thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Viết, giữa tưởng tượng và hiện thực

Câu thần lại mượn...

Viết, ai cũng khao khát cái ngây ngất của một Van Gogh lúc cảm thấy mình là Thượng Đế trước một thế giới hoàn toàn của mình. Họ muốn khơi động từ những con chữ những ý tình vời vợi, mênh mông; như một Bùi Giáng năm nào:

Chấm ngòi bút sắt se vào mực
Viết ra câu thúc giục sương mù...

Làm sao để giọt mực sắt se ấy nên câu hiu hắt sương mù? Gói ghém vào đó cả gánh nặng của dục vọng? Khiến chúng run rẩy theo những trăn trở nhân sinh hay thăng hoa với ánh hào quang rực rỡ của khát vọng đẹp? Để thực hiện cho được bao điều ấy, bên cạnh bao điều khác, họ phải chắp vào ngòi bút những đôi cánh tưởng tượng...

Thế nào là tưởng tượng?

Trần Đăng Khoa trước "Côn Sơn tự", cái nơi chỉ rập rờn màu xanh của lá ngâu, lá đại. Để diễn tả cái tĩnh bên trong, con người từng mệnh danh thần đồng thơ ấy phải mượn đến cái động của bên ngoài, nhưng chỉ là cái động không hề có thực:

Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng...

Côn Sơn không có đa, nhưng phải có đa thì mới thực là chùa: Con sãi ở chùa đi quét lá đa, cái "nết đất" đã nuôi con người ấy lớn lên là thế. Nên những cành đa đất Bắc phải chiều lòng người, vươn mình cả mấy ngàn cây số, đến tận mái chùa ở hòn đảo tít mù trời Nam. Tưởng tượng, thì cũng tưởng tượng đấy, nhưng có khác nào một quán tính văn hoá? [1]

Rồi, "Côn Sơn tự" lại nhắc đến Hàn San tự, ngôi chùa của mấy ngàn năm xưa, tận tít mù phương Bắc. Trương Kế, một đêm hôm nào đó trên con thuyền bập bềnh sông nước Cô Tô. Tiếng quạ lạc lõng giữa sương mù. Ánh lửa chập chùng. Vừng trăng ai xẻ làm ba, làm tư. Làn gió đêm cứa vào nỗi sầu lữ thứ. Mờ ảo và huyền hoặc:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên...

Trăng tà chiếc quạ kêu sương/ Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ... Nhịp thơ lại tắc tị, lửng lơ... Phải đợi đến khi hai sư tăng Hàn San Tự phá lệ thỉnh chuông tạ Phật, cũng vì một ý thơ chợt hiện,[2] cảm xúc ấy mới trọn vẹn. Trời đêm với tiếng quạ kêu lạc lõng trong sương càng huyền hoặc thêm với hồi chuông ngân nga trăng nước. Tót vời mênh mông làm sao cái hồi chuông đêm ấy, cái hồi chuông như còn vọng mãi, đến cả ngàn năm sau:

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Vắng mặt hai sư tăng yêu văn chương ấy, bài thơ có bị chết yểu? Tác giả có thể nào tưởng tượng nên một hồi chuông trái lệ? Hay nó sẽ trọn vẹn, nhưng trọn vẹn trong một ý khác để rồi hôm nay không ai nhắc đến Thuyền ai đậu bến Cô Tô?

Xem ra, cái sự tưởng tượng của người nay chẳng khác gì mấy cái sự lặng thinh đợi hứng của người xưa: sân chùa phải rợp bóng đa và chùa thì không bao giờ thỉnh chuông bán dạ. Tưởng tượng, như thế, đâu hẳn là dựng cả lâu đài từ một số không?

