thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Genet: chân dung nhìn nghiêng

Trước khi chụp lại tấm hình đã ố vàng, là bài giới thiệu dưới đây để gửi đến bạn đọc, người chụp ảnh (hay người viết?) xin được bắt đầu bằng những lời ca tụng lẽ ra không cần thiết: Jean Genet là một hiện tượng độc đáo, một đoá tà hoa hiếm quí, một tác giả lớn của Pháp và cũng là một trong những tác giả hàng đầu của thế giới. Ông vừa là một nhà văn bị nguyền rủa vừa là một siêu sao, lúc sống cũng như lúc chết. W. Burroughs đã tiên đoán là cùng với Beckett, tên tuổi và văn chương của Genet sẽ tồn tại mãi. Edmund White, tác giả cuốn tiểu sử rất công phu về Genet,[1] đã khẳng định là sau Proust, hai nhà văn Pháp đang được nghiên cứu nhiều nhất chính là Céline và Genet!

J. Genet sinh tại Paris ngày 19 tháng 12 năm 1910. Một đứa con không cha, chỉ được sống bảy tháng đầu đời với mẹ. Mẹ ông, Camille Gabrielle Genet, lúc đó 22 tuổi, thuộc tầng lớp bần nông tha phương cầu thực đã lưu lạc tới Paris. Có thể lúc ấy bà đang ở mướn, thay vi làm "quản gia" như đã khai báo khi mang con tới giao cho một viện trẻ mồ côi. Bỏ con vào viện xong, người mẹ trẻ ấy đã biệt tăm biệt tích luôn. Ba hôm sau, Jean Genet với vài đứa trẻ khác được chở tới Morvan ở phía Bắc miền núi tuyết Massif Central, để phân phát cho vài gia đình lãnh nuôi cho đến năm 13 tuổi. Các cha mẹ nuôi mỗi tháng sẽ nhận được một số tiền cấp dưỡng nhỏ. Genet lọt vô gia đình một bác thợ mộc ở Alligny, một ngôi làng nhỏ với dân số 1.650 người. Trong số trẻ này, còn có Louis Cullaffroy, kém may mắn hơn Genet, vì nó lọt vào tay một nông dân nghèo, bị bạc đãi, không được đi học nên dốt nát suốt đời. Đứa bé vô phúc này sẽ biến thành Louis Culafroy trong Notre-Dame des Fleurs (Đức Bà Muôn Hoa), cuốn tiểu thuyết bán tự truyện đầu tiên của Genet.

Genet rời nhà cha mẹ nuôi sau khi xong bậc tiểu học. Hồi nhỏ Genet không những siêng học, mà lại còn năng lui tới nhà thầy giáo để mượn sách đem về đọc thêm. Tuy cũng có được chút tình thương trong gia đình cha mẹ nuôi, nhưng tuổi ấu thơ của Genet rất buồn thảm và cô đơn. Cậu Jean ưa ngồi trong cầu tiêu mơ mộng. Có khi lại còn "cao hứng" lấy tay bụm đít đưa lên mũi ngửi cho đời lên hương. Lúc ở trong tù (vì tội hay ăn cắp vặt) thì cậu và người yêu bắt chí, bắt rận tặng nhau để làm... kỷ vật, vì chẳng có thứ gì khác để cho nhau. Nhưng kỳ diệu thay, các "trò bẩn thỉu" nay đã trở thành những "chùm phương thảo" trong tác phẩm của ông sau này! Đời sống tỉnh lẻ quạnh hiu ngột ngạt đã là nguyên nhân của sự nổi loạn ở ngoài đời cũng như trong tác phẩm, của Rimbaud và Genet, hai "thiên tài" hi hữu đã làm chuyển hẳn hướng đi của văn chương thế kỷ 19 và thế kỷ 20.

