thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hồi ký viết sớm

Tôi gọi đoạn văn này là "Hồi ký viết sớm" theo như gợi ý của Nguyễn Hưng Quốc cho tạp chí Việt qua chủ đề: Họ Viết Văn Làm Thơ Như Thế Nào?

Tôi viết trong sự thúc bách trước một chuyến đi, mặc dù đã được dự trù trước, nhưng phút chót có một vài việc cần giải quyết trong toà soạn thành ra thời giờ dành cho bài viết này bị mất. Tôi chỉ ngồi trước máy sáng nay gõ những trang chữ này, trước giờ lên phi trường. Tôi biết đây không thể là một bài viết ưng ý, theo suy nghĩ của tôi. Tôi mong được viết lại sau chuyến đi, nếu Nguyễn Hưng Quốc chưa mang tạp chí Việt đến nhà in. Nhưng tôi cũng biết có lẽ đã là không kịp. Tôi không bao giờ chạy kịp sau một chuyến xe nào hết. Bài viết này không nhằm trả lời trực tiếp vào chủ đề mà tờ Việt đưa ra. Nhưng tôi nghĩ, dù sao nó cũng đáp ứng được tựa đề "Hồi ký viết sớm" của một người cầm bút. Tôi mong được các bạn tha thứ về những lời tự thuật hơi luộm thuộm chưa kịp hoàn chỉnh này.

Gia đình tôi, cụ thể là cha mẹ tôi, không phải là những người sính chữ nghĩa. Trong nhà tôi không có tủ sách. Nếu nói chuyện sách vở thì đó là những bộ truyện Thuỷ Hử, Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc... do mẹ tôi thuê để tôi đọc cho bà nghe mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Những cuốn tiểu thuyết dày cộm, giấy xấu, bìa ngoài thường là giấy loại dày màu xám không thấm nước, đóng bằng chỉ sợi lớn, lật ra rất khó. Những tiểu thuyết chương hồi này thực sự có khêu gợi trí tưởng tượng của tôi, khi tôi vừa đánh vần vừa đọc cho mẹ tôi nghe, nhưng tôi hoàn toàn không bị nó mê hoặc và nó cũng chẳng gợi trong tôi một ý niệm nào về chữ nghĩa. Ngay cả những nhân vật đầy tính chất truyền kỳ của nó tôi cũng không nhớ.

Lớn lên một chút tôi xa gia đình, đến ở nhà ông chú tôi. Tôi không còn cơ hội đọc truyện cho mẹ tôi nghe nữa. Ở nhà trường, tôi không phải là một học sinh xuất sắc. Mặc dù môn toán tôi thường đạt điểm cao, nhưng các bài luận văn tôi thường bị thầy dạy môn Văn là giáo sư Ph. Ng. mang ra phê. Sau khi đã đọc và hết lời khen ngợi những bài hay của các học sinh giỏi, thầy cũng đọc bài tôi cho cả lớp thưởng thức, vì... dở quá. Đôi khi thầy trích vài đoạn văn ngô nghê của tôi đọc to lên và cả lũ nhờ đó có được những trận cười thoải mái. Tôi thù ghét môn Văn. Và tôi hay trốn những buổi học có thầy dạy Văn để ra bãi biển ngồi một mình nhìn trời nước và nghe sóng biển.

Đó là thời gian trường tôi nổi lên hai “thi sĩ”: Duy Năng và Nguyễn Đức Sơn.

Thật ra, tôi không biết mình muốn gì? Tôi không biết mình sẽ sống ra sao?

Năm học sau cùng tôi vào Sài Gòn, được nhận vào trường Petrus Ký. Tôi học ban B, là ban Toán, như cách phân loại thời đó. Ở Petrus Ký hầu hết học sinh đều giỏi. Tôi chạy đua mệt nghỉ với các bạn cùng lớp. Ra trường, tôi ghi danh vào Đại học Khoa học, lớp PCB (viết tắt các môn học Physique, Chimie và Biologie). Tôi có ý định theo ngành y khoa.

