thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ana Blandiana, thơ dưới sự đàn áp ở Ru-ma-ni

 

ANA BLANDIANA là một trong những nhà thơ Ru-ma-ni đương đại được quần chúng hết sức thương mến. Theo các quan sát viên đáng tin cậy, bà là nhà thơ được ngưỡng mộ nhất nhưng cũng là một nhà hoạt động xã hội bị đả kích, thậm chí bôi lọ, nhất của Ru-ma-ni hiện nay.

Sinh tại Timisoara, Transylvania ngày 25.3.1942, là con của một giáo sĩ Chính thống giáo từng bị chính quyền cộng sản bắt giữ nhiều lần (một trong những lần ấy khi Blandiana mới lên 6), Blandiana lớn lên trong cảnh kinh hoàng của những cuộc khám xét, bắt bớ thường xuyên.

Blandiana theo học trung học ở Oradea rồi đại học ở Cluj, nơi bà đậu cử nhân về văn chương và ngôn ngữ (các thứ tiếng Romance) năm 1967. Sau đó bà tới Bucarest làm biên tập viên cho tạp chí sinh viên Amfiteatru và quản thủ thư viện tại Viện Mỹ nghệ trước khi chuyên chú vào nghề viết. Năm 1968 bà khởi sự viết mục thời sự hằng tuần trên tờ Contemporanul, kế đó trên tờ România Literară từ năm 1974 tới năm 1988, ngoại trừ một vài lần bị gián đoạn do «những hoàn cảnh bất khả kháng» gây nên. Trong suốt 20 năm trời, với lối viết thật riêng tư bóng bẩy, bất chấp kiểm duyệt gắt gao, Blandiana đã cống hiến người đọc say mê hằng tuần – những người đọc phía sau những hàng chữ – điều mà những nhà nhận định sau này coi như đã tạo thành một thứ «cột trụ của đời sống trí thức Ru-ma-ni», một trong những «điểm chuẩn của đời sống tinh thần» duy trì được dưới chế độ độc tài. Bà kết hôn với nhà văn kiêm nhà phê bình điện ảnh Romulus Rusan.

Những bài thơ đầu tiên của Blandiana xuất hiện trên tạp chí Tribuna ở Cluj khi Blandiana mới 17 tuổi. Ngay sau lần xuất hiện này (thân phụ nhà thơ lại bị cầm tù một lần nữa), Blandiana bị cấm xuất bản vì là «con của kẻ thù nhân dân». Việc cấm đoán này kéo dài 4 năm, trong những năm này (Blandiana cũng không được ghi tên vào đại học), nhà thơ phải mưu sinh bằng nhiều nghề, trong đó có nghề làm thợ nề.

Tập thơ đầu tay của Blandiana, Ngôi thứ nhất, số nhiều (1964) xuất hiện vào thời kỳ mà các nhà phê bình văn học Ru thường kêu bằng «thời kỳ trăng mật sau những năm Stalin» của Ceausescu. Tập thơ này đã được các nhà phê bình nhiệt liệt ca ngợi. Kế đó lần lượt xuất hiện 11 tập thơ khác, chưa kể những cuốn tiểu luận, truyện ký, sách cho trẻ em và những tác phẩm phiên dịch. Các tập thơ: Gót chân có thể bị thương (1966); Huyền nhiệm thứ ba (1969), giải thưởng Hàn lâm viện Ru-ma-ni; Năm mươi bài thơ (1970); Tháng Mười, tháng Một, tháng Chạp (1972); Thơ (1974); Giấc ngủ trong giấc ngủ (1977); Con mắt của dế (1981); Giờ của cát (1983), tuyển tập thơ, có thêm những bài phê bình và 31 bài thơ chưa in; Ngôi sao săn mồi (1985); Thơ (1988), tuyển tập thơ khổ sách bỏ túi; và Kiến trúc của sóng (1990), tập thơ này được giao cho nhà xuất bản Cartea Românească từ năm 1987 nhưng đã không thể xuất hiện sớm hơn vì tác giả bị cấm xuất bản. Các tập thơ cho trẻ em: Những gì xảy ra trong vườn nhà em (1980), giải thưởng Hội nhà văn; Những gì xảy ra trong đường phố của em (1988).

Trong số các tập thơ kể trên, Ngôi sao săn mồi được chính tác giả coi như một trong những tập thơ quan trọng nhất của mình. Màu sắc và giọng thơ của tập thơ này và tập thơ chót cũng gần như nhau: đen tối và nghiêm khắc hơn các tập thơ về trước. Đồng thời với Ngôi sao săn mồi là bốn bài thơ mà Blandiana đã cho đăng trước trên tạp chí Amfiteatru vào tháng 12.1984. Bốn bài này: “Thập tự chinh trẻ em”; “Tôi, tôi tin”; “Chúng ta có tất cả”; và “Hạn định” công khai đả kích đời sống thường ngày dưới chế độ Ceausescu (Xin xem thêm chú thích ở phần trích thơ Ana Blandiana). Biện pháp đàn áp tức khắc của chế độ: các biên tập viên bị trừng phạt, tổng biên tập bị sa thải, tác giả bị cấm xuất bản lần thứ nhì... Và phản ứng của quần chúng: hàng trăm ngàn bản sao lại bốn bài thơ nói trên đã được chuyền tay... Trong vụ việc này, các nhà văn Ý và Anh cũng như các đài phát thanh nước ngoài đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Và sau cùng, do nhu cầu hoàn cảnh đối với Tây phương, chế độ Ceausescu đã lại phải để cho Blandiana tiếp tục in thơ, sau hai tháng cấm đoán.

