thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ và phân tâm học

Hình tượng

Trên con đường tối tăm, được nhà thơ dẫn đi bằng bài thơ của anh ta, bạn không còn là kẻ độc hành nữa. Trong thẳm sâu tiềm thức, chúng ta đã có lần như vậy: bước đi trong một cánh tay.

Không phải chỉ có lòng gan dạ, mà cả sự yếu mềm, không phải chỉ có điều tốt đẹp mà cả sự đớn hèn, đều được trân trọng. Khi nhà thơ viết bài thơ đầu tiên và cuối cùng của anh ta, sự kết hợp ấy vẽ ra lộ trình đời sống qua bao huỷ diệt. Còn những bài thơ ở giữa? Tôi không biết.

Hình tượng thơ đưa chúng ta thẳng tới bến bờ, nơi đó ngôn ngữ hoà đồng với hình ảnh, ngôn ngữ chính là hình ảnh.

Tôi vẫn thường tự hỏi, làm sao mà một cánh bướm đậu trên bức tường đêm, một ngày kia, đầu mùa thu, đã từng chữa lành vết thương của tôi. Vết thương nào? Cánh bướm nào? Có phải vì thường ngày, chúng ta vẫn nhìn bằng đôi mắt của người khác, nghe bằng tai người khác, nghĩ bằng suy nghĩ của người khác? Và một thoáng chốc kia, Thơ mang ta trở lại với mình, tự đầu nguồn của dòng sông trôi chảy, nhìn thật kỹ vào vết thương thật ra chưa hề được rướm máu, khơi lại đỏ ròng, làm cho chảy máu, làm cho kẻ làm thơ kia, cùng với người bạn đồng hành của hắn, đớn đau khôn xiết.

Freud vẫn thường nhắc đi nhắc lại về xung lượng của thời thơ ấu lên sự hình thành nhân cách một người, và như vậy nhào nặn ra người đó, giữa bộn bề khuyết tật bị khuất lấp - khuất lấp nhưng không hề ngủ yên. Đây là cống hiến lớn nhất, với ít sai lạc, của Phân Tâm học cổ điển. Những hình ảnh và kí ức thời thơ ấu đã sinh ra các nhà thơ. Hãy để họ sinh ra lần nữa trong mông muội đêm của thơ ca, ở đó phân tâm học là một tàn lửa đỏ, nhỏ nhưng chưa hề tắt.Và hãy để họ sắp xếp giường chiếu cho một đứa trẻ khác sắp ra đời: đứa trẻ của một người mẹ khác.

(24.12.99)

Trăm lá

Con chim sải một cánh. Người thương binh trên một chiếc nạng. Bài thơ anh viết nơi này nơi kia, không giữ được bản thảo. Bản thảo hay bản ngã xé đôi? Bằng sự lãng quên, hay mất trí nhớ tâm lý, sau một chấn thương, con người một cách vô thức từ chối nhận diện một khoảnh khắc đời mình. Đó là bản năng tự vệ (defense mechanism).

Cố gắng một cách tuyệt vong, nhà thơ đi ngược đường vào vùng mất trí nhớ, hú gọi một ngôn ngữ đã diệt vong (extinct) bằng một ngôn ngữ diệt vong khác. Ngôn ngữ nào?

Freud không phải là người đầu tiên, nhưng là người đã đi đến tận cùng năng lực của thời đại ông, trong việc chinh phục ngọn núi chất ngất của hiện tượng dị thường, đa trùng nhân cách, hay còn gọi là phân liệt bản ngã( dissociative identity), trong đó hai người hay nhiều người cùng tồn tại trong một con người. Có thể là với những tính cách và niềm tin hoàn toàn khác, như một nam một nữ, một già một trẻ, một hướng nội một hướng ngoại vân vân. Sự chuyển giao giữa các nhân vật bất ngờ và đầy kịch tính.

Nhà thơ là một kẻ đa trùng bản ngã. Anh ngủ quên trong một khu rừng. Và thức dậy trong một khu rừng khác.

Hãy thử đi ngược đường. Lắng nghe: sự hủy diệt đến từ chia cắt, nhưng chuỗi liên tục nằm ở đâu? Nếu anh đi ngủ, và đặt chiếc đồng hồ dưới gối, và thiếp đi trong khi bên ngoài gió lộng? Hãy thử: những chiếc lá bay ngoài đồng được thu nhặt lại? Dù có xé đôi bài thơ của mình và đi vào đêm tối, với ngọn đèn trên tay thì anh chỉ hiểu ánh ngày. Ném ngọn đèn đi.

