thân kia phải thuộc về họ, thuộc ngay từ đầu, và như thế, cách yên tâm nhất là phải đoan chắc rằng nó không qua tay kẻ khác. Chữ trinh ra đời.

Khởi đầu với khát vọng làm chủ thật tuyệt đối như thế, chữ trinh lại thăng hoa với những lạc thú khám phá. Trong tình trạng quần hôn thời nguyên thủy ­ qua những quan hệ tình dục phi quy ước và vô trật tự ­ con người có thể thoả mãn nhu cầu sinh lý một cách tự nhiên như thể hít, thở hay ăn, uống. Với một nguồn thoả mãn ê hề ­ lúc nào cũng sẵn có, lúc nào cũng có thể tiến hành, và có thể tiến hành ở bất cứ nơi đâu ­ những khoái lạc tìm thấy cơ hồ chỉ là những rung động sinh học và thuần tuý vật chất. Tuy nhiên, khi bản chất rừng rú ở con người nhạt dần đi, ràng buộc trinh tiết mới nẩy sinh và bức màn ấy dần dà gắn bó với những ý nghĩa tượng trưng.

Từ đây, cái sự khám phá thân xác nữ giới lại phát sinh những cảm hứng phần nào mang tính sáng tạo. Khám phá một thân thể e ấp, họ có cái ngất ngây của nhà chinh phục khi chinh phục được đỉnh cao chưa ai từng chinh phục, như nhà thám hiểm khám phá vùng đất chưa ai từng khám phá, hay như nhà thiên văn khám phá vì sao chưa ai hề biết đến. Trong sự chinh phục đó, nhà lực sĩ leo núi sẽ miên man cái cảm giác chủ nhân ông ở đó cái đỉnh núi kia đã thuộc về riêng mình. Khám phá một vùng đất và tự tay mình ghi lại dấu vết của sự thay đổi ấy mới đích thực là sự khám phá. Khám phá khối xác thịt còn e ấp như đoá hoa phong nhuỵ và tự mình ghi lại dấu vết thay đổi khi biến cô gái ngây thơ thành một con người khác hẳn, gã đàn ông mới đạt được những cảm giác về một sự sở hữu vĩnh viễn và máu thịt.

Trinh tiết, như thế, rõ ràng, là một khái niệm áp đặt, một ý thức áp đặt, hay, nói cho cùng, một... lý thuyết áp đặt. Theo từng thời đại con người thi nhau chất chồng lên trên bức màn trinh tiết mỏng manh ấy bao nhiêu là áp lực tín ngưỡng, áp lực xã hội, hay áp lực ý thức. Ngày nào, nó là con sông Rubycon đáng sợ mà gã đàn ông ngần ngừ không dám vượt, phải mượn đến những quyền năng cho là siêu nhiên; rồi nó là con sông Rubycon vô giá mà thiếu nữ chần chờ hồi hộp cho “một lần đầu tiên”; rồi nó khô khốc cạn láng theo chân những nhà nữ quyền thuộc hạng quá khích nhất.

Bởi, theo họ, những nhà nữ quyền, đấy chính là sự thống trị của nền độc tài dương vật chế (phallocratic). Nam giới, theo họ, trong khi không bị ràng buộc bởi sự e ấp phong nhuỵ nào, đã bày đặt nên bao nhiêu là ràng buộc luân lý để ép buộc phái yếu “gìn giữ” cho mình “một lần đầu tiên”? Và họ phản kháng. Ðầu tiên là những hình thức gian lận, như cái màu chiêu tập vỏ lựu mào gà; rồi họ sổ toẹt, qua những phong trào mệnh danh “giải phóng”, ầm ĩ cả nền văn minh hiện đại từ cuối thập niên 60.

Văn chương, mường tượng như một thiếu nữ quyến rũ e ấp, cũng thế. Ðể hấp dẫn mời gọi, để thực sự là một “khám phá” trong cả sự viết lẫn sự đọc, nó phải e ấp và phong nhuỵ như một cô gái mới lớn và trinh trắng. Tuy nhiên, một lần khám phá là một lần bước qua cái thời kỳ e ấp như đoá hoa phong nhuỵ; khi những thế hệ viết và đọc đã bước qua giai đoạn ngất ngây khám phá, ấy chính là lúc cô gái văn chương hết còn trinh trắng, ngây thơ.

Như thế, văn chương phải liên tục chuyển mình và hoá thân. Nó cần lột xác trong những ý thức thẩm mỹ mới để hoá thân thành một cái gì đó khác hơn, mới hơn chứ không loay hoay mượn màu son phấn chắp vá chút xuân thì. Nghĩa là một sự thất tiết với khái niệm tiết liệt cũ kỹ để trinh trắng và e ấp mời gọi trong một hình hài trẻ trung. Chỉ một bức màn mỏng manh trên thân thể con người mà còn phải băng qua bao nhiêu là sức nặng của ý thức hệ, từ thời kỳ phồn thực - mẫu hệ cho đến sự khe khắt đạo đức của văn hoá phụ quyền hay những làn sóng nữ quyền tiếp nối nhau; văn chương còn trải bao nhiêu bước đường ý thức như thế trên hành trình đi tìm cái đẹp?

