thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CÂU CHUYỆN TRUYỀN KỲ CỦA NOVGORODE của Frédéric Sauser, tức Blaise Cendrars sau này
(bản dịch Diễm Châu)

 

Ấy là một điều bí ẩn. Kể từ khi Blaise Cendrars xuất hiện trong thế giới thi ca Pháp, Câu chuyện truyền kỳ của Novgorode chiếm vị trí đầu tiên trong số các tác phẩm của ông. Từ năm này qua năm khác, từ 1912 với Phục sinh ở Nữu-ước tới 1959 với Films sans images, tựa sách huyền hoặc này, kèm theo ghi chú «không bán» hoặc «tuyệt bản», vẫn có ghi ở đầu các thư tịch do chính tác giả thiết lập.

Những xác định về tác phẩm ông đưa ra sau này có thay đổi, cả về số trang lẫn về bản văn hay thời hiệu. Tuy nhiên, những xác định xưa nhất, trong Séquences vào năm 1913 và trong La guerre au Luxembourg vào năm 1916, nêu lên những điều bất biến: đó là một cuốn sách «do R.R. dịch sang tiếng Nga dựa trên bản thảo của tác giả, in chữ trắng trên giấy đen, tại Moscou, (nhà xuất bản) Sozonoff, 1909. Một cuốn khổ 'in-12' vuông.» Số in được chỉ rõ: mười bốn bản.

«Tôi đã khởi sự viết vào năm mười tám tuổi ở Saint-Pétersbourg», Blaise đã nói thế nhiều lần và nhất là trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1956. Vậy là, từ 1905, ông là «thi sĩ tập sự», như ông tự gọi mình như thế vào năm 1949, khi nhớ tới cái quá khứ ở Nga, trong cuốn Le lotissement du ciel.

Thế nhưng cái cuốn sách đầu tiên thời danh kia không một ai từng thấy hoặc được đọc bao giờ. Chính Blaise cũng quả quyết rằng mình không bao giờ có lấy một bản «chẳng khác nào tôi không có một song bản của những gì mình viết.» Vậy thời ấy là một cuốn sách đã thất lạc, đã bị hủy? Tác phẩm mờ dần, trở thành một bóng ma ám ảnh.

Dĩ nhiên là vấn nạn được đặt ra. Câu chuyện truyền kỳ của Novgorode thực sự có hay không? Nhiều nhà bình luận đã nghi ngờ. Những người khác đỡ bi quan hơn, say mê hơn, khởi sự tìm kiếm, ở Liên Sô trong lúc lọt vào được văn khố thực là khó khăn, và mới đây ở nước Nga khi các Thư viên Công cộng ở Saint-Pétersbourg và ở Moscou mở ra rộng rãi hơn cho các nhà khảo cứu. Không một kết quả nhỏ bé nào: không một dấu vết nào về tựa sách này, hay về tác giả, hay về người dịch sang tiếng Nga, hay về nhà xuất bản. Tất nhiên không phải là ở các Thư viện mà người ta có thể tìm ra một ấn phẩm riêng tư với số in quá hạn hẹp, dành cho một số nhỏ thân hữu. Điều bí ẩn còn nguyên vẹn.

Tuy vậy, chàng trai người Thụy-sĩ Frédéric Sauser quả đã có cư trú ở Nga từ năm 1904 đến năm 1907. Hay bỏ trốn ngay từ khi còn nhỏ, học trò bướng bỉnh của Trường Thương mại Neuchâtel, chàng đã đột ngột bỏ nhà cha vào tháng Chín 1904. Sau một việc làm ở Moscou, chàng đi Saint-Pétersbourg vào tháng Giêng 1905 và vào làm thư ký song ngữ – Pháp, Đức – cho một nhà kim hoàn quan trọng người Thụy-sĩ, H. A. Leuba.

Cuộc cách mạng 1905 bùng nổ không bao lâu sau khi chàng tới. Những cuộc biểu tình đẫm máu, những cuộc đình công, chiến tranh với Nhật-bản và cuộc bại trận của Nga, những cuộc mậu dịch và vận chuyển đủ loại trên con tàu Xuyên-Tây bá lợi á mới làm, và đồng thời việc buôn bán đá quý và các món nữ trang tinh tế nhất dành cho giới thượng lưu và những người mới giàu, tất cả những thứ ấy tạo nên bầu không khí trong đó người thiếu niên kia trưởng thành.

Tình yêu lúc đó cũng đang chờ đợi chàng thật tha thiết, tình yêu chia sẻ với Hélène Kleinmann, một thiếu nữ có phần chắc là thuộc đám kiều dân Thụy-sĩ ở Saint-Pétersbourg. Đôi người trai trẻ chói ngợp đó đã đi tới một bước nào đó trước một tương lai chung chăng?