Withering Heights là thế giới tưởng tượng của Emily Bronte. Và thế giới đó bàng bạc hơi thở nước Anh: con chữ nào cũng ươn ướt sương mù và tình tiết nào cũng rờn rợn cái u tịch ma quái của những lâu đài hoang phế. Làng Macondo của Gabriel Garcia Marquez cũng thế. Cho dù cái thế giới đó có "huyền ảo" đến đâu, trí tưởng tượng của Marquez vẫn hừng hực cái nóng nhiệt đới và cái cuồng nhiệt của dòng máu Latin. Trăm Năm Cô Đơn vừa có cái lê thê nẫu lòng, vừa có cái hối hả gấp rút của những tiết tấu Femalenco. Trận mưa "bốn năm mười một tháng hai ngày", hàng chục cuộc nổi loạn và còn nhiều hơn nữa những vụ ám sát, những dan díu vô luân và đứa bé mọc đuôi lợn, cơn lốc tận thế ở cái làng nhỏ bé...; đó là "hiện thực" của một miền đất bất ổn triền miên và lởn vởn thiên tai, cái "hiện thực" nhìn qua làn không khí đã chảy nhão ra dưới bóng một mặt trời đang cau có toả nhiệt.

Thế giới tưởng tượng, nói theo Thomas Hobbles, chính là sản phẩm của kinh nghiệm. Kinh nghiệm bồi đắp hồi ức và trí nhớ để rồi khai mở những khả năng phán xét và tưởng tượng. Với khả năng phán xét, con người tạo nên những định chế và lề luật. Bằng trí tưởng tượng, họ tạo nên thi ca và nghệ thuật. Tưởng tượng, nghĩa là tạo nên cái gì đó vĩ đại hơn, lạ lùng hơn và đẹp đẽ hơn.

Thoạt đầu, trong những quan niệm cổ sơ, tưởng tượng nghệ thuật chỉ đơn thuần là một hình thức bắt chước. Theo quan niệm được diễn tả là "trường phái Plato", tưởng tượng chỉ là hình thức thấp kém nhất của nhận thức bởi sự vắng bóng của trí tuệ. Suy nghiệm về những vấn đề tư tưởng hay toán học, con người mới cần đến trí tuệ. Suy nghiệm về một niềm tin hay khi vẽ vời nên một hình tượng nào đó, trí tuệ sẽ là cái gì thừa thãi: tưởng tượng là võ vẽ phỏng đoán, là cóp nhặt bắt chước. Công việc của giới nghệ sĩ chỉ là mô phỏng những hình thức tự cho là tuyệt hảo, của riêng họ.[3]

Trong Cộng hoà, một trước tác của Plato, chúng ta đã thấy Socrate khinh miệt khả năng tưởng tượng nghệ thuật như thế nào rồi. Đó là sự "lệch lạc", sự tách mình ra khỏi "khát vọng chân lý". Thi ca hay hội hoạ, kể từ Homer, có gì cao xa hơn là chuyện bắt chước? Vẽ một đôi giày, gã hoạ sĩ chỉ đơn giản bắt chước thế thôi, hắn ta hiểu thế quái nào về chuyện giày dép chứ? Làm thơ cũng vậy. Có tưởng tượng thì gã thi sĩ cũng chỉ mô phỏng theo những hình tượng đã tự thêu dệt trong đầu, mà sự sống động và quyến rũ ở những hình tượng ấy lại có thể châm mồi cho những khát vọng và bóp méo khả năng phán đoán của người thưởng thức. Đấy mới là điều... phi lý. Tràn trề cảm hứng và bay bổng với đôi cánh tưởng tượng, đấy là tự mình xoá sạch những khả năng lý tính cũng như hồi ức. Tưởng tượng là một công việc thiếu vắng trí tuệ.

Nhưng châm được những mồi lửa vào khát vọng của người thưởng ngoạn cũng là một công việc tuyệt vời đấy chứ? Bậc nghệ sĩ nào mà không mơ ước? Nhưng vào cái thời nhân loại khát khao và thần thánh hoá trí tuệ, nghệ thuật - vốn bị xem là lông bông - có bị dè bĩu cũng là điều dễ hiểu. Giới thi sĩ có bị Plato đòi tống xuất khỏi nước cộng hoà lý tưởng của ông ta cũng không là điều lạ.

Với Aristotle, học trò của Plato, thì khác. Nhìn nhận tính sáng tạo ở sự "mô phỏng", Aristotle cho rằng tưởng tượng chính là một hình thái trung gian giữa cảm xúc và hiểu biết. Óc tưởng tượng phụ thuộc vào cảm xúc và là tiền đề cho những suy tưởng lý trí: nó không bị ràng buộc bởi những tiêu chuẩn đúng sai.[4] Bởi thế, tưởng tượng nghệ thuật không đơn thuần chỉ là sự mô phỏng. Nếu bi kịch, theo Aristotle, là hình thức nghệ thuật cao nhất; những hình tượng bắt chước trong đó không cần phải là những nguyên bản trăm phần trăm. Đậm hơn cũng được. Nhạt hơn cũng không sao. Y chang cũng tốt thôi. Nhưng điều quan trọng là những hình tượng ấy phải trở thành một phần của vở bi kịch. Đó là mới là điều cốt lõi.

