thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Về Georges Perec và "Chuyến đi mùa đông"

 

Georges Perec sinh ngày 7 tháng Ba năm 1936, tại Paris, cha mẹ đều là Do Thái đến từ Ba Lan và đều mất sớm — cha đi lính hồi Thế Chiến II, bị trúng đạn tử thương; mẹ bị lùa vào trại tập trung và qua đời ở Auschwitz. Thời còn là sinh viên khoa lịch sử và xã hội học ở Sorbonne, ông từng cộng tác viết điểm sách và tiểu luận cho nhiều tạp chí: La nouvelle NRF, Les Lettres Nouvelles, Partisans. Ông viết không phải để thay đổi thế giới: cái viết của ông, ông coi chỉ là chuyện “khá tầm thường... một cách tổ chức lại những chữ trong tự điển, hoặc là tổ chức lại những cuốn sách người ta đã đọc qua.”[*] Ông xuất bản tiểu thuyết đầu tay Les Choses năm 1965 và đoạt giải Renaudot. Tiếp sau là hai truyện kể giọng điệu rất khác nhau, Quel petit vélo à guidon chromé au fond de la cour? (1966) và Un homme qui dort (1967). Ông tham gia OuLiPo[**] năm 1967 và trở thành một trong những người sáng tác mạnh nhất của nhóm.

Perec không có một đặc điểm, ông có những đặc điểm: bởi vì sách ông ra đời không có cuốn nào giống cuốn nào. Nếu phải tìm và ghi ra một số nét gì đó ở Perec, hãy nói tràng giang về tính chặt chẽ trong hình thức, cái thú vui tưởng tượng, trò chơi chữ và những trò chơi về nghệ thuật thơ ca, chuyện đời riêng gắn với thời đại, và những kiểu uốn chữ riêng ông khám phá và... chơi một mình: cuốn La Disparition (1969) tuyệt đối không có một chữ e, cuốn Les Revenentes (1972) hoàn toàn không có những nguyên âm a, i, o, u, mà dành độc quyền cho chữ e ấy... W ou le Souvenir d’enfance (1975) được coi là tác phẩm tự thuật quan trọng (những chương về ký ức tuổi thơ xen kẽ với những chương truyện hư cấu) mà những mảnh rời có liên hệ tới 124 giấc mơ trong La Boutique obscure (1973) và sau đó là những ký ức hoài niệm trong Je me souviens (1978). Qua lối quan sát tinh vi, diễn tả sắc bén, đời sống thường nhật đi vào tác phẩm của ông muôn hình muôn vẻ, và dưới nhiều hình thức: sân khấu, truyền thanh, nhất là điện ảnh. Giải Médicis 1978 được trao cho tiểu thuyết La Vie mode d’emploi đánh dấu bước quyết định cho một sự nghiệp văn chương có một không hai của Georges Perec. La Vie mode d’emploi (mà ông để là 'romans', thay vì 'roman') gồm hơn 100 câu chuyện đan dệt với nhau liên hệ tới những người ngụ trong một chúng cư lớn nằm trên phố Simon-Crubellier, Paris — hình ảnh gợi hứng cho Perec là bức tranh (vẽ theo kiểu bỏ mất mặt tiền) một chúng cư ở New York của họa sĩ Saul Steinberg.

Ông mất vì bệnh ung thư ngày 3 tháng Ba năm 1982 ở Ivry, giữa lúc chỉ viết tới chương thứ mười một một cuốn sách khác hẳn những cuốn sách trước, “53 jours” (mà ông gọi là tiểu thuyết trinh thám) — giống như nhân vật Percival Bartlebooth trong La Vie mode d’emploi chết trước khi hoàn thành 500 hình chắp nối của mình, và có lẽ không khỏi làm ta nghĩ đến cái chết giữa lúc cuộc tìm kiếm chưa đi đến đâu của giáo sư Vincent Degraël trong Chuyến đi mùa đông.

Chuyến đi mùa đông là một truyện ngắn xuất hiện lần đầu tiên trên bản tin Hachette Informations, số 18, tháng Ba-tháng Tư 1980 của nhà xuất bản Hachette, Paris. Đúng một năm sau khi Georges Perec qua đời, trong số đặc biệt dành cho nhà văn, tạp chí Magazine littéraire (số 193, tháng Ba 1983) đã cho đăng lại truyện này, đăng lại nhưng vẫn được coi là một trong nhiều cái viết chưa hề được công bố của Perec. Mãi đến tháng Mười 1993, tác phẩm mới được in dưới dạng sách, do nhà Les Éditions du Seuil xuất bản trong Tủ sách La Librairie du XXè siècle.

Như thế, Chuyến đi mùa đông, truyện ngắn bí ẩn, với sự xuất hiện có thể được xem cũng gần như bí ẩn — bởi lẽ nó xuất hiện không phải trên một tạp chí văn học, mà lấp ló sau một bản tin của nhà xuất bản Hachette — nhà đã xuất bản hay đồng xuất bản ít nhất năm tác phẩm của Perec trong khoảng 1978–1985, nghĩa là cả sau khi Perec qua đời (Je me souviens, La Vie mode d’emploi, La Clôture et autres poèmes. Théâtre I, Penser/Classer). Từ những trang tin của Hachette Informations đến ấn bản của Seuil, cách nhau 13 năm, những dòng chữ sắc bén và đầu óc tưởng tượng ranh mãnh của Perec mà không ít người, nếu không để ý đến tên tác giả, hẳn có thể tưởng là của Jorge Luis Borges, quả đã đi một đoạn đường dài, đoạn đường quái dị, nếu có khác Chuyến đi... của Hugo Vernier, ấy chỉ là khác ở chỗ rốt cuộc nó đã được cứu hai lần — trong khi Chuyến đi... thì sau đó, như hình dáng cuốn sổ các sinh viên môn đệ của giáo sư Vincent Degraël tìm thấy sau khi ông mất ở một bệnh viện tâm thần, đã trở thành... đi luôn.

