thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ghi chép về thơ (1954)
LỜI TOÀ SOẠN: Hơn ba năm sau khi nhà thơ Trần Dần (1926-1997) qua đời, lần đầu tiên một phần những ghi chép trong di cảo đồ sộ của ông sắp được nhà Éditions T.D xuất bản với nhan đề Trần Dần-Ghi (1954-1960). Phần trích dưới đây là một số đoạn của năm 1954.

12-14 tháng Chín 1954

[...][1] Trước kia tôi muốn Thơ tôi thế nào?

Thời đó tôi muốn một thứ Thơ như một cơn mộng ác, trong đó người ta giận dữ, người ta điên cuồng, người ta lồng lộn, người ta sống hỗn độn, đang Bắc sang Đông, vừa ở Bắc lại vừa ở Đông. Người ta có thể bất phương chủ nghĩa, tự thả mình theo quy luật một thứ biện chứng duy tâm, những hình ảnh thơ nóng bỏng, cháy như lửa, một hình ảnh ánh lên nhiều hình ảnh, hình ảnh nọ chống đối hình ảnh kia, hoà hợp nhau, lôi kéo nhau trong một điệu nhảy ma quỷ... Đúng là: một cuộc sống chaotique, nhưng một cái chaos harmonie của nó. Một điệu danse macabre có cái thần tiên của nó. Một cái hỗn độn có cái trật tự của nó. Và cái harmonie, cái thần tiên, cái trật tự đó là tuỳ theo tiêu chuẩn tôi cho là: ý thích của tôi. Mà ý thích của tôi là theo tiêu chuẩn tối cao! Đó là sơ lược cái mơ ước ngày tôi 18, 19 tuổi.

Vào chiến tranh, tôi muốn Thơ tôi thế nào?

Có những ngày và nhiều ngày tôi không nghĩ tới nữa. Lại cũng có những ngày tự dưng tôi nghĩ rất nhiều. Có lúc tôi tưởng như nắm chân lý trong tay rồi. Có lúc tôi tưởng như mất cả cuộc đời!

Lúc tôi muốn một thứ Thơ dễ dãi. Lúc một thứ Thơ không có vần. Lúc một thứ Thơ như một hạt ngọc. Lúc một thứ Thơ kể chuyện. Lúc một thứ Thơ gồ ghề. Lúc một thứ Thơ hiền lành, có cái khoẻ của những bắp thịt hồng. Lúc một thứ Thơ rõ nghĩa. Lúc một thứ Thơ vừa rõ nghĩa vừa mờ 100, 1000 nghĩa khác. Lúc một thứ Thơ theo sát chính trị từng bước một. Lúc một thứ Thơ na ná như của anh lính, nó mát mà lành, nó hiền mà khoẻ, nó thực tế... Lúc một thứ thơ na ná như bài nói của anh cán bộ, nó đả thông, nó giục giã, nó lý luận... Tôi muốn nhiều lắm, từng mẩu, từng mẩu viết cho mình xem, không thành được bài mà thành từng khúc. Tôi xem lại những câu đó, tôi nói những ao ước cộng sản, những quan niệm của tôi về lý tưởng, về con người, về Thơ... Tôi nói những mẩu chuyện riêng, những buồn bực, đau khổ. Chả có câu nào 6, 8 cả. Nhịp thơ như đá, nhức cả tai... Tôi vẫn hằng nghĩ, đó là tôi chuẩn bị cho một cơn Bão sẽ tới. Tôi góp gió. Cho nên trong chiến tranh tôi mất và tôi được là những cái đó, chưa thành cái gì cả. Tôi có thể nói chắc chắn rằng, Thơ tôi chưa thành, - tức là chủ nghĩa chưa đúc, lý tưởng chưa chảy vào tận máu, chưa hoá thành những tế bào của cuộc đời tôi. Thơ tôi chưa thành tức là con người tôi còn đang dang dở, cuộc đời tôi chửa có ra gì. Chiến tranh đã dạy cho tôi những điều lụn vụn, những sự thực chi tiết và bộ phận. Chiến tranh chưa tạo cho tôi thành một người có da có thịt. Tôi chưa nhìn thấy sự thực lớn lao nhất của cuộc sống. Cho nên không có lạ gì những ngày đầu tiên của Hoà Bình tôi rất buồn cho những năm Chiến Tranh của tôi, tôi có những hối hận, những tiếc rẻ tiếc đắt, những ý nghĩ bâng quơ và nhạt mồm.

Bây giờ tôi muốn một thứ Thơ như thế nào?

Những sự suy nghĩ của tôi nó kế tiếp nhau, tuy nhiều lúc tưởng rằng nó chống chọi và từ bỏ nhau hẳn. Bây giờ tôi muốn một thứ Thơ như thế nào đó giải quyết được một số những mâu thuẫn giữa tôi với người ta và giữa tôi với tôi. Tôi muốn nhiều nghĩa, mờ ảo, mà người ta muốn rõ nghĩa rành mạch. Vì vậy tôi muốn một thứ Thơ nào đó có một nghĩa rõ ràng và kèm theo muôn ngàn nghĩa khác. Tôi muốn (...)[2] không có vần, không có kỷ luật, - người ta thích thơ dễ đọc, có vần. Vì vậy tôi muốn một thứ Thơ nào đó rất tự do nhưng rất có nhịp chắc chắn, cái nhịp đó đủ sức mạnh và âm điệu để cho tự nó có thể sinh tồn, - chỗ có vần, chỗ không có vần. Nó rất nhịp nhàng, nhưng đó là một cái nhịp nhàng tạo nên bằng những cái gồ ghề khúc khuỷu, chối tai, rức óc. Nhưng mà những cái đó lại nhịp nhàng. Nghĩa là tất cả những cái xóc họp lại thành cái êm. Một cái êm rất xóc.