Với Aristotle, mục tiêu của trí tưởng tượng là hướng đến là những "ý nghĩa bi kịch". Với Kant, sau này, đó phải là những ý nghĩa "mới lạ": từ những "khái niệm nhất định, trong một khuôn khổ nhất định", tâm trí con người luôn hướng về cái gì đó trong những khuôn khổ khác hơn. Đó cũng không là ngoại lệ trong cuộc hành trình hướng về cái đẹp. Tưởng tượng nghệ thuật, chính là sự lọc lựa những hình tượng gắn chặt với những giá trị thẩm mỹ.

Trước đoá hoa lan, có thể một người chỉ cảm nhận cái ngây ngất của mùi hương, có thể bị ám ảnh bởi một suy tưởng thực dụng nào đó, như một mỹ phẩm ướp mùi hoa lan chẳng hạn. Nhưng, với Kant, khi hắn ta có thể vứt qua một bên những cảm giác nhất thời hay những mục tiêu thực dụng để vươn đến những trăn trở đầy trí tuệ về những hình thức hay cấu trúc có thể khác đi của đoá hoa, ấy là hắn đang tưởng tượng trong những đường hướng đầy sáng tạo.[5]

Đã khát khao những ý nghĩa "mới lạ hơn", vĩ đại hơn và đẹp đẽ hơn; đến một lúc nào đó nhất định con người phải cảm thấy sự gò bó của những khuôn khổ bất di bất dịch. Chính xác như khoa học mà, từ thời này sang thời khác, còn phải bao lần ngờ vực chính mình, nói gì đến thứ logic hình thành như một kết hợp giữa những tín điều tôn giáo, những quan điểm chính trị và thẩm mỹ chính thống? Thế cho nên trí tưởng tượng của họ lại băng qua những xiềng xích bó buộc.

Nathaniel Hawthorne, trong lời nói đầu của The House of the Seven Gables - câu chuyện về mối tình lồng trong không khí hoang đường của căn nhà có bảy đầu hồi và sự ám ảnh của đám sương mù quá khứ cùng lời nguyền uống máu - đã công bố rằng nếu những nhà tiểu thuyết nhất nhất tuân thủ thực tế của đời sống, những nhà lãng mạn như ông chỉ biết có "thực tế của con tim".[6]

Với những nhà lãng mạn, như thế, hệ quy chiếu của những chuẩn mực xã hội, của tín điều tôn giáo hay những quy ước lý tính, chỉ cho phép họ thể hiện phần xác cứng ngắt. Cái họ cần là phần hồn, là "thực tế của con tim". Hay - nói theo Heman Melville - là khai mở những "thực tế thực hơn cả đời thực". Nghĩa là phải vượt qua những xiềng xích của những logic quy ước.

Như thế, từ đây, tưởng tượng ấy chính là khoảng khắc mà tâm trí con người hoàn toàn thoát khỏi dấu ấn của những định chế hay những khái niệm quy ước. Cái khoảng khắc mà họ khám phá những đặc tính huyền nhiệm ẩn kín trong từng con chữ hay trong từng hình tượng, nhận ra bản ngã thực nhất của mình, thấy được ý nghĩa của sự tồn tại và khai mở những ngóc ngách mờ ảo hay kinh dị nhất của đời sống. Với khả năng ấy, nghệ thuật được ví như một hình thức pháp thuật có thể mang lại sự cứu chuộc đối với người thưởng thức. Như thế, sẽ cứu chuộc cả nhân loại.[7]

Nhưng rồi, với những nhà hiện đại, khởi đi từ Nietzche, nghệ thuật không còn nét huyền hoặc như trò pháp thuật ấy nữa. Mà là một trò chơi bởi đâu phải lúc nào nghệ thuật cũng thực hiện nổi sứ mạng cứu chuộc? Công dụng của nghệ thuật, với họ, là khơi động khả năng tưởng tượng của người thưởng thức, giúp họ cởi bỏ những định chế cứng ngắt mà con người khoác lên để có thể cảm nhận được cái thực của thế giới chung quanh...[8]

