thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sáu ghi chú về phía gió
(Diễm Châu dịch)

 

1

 

Dầu cho thơ là một cuộc viễn du đến tận cùng cái bên ngoài hay tới mãi chốn thâm sâu của cái bên trong, tôi đã sống nơi thơ, ngay từ khởi đầu công cuộc tôi theo đuổi, một cái bên trong dồng thời cũng là một cái bên ngoài, một cái bên ngoài không thể tách rời khỏi cái bên trong. Tuy nhiên tôi đã cảm thấy rằng hành động viết lách này diễn tả tôi ít hơn là nó chỉ rõ những gì tôi muốn diễn tả về chính bản thân tôi, và tôi không thay đổi trong cảm nghĩ của tôi kể từ ngày đó. Thơ, dưới mắt tôi, hoàn chỉnh con người. Thơ không phải là hình ảnh con người ở điểm nào hết. Tôi không hề băn khoăn tới việc tạo ra một sự hài hòa giữa thế giới và tôi, nhưng tôi luôn luôn chú mục vào cái vực thẳm ở giữa chúng ta. Vậy thời tôi không viết thơ nhằm lấp đầy vực thẳm mà như lang thang ở bên trong vực thẳm ấy và như thám hiểm. Mặc dù hoàn toàn để tâm vào việc tìm kiếm ý nghĩa hoặc một ý nghĩa, tôi phỏng đoán rằng nét cá biệt của tôi không được tạo lập nơi những gì ổn cố, mà trong những gì chuyển động. Tôi cảm thấy mình thuộc về phía ngọn gió và ngọn sóng.

 

2

 

Vực thẳm đã dạy tôi rằng chúng ta chỉ có thể hiểu được một vấn đề nhờ môi giới của một vấn đề khác và qua nó, như thể con người không tiến tới bằng cách đi từ sự tối tăm tới ánh sáng, như người ta vẫn tưởng, mà là bằng cách tiến tới một thứ tối tăm, bớt đậm đặc. Sự cách biệt giữa hai thứ tối tăm ấy, chúng ta gọi là ánh sáng. May mắn cho con người và cho thơ, không có thứ ánh sáng nào đủ để xóa đi sự tối tăm nơi con người và nơi mọi vật. Nếu như ánh sáng mà trở thành chủ nhân của thế giới, thì sự sống hẳn sẽ đổi khác, và thơ sẽ bị gỡ bỏ.

 

3

 

Từ cửa miệng của thiên nhiên mà ra là các sự vật; từ cửa miệng của con người là những chữ. Giữa những chữ và những sự vật này, làm sao có thể có sự gặp gỡ? Có những người mơ tới chuyện đó, và họ viết cái ảo tưởng ấy như thể đây là một điều chắc chắn. Những người khác lơ là thiên nhiên để chỉ cư ngụ ở phía bên trong của ngôn ngữ, hay lơ là ngôn ngữ để giam mình trong các sự vật. Sau cùng có những người khác sống, nghĩ và viết trong cái không gian vĩnh viễn tách biệt chữ với sự vật. Tôi sung sướng được thuộc về những người ấy, trong thi ca. Về phương diện này, tôi lưu ý tới một câu của Lichtenberg: «Đừng làm đầy đầu óc mình mà hãy củng cố nó.» Mỗi sự vật ra sức làm đầy đầu óc của thế giới: các tôn giáo, các khoa học, các hệ ý thức, các kỹ thuật. Viết một bài thơ, chính là củng cố đầu óc của thế giới, ở ngoài sự tràn đầy kia.

