thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Màu lá nho

Kể lại chuyện xưa: Người hoạ sĩ muốn lột tả vẻ đẹp của thân thể con người nhưng ái ngại cho phần thân thể ‘chuyên đảm trách những chức năng thầm kín’: Sự ‘thầm kín’ ngụ ý một nhu cầu che đậy. Và ông ta vẽ thêm chiếc lá nho.

Trước đó, những hoạ sĩ vô danh thời tiền sử vẽ tranh trên những vách đá không hề đếm xỉa đến màu lá ấy. Bởi với họ, những điều cần che kín kia cũng tự nhiên như bao tạo vật khác. Màu lá ấy chỉ xuất hiện lúc con người phức tạp hoá dần đời sống với những lệ bộ văn minh. Nhưng khi văn minh càng tiến hoá, những hoạ sĩ lại hăm hở diễn tả cái đẹp của tự nhiên. Và rồi, chiếc lá dần dà trở nên trong suốt.

Diễn tả những quan hệ phức tạp, bao quanh những ‘nhu cầu thầm kín’ ẩn sâu trong khối thân-xác-linh-hồn ấy, người làm văn chương cũng có những chiếc lá nho trong tay. Và màu lá ấy có khi đậm, khi nhạt. Màu lá nho nhạt dần, ấy là lúc mùi hương ngọc lan ‘nhà bên thoang thoảng bay sang’ quánh lại thành hương bồ kết, hăng nồng trong làn tóc. Khi chiếc lá trở nên trong suốt, ấy là lúc sóng tình hay ân ái không còn e ấp dường đã xiêu xiêu hay có chiều lả lơi nữa: Sóng bây giờ ào ạt dâng trào còn ân ái thì hừng hực lửa thiêu. Và, những câu thơ đại loại Nửa đêm vui vẻ chạy đi mua condom [1] có thể trăm hoa đua nở.

Nếu ở giai đoạn ‘tiền-lá-nho’ những hoạ sĩ mô phỏng tự nhiên một cách vô tư theo bản năng, màu lá ấy cũng vắng bóng trong những hình thức nghiêm túc của dòng văn chương thời cổ xưa. Sumerian, nền văn minh cổ nhất từng xây dựng một nền văn học thực sự, đã sản sinh những bài tình ca trong đó cô gái run rẩy cầu khẩn chàng trai ‘cầu nguyện’ cho mình bằng những cử chỉ ‘ân ái, vuốt ve’. Với nền văn minh cổ đại Hy Lạp, những hình thức lễ nghi tôn giáo thường pha trộn với những cuộc hành lạc tập thể. Và ở đó, một tên tuổi lớn như Sophocles, đã thể hiện trong những Antigone, Electra hay Oedipus một thứ ngôn ngữ mà ngày nay chúng ta gọi là khiêu dâm. Những tác phẩm như thế, ở nhiều thế hệ sau khi màu lá nho xuất hiện, đã bị cấm xuất bản.[2]

Màu lá ấy xuất hiện như một nhu cầu của văn minh, lúc con người biết xấu hổ với sự trần trụi của thân xác và loay hoay che đậy. Nhưng đấy cũng chính là lúc họ trở nên kiêu ngạo, bộ tịch đạo đức giả và gian manh, tàn ác. Trong Penguin Island, Anatole France đã viết về những xống áo đầu tiên như thế. Trong khung cảnh hoang dã của những ngày nguyên thuỷ, khi gã đàn ông thèm muốn người đàn bà, hắn biết đích xác hắn đang thèm muốn cái gì: Dục vọng căng cứng trong khối thân-xác-linh-hồn hắn gói gọn ở khuôn khổ tạo nên từ những ‘hiểu biết chính xác về đối tượng’ đang theo đuổi. Hắn có thể thoải mái tìm kiếm khoái lạc giữa chốn đông người mà chẳng ai bận tâm để ý. Nhưng khi bức màn bí mật từ những xống áo ấy xuất hiện, hắn không ý thức được mình đang thèm muốn cái gì, không thể hình dung một cách cụ thể những gì có thể làm mình thoả mãn. Thèm muốn lấp lửng, chưa hiểu rõ ấy sẽ - một cách si cuồng - thăng hoa thành những trăn trở, tưởng tượng và mơ mộng.