Năm 16 tuổi, Genet bị tống giam trong một trại thiếu nhi phạm pháp ở Mettray, với kỷ luật sắt. Từ năm 19 đến 26 tuổi, ông đã xin đăng lính cả thảy bốn lần, bị gửi sang các thuộc địa ở Bắc Phi, nên ông có cảm tình đặc biệt đối với người Ả Rập. Ngoài thời gian ở tù và đi lính, Genet lang thang ở quê nhà, rồi qua các nước Âu Châu ăn xin, trộm cắp, làm đĩ, giả gái. Năm 1941, Genet ăn cắp một cuốn tiểu thuyết của Proust; hai năm sau lại cầm nhầm thêm một ấn bản quí của tập Les fêtes galantes của Paul Verlaine. Vì đã tái phạm quá nhiều lần nên Genet bị kết án tù chung thân. Tuy nhiên, may mắn cho ông là Jean Cocteau, một nhà thơ và là một viện sĩ Hàn lâm lừng danh thời bấy giờ đã mướn một ông thầy kiện nổi tiếng để cãi giúp, rồi tuyên bố thêm Genet là "nhà văn hiện đại lớn nhất", nhờ thế, cuối cùng bản án được rút xuống chỉ còn ba tháng.

Cũng nên biết là Genet đã ôm mộng văn chương từ năm lên 16, nên hay viết thư hoặc tới gõ cửa các nhà văn tên tuổi của Pháp. Trong số đó có André Gide và đã được nhà văn đoạt giải Nobel này tiếp nửa giờ. Lúc đó Gide đã ngoài sáu mươi, còn Genet chỉ mới hăm ba, tiếng mẹ đẻ viết chưa thạo! Ngoài Gide, trong số đông đảo danh nhân mà Genet đã được gặp, có cả hai vị tổng thống Pháp tương lai là G. Pompidou và F. Mitterand. Riêng Jean Cocteau, sau khi đọc bản thảo truyện Notre-Dame des Fleurs do Genet gửi, đã ghi cảm tưởng vào nhật ký của ông như sau:

Jean Genet có trao cuốn tiểu thuyết của hắn cho tôi. Ba trăm trang sách quá mức tưởng tượng, trong đó hắn đã kết cấu các mẩu huyền thoại về một bọn ‘lại cái’ (queers). Thoạt nhìn cái đề tài này có vẻ như xua đuổi người đọc (Tôi có trách hắn điều đó sáng nay). Nhưng tôi đã xin lỗi hắn về sự ngu si của mình. Cuốn truyện này có thể gây nhiều ngạc nhiên hứng thú hơn các bài thơ. Chính cái mới mẻ vượt bực của nó đã làm cho người đọc thấy bất an. Nếu đem đặt bên cạnh nó, cái thế giới của Proust sẽ trở thành các bức tranh của Didier-Pouget [một hoạ sĩ chuyên vẽ hoa thạch thảo]. Câu văn thường của Genet cũng rực rỡ như nét phác hoạ của Picasso.
Những đoá hoa tục tĩu, những đoá hoa khôi hài, những đoá hoa bi thương, những đoá hoa nở đêm, những đoá hoa đồng nội, những cánh hoa hồng tạo những đường cong bay lượn tuyệt vời từ khắp nơi. Phải hành động như thế nào. Mơ ước đầu tiên dĩ nhiên là phải được cầm cuốn truyện trên tay, phải kiếm mọi cách để nó được nổi tiếng. Mặc khác thì đó lại là chuyện coi bộ khó có thể thực hiện được, và đó cũng là một điều hoàn toàn hợp lý. Bởi đây là ví dụ đích thực về sự trong sạch vừa chói loà vừa không thể chấp nhận được.
Nhưng ‘quả bom’ này cần phải nổ. Một cái xì-căn-dan chính cống. Nó đã âm thầm nổ và vượt ra ngoài tác phẩm, nó đã tồn tại rất hồn nhiên trong tôi. Genet là một tên trộm đang bị cảnh sát truy nã. Chỉ cần nghĩ là hắn sẽ biến mất, cuốn truyện bị huỷ cũng đủ cho tôi rùng mình kinh sợ. Cần phải in và phát hành ngay, dù chỉ vài ba bản để bán chui bán lậu.