 

4

 

Thơ, ngày nay, đứng trước một mối hiểm nguy không tới từ thơ mà từ lời nói qui chiếu ở đó. Thơ bị thứ ngôn từ này che mờ. Người đọc không còn đọc bài thơ mà đọc nhà thơ. Người đọc đọc những gì người ta bày tỏ với mình về nhà thơ và về thơ. Đối với nhà phê bình, nhà thơ đã trở thành một phương tiện để nhà phê bình khẳng định những lựa chọn của mình, trình bày các lý thuyết của mình, chứ không phải để đưa tới sự lãnh hội bài thơ với tính cách là bài thơ. Đó là một thứ phê bình tìm hiểu thơ qua môi giới của thế giới. Phê bình đích thực hoàn toàn ngược lại, nó phát hiện thế giới qua thơ. Nó đạt tới hiệu lực của chính ngôn ngữ không nhờ một khí cụ nào khác hơn là thơ mà thôi.

 

5

 

Tôi viết bằng tiếng Ả-rập. Trong ngôn ngữ này, sự hiện diện đồng nhất hóa với cái vô hình. Ở đó, thế giới vắng mặt, mặc dù hiển hiện. Con người, theo cái nhìn ấy, là một tình trạng liên tục của vắng mặt. Chân lý nằm trong lòng ngôn ngữ với tư cách là sự phát hiện yếu tính của thế giới qua những chữ mà Thượng đế đã sử dụng. Theo nghĩa ấy, chính hữu thể là một ngôn ngữ ở đó. Những người sống đang ngủ, họ sẽ thức dậy sau khi chết. Viết thơ trong ngôn ngữ này và theo đặc tính của nó, chính là phát hiện cái vô hình và vực thẳm của sự vắng mặt tách rời chúng ta với nó. Viết thơ, chính là thiết tha tới một «điều», và cái «điều» ấy trong tiếng Ả-rập là chính vực thẳm và cái vô hình. Nếu thơ có chút quyền lực thiết lập nào, thời ở đây nó thiết lập sự hiện diện của cái vô hình. Chữ viết, trong tiếng Ả-rập, chỉ dạy rằng tổ quốc không phải là một nơi chốn, rằng tổ quốc đó không nằm ở đâu cả. Nó dạy rằng chính bản thân nó là tổ quốc. Nó đã dạy tôi bằng cách nào tôi có thể nói: thân xác tôi là quê hương tôi.

 

6

 

Về phương diện địa lý, tôi thuộc về một xứ nằm ở nửa đông của thế giới. Nhưng nếu tôi thuộc về Đông phương ấy, thì trước tiên là vì tôi đã tạo ra cái Đông phương riêng của tôi. Tôi chỉ thuộc về nó trong chừng mực mà chính nó thuộc về tôi. Đông phương ấy vừa là ký ức vừa là quên lãng, vừa là hiện diện vừa là vắng mặt. Nó xác nhận cái hỗn mang nơi người ta không biết nó là đất sét hay bàn tay, ánh sáng hay đêm tối, cái không gì hết hay tất cả. Đông phương, đối với tôi, là cái không thể định nghĩa, khoảng mênh mông trống vắng, con người trong trạng thái lang thang nguyên thủy. Khi tôi nghĩ tới nó, tôi thường tự hỏi: thơ, trong muôn vàn cách thức của mình, có thể nào lại không biểu thị Đông phương ấy?

 

 

----------------------------

Ghi chú của người dịch:

ADONIS là bút hiệu của Ali Ahmad Said Esber. Ông sinh ngày 1.1.1930 tại làng Kassabine gần cảng Lattaquié ở Syrie. Ông chọn bút hiệu Adonis năm 1949, tới Beyrouth năm 1956, và cùng với Youssef al-Khâl thành lập tạp chí Shi’r (Thơ). Ông đã xuất bản tập thơ đầu tay Những bài thơ đầu năm 1957, nhập quốc tịch Liban năm 1965. Adonis từng gặp gỡ H. Michaux, P. Celan, O. Paz,... ở Paris, nơi ông hiện sống và đã cho in khá nhiều thơ và tiểu luận văn hóa.

Bài trên dịch theo bản Pháp văn của Claude Esteban in trong Adonis, Mémoire du vent (Poésie/ Gallimard, Paris, 1991. Kính mời bạn đọc xem thêm phần thơ của Adonis: TRÍ NHỚ CỦA GIÓ [trích], đăng song song trên Tiền Vệ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021