Trước kia tôi thích Thơ như một cơn mộng ác hỗn độn, về sau tôi lại thích Thơ nó thực như là chuyện con gà, như bài nói của anh cán bộ, như lời ca dao của anh đội viên, cho nên bây giờ tôi thích một thứ Thơ nào đó rất loạn nhưng lại rất bình... Rất nhiều chiều góc bề diện, nhưng lại chỉ có một chiều góc bề diện. Như một cơn mê, như là một sự thực tầm thường. Rất bất phương chủ nghĩa, nhưng mà bất phương theo chủ nghĩa cộng sản. Tôi không chơi chữ. Mà tôi rất tin rằng người cộng sản là một người đại linh động, không có công thức, định kiến, khi ẩn khi hiện, nay không mai có, lại vừa có vừa không.

Tôi thích Thơ phải có buồn có tủi, có suy nghĩ có thấm thía, có chua xót có đau khổ, có drame, có máu có mồ hôi. Thơ đầm nước mắt. Giọt mực là giọt máu, giọt mồ hôi. Accent Thơ là những accent éo le, trái ngược, giận dữ, châm chọc, tự hào, hãnh diện, hằn học, soi mói.

Người ta muốn Thơ phải rõ ràng phấn khởi, hồng hào, êm ả.

Vì vậy bây giờ tôi muốn một thứ Thơ nào đó có cái phấn khởi của những giọt nước mắt, mồ hôi và máu đào; phấn khởi của những khói bụi, đất cát, thuốc súng, xác chết, nhà thiêu, bãi cháy, bom xé đạn thiêu; phấn khởi của những thất vọng, những điêu tàn, những chia ly, tan rã và thất bại. Tôi muốn một thang thuốc ngọt họp bởi những vị đắng và cay nhất của trái đất.

Tôi thích Thơ nó lý sự, - người ta thích Thơ không nói lý. Vì vậy bây giờ tôi thích một thứ Thơ nào đó nó lý sự bằng những tình những cảnh. Và ngược lại, những cảnh những tình nó nói lý rất sâu xa.

Tôi thích Thơ thời sự, theo sát cái hồi hộp, lo lắng của Đảng tôi, dân tôi, triệu triệu quả tim dân chúng và quân đội, chiến sĩ và cán bộ, lãnh tụ và quần chúng. Tôi lại cũng thích Thơ không thời sự, Thơ bao trùm đất nước và thời gian, Thơ ăn lấn sang mọi thế kỷ, và Thơ nhập cả vào cái biện chứng bao la của sự vật.

Vì vậy bây giờ tôi muốn một thứ Thơ nào đó lấy đề tài ngay ở nhịp đập trước mắt của trái tim dân tộc Việt Nam, nhưng trong đề tài đó tôi đào mãi đào mãi tới khi tôi tìm thấy quả tim Nhân Loại. Đó là sự thực mà cũng là ý muốn của tôi. Quả tim dân tộc tôi có nghĩa là quả tim Nhân Loại. Nhịp đập của nó là nhịp đi của Biện Chứng. Cái ngày hôm nay là dồn ép của hàng triệu năm về trước và mở ra triệu thế kỷ về sau. Tôi muốn một thứ Thơ nào đó vạch ra được sự thực đó. Hạt bụi, sợi tóc mây là cả một vũ trụ. Một khoảnh khắc là cả lịch sử của trần gian. Một thắc mắc của em là tất cả lo âu nhân loại.

Tôi thích Thơ chính trị. Hoan hô Đảng. Hoan hô cách mạng. Thơ khẩu hiệu: công nông binh, Hồ chủ tịch muôn năm. Tôi lại cũng thích Thơ không chính trị. Thơ "cái đêm hôm rằm... cô Lý cô Lới cái cây đa..." Thơ một con cò, một cánh hoa, một sợi cỏ. Thơ bâng quơ.

Vì vậy bây giờ tôi muốn một thứ Thơ nào đó nó nói về vấn đề chính trị bằng một cách không chính trị gì cả. Ngược lại, nó nói những cái không chính trị mà lại rất chính trị. Nó có những khẩu hiệu không phải chép ngoài phố, và tôi muốn nhiều, muốn thật nhiều những khẩu hiệu đó, tôi hô cho cuộc sống, sống mạnh lên. Ngược lại, nó cũng chép nguyên văn những khẩu hiệu ngoài phố, đầu làng, nhưng mà tâm ruột nó tôi đã tiêm cho máu chảy, máu rất đỏ, rất thắm của những tuổi 20, 19...

Tôi thích Thơ sáng nghĩa. 2 x 2 -> 4. Tôi lại thích Thơ tối nghĩa. Thơ hũ. 2 x 2 -> óc.

Vì vậy tôi thích một thứ Thơ nào đó vừa sáng vừa tối. Vừa là ngày vừa là đêm (vì cuộc đời có cả hai cái đó). Vừa là tỉnh vừa là mơ. Vừa là Một vừa là Tất Cả. 2 x 2 -> 4 (Infini) + óc -> 4 -> óc...

Tôi thích Thơ thật chối tai cho kẻ địch. Bọn bourgeois, propriétaire foncier phát cáu nổi điên. Tôi lại thích Thơ như thuốc độc ngọt ngào, chúng nó tranh nhau tới mà xin uống, và tức là xin hàng, xin chết, xin tan rã, xin biến loạn, xin tiêu diệt.

Vì vậy bây giờ tôi muốn một thứ Thơ nào đó chửi địch mà địch lắng tai nghe, khen địch mà tan rã địch!

