thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phái tính trong ngôn ngữ và văn học

Trong cuốn sách Tại sao đàn ông không chịu lắng nghe và đàn bà không thể đọc bản đồ (Why Men Don’t Listen and Women Can’t Read Maps) do nhà Harper Collins vừa mới xuất bản năm rồi, nhà tâm lý học Allan Pease đã phân tích những sự khác biệt trong sở thích, cảm xúc, thái độ và cách ứng xử giữa đàn ông và đàn bà. Những sự khác biệt ấy nhiều vô cùng, chẳng hạn, đàn bà có thể vừa làm tình vừa nói chuyện được cùng một lúc, trong khi đó thì đàn ông chỉ có khả năng làm được một trong hai việc mà thôi; đàn bà có thể vừa nói vừa nghe, trong khi đàn ông chỉ có thể hoặc nghe hoặc nói; bị căng thẳng, đàn ông im lặng, trong khi đàn bà sẽ trở thành đa ngôn hơn; đàn ông có khả năng định hướng giỏi hơn đàn bà, trong khi đó đàn bà lại nhạy cảm hơn đàn ông trong việc đọc các tín hiệu phi ngôn ngữ, như một nét mặt, một ánh mắt, một cử chỉ bâng quơ nào đó, bởi vậy, theo Allan Pease, nói dối đàn bà qua điện thoại thường dễ hơn là ngồi đối diện với họ v.v...

Sau khi cố gắng giải thích tất cả những sự khác biệt ấy, Allan Pease đi đến một kết luận khá đơn giản, khá hiển nhiên và cũng rất khó bác bỏ, đó là: đàn ông, đàn bà sinh ra là đã khác nhau rồi![1]

Trong lãnh vực ngôn ngữ và văn học, chắc chắn họ cũng lại sẽ khác nhau rất nhiều.

1. Phái tính trong ngôn ngữ:

Giới nghiên cứu ngôn ngữ học và văn hoá học Tây phương từ lâu đã phân tích rất kỹ và rất sâu về sự phản ánh của quan hệ phái tính trong lãnh vực ngôn ngữ. Các nhà nữ quyền luận lại càng quan tâm đến ngôn ngữ, coi đó như là một trong vài bằng chứng rõ rệt nhất tố cáo tình trạng bất bình đẳng về phái tính trong xã hội. Theo họ, ngôn ngữ mà chúng ta hiện đang sử dụng, với tư cách là một hệ thống (linguistic system) cũng như với tư cách là một hoạt động (linguistic performance), chủ yếu là sản phẩm của nam giới, trong một xã hội phụ quyền, phản ánh những giá trị và những chuẩn mực văn hoá của đàn ông, và được sử dụng như một vũ khí để trấn áp phái nữ. Lý do khiến người ta đặc biệt quan tâm đến ngôn ngữ là vì quan hệ giữa chủ thể, ngôn ngữ và hiện thực là một quan hệ hỗ tương: qua hệ thống ngôn ngữ cũng như cách thức sử dụng ngôn ngữ, người ta sáng tạo ra những hiện thực khác nhau cho chính mình. Bởi vậy, những sự khác nhau trong cách nói năng giữa đàn ông và đàn bà không phải chỉ là những sự khác nhau thuần tuý có tính chất ngôn ngữ mà còn là những sự khác nhau trong văn hoá và trong xã hội nữa. Ví dụ, nghe câu nói bằng tiếng Anh "My cousin is a professor / a doctor / a lawyer...", người ta dễ nghĩ người anh (chị) em họ làm nghề giáo sư, bác sĩ hay luật sư ấy là đàn ông. Ngược lại, khi nghe câu "My cousin is a nurse" thì người ta lại dễ nghĩ đó là đàn bà: chị/em họ tôi làm y tá. Tại sao như thế? Bản thân chữ "cousin" không hề gắn liền với một phái tính nào rõ rệt, có thể là anh/ em họ mà cũng có thể là chị/ em họ. Sở dĩ người ta dễ liên tưởng một bác sĩ, một luật sư hay một giáo sư là đàn ông và dễ liên tưởng một y tá (hay một người dạy mẫu giáo, giữ trẻ, người mẫu, hay thậm chí đĩ điếm, v.v...) là đàn bà chủ yếu là do thành kiến xã hội đối với từng phái tính. Thành kiến ấy không phải chỉ ở trong óc của chúng ta mà còn thể hiện sờ sờ trong ngôn ngữ: trong các chữ postman (người đưa thư), policeman (cảnh sát), spokesman (phát ngôn viên), salesman (người bán hàng), chairman (chủ tịch hay chủ toạ)... đều có từ tố "man", nghĩa là đàn ông, làm như chỉ có đàn ông mới có thể làm các nghề ấy. Trong tiếng Pháp, "un homme public" là công chức, nhưng khi đổi chữ ấy sang giống cái, thành "une femme public" thì lại là... con điếm; "un professionel" là chuyên gia, mà đổi sang giống cái, "une professionelle" thì cũng lại là... con điếm. Như vậy dường như người ta xem trình độ chuyên môn cũng như thế giới bên ngoài, trong cộng đồng và ngoài xã hội, đều là đặc quyền của nam giới; đàn bà đi vào đó, chỉ là những loại người... hư!

