thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhận định về KÝ ỨC CHO SỰ LÃNG QUÊN
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)

 

Tôi cần một ngôn ngữ mà tôi có thể dựa vào nó và nó có thể dựa vào tôi, mà nó đòi hỏi tôi làm chứng và tôi có thể đòi hỏi nó làm chứng.

Mahmoud Darwish

 

Mệnh đề trên đây của Darwish đã được Ibrahim Muhawi, dịch giả của nhà thơ, giải thích: "Shahida, gốc Ả-rập của chữ 'làm chứng', cũng nẩy sinh ra chữ 'bia mộ' hay 'bi ký', sha:hid, và chữ 'kẻ tuẫn đạo', shahi:d -- những chữ này đồng vọng suốt cả thi phẩm. Ở đây, viết là làm chứng cho lịch sử, và là những dòng bi ký trên nấm mồ của nó: cả hai đều là sha:hid.

Động cơ của Darwish (trong mười bốn tập thơ & bảy tập văn xuôi từ 1964) do đó nằm ở trung tâm của thi pháp thế kỷ hai mươi: thơ của ông là thơ của sự làm chứng. (Trong số những nhà thơ khác, hãy đọc Celan, Jabès, Akhmatova & Césaire…). Về những hoạt động trong đời sống, sau những năm đầu tiên đầy khốn khó ở Palestine, Darwish đã dời sang Cairo năm 1971, sang Beirut năm 1972, & sau năm 1982 sang Paris xuyên qua Tunis, Cairo & những thành phố Ả-rập khác. Năm 1973 ông gia nhập Tổ Chức Giải Phóng Palestine, trở nên một thành viên trong ban chấp hành vào năm 1987, nhưng từ chức năm 1993. Danh tiếng trong thời kỳ đầu của ông xuất phát từ thơ chính trị phản kháng, nhưng mục đích của riêng ông thì rộng hơn:

“Tôi không chỉ là một công dân của Palestine, dù tôi hãnh diện về gốc gác này… nhưng đồng thời tôi cũng muốn quảng diễn lịch sử cuộc đấu tranh của nhân dân tôi từ một góc nhìn mỹ học, khác với những ý nghĩa đang thịnh hành và được lặp đi lặp lại, sẵn sàng phát ra từ một độc giả chính trị thiếu suy nghĩ.”

Về Ký ức cho sự lãng quên: Tháng Tám, Beirut, 1982 (một trường ca nẩy sinh từ cuộc xâm lăng của Do-thái vào Li-băng năm 1982), Muhawi nhận định sâu xa hơn:

“Nỗ lực của Darwish là một cử chỉ thuần tuý qua đó chính sự viết trở thành ẩn dụ bao trùm. Ông cho chúng ta một văn bản đa thanh (multivocal text) giống như một chiếc gương soi vỡ, các mảnh được ghép lại với nhau để trình bày với khán giả những khả thể tương phản của cái sáng sủa và cái nứt gãy. Trên mặt giấy, những lối viết dị biệt cùng hội tụ: thơ, cả thơ có vần và thơ văn xuôi; đối thoại; Thánh kinh; sử ký; huyền thoại; huyền thoại đội lốt lịch sử; hư cấu tự sự; phê bình văn học; và những hình ảnh trong giấc mộng… Mặc dù tổng hợp này phản ảnh sự vỡ vụn, nó cũng hàm chứa một hợp đề. Chênh vênh giữa cái toàn thể và sự nứt gãy, văn bản này, giống như đất nước Palestine, là một giao điểm của những ý nghĩa tương phản.”

 

Nguyên tác: “Commentary”, trong Poems for the Millennium: The University of California Book of Modern & Postmodern Poetry
[Volume Two: From Postwar to Millennium] eds. Jerome Rothenberg & Pierre Joris
(Berkeley, Calif.: University of California Press, 1998), 702.

----------------------------------

Mời độc giả thưởng thức thơ Mahmoud Darwish: KÝ ỨC CHO SỰ LÃNG QUÊN [trích] qua bản dịch Việt ngữ của Hoàng Ngọc-Tuấn, đăng song song trên Tiền Vệ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021