Đó là năm đầu tiên tôi bắt đầu đọc truyện. Tôi đọc Võ Phiến, Nguyên Sa, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Doãn Quốc Sỹ, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc... Tôi cũng đọc Phạm Công Thiện và Nhất Hạnh. Rồi tôi đọc André Gide, St. Exupéry, Marcel Proust, Hermann Hesse, Francois Mauriac, André Maurois, Camus, Sartre, Dostoievsky, Tolstoi... Tôi đọc cả Hemingway, Faulkner, Tennessee Williams, Arthur Miller... Đọc bản dịch Việt ngữ lẫn bản tiếng Pháp... Gặp sách gì cũng đọc, ngấu nghiến. Có cuốn đọc hiểu. Có cuốn không hiểu gì cả. Tôi tìm kiếm mò mẫm để không bị lạc. Nhưng tôi bị lạc thật. Cuốn sách tôi thích lúc đó là Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền. Và tôi thấy các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học ở nhà trường sao mà buồn chán.

Thế giới văn chương kỳ ảo và đầy hấp lực, mặc dù lúc đó tôi ao ước mình trở thành nhạc sĩ hơn là nhà văn.

Tôi mê âm nhạc Phạm Duy. Và thích nhạc bạn tôi: Trịnh Công Sơn.

Chưa hết niên học, tôi quyết định bỏ lớp, vì một lý do mà khi có dịp tôi sẽ viết lại dưới hình thức một truyện ngắn. Tôi ghi danh thi vào ban Triết, Đại Học Đà Lạt. Kỳ thi có khoảng 300 thí sinh, nhà trường tuyển 28 người. Và tôi là người đội sổ. Có hai đề thi để chọn. Tôi không nhớ đề kia, vì nó dính dáng đến một triết gia mà tôi chưa bao giờ nghe tên (vì có học hành gì đâu!), tôi chọn đề với câu nói của André Gide, tác giả La Porte Étroite. Bài luận văn của tôi phải là một bài dở nhất thế giới. Tôi nghĩ, mình thi chơi không đậu thì thôi, vì tôi cũng đã thi vào một trường khác và tôi đã được nhận. Buổi học đầu tiên Linh Mục giáo sư Alexis Cras sau khi chào mừng cả lớp, đã gọi tên tôi đứng dậy cho Cha biết mặt và Cha mỉm cười nói bài luận văn của tôi là một trường hợp đặc biệt. Cha không giải thích thế nào là đặc biệt, nhưng tôi biết đó là một bài viết được vớt vì người viết chẳng có chút kiến thức giáo khoa nào về triết cả.

Đà Lạt là một thành phố xa lạ. Tôi sống xa gia đình từ nhỏ, sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh. Nhưng Đà Lạt là một thành phố đẹp quá. Tôi choáng váng trước vẻ đẹp của sương mù và nỗi cô đơn. Khi rời Sài Gòn ra đi tôi chỉ mang theo một bàn chải đánh răng, một cuốn sách, một cái áo len dày và một bộ quần áo để thay. Đêm đầu tiên, trong căn phòng ký túc xá rộng tôi thấy mình bơ vơ, trơ trọi, lạnh thấu xương.

Bài thơ đầu tiên tôi viết là một bài lục bát lấy tên là "Mang mang":

Từ xa phố chợ đến giờ
Chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen
Hoang vu chín đến độ thèm
Lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường
Mùa sương phố núi mù sương
Nhịp buồn hút gió hồn nương sao rừng
Chuyện linh hồn với bản thân
Bàn tay thượng đế, mộ phần chiêm bao...

Tôi gửi bài thơ về Sài Gòn cho tạp chí Hiện Đại. Và may mắn sao được Nguyên Sa chọn đăng. Bài thơ viết đã lâu, tưởng đã quên. Thế mà ngạc nhiên làm sao, khi đến Mỹ, nhà văn Bùi Bảo Trúc là người đầu tiên (và có lẽ là người duy nhất,) cười cười đọc cho tôi nghe bài thơ đó và đố tôi tác giả là ai?

Sau bài "Mang mang", tôi viết "Mù sương", truyện ngắn đầu tay, đăng trên tạp chí Văn Học do Dương Kiền và Phan Kim Thịnh chủ trương.

Tại sao tôi làm thơ? Tôi không tìm thấy câu trả lời. Tôi đã viết như thế nào?

Tôi cũng không rõ.

Chưa bao giờ tôi đặt một câu hỏi như thế cho các bài viết của tôi.