Như thế là tình? Làm sao cắt nghĩa được tình yêu, vua của thơ tình mà còn phải loay hoay vụng về với những nắng nhạt, mây chiều... Tình của con người ấy, vì không thể đi đến cuối chặng đường nên những cảm quan - tích lũy từ những trăn trở hay mơ mộng si cuồng, từ những ẩn ức không thể nào khai mở - mới trở nên vĩ đại và bất hủ? Yêu là những hình thức trăn trở, mơ mộng và điên dại khi dục, như một mục đích ‘tối hậu’, hãy còn bị che kín, ngăn trở và ức chế?

Trước khi những xống áo đầu tiên xuất hiện, người tiền sử cũng yêu nhau một cách tự nhiên, tự nhiên như thể đang thực hiện một nhu cầu ăn uống. Nhưng khi yếu tố văn minh xuất hiện, họ biết phân biệt đâu là người, đâu là thú. Và chiếc lá nho đậm màu xuất hiện để che đậy những gì gọi là thú tính. Nhưng thú tính ấy vẫn là những gì gắn liền với con người: Bị che lấp, bị ức chế v.v... thú tính trở nên đầy mời mọc. Âm ỉ như một ngọn lửa ngầm, nó chỉ chờ cơ hội bừng cháy.

Rồi chiếc lá nho trở nên trong suốt. Và, mối quan hệ phức tạp giữa những khối thân xác hừng hực dục vọng như đã phơi bày mọi ngóc ngách mờ ảo; và lúc không còn gì nữa để bóc trần những kẻ làm văn chương ấy biết làm gì với chiếc lá nho trong suốt vô dụng trên tay? Khi nó hãy còn đậm màu, người ta còn nôn nao, còn khao khát bởi chính sự che lấp và ẩn hiện. Khi bức màn từ từ vén lên, niềm hăm hở ấy càng trở nên nguội lạnh; đến lúc những hình tượng được phơi bày ngồn ngộn, nét hấp dẫn ban đầu đã hoàn toàn tan biến.

Theo đà tiến văn minh, con người dẫm lên những ràng buộc cổ điển để giải phóng chính mình; lúc ấy tình của văn cũng vứt bỏ những băn khoăn ray rứt nhuốm màu lý trí hay cảm tính, vượt qua những ràng buộc của khuôn khổ đạo đức để vươn tới những khoái lạc thể xác thuần tuý: Yêu đã chuyển mình thành dục. Nhưng giới hạn tận cùng đó lại là khởi điểm của chứng bội thực: Trần trụi quá, ê hề quá; tình sẽ chán phèo. Và khái niệm tình và dục như là một chủ đề vĩnh cữu của văn chương như bị lung lay. Tạp chí Economist (12.9.98) ghi nhận rằng sau thời kỳ hoàng kim của thập niên 60, tình dục bây giờ không được văn chương chào đón như một đề tài hàng đầu nữa, bây giờ văn chương quan tâm đến những điều như sự chết hay chứng loạn trí; thí dụ như những nhà tiểu thuyết tại Pháp hay Đức, tác phẩm của họ bây giờ thích xoay quanh những ông thầy thuốc và khung cảnh của những bệnh viện hơn.

Đại khái đó là những chặng đường của tình trong văn chương. Nhưng màu lá ấy nhạt dần như thế nào?

Tách rời những con người bình thường, khối dục vọng bị đè nén ấy còn được kẻ làm văn chương khai thác cả ở một nhân vật như đấng tối cao như Jésus. Cám dỗ cuối cùng của Chúa (Last temptation of Chirst), của Nikos Kazantzaki.[3] là một sáng tạo đầy táo bạo về một hình tượng đang được hàng trăm triệu tín đồ thờ phượng. Người thợ mộc Jesus tại Nazareth từ thuở nhỏ đã cảm nhận được sự tiếp xúc với Thượng Đế và dấu ấn đầu đời đó đã ảnh hưởng cả cuộc đời ông ta. Jesus luôn ý thức rằng mình là người khác thường và những cám dỗ của một đời sống bình thường luôn bị ngăn trở. Cả niềm khát khao lập gia đình với người bạn gái thân thuộc từ thuở thiếu thời cũng bị chế ngự bởi viễn ảnh của một cuộc đời hiển thánh, của một Đấng Cứu Thế.