Anh đừng sợ: thế giới càng thơ, nó càng thật. Ngược lại thì không đúng. Anh làm thơ ra sao, trong một thế giới đầy xung đột. Anh có vùng lãng quên tối đen nào, như người chiến binh trở lại chiến trường xưa? Nhân chứng hay người hoá giải? Anh sống nhiều bản ngã hay chỉ là một bản ngã tự chia lìa?

Liên tưởng

Thơ nói về điều anh muốn che giấu trong đời. Che giấu vì sợ hãi, vì xấu hổ, hay nghi hoặc. Thơ dẫn anh tới cội rễ của niềm sợ hãi câm nín, mặt sau của tấm gương soi, vết nhơ đã lau kỹ của quá khứ hoang dã. Anh lần theo từng nhánh rễ cây. Không ngọt ngào êm dịu, thơ là ánh chớp cắt đôi màn đêm âm u vô thức. Trong tia chớp ấy, giọt sương nào sáng lên, hay thân thể trần truồng của người đàn bà nào sáng lên?

Nếu anh không nối anh vào được với thiên nhiên, nằm xuống hôn lên mặt đất, ai sẽ chỉ cho anh đường về? Thơ cần thoát khỏi những ràng buộc có tính kiến tạo. Phân tâm học thường dùng phương pháp nổi tiếng tự do liên tưởng để đẩy người bệnh đến chỗ tận cùng phá vỡ qui ước, tự do bay nhảy không chủ đích từ việc này qua việc nọ, từ con kiến nhỏ đến một dòng sông, từ người cha đã khuất đến tiệc rượu gần tàn đêm qua vân vân, xoá bỏ mọi quan hệ tưởng như vĩnh cửu và thiết lập những quan hệ mới, huyền hoặc nhất. Anh thu được điều gì: những giấc mơ say đắm của một thời thơ dại. Và không chỉ có thế. Như một người phụ nữ, thơ lớn lên hạnh phúc hay là bất hạnh. Trước những thử thách, thơ hạnh phúc sẽ đến gần người khác, ngược lại thơ bất hạnh sẽ xa lánh con người.

Thơ truy đuổi những chiều kích xúc cảm. Các chiều đo nguyên thủy như vui vẻ, an tâm, giận giữ, bất an... có tính phổ cập và vượt lên các vùng văn hoá. Các chiều đo phức hợp như tự chế, muốn kiểm soát tha nhân, nỗ lực... có tính xuyên vùng văn hoá. Khi anh nén một cảm xúc ở nơi này, bị cấm đoán, nó chờ dịp bộc lộ ra ở một nơi khác, được phép hơn, mà chính anh không tự biết. Freud gọi đó là hiện tượng chuyển dịch (displacement). Đã bao giờ anh lần theo dấu vết xúc cảm của mình? Cảm giác sợ hãi đóng đinh con người vào với những kinh nghiệm trong đời. Người phụ nữ một lần bị làm nhục trong xe hơi, nhiều năm sau kí ức đã vùi quên; một hôm ngạc nhiên thấy mình chóng mặt bối rối sợ hãi khi đứng trước một chiếc xe hơi, mà không hiểu vì sao. Anh có bao giờ như người phụ nữ kia, sợ hãi đám đông, hay một gốc cây, sợ hãi chiến tranh, hay một màu son môi nhạt?

Trộn lẫn các màu sắc, anh sẽ có một màu mới, hay chẳng có màu gì cả. Bài thơ đầu tiên anh đọc trong đời, làn da đầu tiên, nhắm mắt lại, cảm giác đó ra sao?Thơ mở cho anh hai cánh cửa. Cánh cửa mở ra bên ngoài thế giới và cánh cửa mở vào tâm hồn mình. Nhưng có thế giới bên ngoài nào mà không được nhìn qua trong suốt hồn anh. Hai cánh cửa này cũng mở ra khi anh, khoả thân, đứng trong ngày phán xử cuối cùng.

Tiếng vọng của nỗi cô đơn trong mỗi con người kéo anh ta về với mọi người, trong khi vẫn chia biệt anh ta trên những chiều sâu khác. Trong mỗi gia đình, đều có những nỗi khắc khoải, cảm giác bị bỏ rơi, nghi ngờ, căm hận, hiểu lầm, sợ hãi, và tha thứ. Bài thơ anh viết như con đường kia, bất ngờ một hôm đưa anh trở lại đầu góc phố quen, bên thềm nhà xưa, hay trước giàn bông giấy cũ. Buông thả, thơ kể anh nghe giọng dòng máu chảy.