Tôi viết không phải vì có điều gì cấp bách trong lòng, nếu không viết ra thì không chịu nổi. Tôi cũng không bao giờ có ý nghĩ ngông cuồng là đi cùng trời cuối đất như Tư Mã Thiên để viết cuốn Sử Ký. Hoặc đọc thiên kinh vạn quyển để làm một học giả như Nguyễn Hiến Lê. Tôi viết vì trước hết tôi muốn kể một câu chuyện, nhưng vấn đề là cách kể như thế nào. Chuyện của ai? Tại sao phải kể câu chuyện đó? Kể cho ai nghe? Kể làm gì? Có khi trả lời được, có khi ú ớ. Mấy tác giả tôi đã đọc có phải là những người kể chuyện không?

Tôi nhớ mới đây, nhân cái chết của nhà văn Morris West, một tác giả người Úc, Hoàng Ngọc-Tuấn viết trên Văn một bài rất đặc sắc về tác giả này. Theo Hoàng Ngọc-Tuấn, Morris West không phải là nhà văn ông hâm mộ.

Ông [Morris West] không phải là một biểu tượng tập trung của sự sáng tạo văn chương. Ông không nỗ lực xây dựng một hệ thẩm mỹ mới, không phát hiện những kỹ thuật viết mới, không mở rộng thêm định nghĩa về văn chương. Ông chỉ dùng cây bút để kể chuyện.[1]

Tôi rất thích cách đặt vấn đề của Hoàng Ngọc-Tuấn, khi ông phân biệt hai hướng văn nghệ ở các nước tiền tiến:

một hướng nhắm vào việc thí nghiệm, khám phá và thực hiện những ý niệm thẩm mỹ mới; một hướng nhắm vào sự ứng dụng những phong cách, kỹ thuật và phương pháp sáng tác sẵn có vào việc tiêu khiển quần chúng. Cả hai hướng đều cần thiết, và một xã hội lành mạnh phải phát triển đồng thời cả hai.[2]

Hoàng Ngọc-Tuấn cho Morris West là

một cây bút tài ba suốt đời đã liên tục kể những chuyện hấp dẫn làm bao nhiêu người trên thế giới say mê, và cuối cùng ra đi với lòng yêu nghề trọn vẹn.[3]

Tôi chỉ là một người kể chuyện. Nhưng không phải là một người kể chuyện giỏi.

Ở Đà Lạt ba năm tôi chỉ viết được hai bài (một bài thơ và một truyện ngắn) và làm tờ báo Sinh Viên số 1. Nhà văn Huỳnh Phan Anh sau này là người làm tiếp tờ Sinh Viên đánh số 2. Người bạn trên tôi một lớp và là người nghiên cứu rất kỹ về tiểu thuyết Pháp lúc bấy giờ là anh Hoàng Ngọc Biên. Anh là người đã mang đến cho tôi những hiểu biết đầu tiên về “tiểu thuyết mới”, thứ tiểu thuyết “chống lại tiểu thuyết tâm lý học, chống lại cái thói hay đưa ra cho độc giả, thay vì những sự việc ý thức sơ khai (một loạt ấn tượng không lớp lang)” là một loat kể lể do sản phẩm của trí óc đầy luận lý và khô rỗng. Tiểu thuyết-phi-tiểu-thuyết với Alain Robbe-Grillet (nhà xuất bản Minuit) và Nathalie Sarraute, Michel Butor, Claude Simon... Alain Robbe-Grillet khẳng định trong truyện của ông “biến cố xảy ra ngoài vòng tâm lý học, vốn là thứ khí cụ quen dùng của những người viết tiểu thuyết trước đây.”

Tôi hiểu là tôi rất thích thú một cái nhìn về tiểu thuyết mới này.

Trở lại Sài Gòn, tôi vào dạy môn Triết ở trường học cũ: Petrus Ký. Đây là thời gian tôi viết một loạt truyện ngắn khác, được nhà xuất bản Thời Mới của Võ Phiến nhận in tập truyện đầu tay với tựa đề Mù Sương (nxb Thời Mới, Sài Gòn, 1966). Một tập truyện mỏng, trần trụi, không lời tựa lời bạt. Tôi viết theo những gì tôi nghĩ như một bước đi ra khỏi con đường tiểu thuyết tâm lý cũ của những tác giả đi trước. Tập truyện ngắn lấy tên là Sinh Nhật do Văn Uyển của Trần Phong Giao ấn hành (Sài Gòn, 1968.) Một tập tùy bút Ý Nghĩ Trên Cỏ, do nhà Nguyễn Đình Vượng in (Sài Gòn, 1971). Và một tập sách mỏng Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu (Văn Uyển, Sài Gòn, 1970). Trên tờ Văn thời Trần Phong Giao làm Thư ký toà soạn, tôi cho in từng kỳ truyện vừa Khu Rừng Hực Lửa, chối bỏ thứ tiểu thuyết tâm lý trước đó. Khu Rừng Hực Lửa được nhà xuất bản Đêm Trắng của Huỳnh Phan Anh in lại, như một thứ tiểu thuyết thuộc nhóm những người viết “khác” của Sài Gòn giai đoạn này, với Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Nhật Duật, Đặng Phùng Quân.