Hơn nữa, trong ngôn ngữ không phải chỉ có những thành kiến kỳ thị nam và nữ mà còn có xu hướng chỉ coi đàn ông là trung tâm, còn đàn bà chỉ là thứ yếu và phụ thuộc. Trong tiếng Anh chẳng hạn, chữ "man" vừa có nghĩa là đàn ông vừa có nghĩa là nhân loại. Nhân loại (mankind) là thế giới của đàn ông (man). Đàn ông là gốc, "man" là gốc, từ đó mới nảy ra cái nhánh "woman" (đàn bà); Mr (ông) là gốc, từ đó mới nảy sinh ra Mrs (bà). Tương tự như vậy, prince là gốc, princess là nhánh; count là gốc, countess là nhánh; hero là gốc, heroine là nhánh, host là gốc, hostess là nhánh, v.v... [2]

Trong tiếng Việt có những sự phân biệt phái tính như vậy hay không? Có. Ngay trong câu chào "Thưa quý ông, quý bà" đã bao hàm quan niệm nam trước nữ sau. Những cách nói quen thuộc như "nữ văn sĩ", "nữ ký giả", "nữ luật sư", "nữ bác sĩ"... cũng đều bao hàm những nghề ấy vốn là những nghề đặc biệt dành cho nam phái; phụ nữ ở đó chỉ là ngoại lệ, và bởi vì là ngoại lệ, cho nên người ta phải thêm từ tố "nữ" vào để phân biệt. Khi nói ai đó có "tính đàn bà" là hàm ý chê bai người ấy là quá tỉ mỉ và nhỏ nhen. Người đàn bà Việt Nam có chồng là bác sĩ, giáo sư, giám đốc... cũng thường được gọi là bà bác sĩ, bà giáo sư, bà giám đốc... trong khi đó nếu người vợ làm nghề bác sĩ, giáo sư hay giám đốc thật thì người chồng lại không được gọi như vậy. Thói quen này cũng thể hiện chế độ ăn theo trong xã hội ta: vợ ăn theo chồng thì được, nhưng chồng lại không được ăn theo vợ vì trên nguyên tắc chồng bao giờ cũng là chủ (gia đình).

2. Phái tính trong văn học Việt Nam:

Trước hết, về phía độc giả, nếu ngày xưa hầu hết độc giả văn học đều thuộc phái nam thì từ đầu thế kỷ 20, số lượng độc giả nữ càng ngày càng tăng. Trong cuốn Văn học miền Nam, tổng quan, nhà văn Võ Phiến cho là từ cuối thập niên 60 trở đi, độc giả sách văn học ở miền Nam chủ yếu là nữ. Trên phạm vi toàn thế giới, theo số liệu thống kê của ngành xuất bản, phụ nữ chiếm đến 70% số độc giả bỏ tiền ra mua tiểu thuyết.[3] Phần lớn những người mượn đọc tiểu thuyết ở các thư viện công cộng cũng lại là phụ nữ. Và nói như Cameron Stewart trong bài "Sex Writes" đăng trên báo The Australian số ra ngày 24.11.1997, "mặc dù chưa có một cuộc điều tra nào đáng tin cậy về vấn đề này, các nhà xuất bản ở Mỹ vẫn tin là phần lớn phụ nữ thích đọc các tác giả nữ hơn là tác giả nam, đặc biệt đối với những đề tài liên quan đến tình dục".

Yếu tố phái tính của độc giả thế nào cũng ảnh hưởng đến yếu tố phái tính của tác giả. Trước đây, tác giả nữ chỉ chiếm thiểu số trong sinh hoạt văn học. Chỉ từ mấy chục năm gần đây, số tác giả nữ mới tăng lên. Tuy về số lượng, họ chưa phải là đa số nhưng trong khía cạnh sinh hoạt, họ lại nổi bật lên thật ồn ào. Ở miền Nam thời kỳ 1954-75, Võ Phiến nghe trên văn đàn những tiếng "eo éo".[4]

Nói đến "eo éo" tức nói đến độ ồn. Theo Võ Phiến thì hình như các nhà văn nữ thời 1954-75 ở miền Nam đều hơi ồn. Cũng theo ông, người ồn nhất là Nguyễn Thị Hoàng. Ông còn nhấn mạnh: "Ồn trong cái yêu". Ông trích một đoạn trong cuốn truyện Vòng tay học trò để dẫn chứng:

Có lần hai người bên nhau, "bàn tay Trâm vỗ về nhè nhẹ, chậm và buồn xuống vai Minh như xoa vuốt dịu dàng khoảng trũng đau nhức của vết thương mình. Rồi bàn tay nằm yên nghỉ bình yên ở đó. Như đầu Minh đằm thắm an nghỉ trên cánh tay Trâm buông duỗi rã rời. Gió phập phồng len qua bức màn cửa. Tiếng còi xe vẳng lên từ ngoài đường như điệu kèn lạ của một thế giới nào xa tăm tắp. Chiều đi mau theo những bước chân vội vàng trên khoảng đường phố nhỏ." Và giữa lúc ấy "Trâm nghe rõ tiếng mình kêu thầm vô nghĩa: tình yêu ơi, vai ơi, môi ơi, mắt ơi, Minh ơi."