Nhưng khi bị đóng đinh trên thập giá, những cám dỗ bị chế ngự ấy mới bừng tỉnh. Từ trên thập giá, trong thoáng chốc ngất đi Jésus mường tượng khung cảnh của một mùa xuân ở đó ông có thể lập gia đình, sống một đời sống đầy lạc thú; cái cuộc sống đã khiến Jesus ý thức rằng Đấng Tối Cao có tạo nên muôn vật, ngài cũng mong muốn những tạo vật ấy có đời sống đầy lạc thú và tình yêu, không cuồng tín và đau khổ. Jesus trải qua ba cuộc hôn nhân khác nhau và sống yên vui đến già với cảnh con đàn cháu đống cho đến khi gặp lại những tông đồ cũ do Judas cầm đầu. Jésus bị nhiếc móc thậm tệ vì đã phản bội. Bừng tỉnh, Jesus vẫn trơ trọi một mình trên thập giá: Ông vẫn có thể đi trọn con đường cứu thế...

Dĩ nhiên, Kazantazaki không thể ‘cải biến’ định mệnh của Jesus, nhưng thoáng hồi tưởng thêm vào ấy như để nói rằng những lạc thú trần thế cũng là điều đáng khát khao. Những lệ bộ văn minh ấy xuất hiện để kìm hãm những bản năng mệnh danh là thú tính, nói theo giọng điệu của Khổng Tử là lễ xuất hiện để gìn giữ những giềng mối. Nhưng trong chiếc vỏ kén văn minh ấy, họ - vì phải cố gắng khác với cái thực của mình - trở nên thiếu hoà hợp hay thậm chí đạo đức giả. Vong thân, trở thành nô lệ của những quy phạm do chính mình đặt ra, con người lại loay hoay với con đường giải phóng: Trong những gì từng mệnh danh là thú tính, họ bắt đầu nhận ra những nét nhân. Nói như Lawrence, sex cũng là một thuộc tính của con người, nó gắn liền với con người. Và thế, chiếc lá nho nhạt màu.

Âu Châu trong thời đại Phục Hưng là khởi điểm của một giai đoạn như thế sau những đêm dài khắc nghiệt Trung Cổ. Tại sao phải e ngại với con người tự nhiên của mình? Tạo hoá tạo nên con người, tạo luôn cả những bản năng, những thèm khát nhục dục. Sống trọn vẹn với những bản thể tự nhiên như thế không phải là điều đáng phỉ nhổ.

Đại khái, đó là con đường tình màu lá nho của văn chương. Con người nhận thấy những dấu vết thú tính trong bản năng của mình. Chiếc lá nho đậm đà xuất hiện. Rồi con người lại rắc rối nhìn ra những đường nét nhân tính ở những bản năng bị kìm hãm ấy. Màu lá nho nhạt dần. Nhạt dần đến khi hoàn toàn trong suốt. Và bản năng ấy đâm ra ê hề. Cái ê hề của kẻ bội thực khoái lạc. Đến là chán.

Bởi vậy, nguội lạnh với cái trần trụi qua sắc màu trong suốt ở cánh lá nho của hôm nay mà nhớ về niềm vui của bao lớp người đi trước. Cái thời mà họ - với bao ẩn ức trong người - tưởng tượng nên một thế giới huyền nhiệm đằng sau cánh lá nho đậm màu. Hay ít ra, cái thời họ - với một tâm trạng háo hức của kẻ đi tìm miền đất hứa - sáng rỡ đôi mắt để chứng kiến cái cảnh màu lá nho đang còn đậm đà từ từ trở nên mờ nhạt.

Như thế, ít ra đời vẫn còn cái để mà băn khoăn suy tưởng chứ!

_________________________

[1]Thơ Nguyễn Hoàng Nam, "Nắng chia nửa bãi chiều rồi", Việt số 2 (7.1998), tr. 193.

[2]Loth, D. (1961), The Erotic in Literature, Martin Secker &Warburgb Ltd, London, tr.42-45.

[3]NikosKazantzaki (1883-1957), người Hy Lạp. Năm 1952 bị hụt giải Nobel vì thua chỉ một phiếu. Tác phẩm: Zobra the Greek, The Greek Passion, Freedom or Death, The Last Temptation of Christ, The Poor of God...


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021