Mới đây, trong cuốn tạp ghi Nơi Người Chết Mỉm Cười, nhà văn Nguyễn Quốc Trụ, trong bài "Tiểu thuyết mới ở Việt Nam", có nhắc đến bài phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh, theo đó tôi có đề cập đến Huỳnh Phan Anh và Hoàng Ngọc Biên, cùng những người viết trong nhóm tiểu thuyết mới ở Miền Nam trước năm 1975. Tôi có trả lời Nguyễn Mạnh Trinh rằng tôi không “mặn” với món tiểu thuyết mới. Thế nhưng, theo Nguyễn Quốc Trụ thì trong những tác phẩm đầu tay của tôi, trong cuốn Sinh Nhật (thật ra là cuốn Mù Sương) chẳng hạn,

ông [Nguyễn Xuân Hoàng] đã không chấp nhận nhân vật tiểu thuyết như một con người có cá tính, có một đời sống tâm lý, sinh lý, có một hoàn cảnh xã hội đặc biệt... Ông chọn một người không có cá tính, đại khái như vậy. Và như thế, vô hình chung ông đã chấp nhận, một cái gì đó, của tiểu thuyết mới, khi trào lưu này không thể nào quan niệm một thứ văn chương đồng hóa con người vào những tình cảm ỷ ôi, sướt mướt, con người như là một con vật bị “hãm hiếp” bởi thất tình, hỷ nộ ái ố...”[4]

Nguyễn Quốc Trụ nói đúng. Nhưng tôi nói tôi không “mặn” có nghĩa là tôi “không mặn” chứ tôi không hề chối bỏ cái nhìn mới trong cách thể hiện các sáng tác của mình. Tôi nhắc lại điều này để nói tại sao tôi viết cuốn Kẻ Tà Đạo (nxb Nguyễn Đình Vượng, 1972) như một cách trả lời cho người đọc nói rằng thứ văn chương mà bọn chúng tôi, qua nhà xuất bản Đêm Trắng của Huỳnh Phan Anh và các bạn tôi, là “thứ văn chương viết để không ai hiểu!” Cuốn Kẻ Tà Đạo lúc đầu tôi định ghi: “Cuốn sách này dành tặng cho những người cần thứ văn chương dễ hiểu.” Nhưng sau cùng tôi đã rút lại lời ghi đó vì một lý do riêng.

Sau năm 1975, mười năm ở lại Sài Gòn, tôi có dịp đọc những cuốn sách miền Bắc, những tác phẩm dịch của Nga. Tôi yêu thích Bông Hồng Vàng, Konstantin Pautopsky, bản dịch của Vũ Thư Hiên, yêu thích Dagestan Của Tôi của Raxun Gamzatov, thích những bài thơ của Xuân Quỳnh, kịch Lưu QuangVũ... đó là những tác giả có vẻ như có khả năng đứng ra ngoài cơn lốc thời cuộc. Nhưng tôi vẫn thấy cầm bút sao mà khó. Tôi đọc Bertolt Brecht, và tôi khám phá ra ông đang nói giúp những người cầm bút những suy nghĩ trong một chế độ mới: Nói chuyện với cỏ cây cũng là điều tội lỗi. Người ta cần phải sống trước, tồn tại trước rồi sau mới nói tới nghệ thuật. Nghệ thuật trong một thời đại hỗn mang đồng hoá với một trò chơi xa xỉ. Nghệ thuật trước hết thuộc về những người được nói, được phát biểu, được trình diễn... và sau đó tiếng nói ấy có nghệ thuật hay không là một chuyện khác. Tuy nhiên đối với tôi, mười năm ấy rất quan trọng. Những ngày trong tù, hay những ngày ngoài đời ngày nào, giờ khắc nào cũng là một bài học cho tôi. Tôi hiểu giá trị của chữ nghĩa hơn, hiểu sự run sợ của lời nói, hiểu cái bóng tăm của những chiếc miệng câm, hiểu bầu trời sao hôm nay không xanh, sao nắng không vàng, sao gió không heo may. Tôi hiểu cái bóng mình đổ đàng sau lưng chính là nấm mồ của chính mình. Tôi hiểu cái bóng nắng ngã ra đàng trước chính là vết thẹo của quá khứ. Tôi cười nói như một người ngô nghê, phát biểu linh tinh như một tên láu cá chợ trời. Tôi là Tôn Tẫn. Tôi là Bàng Quyên.