Tôi còn nói nhiều về Thơ nữa.

Không vội, tôi mới 28 tuổi.

[...]

20 tháng Chín đến 1 tháng Mười 1954

[...] Hoà Bình rồi, người ta mới có thể biết trong chiến tranh người ta đã ao ước thầm kín những cái gì. [...] Tôi nghe người ta nói nhiều những câu: "phải xét lại", hoặc "không hợp thời nữa", hoặc "phải nghiên cứu". Người ta nói cả "cái đúng đã trở nên sai", - "cái sai trở nên đúng". Tôi biết đó là đúng chủ nghĩa của ta: một cái lệ. Hôm qua là tiến bộ. Hôm nay có thể thành lạc hậu. Và ngày mai thì cũng cái lệ đó có thể biến thành phản động hẳn hoi...

Hoà Bình rồi, người ta mới có thể biết trong chiến tranh người ta đã mất mát và thu hoạch được những gì. Có người nói được nhiều hơn. Người nói được bằng mất. Và người nói mất nhiều hơn. Và cũng có người không trả lời được. Tôi nói rằng chúng ta mất nhiều hơn. Tại vì tôi nghĩ tới chiến tranh và tội ác của nó. Và tại vì tôi so sánh những cái thu hoạch 9 năm chiến tranh vừa qua với những cái thu hoạch lớn hơn gấp bội nếu 9 năm qua là 9 năm kiến thiết Hoà Bình. Có những anh nói đó là đặt giả thuyết, không thực tế. Tôi muốn bảo thẳng vào mặt anh ta rằng cái thực tế mà anh quan niệm rất cao cả là một thứ thiển cận, sỉ nhục cái thực tế của chủ nghĩa chúng ta. Và tôi muốn bảo cho anh ta biết rằng anh ta đã lắp nhầm đầu Ngô vào mình Sở: - tôi nói giả thuyết đó, nhưng giả thuyết ấy thực hơn triệu lần cái thực tế mốc xì ở trong óc của anh! Sao chỗ nào tôi cũng vấp phải những con người thiển cận, máy móc như vậy? Vì thế tôi muốn viết nhiều, muốn viết những cái tôi chưa dám viết. Và tôi muốn viết không có kiểm duyệt. Tại vì nếu mà viết có kiểm duyệt thì tôi lại vấp phải những con người như vậy...

Hoà Bình rồi, người ta mới biết trong chiến tranh người ta đã sống chết vui buồn theo một thứ quy luật ồ ạt, hớt hải, mạnh mà nông, khoẻ mà hời hợt. Người ta sống còn kém cái phần chủ động, tự chủ. Tôi nghĩ đến những ngày chúng ta giục giã nhau, động viên xổi nhau, chúng ta dang tay mắm lợi, nắm cánh nhau cùng xô vào lửa. [...]

Hoà Bình rồi, người ta mới biết căm ghét Chiến Tranh và quý mến Hoà Bình. Một người dân kể cho tôi nghe: tầu bay không có, không phải đi về lén lút như thằng ăn trộm nữa. Giá muối hạ 10 lần. Vải hạ nửa. Đi chợ đã dám mua quà về cho con. Gia đình đã dám có những chương trình trước thì cho là quá xa xỉ: - dọi lại cái nóc, - làm thêm cái giàn, - mua ít vải may áo, - nhân mai ngày giỗ giết một con gà béo kèm thêm ít rượu và đồ gia vị. Ba cái thằng gàn chính trị lại sắp nói vội những thái bình chủ nghĩa, những hưởng lạc. Tôi nói: đúng là thái bình và đúng là hưởng lạc. Và đúng là lẽ phải. Tại vì tôi nghĩ Hoà Bình trước tiên là một quyền lợi của chúng ta. Không dưng cha rỏ mồ hôi, mẹ bán nước mắt và chúng ta rỏ máu đào làm gì? [...] Chính những kẻ nói vội những "hưởng lạc", những "thái bình chủ nghĩa" kia, chúng ta phải chú ý mà cứu họ, trong ngày mai ngày kia, những người bạn máy móc và gàn dở đó là những người rất dễ phạm sai lầm. Cái thanh sắt cứng đờ sao mà dễ bẻ gẫy. Chúng ta phải là những thanh thép rất cứng lại cũng rất mềm, - bẻ thì nó uốn, - vô phúc cho anh bẻ, nó sẽ quật lại cho đứt thịt, chảy máu.

Chiến Tranh chuyển sang Hoà Bình rồi. Cuộc sống hời hợt chuyển sang cuộc sống suy nghĩ và sâu sắc hơn rồi. Cuộc sống gò bó chuyển sang một cuộc sống rộng thoáng hơn rồi. Hôm qua [...] người hoạ sĩ vẽ không cần chevalet, không cần mầu và pinceau. Có lần chính trong bọn chúng ta đấy, có anh lại nói hẳn rằng, "đó là lối làm việc của tư sản"! Người nữ diễn viên hoá trang bằng những vôi, những nhọ nồi và muội đèn và được khen là "như vậy mới công nông". Nhưng mà chúng ta vẫn đã làm được. Nhưng mà những cái chúng ta đã làm được đó sao nó ít ỏi và kém cỏi. Nhưng hôm nay thì những cái đó là sai rồi. Không còn lý do tồn tại nữa. Chúng ta có quyền đòi những điều kiện khác. [...] Tôi muốn giao cho tôi một nhiệm vụ nặng hơn: [...] viết về chiến tranh.

Tôi muốn viết về chiến tranh.

