thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Văn hoá tục

 

Lời tác giả:
Ðộng cơ đầu tiên thúc đẩy tôi viết bài này, thú thực, là nhằm để trả lời những người đã lên tiếng phê phán tôi cũng như phê phán Tiền Vệ thời gian gần đây (chủ yếu đăng trên talawas.org).

 

Không có gì để hoài nghi cả, sau việc phát hiện ra lửa, việc sáng chế ra cái quần (hoặc cái khố hoặc bất cứ cái gì có chức năng tương tự) là một trong những sáng chế quan trọng và có ý nghĩa nhất trong lịch sử văn minh nhân loại. Nhớ lại mà xem, trong Sáng Thế Ký, phát hiện đầu tiên của Adam và Eve sau khi ăn trái cấm là gì? Là phát hiện ra sự trần truồng của nhau và, do xấu hổ về sự trần truồng ấy, cả hai đều với tay bứt chiếc lá vả để che kín bộ phận sinh dục của mình. Theo nhà văn Ðức Franz Werfel, chiếc lá vả ấy chính là “tài liệu văn hoá đầu tiên” của loài người.[1] Theo tôi, đó cũng là một ‘trận địa’ đầu tiên, nơi xảy ra các xung đột gay gắt giữa bản năng và văn hoá và cũng là nơi các thế lực chính trị khác nhau thích kéo đến để cắm cờ và giương cao biểu ngữ. Có thể nói, trong lịch sử, hầu như bất cứ thế lực chính trị nào cũng đều xem việc bảo vệ quần và văn hoá quần (ai mặc cái gì, lúc nào mặc và lúc nào cởi, v.v…) là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Cái gọi là ‘bảo vệ’ ấy, thật ra, phần lớn là bảo vệ quyền cởi quần thoải mái của giai cấp cầm quyền: xin nhớ, ngày xưa, khái niệm ‘dâm’ chỉ áp dụng cho dân chúng, riêng vua chúa thì được miễn trừ. Dân chúng thừa hiểu điều đó, cho nên, một trong những ước mơ lớn nhất của họ là phá vỡ cái văn hoá quần ấy, tức là, nói cách khác, được quyền dâm: không dâm được bằng hành động thì họ dâm bằng...ngôn ngữ. Cái quần và cái-trong-quần, do đó, trở thành một thứ địa-chính trị (geopolitics) ghi dấu tất cả các quy phạm và các thiết chế xã hội cũng như những tranh chấp giữa các quy phạm và thiết chế ấy. Là một địa-chính trị, cái quần và cái-trong-quần tự nhiên trở thành một văn bản (text) ẩn mật mà phần lớn các nhà văn và nhà thơ đều nuôi tham vọng khám phá bởi giải mã được cái văn bản ấy, người ta cũng đồng thời giải mã được vô số các văn bản khác liên quan đến văn hoá, lịch sử và bản tính con người nói chung. Không những là một văn bản, cái quần và cái-trong-quần còn là một thứ, nói theo ngôn ngữ của Gail Weiss, ‘chân trời tự sự’ cho mọi văn bản, đặc biệt, cho mọi câu chuyện mà chúng ta kể về chính chúng ta.[2] Chữ “chân trời” (horizon) Gail Weiss dùng ở đây nên được hiểu theo truyền thống hiện tượng luận của Edmund Husserl: đó là cái nền trên đó các đối tượng nhận thức xuất hiện: ví dụ, khi chúng ta tưởng tượng một điều gì đó, cái điều chúng ta tưởng tượng sẽ xuất hiện trên những nền khác nhau; những cái nền này được cấu tạo từ nhiều yếu tố, bao gồm ký ức và nhận thức của chúng ta cũng như của những người khác trước và cùng thời với chúng ta: tính chất liên chủ thể và không có biên giới rõ ràng làm cho những “chân trời” này trở thành những vùng bất định (zones of indeterminacy); tính chất bất định này, đến lượt nó, theo cách lý luận của Merleau-Ponty, đâu đó, một mặt, làm cho chúng ta đối diện với những giới hạn của thân phận con người, mặt khác, lại làm cho nhận thức và kinh nghiệm của chúng ta thay đổi liên tục. Tính chất liên chủ thể và bất định này cũng làm cho mọi tự sự mà chúng ta kể về cuộc đời của chúng ta, nói theo Alasdair MacInty e và Mark Johnson, luôn luôn có tính chất đồng-tác giả (coauthored).[3] Và bản thân các tự sự ấy, để được hình thành và mang tính khả thức (intelligibility), theo Gail Weiss, phải dựa trên một cái nền tối hậu là chính thân thể của con người.[4] Tất cả những điều này dẫn đến một hệ luận chính là: cái quần và cái-trong-quần trở thành nơi gặp gỡ giữa cá nhân và xã hội, giữa văn hoá và chính trị, giữa truyền thống và cách tân, từ đó, những điều chúng ta thường gọi là ‘tục’ đều vừa có ý nghĩa chính trị vừa có ý nghĩa văn hoá. Và vì mang ý nghĩa chính trị và văn hoá, cái tục nào cũng có tính lịch sử: lúc này là tục, lúc khác lại không; nhìn từ phía này là tục, nhìn từ phía khác, có khi lại không. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà, mở đầu cuốn Ðộ không của lối viết, Roland Barthes đã nhắc đến Hérbert, một nhà cách mạng, người thường văng tục trên tờ báo Le Père Duchêne. Barthes nhận xét: “Những lối văng tục ấy chẳng có nghĩa gì cả, nhưng chúng báo hiệu. Chúng báo hiệu bằng cách nào? Bằng cách diễn tả cả một tình thế cách mạng.”[5]

 

Dĩ nhiên, đành là không phải lối văng tục nào cũng là cách mạng cả, nhưng một người đọc thận trọng, tinh tế và... khôn ngoan không bao giờ cho phép mình xem chuyện tục, nhất là chuyện tục trong văn học, lúc nào cũng chỉ là chuyện tục. Xem như thế, người ta vừa không hiểu gì về bản chất của cái tục và văn hoá tục vừa có nguy cơ chỉ dừng lại ở bờ đạo đức và xã hội học chứ chưa bước sang bên kia bờ... văn học, nơi không chừng có cái gọi là mỹ học của cái tục.

 

Melbourne 7.4.2005

_________________________

[1]Dẫn theo Ruth Barcan (2004), Nudity, A Cultural Anatomy, Oxford: Berg, tr. 49.

[2]Gail Weiss, “The Body as a Narrative Horizon” in trong tập Thinking the Limits of the Body do Jeffrey Jerome Cohen và Gail Weiss biên tập (2003), New York: State University of New York Press, tr. 25-35.

[3]Như trên, tr.27-29.

[4]Như trên, tr. 30-33.

[5]Roland Barthes (1953), Le Degré Zéro de L’Ecriture, Paris: Editions du Seuil; bản dịch tiếng Anh của Annette Lavers và Colin Smith, Writing Degree Zero, do Hill and Wang xuất bản tại New York năm 1987, tr. 1; bản dịch tiếng Việt của Nguyên Ngọc, Ðộ không của lối viết, nxb Hội Nhà Văn xuất bản tại Hà Nội năm 1998, in lại trên www.talawas.org.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021