Mười năm sau, đặt chân lên đất nước này, tôi đã không còn tuổi trẻ. Trong văn chương đây tôi gặp lại một nền văn chương đó. Người ta dụng văn như một phương tiện. Những chiếc áo ngụy bán trong kia, và những chiếc nón cối bán bên này. Những người chống đối nhau nhưng sử dụng chữ nghĩa giống nhau như hệt. Phỉ báng, lăng mạ, chửi rủa, buộc tội... Giống nhau cho cả người thua kẻ thắng. Văn học nghệ thuật đích thực chỉ còn là một vùng đất nhỏ, bên này cũng như bên kia. Tôi học rất nhiều bằng sự câm lặng.

Hiếm lắm, tôi mới đọc được những bài phê bình lý luận văn học của Nguyễn Hưng Quốc, Bùi Vĩnh Phúc. Và gần đây tôi đọc những suy nghĩ về nghệ thuật của Hoàng Ngọc-Tuấn. Tôi đọc Trần Vũ, Nguyễn Hương ngoài nước tôi đọc Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh... trong nước.

Tôi khám phá ra chữ nghĩa của tôi đã không còn Chàng Nàng, tôi lược bỏ không thương tiếc những tĩnh từ trong câu văn tôi. Tôi sợ những chữ mình viết ra chưa ráo mực đã cũ, như tấm ảnh rửa bằng thứ nước thuốc xấu, bị ố vàng dưới ánh sáng. Nhiều cuốn sách viết trước 1975 giờ đọc lại đã thấy cũ. Những đề tài thời thượng nhanh chóng bị đào thải. Tôi sợ những trang chữ của mình. Tôi cố đơn giản cùng cực trong cách dùng chữ. Tôi tránh cái sướt mướt. Tôi muốn những câu văn khô. Tôi "không ưa một nhà văn nói lý quá nhiều. Họ chỉ làm như vậy khi họ không còn tin vào cái lực của ngòi bút họ. Khi một người đàn bà đã qua thời nhan sắc vẫn thường bình luận nhiều về tình yêu, ghen tuông nhiều hơn và chẳng chịu thừa nhận bất cứ sắc đẹp của ai." Ai đã nói câu đó vậy?

Trong một bài viết cách đây chín năm, dưới tựa đề "Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn", Nguyễn Huy Thiệp viết:

Nhà văn nào mà chẳng bất lực trước trang giấy trắng? Giá trị đến như Truyện Kiều mà Nguyễn Du thiên tài cũng chỉ mơ ước “mua vui được vài trống canh.” Giá trị văn học thường chỉ được người ta nhắc đến khi người viết không còn nữa... Ai lấp đầy những khoảng trống trong tư tưởng nhà văn? Ai? Người nào? May ra chỉ có thiên nhiên. Thiên nhiên sẽ lấp bằng đất, như đã từng lấp mộ các bậc đế vương hoặc bất kỳ một kẻ vô danh không tuổi không tên, không quê hương, không sự nghiệp.

Xin tha lỗi cho những suy nghĩ luộm thuộm đầu Ngô mình Sở của một người đang chuẩn bị chuyến hành hương.

_________________________

[1]Hoàng Ngọc-Tuấn, "Morris West và những bí quyết của một nhà văn best-seller", Văn, số 35, tháng Mười Một, 1999.

[2]Như trên.

[3]Như trên.

[4]Nguyễn Quốc Trụ (1999), Nơi Người Chết Mỉm Cười, nxb Văn Mới, tr. 99.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021