Chính nhờ những sự giúp đỡ nhiệt tình của những người như Jean Cocteau mà tác phẩm của Genet đã được ra mắt, chủ yếu là trên tạp chí L’Arbalète (Cái Nỏ), do Marc Barbezat chủ trương. Các trang tiểu thuyết được trình bày như trang báo, với hai cột chữ nhỏ li ti. Cái nhà xuất bản tí hon của Barbezat đã có công lớn trong việc khám phá và in hầu hết tác phẩm Genet. Marc đã sáng lập nhà xuất bản bỏ túi này năm ông 27 tuổi, trong hoàn cảnh khó khăn của thời nước Pháp bị Đức chiếm đóng. Số báo đầu in ronéo. Cuốn truyện đầu tiên, rồi bài thơ đầu tay được phát hành, Genet đã nổi tiếng tức thì trong văn giới.

Trước hết nổi tiếng vì sự táo bạo và độc đáo. Genet là một nhà văn đồng tính. Văn chương Genet tôn vinh Tình Dục và Điều Ác, anh hùng hoá và huyền thoại hoá những mẫu người lúc ấy còn bị đa số coi như là cặn bã xã hội: đám ma cô đĩ điếm, bọn đồng tính nam, các tên trộm cướp, giết người... Nhân vật của Genet là những con người dấn thân, dám ăn, dám sống, dám chơi, dám làm. Họ dang tay đón nhận "định mệnh’ và thể hiện con người của họ bằng sự dị biệt tối đa. Các biệt dị này đã mang những cái nhãn Đồng Tính, Án Mạng, Phản Bội, Bỉ Ổi... rùng rợn, nhớp nhúa, nhưng lại rực rỡ huy hoàng như cánh bướm khoe màu trong ánh nắng mai, dưới những cặp mắt kinh ngạc trố nhìn của bọn người lương thiện, rụt rè và đạo đức giả.

Nhân vật Genet tự tạo riêng cho mình một cái thế giới tình dục, tâm lý, đạo đức ngoài khuôn khổ. Họ có thể là loài sâu bọ đục khoét, ăn bám. Thế nhưng sự cứu rỗi sẽ đến với họ bằng cái chết thảm thương, và cái chết đó sẽ nâng họ lên hàng các bậc thánh tử đạo. Theo như lời phân tích của Jean-Paul Sartre, thì việc Genet tự hạ mình để làm những điều đê hèn xấu xa nhất, là hành động hy sinh, khước từ. Khi chà đạp lên những giá trị đạo đức cũ, Genet đã thăng hoa cái thế giới đời thường/tầm thường để vươn tới cõi thiêng liêng. Genet là một nhà thẩm mỹ đã nhìn thấy cái đẹp dưới lớp vỏ xấu xí, đã khai thác sự xung đột giữa "đức tính xấu" và "ác tính đẹp". Genet đã phác giác được sự tương đồng giữa một Thánh Nhân (le Saint) và một Tội Nhân (le Criminel) khi mà trong sự cô đơn tuyệt đỉnh, họ phải tự quyết định để lựa chọn đeo đuổi giữa điều Thiện và điều Ác. Sự được tự do chọn lấy một lối sống và những hành động có đượm hơi hướm triết lý hiện sinh này, chắc đã là động cơ thúc đẩy Sartre đến soi ngắm bóng mình trong tác phẩm Genet.

Sự độc đáo của Jean Genet không phải chỉ thể hiện ở đề tài và tư tưởng mà còn ở bút pháp. Genet đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi không viết sách để giải phóng những người đồng tính, mà do một lý lẽ khác - vì tình yêu chữ nghĩa, thậm chí các dấu phết dấu chấm, vì lòng ưu ái đối với câu văn." Đúng. Vì trong truyện của ông thường có những ‘tiểu luận’ ngắn, những đoạn ‘phân tâm’ ngôn từ rất thú vị.