Như thế, trong cuộc hành trình tìm kiếm đến không cùng, hình thái thể hiện nghệ thuật của thời đại nào cũng hằn đậm dấu ấn văn hoá và tri thức của thời đại đó. Nếu thoạt đầu, người nghệ sĩ chỉ khao khát diễn tả tự nhiên hay đời sống y như thực, họ sẽ dần dà cảm thấy sự vô nghĩa ở công việc đang đeo đuổi. Tại sao chỉ điều này mà không thể điều kia? Tại sao chỉ nhân vật này mà không thể nhân vật kia? Nếu điều đó hàm ý một sự tự do, ấy là một sự tự do vô nghĩa. Cái họ phô bày, dù điệu nghệ cách mấy, cũng chỉ là một phần của đời thật. Điều quan trọng là làm cách nào mà, chỉ với một phần của đời thật mà có thể vươn lên như thể cả đời thật, làm thế nào để từ cái cá biệt mà có thể vươn đến những ý nghĩa phổ quát. Hành trình nghệ thuật của nhân loại, như thế, chính là cuộc hành trình vô tận trong nỗ lực chối bỏ và kiếm tìm: vứt bỏ những tự do vô nghĩa để khai mở những ý nghĩa vô tận trong một giới hạn tự mình vạch ra. Với những ý hướng khám phá mới, họ vứt bỏ thứ tự do ấy để nép mình theo một giới hạn mới. Rồi họ cảm thấy chật chội, tù túng. Rồi họ lại bứt mình vươn lên. Khi giới hạn ấy trở nên tù túng, khi những ý nghĩa ấy đã nhàm chán, họ lại hướng đến một ngã rẽ khai phóng mới...

Thế cho nên mỗi thời con người mỗi đăm chiêu tưởng tượng khác nhau với những tự do hay bó buộc khác nhau. Nhưng khác nhau thì khác nhau, ít hay nhiều, óc tưởng tượng nào cũng hàm chứa sức nặng của bề dày văn hoá cùng những ưu tư đương đại. Tưởng tượng đâu phải là dựng cả lâu đài từ một số không?

... bút hoa vẽ vời

Đọc Nguyễn Tuân, thấy nhân vật nào cũng phảng phất một dáng dấp nghệ sĩ: từ những thực khách của bữa tiệc Thạch Lan Hương cho đến tay cướp cạn đang lả lướt đường võ gia truyền hay người đao phủ tay hoa thanh quất, cỏ xanh đổi màu với ngón độc chém treo ngành... Mà nhà văn đâu đã gọi họ là nghệ sĩ bao giờ? Thần thái ấy hình thành từ ngôn ngữ diễn tả của riêng Nguyễn Tuân, cái ngôn ngữ được ông vẽ vời bằng ngọn bút hoa. Ngược lại, nếu một tay ấm ớ nào đó lập đi lập lại rằng nhân vật mình tạo nên là một nghệ sĩ thứ thiệt, chắc gì người đọc đã cảm nhận nên được thần thái ấy?

Thời Lý, có người hỏi đại sư Vô Ngôn Thông thiền là gì; thiền sư lặng lẽ trỏ ngón tay vào cây thoan lư. Bằng ngôn ngữ cứng nhắc của quy ước, ai mà phơi bày cho được những bản chất sâu thẳm nhất? Nên, như thể cây kia, muốn hiểu, hãy nhìn thẳng vào sự vật!

Trong khi đó, văn chương, theo Leo Spitezer, trong một bài tiểu luận, chính là một phần của linh hồn quốc gia.[9] Mà văn chương, hiểu một cách trần trụi, sẽ là gì nếu không phải là những hình thức của ngôn ngữ viết? Như thế, ngôn ngữ văn chương, văn chương đích thực, phải khác với thứ ngôn ngữ quy ước mà thiền sư Vô Ngôn cho là vụng về. Thưa em ngôn ngữ quặt què, để phô bày cái chiều sâu bên trong, người viết phải thoát khỏi những ràng buộc, phải đi chệch ra khỏi những mô phạm cứng nhắc, phải vẽ vời cái bên ngoài làm sao đó để khai mở bên trong.