Tôi vừa viết xong cuốn Người người lớp lớp. Viết về chiến tranh ở Điện Biên Phủ đấy. Nhưng mà tôi đã chán rồi. Tại vì rằng tôi ít thấy sự thực của chiến tranh trong đó quá. Và vì rằng tôi ít thấy sự thực của bản thân tôi trong đó quá. Chưa phải là chiến tranh, và chưa phải là tôi. Cho nên tôi viết tới hơn 300 trang mà không thích bằng một bài thơ tôi cũng mới làm về chiến tranh: "Anh đã thấy" (mes douleurs) trên dưới có 6 trang! Vài trang thơ này tôi còn thấy chiến tranh nhiều hơn, và thấy tôi nhiều hơn 300 trang Người người lớp lớp.

[...] Tôi muốn viết thế nào người ta thấy Chiến Tranh mà lại thấy Hoà Bình. Thấy súng và khói thuốc, nhưng lại thấy đồng một lúc những mái nhà tranh, những bữa cơm gia đình, những đêm nằm ôm vợ, những ngày nhịn đói và những ngày đóng khố. [...] Những cái đó kết làm một khối. Tôi muốn vậy, vì đó là sự thực.

Tôi muốn tả những người chiến sĩ. Người rất già người rất trẻ. Người bần cố và người con địa chủ. Người con tư sản và người công nhân. Người học sinh và người không biết chữ. Người đã làm sư và người đã đi ăn cướp. Người đã đi buôn và người đã bị buôn. Người đã lừa lọc và người đã bị lừa lọc.

Tôi muốn tả được những chiến sĩ cố nông lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Và cũng người chiến sĩ cố nông chỉ muốn lấy thân mình làm túi cơm giá áo. Những người chiến sĩ xô vào lửa quên mình và những người chiến sĩ chùn về sau xó bếp, cháy quần vì rang ngô. Người anh hùng và người dút dát. Người đang dút dát thành anh hùng. Người đang anh hùng tụt xuống dút dát. Người lấy súng bắn địch và người lại lấy súng tự thương. Những người chiến sĩ lầm lì và những người chiến sĩ ba hoa. Người thuần, người ngổ ngáo. Người chỉ biết phục tùng, người hay cãi bướng. Và đa số là ngại học tập, ngại nghe đả thông. Ngại nghe cán bộ nói nhiều. Ngại bị "nắm tư tưởng". Nắm, nắm con cặc. Ngại "trên quan liêu".

[...] Người ta đặt vấn đề - mà chính tôi cũng đặt - là viết vậy để làm gì? Cho ai? Người ta rất đồng ý rằng đó là sự thực. Nhưng tả sự thực như thế nhằm cái gì? Sự thực vì sự thực sao?

Tôi đã nghĩ nhiều. Vì sao tôi không thể muốn khác được?

Sự thực chủ nghĩa à? [...] Sự thực chủ nghĩa đó là điều tôi mơ ước, và phụng thờ. Tôi nghe người ta nói, đừng viết cuộc sống telle qu'elle est. Mà phải viết la vie telle qu'elle doit être! - Tôi lại hiểu rằng viết cuộc sống telle qu'elle est tức là viết cuộc sống telle qu'elle doit être. - Tôi hiểu rằng không có gì đẹp hơn, không có gì cao cả hơn, không có gì cộng sản hơn là: Sự Thực không tô điểm, Sự Thực trần truồng. Và cũng không có gì xấu hơn, không có gì yếu ớt hơn, phi cộng sản hơn là Sự Thực tô điểm, Sự Thực mặc áo hồng, áo xanh, áo hoa. Tôi nói rằng, dù áo hoa đó thích hợp, dù sự tô điểm đó là tô theo phương hướng thực của cuộc sống thực, thì cái áo đó và sự tô điểm đó vẫn cứ là không đáng tán thành. Cuộc sống cởi truồng, nó có nghĩa như những sự tô điểm và những bộ áo đẹp và lý tưởng nhất. Mầu da của cuộc đời toute nue, đó là tất cả các bộ áo của trần gian rồi. Tôi nói thêm: ở một quyển tiểu thuyết cổ Trung Quốc, người ta tả người mặt đỏ, người mặt xanh, người hét đổ cầu như Trương Phi, người nhìn thiên hạ mà rách vành mắt. Tôi cũng quan niệm đó là cuộc sống ở trần.

Điển hình hoá chỉ có nghĩa là tả đúng sự thật.

Hiện thực chỉ có giá trị là tả đúng sự thật.

Anh sắp phản đối: cuộc đời làm gì có người mặt đỏ, thế không phải là tô điểm sao?

Nhưng mà không, tôi không nghĩ hình thức. Người ta tả "người mặt đỏ", có nghĩa là người ta bảo, "cái anh ấy, nội dung như thế đấy". Vì vậy tôi mới nói đó không phải là tô điểm. Mà tôi nói đó là cuộc sống ở trần...

Chính vì vậy tôi muốn viết chiến tranh telle qu'elle est. 10 cây số máu. Xương phơi đầy đường. Người đáng sống thì chết. Kẻ đáng chết thì sống mãi. Tôi tưởng rằng, nếu mà nói giáo dục, thì không gì giáo dục hơn là sự thực ở trần. Chiến tranh cởi truồng là có thể giáo dục Chiến Tranh, lại giáo dục cả Hoà Bình. [...] Cho nên tôi chỉ muốn viết như vậy mà thôi.