Để diễn tả cái thế giới của Bề Trái và của Ban Đêm ấy (tất nhiên đã được tô đậm như đã nói ở trên) Genet sáng chế một thứ ngôn từ đầy những phương ngữ, tiếng lóng rất đặc sắc. Một bút pháp lộng lẫy, có khi cũng cầu kỳ giống như Proust, vừa trữ tình đặc quánh chất thơ, vừa tục tĩu khôi hài hiện thực, bằng lối kết hợp bất ngờ những hình ảnh khác biệt nhau và những trạng thái tâm lý đối chọi nhau, tạo một không khí/không gian vừa quen vừa lạ, thực lẫn siêu thực. Khi kể chuyện, Genet cũng sử dụng kỹ thuật ráp nối xen kẽ hiện tại/tương lai/quá khứ của phim ảnh. Như một người nghệ sĩ điều khiển các con rối, như một nhà phê bình bàn luận các sự việc, Genet luôn luôn có mặt trong truyện để hàn huyên tâm sự, khuyến dụ vỗ về, chửi chọc độc giả.

Thoạt đầu những sự táo bạo và độc đáo trong văn chương của Genet đã bị nhiều người dị ứng, trong số đó có nhà văn hiện sinh Albert Camus và hai nhà thơ cộng sản là Paul Eluard và Louis Aragon. Tuy nhiên, dư luận cũng dần dần chấp nhận ông. Trong suốt thời vàng son của chủ nghĩa hiện sinh, cái đầu trọc với khuôn mặt hồng hào, tròn trịa hiền từ như thiền sư Nhật, cái thân hình bé lùn trong chiếc áo thung col roulé và chiếc blouson da của Genet, đã từng là hình ảnh quen thuộc tại hai quán cà phê Les Deux Magots và Café de Flore ở Saint-Germain-des-Prés bên tả ngạn sông Seine. Tác phẩm của Genet đã được in trong loại bỏ túi bày bán nhan nhản khắp nơi, và đã được chuyển ra rất nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Những điều cấm kỵ nay đã trở thành loại tiền thông dụng đến nhàm chán. Nhưng văn chương Genet thì chẳng bao giờ. Kịch của ông vẫn được thường xuyên trình diễn khắp trên thế giới. Chúng cũng đã thay đổi hẳn diện mạo sân khấu như kịch Beckett, Ionesco, Miller, Albee. Riêng vở Les Bonnes (Hai cô đầy tớ) đã được đưa lên màn bạc đến hai lần. Tiểu thuyết Querelle de Brest cũng dược đạo diễn Đức Rainer Werner Fassbinder quay phim với tài tử gạo cội Jeanne Moreau dóng vai Madame Lysiane, một chủ chứa.

Việc nổi tiếng lừng lẫy của Genet có lẽ phần nào nhờ Jean-Paul Sartre. Năm 1947, Sartre đã vận động cho Genet chiếm giải Pléiades do nhà xuất bản Gallimard vừa thành lập. Gallimard ẩn danh in tiểu thuyết Pompes Funèbres (Tang lễ), và một nhà xuất bản ẩn danh khác in Querelle de Brest, cuốn tiểu thuyết chót, với hai mươi chín bức hoạ dấu tên của Cocteau. Nữ hoạ sĩ siêu thực Léonor Fini cũng có minh hoạ bài thơ "La Galère" với sáu bức khắc kẽm. Tháng Bảy 1948 Cocteau và Sartre viết một lá thư ngỏ đăng trên nhật báo Combat xin Tổng thống Vincent Auriol ân xá vĩnh viễn cho Genet. Trước đó một tháng đã có một bản kiến nghị gửi cho chính phủ của hơn bốn mươi nhà văn và nhà chính trị tên tuổi lớn như Louis Jouvet, Colette, Marcel Achard, Picasso, Marcel Aymé, Paul Claudel... và tháng Tám năm sau họ được toại nguyện. Tháng Hai 1951 nhà Gallimard chính thức in bộ Toàn tập Genet, ba quyển gồm bốn tiểu thuyết và ba bài thơ, có luôn các đoạn quá táo bạo đã bị đục bỏ trong các ấn bản trước đó. Tập một dành cho bài giới thiệu dài hơn năm trăm trang của Sartre.[2]