Đặt điều mà anh vẫn giấu trong lòng, không thể nói cùng ai, lên trang giấy. Thật không dễ dàng gì. Anh không biết thơ có quyền lực nào đây. Nhưng có phải mỗi buổi sáng thức dậy, anh lại yêu thương điều đã mất hôm qua?

Thiếu vắng

Đôi khi trên đường, một tiếng gọi làm anh quay lại: mất hút vào đám đông, khuôn mặt của thơ ca.

Khi lớn lên, con người gắn liền với thiên nhiên văn hoá như đứa trẻ gắn liền với bà mẹ (attachment). Người mẹ, hay người săn sóc, là đối tượng tình yêu nguyên thuỷ, từ đó đứa trẻ hút lấy tinh chất của dòng đời không chia cắt, là ba cảm giác phát nguyên: an toàn, ổn định và giá trị. Vượt lên thời gian, đứa trẻ học thêm khả năng chia lìa, chấp nhận khoảng cách, với các rủi ro ngày một lớn, thời gian xa cách lâu hơn, ngoài tầm tay người mẹ. Cuối cùng, đứa trẻ học được cách gắn bó với người khác, không phải là mẹ mình. Tình yêu lứa đôi, đồng loại, đất nước và những tình yêu khác mở chung một cánh cửa. Và như thế, con đường mùa xuân chú bé con đi theo mãi xuyên qua những đám cỏ dại sau nhà chấm dứt bất ngờ trong một bụi rậm, cúc nở trên núi thu, mùa hạ đẩy chuyến xe lửa đi, mùa đông một ngọn đèn xa thắp sớm, là những mùa đẹp nhất trong năm. Chưa chắc thế giới đã tuỳ thuộc ở anh, nhưng nếu anh lên dây đàn căng thẳng, ngay cả ngọn gió cũng làm ra âm nhạc, và nếu anh quét dọn con đường trước nhà một sớm tinh mơ, con đường cũng cất bước đi.

Nơi nào đó trên mặt đất có kẻ vẽ một vòng tròn, rồi đứng vào trong đó: sự thiếu vắng một thiên nhiên văn hoá (cultural deprivation) khởi đi từ, và chính là, sự thiếu mẹ hay mất mẹ (maternal deprivation). Đó là sự vắng mặt của cơ hội duy nhất nơi con người học được bài học thơ ca. Đứa trẻ mất mẹ thiếu hẳn nụ cười và khả năng dõi mắt nhìn theo từ tháng thứ hai, phản ứng xoay đầu về phiá tiếng động từ tháng thứ tư, tương tác ngôn ngữ ở tháng thứ năm, tỏ ra thờ ơ với đồ chơi khi đã lên sáu tháng vân vân (Spitz' report). Đứa bé chậm phát triển, thậm chí có thể chết, vô thức xô vào giông bão. Nó sợ hãi đám đông (agoraphobia) hay người lạ (social phobia), bỏ học, tâm hồn lẩn trốn sau trang giấy.

Nhấc bổng khỏi vết chân của mình, góc hồn sâu kín khóc than về vùng đất xa xăm, như con sói nhỏ nhớ rừng già. Nó bước đi, chân dẫm theo những hòn sỏi nhỏ. Sỏi nào ai rắc? Tiên cảm về nỗi bất an phía trước : nỗi bất an của ngày đoàn tụ.

Sáng tạo là lời giục giã thất thanh của nguyên vẹn. Nhưng khi trái cây được ủ trong hầm tối, chín, ngào ngạt toả hương, nó thèm khát điều gì ở anh? Khả năng thay đổi tận cùng hay sự vẹn toàn nguyên thuỷ?

Nếu bài thơ dẫn anh đi lạc vào sâu trong hẻm tối, mọi thứ sẽ im lặng dị thường, và anh bước đi đầy sợ hãi. Tiếng tích tắc của đồng hồ chẳng ở đâu xa: nó vang lên trong huyết quản.

Đôi khi cuối bức tường kia, anh thoáng thấy một con hươu nhảy vào bụi rậm, lông nó vàng hay nâu sẫm? Đẹp đến nỗi anh muốn mình được như nó: thoắt một cái, nhảy qua hàng rào. Nhưng khi đó, làm sao cuộc đời đến được gần anh?

Bất an

Dòng sông đáng sợ nhất là dòng sông mà chúng ta không bao giờ bơi qua.

Nỗi bất định về tương lai, con đường đi không bờ bến, cảm giác mịt mù phát khởi nỗi bất an nơi con người còn mãnh liệt hơn nhiều những kinh nghiệm khổ đau mà dù muốn dù không chúng ta cũng phải trải qua.