Người ta bảo: "đề tài trước mắt thì làm sao? Người ta đang muốn vào Nam, anh đi nói những chuyện gì?" [...] Hôm kia tôi gặp đồng chí VThịnh văn công đoàn 2 diễn ở Phát Diệm. [...] Đồng bào đang thắc mắc và đinh ninh là "lại kịch 'không vào Nam', lại 'âm mưu' chứ gì?" Đồng bào gọi cán bộ là "ông âm mưu", vì cán bộ cứ đặt đít là miệng tuôn ra một tràng "địch âm mưu lôi kéo ta vào Nam" v.v... Có một số định xem văn công diễn "kịch âm mưu" để mà phá, mà chửi đổng, mà phản ứng lại cho mà xem, mà số đó là đa số, nhưng mà những kẻ phản trắc ít hơn những người lương thiện. Nhưng những người lương thiện cũng khó chịu về cái kiểu "cán bộ âm mưu" và "kịch âm mưu". Nhưng mà không, văn công đoàn 2 tới chỉ có nhảy và hát, những điệu nhảy và những bài ca tha thiết nhất, Việt Nam nhất, đất nước nhất (nhất theo điều kiện của văn công), văn công hát múa những "đâu đâu", những "chàng buông vạt áo em ra", những "cô Lý cô Lới cây đa, xem hội cái đêm hôm rằm"... Và kết quả là đồng bào hả hê. Việt Minh như vậy chứ! Đêm hôm đó đồng bào nghĩ nhiều. Họ nghĩ tới Tây, tới cha, tới cán bộ, tới lính Pháp, tới văn công...Tôi tin rằng, một đêm hôm đó đồng bào hiểu ta hơn là cái lối "âm mưu", "đả thông", "phục vụ sát".

Cho nên tôi nói rằng, không gì lớn bằng Sự Thực. Sự Thực giáo dục hơn là một mẩu Sự Thực. Không có gì phục vụ sát chính trị, phục vụ sát trước mắt hơn là Sự Thực thật lớn lao, thật trọn vẹn, thật lâu dài.

Cái đó bạn hay tôi đã nhiều lần chiêm nghiệm thấy.[...] Và đêm nay, tôi cũng như anh như chị, chúng ta đều đã tự giải quyết được cái trước mắt của chúng ta.

Như vậy những đồng chí chủ trương phục vụ trước mắt ắt không bằng lòng. Các đồng chí tức giận lắm. Vì đó là quyền lợi, sinh tử của nghệ thuật các đồng chí, và cả tâm hồn và nền nếp của các đồng chí. Các đồng chí có thể nói những gì? - Rằng như vậy muốn nói gì cũng được à? Rằng lung tung à? Rằng hai cái đều hay, nhưng cái hay mà lại là trước mắt nữa có phải hay hơn không? [...] Rằng quần chúng thích nói cụ thể ngay vào vấn đề của người ta, rằng nói loanh quanh vậy là không quần chúng, không công nông. Là tư bản, là trí thức xa xôi. Là nói bóng à? Sao mà lắt léo và lôi thôi?

Nhưng mà không!

(?) tháng Mười 1954

Ốm Bắc Kinh.[3]

Làm xong bài thơ "Tiếng trống tương lai".

Bài thơ, quá trình nó có nhiều bất ngờ, thay đổi, đi xa dự kiến ban đầu. Nhưng mặt khác lại gần dự kiến ban đầu. Cái đó là chuyện thơ. Nếu so sánh thì nó giống chuyện chính trị: mục tiêu căn bản không thay đổi, nhưng chính sách thay đổi, phương pháp cụ thể thay đổi. Tưởng là đi xa mà hoá là để đi gần sự thực hiện của mục tiêu.

Trong khi làm có nhiều ngày ốm. Một cái thói quen riêng: khi ốm lại làm hăng. Và khỏi ốm. Như hồi ở Sơn La. Làm việc để chống sốt rét. 6 tháng liền.

Bài thơ này là một cái mốc trên đời nghệ thuật riêng. Nhìn về cũ, thấy nhiều cái hài lòng. Thấy mình và thấy cuộc kháng chiến trong thơ. Thấy tự do, sự thể hiện tâm óc trọn vẹn hơn ở những sáng tác khác.

Đề tài Thơ có chung có riêng.

Phương pháp Thơ có tâm có óc.

Thơ là một phương pháp nhận thức đầy đủ và trọn vẹn cuộc sống. Nếu vậy, tôi đã cố để bài thơ này cống hiến cho độc giả một phương pháp nhận thức đầy đủ và trọn vẹn cuộc sống chiến tranh hôm qua và cuộc sống hoà bình hôm nay. Xin lỗi những nhà phê bình công thức! Anh sắp vạch một tràng vấn đề mà bài này không nói đến, và kết luận "không thể gọi là đầy đủ và trọn vẹn". Xin lỗi, anh đã lầm nhà thơ với một nhà thống kê biểu đồ, hoặc nhà sử. Tôi làm Thơ cơ mà. Tôi rất thích thơ précis. Nhưng cái précision của Thơ nó như vậy: impréciser. Nhận thức trọn vẹn, đầy đủ là nhận thức cuộc sống bằng cả tâm, óc, bàn tay, mọi thớ thịt, đường gân, trí tuệ và bản năng, bằng mọi khả năng của con người.

Vần điệu: Điệu đề chắc, tự do, phóng rộng, gân gổ, khi thiết tha, khi kiêu hãnh, khi lốc bão, khi im lặng, khi chòng chành, khi nặng nề, khi khập khiễng, khi vang lừng, khi sôi sục, khi lạnh lùng, khi vv... Điệu giữa không khổ độc. Dũng nhiều điệu 8 và điệu 7 xen kẽ phát triển. Điệu 8 mà không có cái emphase của điệu 8 (kêu rỗng toác). Điệu 7 mà không có cái rên la ảo não, cái bóng óng a óng ánh, cái satin của điệu 7.

Đó là chuyện thành công của điệu. (Sau đây cần cho điệu nó sần sùi, giống lời nói hàng ngày hơn.)