Thực ra, bài giới thiệu này ban đầu Sartre chỉ định viết khoảng dưới 50 trang, nhưng rốt cuộc đã trở thành nguyên một cuốn sách dày hơn 500 trang, nhan đề Saint Genet: comédien et martyr, tạo được tiếng vang và uy tín đến độ các nhà phê bình đã phải ngậm câm miệng hến gần hai thập niên. Với lối phân tích tỉ mỉ qua cái nhìn sắc bén, Sartre đã mổ xẻ, rọi tia sáng ‘la-de’ vào con người và tác phẩm khiến Genet sau đó đã bị ‘tê liệt’ sáu bảy năm không nhấc bút nổi.

Trong cuốn Saint Genet: comédien et martyr, Sartre đã nhìn thấy ở Genet triết lý Descartes, Hegel, và Husserl. Nhưng đó chỉ là sự ngẫu nhiên mà thôi. Bởi Genet trước tiên phải là một nhà văn sáng tạo bằng trực giác. Ông không có học vấn cao, không là một trí thức như tác giả Buồn nôn. Đối với bản thân, Sartre vẫn giữ thái độ e dè trước vấn đề nhục thể vì không giải thích được tại sao một người lại có thể yêu một người khác, nghĩa là yêu một cái bọc cứt đái. Đóng góp của Genet là nhà văn đầu tiên đã cho độc giả được ý thức về cái bọc cứt đái ấy mà vẫn có thể yêu mến nó được như thường. Genet đã yêu linh hồn qua xác thịt. Đọc Genet, những người không đồng tính đã được dịp thể nghiệm sự ăn cắp, nghĩa là họ đã được thụ hưởng một vật (tình dục đồng tính) không thuộc về mình. "Hắn đã lây vi trùng ác của hắn sang chúng ta", Sartre đã khách quan nhận định như vậy, cho thấy rõ cái tài ‘thuyết phục’ của văn chương Genet. Sartre đã trích dẫn một trong các lời tuyên bố nảy lửa của Genet: "Poetry is the art of using shit and making you eat it/Thơ là nghệ thuật sử dụng cứt để cho độc giả được ăn cứt." (Một cách nhận diện thơ ca quá siêu đẳng, gợi nhớ các lon cứt nghệ sĩ "Merda d’artista" ở thập niên 50 của Piero Manzoni.) Sartre cũng đã tóm lược trường hợp Genet như sau:" Nhà văn Marquis de Sade muốn dập tắt ngọn hoả sơn Etna với tinh khí của mình. Nhưng Genet lại còn điên rồ hơn thế nữa kia: chàng muốn thủ dâm cả Vũ Trụ." Cuốn tiểu luận là một điểm son trong văn nghiệp của Sartre, khiến tên tuổi của đôi bên càng thêm lẫy lừng.

α

Các đoạn thơ dưới đây được trích dịch từ bài ‘Le Condamné à mort’, bài thơ lừng danh mà Genet đã sáng tác trong lao tù. Thi phẩm bất hủ này gồm có 66 đoạn làm theo thể thơ vần cổ điển ‘alexandrin’ (mười hai âm). Bài thơ đã được Hélène Martin phổ nhạc, Marc Ogeret đọc và hát.