Trong lúc ấy, tin tức từ Neuchâtel rất đáng lo ngại: má của Freddy bị đau nặng. Tháng Tư 1907, Freddy phải trở lại nhà cha mẹ. Đã có một cuộc trao đổi thư từ tình tứ với Hélène nhưng những lá thư của chàng trai, mà chàng vẫn còn giữ những bản sao, dần dà biểu lộ một sự xa rời nào đó... Điều đó đã được người thiếu nữ kia cảm nhận ra sao, một thiếu nữ có lẽ vì tình yêu, vì hy vọng, đã vượt qua những hạn giới của xã giao, ở nơi xa đó, ở nước Nga?

Đột nhiên, Frédéric Sauser được tin Hélène, sau khi bất cẩn gây ra một đám cháy, đã chết vì lửa. Bị thiêu sống. Ngày 28 tháng Sáu 1907.

Sự ghê rợn, đau khổ, phẫn uất, ân hận sẽ để lại dấu vết nơi Freddy-Blaise và các tác phẩm của ông.

Lối thoát của ông là thơ. Hiện ra lúc đó dưới ngòi bút ông là bài thơ đầu tiên, «một điều gì đó vọt ra từ vô thức», ông nói thế vào năm 1950 trong một cuộc nói chuyện truyền thanh: Câu chuyện truyền kỳ của Novgorode.

Ông gửi bài thơ ấy cho người bạn ông là R.R., một người chắc cũng là bạn của Hélène.

R.R. – mà tung tích vẫn còn là một điều bí ẩn – dịch sang tiếng Nga bản văn lạ lùng này và cho in «để dành cho tôi một sự bất ngờ vào ngày sinh nhật tôi», Blaise thuật lại sau này. Ngày một tháng Chín 1907 Freddy sẽ được hai mươi tuổi.

Mất tích, không sao tìm được, Câu chuyện truyền kỳ của Novgorode từ đấy đã chỉ còn lại trong ký ức Blaise Cendrars. Ngày nay chúng ta khám phá ra những dấu vết của nó trong Phục sinh ở Nữu-ước, trong Văn xuôi của con tầu Xuyên-Tây bá lợi á và trong một số lớn các sách của ông.

 

Tám mươi tám năm sau, vào năm 1995, tại Sofia, Kiril Kadiiski, nhà thơ Bun-ga-ri, học giả, người phiên dịch thơ Nga và Pháp, nhà xuất bản, người chơi sách, bước vào một tiệm sách cũ. Không thể thiếu bấy nhiêu tư cách ấy để dừng mắt trước «một tập sách nhỏ đã bị hư hại, gần như tơi tả, với hàng chữ viết bằng tiếng Nga: Frédéric Sause(r), Câu chuyện truyền kỳ Novgorode, do R.R. dịch từ Pháp văn - (nhà xuất bản) Sozonov – Moscou - Saint-Pétersbourg - 1907

«Thật không sao tin được! Phải chăng đó đúng là cuốn sách đầu tiên bị cho là không có của ông Thụy-sĩ Frédéric Sauser, được biết tới trên toàn thế giới dưới biệt hiệu Blaise Cendrars? Tôi bắt đầu đọc với sự cuồng nhiệt /... / tim tôi muốn ngừng đập. Tôi muốn hụt hơi. Phải chăng tôi đang thức giấc? Phải chăng ấy là một giấc mộng? Không: bài thơ có thực sự. Tôi đang nắm giữ nó trong tay...» Kadiiski viết khi thuật lại khám phá của mình.

Phải, đó là một trong mười bốn bản của cuốn sách huyền hoặc! Trên trang bìa đen, tác giả, tựa sách, tên nhà xuất bản, màu trắng. Khổ sách gần tương ứng với khổ 'in-12' vuông. Mười sáu trang sách in bằng vần chữ Cyrille, lối in xưa của thời đó, trên giấy màu thổ hoàng tươi, đã bị thời gian làm sậm lại và trở thành dễ vụn vỡ.

Và đây là Câu chuyện truyền kỳ của Novgorode, xác nhận biến cố then chốt, điều bí mật sâu kín của cuộc đời nhà thơ. Đó là một bài thơ mà hình thức và bút pháp thật bất ngờ báo trước tân thức. Nó tiết lộ những hình ảnh, những suy tưởng và những sự kiện sẽ tái hiện theo dòng các tác phẩm sau này và rốt cuộc, nó phát hiện cái nguồn gốc bi thảm của một danh hiệu mới, xuất phát từ lửa, từ than hồng và từ tro: Blaise Cendrars.

 

MIRIAM CENDRARS

 

------------------------------------
* Tác giả Miriam Cendrars là con gái của Blaise Cendrars. (người dịch)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021