Trong hành trình ấy, văn chương Việt Nam, lạ thay, cứ bị níu kéo trong vai cô trinh nữ già thủ tiết: một trinh nữ tuổi đã về chiều mà phải đỏng đảnh vờ vịt những bộ điệu ngây thơ của cái thuở ban đầu. Õng ẹo với những âm điệu Nguyễn Du, với âm điệu Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư hay những cánh bướm chập chờn mơ tiên trong không khí Tự Lực Văn Ðoàn.

Nhưng, nói theo Simon de Beauviour, sự quyến rũ của trinh tiết bao giờ cũng đố kỵ với tuổi tác vì không có gì chán chường bằng bộ điệu õng ẹo của những trinh nữ tuổi già. Như một căn nhà trên một đỉnh đồi: vắng lặng nhưng còn thơm mùi gạch mới, có thể nó sẽ gợi chút gì đó gọi là thơ; nhưng khi đã trơ gan ở đó hàng thế kỷ không một bóng người, nó sẽ gợi nên những ấn tượng về một căn nhà quỷ ám. Cái đẹp, cái hấp dẫn bao giờ cũng chỉ lôi cuốn ở khía cạnh dâng hiến chứ không mời gọi ở khía cạnh bảo tồn, để quyến rũ như một thiếu nữ mới lớn và trinh trắng, văn chương không thể nào đóng vai một cô gái già thủ tiết.

Mà có đóng chăng thì đấy đâu phải là một sự thủ tiết hayï trinh trắng vẹn toàn? Có chăng, đấy chỉ là màu trinh tiết làm nên từ bát nước vỏ lựu hoà máu mồng gà tự huyễn hoặc chính mình trên một hình hài đã trầy trụa bao nhiêu dấu vết lang chạ. Nó đã thất tiết với Trung Hoa để trở thành một trinh nữ mời mọc ở Nguyễn Du; rồi nó thất tiết với Tây Phưong để trở thành một thiếu nữ Hà thành mời mọc trong thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ v.v... Ðể hấp dẫn và mời gọi, văn chương phải hoá thân mời mọc qua những chu kỳ thất tiết và... trinh trắng như thế: e ấp phong nhuỵ ban đầu, nó phải thất tiết với cái đã bước qua rồi để trẻ lại trong một thân xác và linh hồn mới; bởi, như đã nói, cái đẹp bao giờ chỉ lấp lánh ở khía cạnh dâng hiến chứ không mời gọi ở khía cạnh bảo tồn...

Với tác giả hay tác phẩm, từng tác phẩm hay từng tác giả, sự thể cũng vầy vậy cả thôi. Bởi, xét cho cùng, người đọc, những kẻ chỉ biết có thưởng thức, cũng bạc tình có khác nào mấy con ong ơ thờ bên cánh hoa xưa khi đã thông tỏ lối về? Tác giả cần thất tiết với chính hình bóng cũ của mình đã đành, tác phẩm cũng thế, thậm chí với từng tác phẩm. Như những trinh nữ e ấp và phong nhuỵ, một lần đến với người đọc là một lần nó hiến dâng mời mọc, là một lần gọi mời khám phá; tác phẩm chỉ có thể sống mãi bằng khả năng dâng hiến phong phú của mình, đó là khả năng mở ra những hướng cảm thụ khác nhau, trên những đưòng đi lối về chập chùng ẩn hiện chưa từng thông tỏ khác nhau. Không thế, chỉ cần cù lấy công làm lời, chỉ suông đuột và mẫu mực như bài giảng của nhà mô phạm, chính tác giả chứ không ai khác đã đưa tác phẩm của mình vào một ngõ cụt của sự thờ ơ và quên lãng.

Sydney 4. 2001

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[]- Burton, C. 1985. Subordination - Feminism anh Social Theory. Sydney: George Allen & Unwin

[]- de Beauvoir, S. 1972. The Second Sex. Melbourne: Penguine Book (tr. 184-1850).

[]1 & 2. Xin nói rõ thêm là sự trùng hợp giữa chu kỳ kinh nguyệt và chu kỳ mặt trăng đã làm người tiền sử sợ hãi và tôn thờ; chỉ sau này khi bí mật đã hé mở và nam giới đã có thể lấn tới, hiện tượng này mới trở nên cấm kỵ. Tục cắt đầu dương vật cho chảy máu của thổ dân Úc là một nỗ lực bắt chước hiện tượng này của phụ nữ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021