‘Người tù tử hình’ là một bài thơ tình tuyệt vời. "Những dục tình [đồng tính] hồn hậu chẳng dấu che" (Thanh Tâm Tuyền) đã được Genet sử dụng như cứu cánh vì là nguồn sống, là tình yêu. Chúng giống như các chất liệu gồ ghề có vẻ đẹp tự nhiên không cần che lấp bằng những mỹ từ. Chúng cũng tựa như gỗ, gạch, đá, đất nung, bê tông cốt sắt không cần phải được sơn son thếp vàng, quét nước vôi, tráng men, sơn bóng. Cái tục để thể hiện nỗi cô đơn, nỗi ám ảnh tuyệt vọng của một tù nhân ở trong xà lim, để thức tỉnh độc giả, bắt độc giả phải trực diện với nhiều vấn đề, như bản án tử hình, một hình phạt vô nhân đạo lúc đó vẫn chưa được huỷ bỏ. Lòng nhân ái của Genet, rất gần với đạo Thiên Chúa, đã khiến ông luôn luôn đứng về phía các thiểu số bị đàn áp. Những dòng thơ ai oán trữ tình này là tiếng cầu kinh, là lời tỏ tình trong tù, lời trăn trối để lại cho người yêu và nhân loại, của một gã trẻ tuổi sắp bước lên đoạn đầu đài. Dĩ nhiên bài thơ có chỗ đứng bên cạnh các bài thơ tình Apollinaire, Aragon, Eluard, Neruda. Do vậy, theo thiển ý của người dịch, đã đến lúc nó cũng phải được xếp chung với các áng thơ tình thắm thiết nhất của nước Việt, như "Khóc Bằng Phi", "Hai sắc hoa ti-gôn", "Giây phút chạnh lòng"...

Genet không cần tới độc giả Việt Nam. Nhưng chúng ta cần phải đọc thêm Genet. Rất có thể là văn, thơ, kịch của ông còn quá táo bạo đối với chúng ta. Nhưng dù gì thì chắc ta cũng nên bắt đầu ngay đi chứ, nếu không thì bao giờ mới đuổi kịp theo người? Bây giờ mà vẫn chưa dám rờ tới Genet, thì bao giờ ta mới dám đụng tới Bret Easton Ellis nhỉ? Hay là ta nên đóng vai vệ binh đỏ để giữ cho thơ "còn nguyên màu lụa trắng", cứ nhắm mắt bịt tai mà nhai đi nhai lại mãi những "nhuỵ đào", những "đoá trà mi", những "biển xanh dâu" và những "mộng ban đầu"?

Genet lìa đời ngày 15 tháng Tư năm 1986. Nơi an nghỉ cuối cùng của ông là một nghĩa địa nhỏ ở Maroc đúng với nguyện ước của nhà thơ.