Phong cách viết, như thế, chính là mức độ mà người viết bước chệch ra khỏi quỹ đạo của ngôn ngữ thông thường: xỉa xói ngòi bút vào những hóc hiểm của giềng mối cú pháp; bóp méo khả năng thông thường của ngôn ngữ; bứt mình thoát khỏi lề lối để những gì tạo nên, nhìn một cách toàn thể, có cái gì đó rất riêng. Như một Mai Thảo với phong thái đã khiến con người mô phạm và mực thước như Nguyễn Hiến Lê cau mày. Như một Nguyễn Tuân cầu kỳ, cái cầu kỳ của một hoạ sĩ ngồi trầm ngâm hàng giờ với một nét cọ...

Đọc Shakespeare, chúng ta thấy tiếng Anh ngày ấy sao mà rối rắm so với tiếng Anh của hôm nay. Càng ngược về trước càng bí hiểm, lòng vòng. Càng xuôi về sau, càng ngọn ngành, tăm tắp. Để khai phá cái gì đó sâu thẳm hơn, nhà văn phải đưa ngôn ngữ của mình vượt qua cái bất lực của ngôn ngữ đương đại. Với thời gian, những gì rất riêng ấy lại hoá thân vào ngôn ngữ chung và góp phần đưa nó vươn lên nấc mới. Loay hoay diễn tả cái trừu tượng bằng một ngôn ngữ nặng tính cụ tượng, văn Phạm Quỳnh trong những ngày chập chững của tiếng Việt là cái gì mới mẻ. Nhưng rồi văn họ Phạm trở nên ề à, quy cách và cổ lỗ trước một Tự Lực Văn Đoàn trẻ trung. Rồi cái ngọt ngọt bùi bùi củaTự Lực Văn Đàn lại trở nên sáo mòn... Cứ thế, với những băn khoăn khai phá mới, lớp lớp nhà văn hậu thế, mỗi người một phong cách riêng, lại khai mở một chu trình mới.

Phong cách viết, như thế, tuy đầy cá tính, vẫn phải thấm nhuộm những hơi hướng thời gian. Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngắt/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh...; ít hay nhiều, những hương, những màu thời gian đã kết tinh ở những khuynh hướng triết học hay thẩm mỹ của thời đại phải thẩm thấu vào những băn khoăn đào bới của người viết. Như thể những nhạc cụ cùng chan hoà trong một khúc nhạc tứ tấu, violin, viola, cello, clarinet hay flute; với những âm sắc riêng, chúng gắn bó nhau qua một cùng một cung bậc, cùng một giai điệu và cùng một chủ đề. Phong cách của người cầm bút mang âm sắc của cá tính, mang cung bậc và giai điệu từ khuynh hướng thẩm mỹ của thời đại.

Càng băn khoăn kiếm tìm, những ngả đường nghệ thuật càng tưng bừng khởi sắc và ngòi bút của nhà văn càng trăn trở vượt khỏi chính mình. Một thời gian dài, tính lui từ gần nửa thế kỷ trước; một nhân loại quờ quạng hoài nghi vì đánh mất niềm tin đặt vào lý tính trước những hậu quả kinh khủng của kỹ thuật đã thai ngén sự rộ nở của trào lưu hiện đại với biết bao -ism trên con đường tư tưởng và biểu hiện nghệ thuật. Và rồi, những cung bậc rộ nở một thời ấy đã là bối cảnh của biết bao phong cách lớn, từ James Joyce cho đến Virginia Woolf, Frank Kafka hay William Faulkner...

Như thế, nếu hôm nay, khi sự rộ nở -ism ấy đã chựng lại, phải chăng con người đã chán chường cái sự đào bới những con đường mới? Chán ngấy vì những ngả đường -ism đi qua ấy hết thảy đều đã hội tụ, đã bão hoà ở ngã bảy hậu hiện đại? Hay chán chường vì sự tràn lấp và ê hề của những phương tiện biểu hiện dễ dãi khác thời hiện đại, đâu chỉ ngòi bút và trang giấy không thôi đã là tất cả? Và, văn chương Việt Nam, nền văn chương chưa thực sự đi qua một ngả đường -ism nào cả mà như đã hội tụ ở đích đến cuối cùng; như đã bão hoà, đã đủ hết cả rồi, cái ràng buộc của đương đại cứ mãi được nâng niu, kính cẩn nên hiếm thấy ai thoăn thắt mười ngón tay trên bàn phím để bước lệch ra khỏi con đường quy ước với những câu thần rất riêng...

Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời... Bút hoa đã đánh mất đi rồi, chỉ có phím hoa thôi, mười ngón tay kia đâm ra lóng ngóng vụng vịu với cái sự vẽ vời?

_________________________

[1]Trần Đăng Khoa. Chương viết về Xuân Diệu trong Chân dung và đối thoại.

[2]Giai thoại kể rằng hai sư tăng chùa cùng ứng tác được bài thơ: Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung Bán tự ngân câu, bán tự cung Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn Bán phần trầm thuỷ, bán phần không Nên nửa đêm mới thỉnh chuông tạ Phật...

[3]Quan niệm này được những nhà nghiên cứu đời sau giải thích từ những trước tác của Plato, không phải là những nguyên lý do Plato đưa ra. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến ngờ vực, cho là Plato "không hẳn nghĩ như thế" (!!!) Theo quan niệm này, nhận thức bao gồm hai lĩnh vực: trí tuệ và quan niệm. Đỉnh cao của nhận thức trí tuệ là những hình thức tư tưởng rồi đến toán học; về phần quan niệm, sự tưởng tượng bị xếp thấp hơn những nhận thức về niềm tin. Xem John, M. (1987) The Body in the Mind, The University of Chicago Press.

[4]Nhưng, tách ra khỏi phạm vi nghệ thuật, tưởng tượng cũng là công cụ của trí tuệ: trí tuệ là hình thức chọn lọc của những cảm nhận thu nhận từ những khảo nghiệm trong khi tưởng tượng lại là một phương thức để loại suy.

[5]Tuy vậy, cũng theo Kant, "đẹp" vẫn có thể phổ quát ở một mức độ nào đó. Những dây mơ rễ má văn hoá luôn hàm ý những dây mơ rễ má thẫm mỹ. Dù đấy là những thiên kiến làng nhàng, không chủ quan mà cũng không khách quan, chúng cũng có những tác động nào đó đến khả năng cảm nhận thẩm mỹ. Và như thế, cùng một cộng đồng, con người cũng có thể cùng chia xẻ phần nào đó của một "cấu trúc" tưởng tượng. Và - xin mở ngoặc thêm - khi đã hướng về cái đẹp một cách sáng tạo, họ còn phải vượt qua những thiên kiến thẩm mỹ có tính cách "cộng đồng" ấy chứ? Như vậy cũng hàm ý một sự tự do. Tự do trước ràng buộc của những "tiền đề thẩm mỹ", nếu có những tiền đề như vậy!

[6]Xem như một sự bác bỏ chủ nghĩa cổ điển hay tân cổ điển, những di sản của trào lưu Ánh Sáng hay những nền tảng duy lý trên khía cạnh triết học hay khoa học ở Âu Châu thời ấy (từ cuối thế kỷ 18-giữa thế kỷ 19). Trào lưu lãng mạn, như thế, đã nới rộng cánh cửa hơn với thế giới tưởng tượng. Từ bước đột phá ấy, những nhà văn như Mary Shelley, đã có thể xây dựng nên một nhân vật kinh quái, chưa từng có, và cực kỳ "vô lý" như Frankeinstein. Và cũng từ ấy, một hình thái "vô lý" mới lại dần dà hình thành với trí tưởng tượng của những Jules Verne, Edgar Allan Poe hay H.G. Wells trong thể loại khoa học giả tưởng. Xem Kershner. R.B. (1997) The Twentieth-Century Novel, University of Florida, và Porrier, R. (1966) A World Elsewhere, Oxford University Press.

[7]Như trên.

[8]Xem Josipovici, G. (1979) The World and the Book, The McMillan Press Ltd.

[9]Spitzer, L. (1970), "Linguistics and Literary Hiostory", trong: Freeman, D.C ed. Linguistics and Literary Style, Holt, Rinehart and Winston, Inc.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021