Vần? Có vần hay không? Tôi nói phương pháp tôi đã làm: trong khi làm bài này tôi không đặt vấn đề "vần" thành một vấn đề. Đa số trường hợp nó khắc đến, khắc đi, khắc chuyển. Chỉ có độ 2% trường hợp là cố gò. Vì khi đó cái tai nó bảo kiểm soát lại quãng này quãng kia, có gì không thông? Trường hợp đó cũng cố gò điệu trước tiên, rồi mới gò vần. Nếu gò vần chạm tới điệu, thậm chí hại tới ý tình thì tôi thôi, mặc kệ cho vần nó lạc.

Phương pháp, tôi vẫn cho vần xuống hàng cuối. Trong mọi vấn đề tôi ít chú ý vấn đề này nhất.

Tìm ý, tìm hình ảnh. Ý đến tản mạn, bất ngờ. Trước, đoạn 1 và đoạn 2 gộp làm một. Sau, ý đến nhiều mới viết "Em đợi" thành một đoạn. Do cái bóng (đoạn 3) mà gợi ra ý đoạn 1, đoạn 4, đoạn 5. Ý gợi ra hình. Khi đầu chỉ có ý là định tả: chiến tranh làm tôi bị thương cả người lẫn bóng. Về sau ý nó xô đến, đưa cái bóng lên thành hình ảnh bao trùm. Hình lại gợi ra ý. Cái bóng thành hình ảnh rồi, nó gợi lại ý tứ đoạn 1 và những đoạn 4, 5.

Trong bài thơ này, cái bóng thành một hình tượng (symbole) chủ chốt. Nó kéo dài, trùm bài thơ. Tôi vẫn tiếc là cái bóng nó choán đoạt nhiều quá. Tuy rằng tôi đã cố hạn chế quyền hạn của nó. Tôi ghét cái lối symbole kéo dài. Kiểu l'Albatros (Baudelaire).

Tìm ý cốt cho mạnh bạo. Quanh tôi là những công thức tuyên truyền. Cả một tục lệ, một xã hội, một tập quán nó đè. Khổ cái là nó đang thịnh hành, nó khoác áo cách mạng ngang nhiên sống, đẻ con sinh cháu, lộng quyền, tác quái trong Nghệ Thuật. Tôi cho rằng người thi sĩ nếu không phát huy can đảm tột độ - đúng như một người đứng một mình trước Sự Thực và Chân Lý trần truồng khắc nghiệt - nếu người thi sĩ không có cái táo bạo đó thì đừng nói chuyện tìm được một ý thơ nào nữa. Mà chỉ tìm được những công thức cứng đờ thôi.

Hình ảnh. Tôi đã nói, tôi ghét những symboles kéo dài. Chứ không phải ghét symbole. Ngược lại, tôi yêu những symboles kiểu:

Người mặc rách kéo cày lịch sử (Hồ chủ tịch)

hoặc

Tôi đánh trống trên lưng thế kỷ

Nó ghép rất nhanh con phượng hoàng bên cành trúc. Nó hoà H với O thành một tổng hợp mới: H2O (nước). Nó đột ngột lay chuyển, bốc cháy, sinh động. Như là mọi công việc tổng hợp, nó sáng tạo ra những chất mới.

Tôi nói thêm là tôi ghét cái kiểu tạo hình ảnh bằng cách so sánh nhạt nhẽo: như. Dòng nước chảy như cái này như cái kia. Chim bay như cái con khỉ con tiều gì đó. Vì nó giống một cuộc ép duyên, lỏng chỏng, dù là khéo léo nhất.

Tuy vậy vẫn có trường hợp như mà lại sáng tạo được chất mới. Trường hợp đó tuy là như, nhưng mà như không có nghĩa so sánh thường dùng. Tôi chưa có, nhưng sẽ có ví dụ về cách dùng chữ như có sáng tạo.

Tôi lại ghét dùng những hình ảnh có sẵn. Người ta gọi là những hình ảnh đã thành sáo. Người thi sĩ hay dùng lối đó tức là rơi vào cái tầm thường tiểu tư sản. Ví dụ: (...), đế quốc là bọn giết người vv... Trường hợp tôi dùng: chúng nó là buôn máu (đã thông dụng) phải đặt vào một cái không khí mới mẻ. Làm cho buôn máu đã sáo lại sống lại.

Người thi sĩ tạo ra những nhân vật mới, tạo ra thế giới mới là một chuyện. Nhưng chú ý: trong thế giới mới đó, một số người, một số nhân vật đã hấp hối, thậm chí đã chết, cũng hồi sinh sống lại, hồng hào, có ích.

Nói tóm tắt: tôi ghét những lối tạo hình ảnh dễ dãi, tầm thường, hủ lậu. Đó là đặc tính của những người và những giai cấp sắp chết.

Lời thơ?

Có những lời, đã làm xong cả bài thơ mà vẫn chưa tìm ra. Tôi thích những lời như kiểu:

đánh trống trên lưng thế kỷ

hoặc giống câu chuyện nói với nhau:

những kiểu sống ỉ eo

con rùa lụ khụ

Lời ăn sẵn,

lời đã thành sáo ngữ,

lời dễ dãi, tầm thường

là kẻ thù của tôi.

Chưa tìm được lời thì ăn cũng nhạt, hút cũng chán, rức đầu cũng không rức được tự do!

Một số lời tôi còn đang ghét. Dân gian, thế kỷ hơi nhiều. Phải tìm cho nhiều variations. Phải lắng nghe người ta nói hàng ngày. Đãi lấy lời thơ. Phải làm cho giầu có kho văn tự sần sùi, cát bụi, bùn lầy, gân gổ.