JEAN GENET

người tù tử hình

tặng Maurice PILORGE
tên sát nhân hai mươi tuổi
Gió thổi cuốn con tim lăn lăn trên chiếc sân lát đá,
Một thiên thần nức nở khóc bị vướng mắc dưới lá cành,
Và cây cột trời xanh cuộn mình trong vòng tay cẩm thạch
Khiến trong đêm khuya chợt mở ra các lối thoát phòng nguy.
Vị tro tàn với tiếng con chim lẻ loi đang hấp hối,
Với con mắt khép trong giấc ngủ ôi kỷ niệm trên tường,
Với năm ngón đớn đau thành quả đấm vung doạ trời cao
Khiến khuôn mặt em trên gương bàn tay ta lại vụt hiện.
Ôi nỗi bất hạnh cuồng điên nào đã làm vỡ mắt em
Bằng cơn tuyệt vọng tột cùng khiến nỗi đau đớn hung tợn
Và bấn loạn, tự tay nó đã cài lên vành môi em
Bất kể những giọt lệ giá buốt, một nụ cười tái tê
Đừng ca chiều nay em nhé bài "Lực sĩ dưới bóng Trăng". [3] (3)
Bé tóc vàng ơi, hãy là nàng công chúa trên tầng tháp
Với mắt lệ sầu tuôn lưu luyến nhớ lại cuộc tình ta.
Hoặc làm chú thuỷ thủ nhỏ rất dễ thương trên vọng gác.
Buổi chiều về, nó leo xuống trên boong tàu rồi đứng hát
Giữa đám thuỷ thủ đầu trần và quì gối. Nó ca bài
"Ave Marie Stella". Mỗi chàng đã hờm sẵn
Trên lòng bàn tay đểu cáng lắc lư đầu con cặc nứng.
Và để xuyên cọc em, ơi bé đẹp trai của phiêu lưu,
Đám thuỷ thủ vạm vỡ thi đua nổi nứng cứng trong quần.
Em ai yêu ơi, bao giờ em đánh cắp chiếc chìa khoá
Để mở cho ta vòm trời nơi cột buồm đang rung bật...
Hãy cùng mơ, em yêu dấu, một người tình cứng rắn và
To như Vũ Trụ, mình chàng lốm đốm bóng tối. Chàng sẽ
Ôm ấp chúng ta trụi trần tận các quán trọ hắt hiu,
Giữa cặp đùi chàng ấm vàng, trên chiếc bụng chàng bốc khói.
Một gã ma cô rạng ngời tựa như một siêu thiên thần
Cặc hắn nứng cứng giữa những bông cẩm chướng và hoa lài
Trên hai tay mềm toả sáng em đã mang tới hiến dâng
Đôi bờ mông hùng vĩ chờ nụ hôn em làm xao xuyến...
Buồn đầy miệng! Nỗi đắng cay đã ứ ngập quả tim ta
Đau! Ôi những cuộc tình ngạt ngào sắp lìa xa ta đó!
Ôi vĩnh biệt, vĩnh biệt! Ôi vĩnh biệt hỡi những dái thương!
Lời giã biệt bỗng vang ngạo nghễ trong giọng ta đứt đoạn!
Hỡi bé của hạnh vinh đầu quấn chiếc vòng hoa lilas!
Hãy cuối xuống bên mép giường để dương vật anh trổi dậy
Vỗ nhẹ lên chiếc má em xinh. Hãy nghe nó kể lể
Chói loà thiên hùng ca của gã sát nhân người em yêu.
Ôi những buổi sáng nghiêm trọng và rượu rum cùng thuốc lá...
Bóng khói và bóng nhà tù và bóng các chàng thuỷ thủ
Lai vãng xà lim nơi bọc quần to của một tên sát
Nhân ôm cứng ta và đẩy ta lăn lộn trên nền đất.
Ta đã giết chỉ bởi một đôi mắt xanh đẹp hững hờ
Chẳng bao giờ hiểu mối tình nơi đáy lòng ta chôn kín
Trên chiếc gondola đen một ả ta chưa quen biết
Xinh như con tàu biển, đã gọi ta vào phút lâm chung.
... [4] (*)
Hãy quì lạy, như thể em sùng bái một cái cột thiêng,
Pho tượng bán thân của anh đầy hình xâm. Hãy sùng bái
Đến rớm lệ, cái giống của anh nó mạnh hơn là vũ
Khí. Hãy sùng bái cây gậy nó sắp nhập vào người em...
Hãy réo, hãy gọi mặt trời đến vỗ về an ủi ta.
Hãy bẻ cổ đàn gà trống! Hãy ru ngủ bọn đao phủ!
Sau khung kính hàng chấn song buổi sáng vô duyên mỉm cười.
Khám đường là lớp học nhạt nhẽo nơi ta sắp tắt nghỉ.
Ôi vầng dương đỏ hồng, ôi đêm Tây Ban Nha xanh mộng,
Hãy đến thật nhanh trong đôi mắt ta ngày mai đã khép
Hãy đến mở cửa đưa bàn tay cho ta cầm lấy và
Dẫn ta di dạo xa chốn này trên đồng cỏ ngày xưa.