Và như thế — ngoài Chuyến đi mùa đông dưới dạng “một cuốn sổ dày cộm đóng bìa cứng bằng vải màu đen” trong “đống tư liệu và bản thảo mênh mông” mà giáo sư Vincent Degraёl để lại — chúng ta có đến hai Chuyến đi mùa đông: một của Hugo Vernier, và một của Georges Perec. Tên gọi và ngày tháng trong Chuyến đi mùa đông của Perec và cả trong nhiều tác phẩm khác của ông thường không chỉ là do tình cờ. Nó được đặt ra, nếu không bảo là luôn được chọn, để nói một điều gì, hàm chứa một điều gì, giải thích một điều gì. Trong Chuyến đi mùa đông dường như có một đường dây liên kết giữa ba phía: Hugo Vernier – Georges Perec — Thế Chiến II (1939–1945). Tên Vernier chẳng hạn, được đặt cho tên tác giả Chuyến đi..., làm người đọc trước tiên nghĩ đến cái cân mang cùng tên (tên lấy từ tên người phát minh ra nó: Pierre Vernier), với đặc điểm có lẽ không ai không biết: nó là một cái cân nhỏ, di chuyển được, dùng điều chỉnh một cái cân lớn hơn để ta có thể đọc theo phân số (fraction), khá giống hình ảnh cái “tác phẩm ngắn ngủi” mà Hugo Vernier để lại nơi người đọc sách của ông — cuốn sách mà ta có thể dùng để đọc những tác phẩm lớn sau ông, cũng kiểu đọc theo... phân số! Ngày tháng trong Chuyến đi mùa đông cũng để lộ những yếu tố “Perec”: ngày sinh được chọn cho Hugo Vernier là 3 tháng Chín, trùng với ngày nổ ra Thế Chiến II. Năm sinh được chọn cho Vernier, tính theo toán học, là đúng một trăm năm trước năm sinh của Perec. Ấy là ta chưa nói đến cái “ngụm trà... một âm thanh, một mùi vị, một cử chỉ” lấp ló sau ký ức của vị giáo sư văn chương trẻ tuổi! Như thế, cái ngổn ngang trong số phận của cuộc tìm kiếm bị ngưng giữa chừng của vị giáo sư văn chương sống sót sau Thế Chiến II không giống như những khoảnh khắc trong cuộc đời đã tìm lại được của cậu bé Do Thái Perec (cha mẹ đều qua đời, cha do bị trúng đạn, mẹ bị đi đày không bao giờ còn trở lại), nhưng cả hai đều có một cái gì đó rất chung: cái cảm giác số phận bơ vơ hụt hẫng sau chiến tranh. Những “sắp xếp” như thế, trong khung cảnh một truyện ngắn có vẻ như vô tư, thời gian được nêu rõ đấy mà cũng như chẳng có thời gian — khởi sự từ thư viện nhà Borrade và kết thúc ở bệnh viện tâm thần Verrières — xét cho cùng, ta chỉ thấy có ở một Georges Perec.

Những thành ngữ hay những câu thơ Perec sử dụng khi trích đoạn bằng tiếng Pháp, và ngay cả khi nêu tên những tác giả lớn “cuối thế kỷ” ở Pháp như Mallarmé, Rimbaud, Verlaine, hay cây đại thụ Victor Hugo (cây đại thụ đối chiếu với con người đã chìm khuất Hugo Vernier quả là giống như hai người đang đứng hai phía của tấm gương soi!) thực ra không đòi hỏi người đọc một kiến thức nào về văn học Pháp: trên đường đi tìm dấu vết một tác giả đã chìm khuất, hoặc vì lý do này hay lý do khác đã bốc hơi, mà tác phẩm rất có thể đã từng — nói một cách lịch sự mỹ miều — là nguồn cảm hứng cho những cây đại thụ, ở đâu mỗi chúng ta cũng có thể truy ra được những đoạn trích của riêng mình...

 

------------------------------------
Xin đọc Georges Perec, Chuyến đi mùa đông
[bản Việt ngữ của Hoàng Ngọc Biên] đăng song song trên Tiền Vệ.

 

_________________________

[*]Chuyện trò với Jacques Bens và Alain Ledoux, trong Jeux & Stratégie, số 1 (1980).

[**]OuLiPo (Ouvroir de Littérature Potentielle) là tên gọi một nhóm những nhà văn trong và ngoài nước Pháp, cơ sở đặt tại Paris, được thành lập năm 1960 do sáng kiến của Raymond Queneau và François Le Lionnais, qui tụ một số nhà văn nổi tiếng, trong số có Harry Mathews (Mỹ), Italo Calvino (Ý). OuLiPo chủ trương tìm cách mở rộng văn học bằng cách vay mượn những mẫu hình thức từ những lĩnh vực khác như toán học, luận lý học hay môn đánh cờ, đồng thời khai phá những tiềm năng sáng tạo từ các qui luật hình thức, và chuyên về những phép đảo chữ, những từ hay cụm từ có thể đọc xuôi ngược đều như nhau, những trò chơi chữ toán học, và những kiểu đố chữ khác nhau.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021