Tôi yêu những lời rudes. Vì nó giống Sự Thực. Giống Chân Lý.

Quá trình Thơ?

Những ngày cuối của Chiến Tranh và những ngày đầu của Hoà Bình [...] trong người tôi đã có những cuộc tổng kết, sơ kết, suy nghĩ, vật lộn, khó chịu về nhiều vấn đề. [...] (Khi tôi viết Người người lớp lớp, vấn đề đã mọc ra um tùm cả tâm hồn.) [...] Ví dụ vấn đề tự do sáng tác, vấn đề tác phẩm và trách nhiệm tác giả với sự thực, và riêng vấn đề tình yêu. Tôi đã tìm thấy, nói đúng hơn là vạch rõ thêm những cái tôi hằng thù ghét: - là sự kiểm duyệt, - là médiocrité dans l'art, - sự dối trá, công thức trong đời sống và nghệ thuật...

Tôi viết bài Anh đã thấy. Định nói cái đau đớn, éo le, trái ngược của chiến tranh và cuộc sống bị đảo lộn. Và nói con người đã qua những cảnh đó là con người khoẻ nhất, mạnh nhất.

Bài đó tôi vẫn thích (tuy có nhiều cái không thích vì kỹ thuật). Nhưng anh em phê bình: loạn quá, bi quan, kém tin tưởng, khó hiểu.

Bảo tôi chữa.

Tôi cố chữa. Nhưng không được. Tôi không thể chặt tay chặt chân một đứa con tôi đã tạo ra, lấy tay chân khác lắp vào. Tôi thích bài thơ đó vì tôi thấy không chữa được: tức nó là một sinh vật, một con người, có sự sống của nó. Chữa nó, chặt đầu lắp mình thì nó chết.

Vì vậy tôi không chữa nữa. Xin lỗi anh em, các đồng chí mà tôi mến. Tôi muốn chữa lắm chứ không phải không. Để vừa lòng các đồng chí. Dĩ nhiên vừa lòng tôi hơn. Nhưng cầm bút nhiều lần rồi. Chữa thì nó chết. Đứa con đầu ấy không thể cắt chân tay được, - tuy rằng tôi cũng nhận là thân thể nó trông ra thì không được đều đặn.

Để tôi đẻ đứa khác vậy.

[...] Đến giờ thì bài thơ đã thành. Gọi tên là "Tiếng trống tương lai".

Đỗ Nhuận, TrtThọ, ĐTrình cũng có lời khen. Coi nó là một lối thơ khác xưa nay. Khuyến khích. Có góp một số ý kiến. Tôi đồng ý và không đồng ý. Có chỗ tôi đồng ý mà tôi không chữa, - vì KHÔNG THỂ CHỮA ĐƯỢC. Chuyện Thơ nó như vậy. Và tôi thấy không chữa cũng KHÔNG CHẾT AI. Chỉ có lẽ để lần sau. Và lần sau cũng lại có những cái cần chữa, - mà không chữa được, và không chữa cũng không chết ai.

Đó là chuyện Thơ như vậy. Ai đã làm nghệ thuật chắc cảm thông điều này. Ai đã đẻ chắc cũng hiểu, mỗi đứa có cái đẹp và cái xấu của nó. Ai đã cầy cấy, làm ra hàng hoá, gieo nên mùa màng chắc cũng hiểu. Ai đã làm chính trị (không phải công chức chính trị, mà chính trị gia hẳn hoi) ắt cũng hiểu. Từng thời kỳ ta có những ưu và khuyết của nó. Cốt là cái ưu phải có cỡ là làm cho ta thắng. Và khuyết là khuyết không đủ sức làm ta thua. Tôi nói không chết ai là như vậy.

[...]

20 tháng Mười Hai 1954

Về Hà Nội được đúng 10 ngày.

[...] Cơ quan văn nghệ chưa có gì thay đổi. Vẫn những tư tưởng: "coi rẻ lao động nghệ thuật", "đơn giản coi văn nghệ bộ đội là bộ đội", "không tin văn nghệ". Vẫn những chính sách gò bó, mệnh lệnh và máy móc "quân sự hoá văn nghệ". Đời tôi chìm chết trong chính sách này, cũng như những anh em khác.

Khó lắm.

Nhưng tôi nghe nhiều tiếng cất lên. Phản đối. Bàn cãi. Mỉa mai. Và cả chửi bới. Cái đó có nghĩa là tiếng trống báo tử của những tư tưởng và chính sách áp chế văn nghệ bộ đội.

Những ngày gần đây sao mà tôi buồn.

Buốt óc lắm.

Và bực tức.

Cơ quan và chính sách. Hội Văn Nghệ đánh mất bản thảo Người người lớp lớp (phần 4 và 5). Món nợ chính phủ, những kỷ niệm ngày bé, chua chát và mãnh liệt, những uất ức của 9 năm chiến tranh. Thơ tôi người ta không chê nhưng cũng không sốt sắng in. Những dự định khó thực hiện vì chính sách gò bó: tích lũy cuộc sống mới thì phải được tự do, vân vân...

Tôi bị bao vây.

Chặt quá. Ép quá.

Như một chân lý bị vùi dập trong những núi bụi định kiến. Khó bao nhiêu cho một chân lý được nảy nở dưới mặt trời. Đó là: chuyện của hàng năm. Có những khi: hàng thế kỷ.

Tôi muốn gạt những núi định kiến mà ngoi lên thở. Sự sống, lý tưởng và chân lý đòi tôi như vậy.

Nhưng sao mà buồn thế? Khổ thế? Nhiều lúc tôi tưởng như mất cả cuộc đời rồi. Tay buông xuôi. Chân duỗi thẳng. Tôi buồn như người đã chết.