Trời sẽ còn bừng sáng, vạn ngàn vì sao sẽ còn nở,
Nhưng hoa sẽ không thở than trên những cánh đồng cỏ đen
Sương sẽ con rơi rơi mãi cho sớm mai thêm tươi mát
Chuông sẽ còn ngân: nhưng cớ chi ta phải chết một mình?...
Ôi em của trời hồng! Ôi em của nắng vàng, hãy đến!
Đến thăm ta, tên tử tội, trong tăm tối của ngục tù
Dù có giết, có trèo, có cắn, có cào da cắt thịt,
Nhưng phải đến, trên mái đầu tròn áp chiếc má em ngon.
Các lời nồng nàn chưa cạn, các điếu gi-tan chưa tàn
Mà bởi đâu toà thượng thẩm vội đeo bản án tử hình
Vào chiếc cổ quá xinh của tên giết người quá trẻ đẹp
Khiến cho cái ánh ngày rực rỡ cũng trở thành xanh xao.
Em hỡi, cứ xuyên tường, cứ đi trên mái ngói, cứ vượt
Trùng dương. Và nhớ khoác ánh sáng lên mình em khắp cả!
Em cứ hâm dọa, em cứ van xin, em cứ nài nỉ,
Nhưng phải đến nhé, ôi cánh buồm hy vọng, trước giờ kia...
Hãy tháp thân hình em hân hoan vào thân thể anh đang
Nôn nóng muốn ghì ôm lấp đít đứa em trai tinh quái,
Và nhẹ nhàng nâng niu đôi dái cuội tròn nhám bóng thơm
Với dương vật đá thạch đen ta xuyên suốt tới tim em...
Hỡi Thượng Đế, hỡi Thượng Đế, xin Người tha tội cho con!
Lời cầu kinh cùng tiếng khóc than, cơn sốt, nỗi đau, và
Nỗi nhớ xứ Pháp đẹp xinh này khi đã xa lìa nó,
Có đủ không, kính thưa Đấng Cha, để cho con có thể
Khập khểnh bước và ôm hy vọng được của Người
Đến nằm trong vòng tay thơm ngát, trong lâu đài băng tuyết!
Hỡi Đấng Chúa u huyền, con vẫn còn biết cầu kinh ạ!
Kính thưa Cha, chính con trong một hôm xưa đã từng thốt:
Vinh danh Đấng Tối Cao đang che chở phò hộ cho ta,
Đấng Hermès có đôi bàn chân quá êm ái!
Xin cái chết ban thưởng cho con một giấc ngủ bình an,
Với tiếng hát ru, và trầm hương, và những vòng hoa của
Các thiên thần và siêu thiên thần với tấm áo choàng trắng
Mỏng. Và những đêm sâu thẳm không mặt trời không mặt trăng
Trên những cáng đồng xa tít mênh mông vắng lặng.
Sáng mai vẫn chưa phải là ngày con sẽ bị chặt đầu.
Vậy con vẫn có thể yên lòng an giấc. Ở tầng trên
Người tình nhỏ biếng lười, viên ngọc trai, cục Cưng của con
Vừa tỉnh giấc điệp. Nó sắp sửa nện mạnh gót giầy lên
Cái sọ tròn vo không một sợi tóc của con.
Dường như có gã mắc bệnh phong trong xà lim bên cạnh.
Khám đường ngủ đứng trong tiếng hát những Kẻ đã khuất bóng
Nếu các thuỷ thủ thấy những cảng tiến gần từ chân trời.
Những cái ngủ của ta sẽ trốn qua một Châu Mỹ mới.

(Nguyễn Đăng Thường trích dịch)

_________________________

[1]Edmund White (1993) Genet, nxb Chatto & Windus Ltd, London, 820 trang.

[2]Jean-Paul Sartre (1952) Saint Genet: come’dien et martyr, nxb Gallimard. Bản tiếng Anh do Bernard Frechtman dịch, Saint Genet by Jean-Paul Sartre, nxb George Braziller, New York.

[3]Lực sĩ dưới bóng Trăng (Costauds de la Lune). Người dịch chưa truy lùng ra tung tích của bài này, nên có thể đã chuyển ngữ sai.

[4]Toà soạn xin cắt bỏ bớt hai đoạn dịch từ nguyên văn tiếng Pháp như sau: Chaque fête du sang délégue un beau garcon Pour soutenir l’enfant dans sa première épreuve. Apaise ta frayeur et ton angoisse neuve. Suce mon membre dur comme on suce un glacon. Mordille tendrement le paf qui bat a joue, Baise ma queue enflée, enfonce dans ton cou Le paquet de ma bite avalé d’un seul coup. Etrangle-toi d’amour, dégorge, et fais ta moue!


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021