Võ Phiến bình luận:

Xưa nay đã có người nữ nào kêu như thế? Kêu "vai ơi, môi ơi, mắt ơi"? Dẫu ngay khi âu yếm đã ra chiều lả lơi, cả Kim lẫn Kiều chắc chắn không có ai kêu "vai ơi, môi ơi". Lại như bác Hoà-Hàng-Cơm với Nhỡ của Nhất Linh, ngay trong khi nằm hẳn với nhau cùng giường, ôm ấp quấn quít nhau, mà không một ai nghĩ tới việc kêu "đùi ơi, vế ơi" gì cả. Ấy, xưa nay vẫn thế. Mọi sự diễn ra lặng lẽ, không ồn tí nào. [...] Nguyễn Thị Hoàng thì khác. Nhân vật bà Nguyễn vừa yêu vừa... la! Cái thú của giác quan, họ gọi đích danh nó ra không kiêng kỵ." [5]

Khi viết về Nhã Ca, cũng trong cuốn Văn học miền Nam, truyện 2, Võ Phiến nhận định:

bà là người khởi xướng một lối viết mới, bà dẫn đầu, bà mở một trường phái, tức trường phái... bù lu bù loa. [...] Nhã Ca viết về chuyện người thiên hạ, nhưng bà không ngần ngại tự đồng hoá với nhân vật mình: bà vật vã than thở, bà hét tướng lên om sòm... Ở đây, tác giả thành người trong cuộc. Người đọc không gặp một văn nhân tao nhã giữ gìn ý tứ lời lẽ; mà là gặp thẳng hoặc một người mẹ vừa mất con, hoặc một thiếu nữ mất người tình đang lăn lộn.
Trong Đêm nghe tiếng đại bác có những đoạn: "Tôi nhớ tới khuôn mặt Mẫn, không lớn hơn thằng Kim bao nhiêu mà đã biết cầm súng. Quyên tuổi trẻ. Tuổi trẻ của máu me. Tuổi trẻ của bom đạn. Tuổi trẻ của tan nát." Và: "Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Tôi đang nghe. Tôi đang nghe đây. Gửi gì đây. Có. Tôi có gửi [...] Tôi còn gửi. Để cho tôi gửi. Gửi cả tương lai tổ quốc ta theo đó."

Võ Phiến kết luận:

Bà Nhã xuất hiện trước, và mạnh dạn cất lên một giọng nói sau này thành ra là đặc trưng của giới nữ thời đại: cái giọng sôi nổi, nhiệt liệt, cực đoan.[6]

Võ Phiến chỉ đề cập đến các nhà văn nữ ở miền Nam thời kỳ trước năm 1975. Nếu nhìn rộng hơn, từ Hồ Xuân Hương về sau, cho đến bây giờ, chúng ta sẽ thấy các cây bút nữ đã rất táo bạo trong việc diễn tả những ước vọng và những tình cảm của họ. Chỉ cần họ thành thực và dám vượt ra ngoài khuôn sáo để kể lể những xúc động riêng tư của họ, đặc biệt những xúc động ít nhiều liên quan đến xác thịt, là người đọc lại sửng sốt, như khám phá ra một cái gì bất ngờ. Điều này một phần tuỳ thuộc vào tâm lý của người đọc nữa. Chúng ta cứ tưởng tượng là nếu một nhà văn nam mà viết giống như Nguyễn Thị Hoàng trước năm 1975 thì chắc sẽ được chấp nhận dễ dàng hơn. Thành ra, ngay ở đây cũng có chút thành kiến về phái tính.

Mới thấy là thành kiến về phái tính bàng bạc khắp nơi. Không phải chỉ ở các tác giả nữ mà thôi.

_________________________

[1]Xem bài giới thiệu cuốn Why Men Don’t Listen and Women Can’t Read Maps của Allan Pease do Sarah Marinos viết, "The gender divide", đăng trên báo The Age số ra ngày 4 tháng 3.1999.

[2]Xem các cuốn An Introduction to Language của Victoria Fromkin, R. Rodman, P. Collinms và D. Blair do Holt, Rinehart and Winston xuất bản tại Sydney năm 1986, và bài "Language and Gender: Feminist Linguistics" của Dédé Brouwer in trong cuốn Women’s Studies and Culture, a Feminist Introduction do Rosemarie Buikem và Anneke Smelik biên tập, Zeb Books xuất bản tại London năm 1993, tr. 40-55.

[3]Theo Cameron Stewart trong bài "Sex Writes" đăng trên báo The Australian số ra ngày 24.11.1997.

[4]Võ Phiến (1988), Văn học miền Nam, tổng quan, Văn Nghệ, California, tr. 47.

[5]Võ Phiến, (1999), Văn học miền Nam, truyện 2, Văn Nghệ, California, tr. 1096.

[6]Như trên, tr. 1208-1210.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021