Không phải là vì không có bạn: Đông, Tây, các bạn cũng như tôi, chung nhau ý kiến lớn và nhỏ. Chung nhau hăm hở. Và chung nhau buồn bực, duỗi tay. Có phải đó là sự thực của tâm trạng đấu tranh?

Tôi muốn những gì?

- một chính sách văn nghệ mở rộng ra, cho nó đúng đắn

- một cuộc sống sáng tạo. Cái cũ thì trút ra. Cái mới thì tích lũy vào, để rồi tùy mức mà trút ra. Hai việc song song tiến hành.

- rèn luyện các ngón nghệ thuật. Thơ là thích nhất. Tiểu thuyết. Truyện. Bút ký.

- đọc. Tiểu thuyết. Lý luận văn nghệ. Triết học. Kinh tế. Dốt quá. Dốt quá. Nghệ thuật là một phương pháp nhận thức và thể hiện cuộc sống đầy đủ và trọn vẹn nhất. Nghệ sĩ là một người đại trí thức.

Ai giải quyết cho tôi?

Tôi không tin những ông Khương, ông Cương, ông gì gì nữa. Tôi không tin.

Tôi chỉ tin ở tôi, ở anh em văn nghệ. Nếu mà uốn thẳng lưng ra thì ta với được trời xanh. Cứ cúi mãi, mũi chấm đất đen làm gì?

24-12

Đêm Noel.

[...] Bước quanh Bờ Hồ. Trời tôi tối. Còn vẳng tiếng hát micrô nhà thờ buông trầm trầm. Hai thằng đi. Tôi và Lê Đạt. Buồn quá. Đây là những lúc người tôi hẫng lắm. Rỗng lắm. Tôi còn đầy dư vị những câu chuyện trao đổi đêm nay về chính sách văn nghệ. Dư vị chua, đắng, nhạt thếch.

Xem bài thơ "Đại Hội văn công" của Dương Chi trên báo Thời Mới. Tôi nhớ lại nhiều bài thơ kháng chiến của anh em kháng chiến. Ý tứ, điệu nhịp. Tôi có ý nghĩ so sánh. Thấy nó na ná nhau quá. Thử đào sâu hơn, tôi thấy phương pháp thơ của Dương Chi không khác là bao nhiêu với phương pháp thơ của nhiều anh em kháng chiến (!) Tôi còn muốn nói là giống nhau nữa. Phương pháp thơ gì? Tôi cho rằng phương pháp thơ đó căn bản có mấy điểm:

1) một nội dung chính trị chưa thấm, chưa nhuyễn tới mức không còn là chính trị đơn thuần nữa;

2) trộn vào nội dung chính trị đó một vài cái gì ươn ướt một tí. Ví dụ "đại hội văn công" thì trộn vào: tình đất nước, xuôi ngược Mán, Thổ, Mường... Nam Bắc... bốn phương về đây tụ hội. Và một vài cái ánh đèn... con mắt trái tim rung v.v...

Tôi nói "trộn". Cũng được. Nói đúng hơn thì là "phát triển một cách nông cạn", một cách "văn nghệ hoá". Đôi khi có vẻ "đào sâu". Nhưng thực ra chỉ là "bới ngang ra".

3) đem cái đó đặt thành vần điệu. Kỹ thuật là xen các thể thơ 4, 5, 6, 7 chữ. Thi thoảng hạ một câu lục bát nghe có vẻ mê ly. Tôi thường nghĩ đó là một ngón thơ chim gái. Phụ nữ nghe phải sít soa. Và cả quần chúng khi đó, lúc đó, cũng rít lên. Nhưng về sau không ai còn nhớ nó nữa.

Vì vậy tôi coi phương pháp thơ Dương Chi trong bài đó giống phương pháp của anh em kháng chiến. Theo ý tôi là một phương pháp thơ rất hỏng. Không có gì đáng gọi là cách mạng cả.

Tôi muốn anh em kháng chiến bàn vấn đề đó. Tôi muốn nói: "Các anh đừng có lên mặt kháng chiến. Đừng vênh váo mình tiến bộ. Đừng khinh anh em trong Hà Nội lạc hậu! Về căn bản, các anh không có hơn gì anh em Hà Nội đâu. Phương pháp thơ, cách tìm ý tứ, nhịp điệu của các anh có khác gì đâu? Nếu có hơn thì cũng có hơn đấy. Tôi công nhận hơn là: chọn một số đề tài ra vẻ kháng chiến. Vẻn vẹn vậy thôi. Hơn hình thức thôi. Tức là không hơn gì cả. Ta chưa có cách mạng thi ca."

Tôi nhớ một hôm tôi đọc chơi chơi ví dụ: "hồn lâng lâng mơ máu giặc nồng say..." Nhiều anh em cười. Tôi đố: thơ ở đâu nào? Có anh đoán: - Một tờ báo Hà Nội nào hẳn? Tôi nói thực: - Đó là ở tập Tiếng hát, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân. Thơ kháng chiến đấy.

Đó chỉ là một ví dụ. Ai chưa tin thì thí nghiệm như tôi xem.

_________________________

[1]Những chỗ đánh dấu [...] là những đoạn người biên tập lược bỏ.

[2]Những chỗ đánh dấu (...) là những đoạn hoặc chữ không đọc được trong bản viết tay.

[3]Là tác giả tiểu thuyết Người người lớp lớp, Trần Dần được cử sang Trung Quốc tham gia viết kịch bản cho bộ phim về Điện Biên Phủ do phía Trung Quốc thực hiện. Chuyến đi bắt đầu từ ngày 10 tháng Mười 1954. Ngày 12 tháng Mười Hai 1954 ông trở về Hà Nội.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021