Thơ dẫn anh băng qua dòng sông ấy, nước chảy xiết bốn mùa, không có dịp ngoái đầu nhìn lại.

Cũng như, và song song với các rối loạn về nhân cách, sự bất an là kết quả của xung đột bắt nguồn từ trong những hoang mộng (fantasies), trước nỗi ám ảnh bị trừng phạt đối với những ước vọng thầm kín bản năng. Sự mất đi một người thân yêu, giúp đứa trẻ lần đầu tiên nhận ra rằng cái chết là điều mãi mãi không đảo ngược được. Tiếng gào thét từ dưới đáy tâm hồn hay những giọt lệ nóng hổi trên gương mặt ngây thơ hoàn toàn không giúp được gì; và những cố gắng vô ích, đến lượt mình, ngược lại dần dần chiếm lấy vị trí của người thầy trên bục giảng: đứa trẻ lờ mờ nhận ra rằng thế giới đi con đường của nó, và kết quả của các sự kiện tiếc thay thật ra chẳng bao giờ tuỳ thuộc vào anh. Sự bất lực của số phận là cội nguồn sự bất an của thơ ca.

Thường rất khó khăn để tìm ra một ngôn ngữ cho một người giúp hắn diễn tả hết được tình yêu của mình đối với kẻ khác: tự bản chất, ngôn ngữ không phải được sinh ra để diễn tả. Nó chính là tiếng dội.

Như con chim bay về giữa vườn hoang, đứng hót một mình trong ngày chiến tranh.

Người lính mất một bàn chân ngoài chiến trường. Phần cơ thể bị mất đi, thực ra không bao giờ biến mất. Anh đau nhức khủng khiếp mỗi khi trời trở gió, ở ngay chính nơi bàn chân kia không còn nữa. Nỗi đau đớn của anh phát ra trong vùng không gian của một điều không còn tồn tại, thoạt nhìn như hồi quang của một tàn lửa đỏ, nhưng thật ra là, nó vẫn tồn tại. Cơn đau bóng ma. Thơ tìm lại bàn chân đã mất, không phải bằng cách lang thang ngoài bãi chiến trường xưa. Trong căn bệnh bất an của thời đại mình, thơ là bàn chân ấy, trên bề mặt của không gian tâm thức đang dày đặc và co lại.

Ai có thể trong cùng một dòng sông, tắm được đến hai lần, nếu không phải là nhà thơ và người đọc hắn? Đọc trong nỗi bất an thường trực, như một gã đàn ông lớn tuổi, chờ bạn đi ngủ rồi, mới cất lên giọt lệ. Bạn có bao giờ thấy được giọt nước mắt của mình đâu?

Nỗi bất an là một căn bệnh nghiệt ngã. Nhưng sau những ngày nằm bệnh liệt giường, anh trở dậy, lần tìm đôi dép, bước ra bên cửa sổ, ở một góc vườn xa màu lá cây xanh nõn như sau cơn mưa mùa hạ, tươi đến nỗi có vẻ là không thực, có cái màu khó tin như trong tranh của trẻ con. Và anh nhận ra rằng, thơ vượt lên trên mọi nghệ thuật: nó là chiếc chìa khoá căn nhà đã đánh rơi trong cơn giận giữ, là nỗi khổ đau hay niềm hi vọng thường xuyên mất đi và tìm thấy lại, là kí ức xé đôi bầu trời dưới đôi cánh trắng.

Kẻ rối loạn tâm thức phải sử dụng nhiều quá mức các năng lực nội tâm của hắn, vận động sự đề kháng bản ngã(ego defense) có tính vô thức, như sự quay trở lại nhiều lần (regression) và sau cùng dừng lại ở tầm mức phát triển ban sơ thời nhỏ tuổi. Cũng vậy, chuyển hướng tâm cảm là lối thoát ít nhiều thơ mộng hơn. Thơ có khi là người phụ nữ mang trong lòng nỗi lo lắng không nguôi về một điều gì không rõ, từ chối đương đầu với cuộc đời, ác độc và lương thiện, chuyển hướng niềm đau đớn tâm hồn thành hoan lạc dục vọng hay khiếm khuyết thể chất, như bỗng dưng liệt nửa người, tê dại một phần cơ thể, hay mất ngôn ngữ. Trong trường hợp sau cùng này, thơ là ngôn ngữ đã mất.

Hay thơ là thò bàn tay qua bờ rào cũ, khuất bóng tường vi?


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021