Thế tuy nhiên, chuyện «buồn cười» nhưng có thật, những biện pháp đe dọa và đàn áp của chế độ đối với Blandiana trở thành quyết liệt vào năm 1988, khi tập thơ cho trẻ em Những gì xảy ra trong đường phố của em ra đời. Chú mãn trong bài «Tài tử nổi bật trên đường phố của em» được/ bị nhìn ra như một… biếm họa đối với Ceausescu. Và ngày 30.8.1988, Blandiana bị cấm xuất bản lần thứ ba; lần này, việc cấm đoán còn kèm theo những biện pháp nghiêm trọng hơn: không nguyên các bài ký tên Ana Blandiana bị cấm xuất bản, mà bất cứ bài văn bài báo nào cũng bị cấm kể tên nhà thơ; tất cả những chỗ có nhắc tới tên Blandiana như trong các sách giáo khoa từ cấp nhỏ đến đại học đều phải xóa bỏ; ngoài ra, tất cả các tác phẩm của Ana Blandiana trong các thư viện công cộng đều bị thu hồi... Cũng kể từ ngày nói trên, luôn luôn có một xe canh chừng đậu suốt ngày trước nhà Blandiana. Blandiana không còn nhận được thư từ ở trong nước cũng như từ nước ngoài; đường điện thoại bị cắt và không còn ai dám tới thăm...

Tất cả những hành động hăm dọa và đàn áp đó đã biến Ana Blandiana thành một biểu tượng chống chế độ độc tài ngay ở trong nước. Và theo chứng từ (9.1989) của bà Doina Cornea, một nhà trí thức danh tiếng của Ru-ma-ni:

«... Ngày nay càng ngày càng có những tiếng nói của các nhà thơ, nhà văn và nhà tư tưởng cất lên để làm tròn thiên chức của những nhà trí thức đích thực, trong một tự do nội tâm đầy đủ và bằng cách chấp nhận mọi hiểm nguy, để làm chứng cho cái thế kỷ buồn thảm mà họ đã bị buộc phải sống trải. Tôi có cần phải nhắc đến tên tuổi của họ nữa không? Tên tuổi của họ đã được ghi trong trái tim của từng người Ru-ma-ni: Ana Blandiana, Aurel Dragos Munteanu, Dan Desliu, Mircea Dinescu, Octavian Paler, Dan Petrescu, Andrei Plesu, Mihai Sora, con người thật can trường Gabriel Andreescu. Với những người đó, sự thật ở trên cái vinh quang có được nhờ thỏa hiệp. Bởi thế, họ sẽ giành được vinh quang thực sự và bất tử.»

Cũng chính vì nhìn ra cái biểu tượng tự do ở nơi Ana Blandiana, nhà thơ và nhà trí thức gần gũi với đại chúng, mà trong chính biến lật đổ Ceausescu, ngày 22.12.1989 cái gọi là Hội đồng của Mặt trận Cứu quốc đã loan báo rằng Ana Blandiana là một thành viên của mình, mặc dù bà không hề được hỏi ý! Cái trò chơi mập mờ, lấp liếm này đã mau chóng bị lật tẩy và Ana Blandiana đã lựa chọn «từ chức» để đứng về phía những người trẻ tuổi, những học sinh, sinh viên – những người mà chính quyền «mới» kêu bằng «bọn du đãng» – trong cuộc biểu tình tuyệt thực của họ trên công trường Đại học ở Bucarest mùa xuân 1990...

Nhận định về thơ Ana Blandiana, các nhà phê bình văn học trong và ngoài nước thường coi Blandiana như một nhà thơ tân-lãng mạn đã đưa dòng thơ truyền thống của Ru-ma-ni vào hoàn cảnh đương đại. Người ta đã nhắc tới Lucian Blaga (1895-1961) và Nichita Stănescu (1933-1983) như những nguồn ảnh hưởng khả hữu của thơ Blandiana. Người ta cũng đã tìm ra trong thơ Blandiana những mối liên hệ về đề tài và giọng điệu nối kết Blandiana với nhà thơ lãng mạn vĩ đại của Ru-ma-ni: Mihai Eminescu (1856-1889). Và sau hết nhưng không kém phần quan trọng, các nhà phê bình còn đồng ý: tiếng nói của Ana Blandiana được quần chúng lắng nghe hơn hết mọi tiếng nói của các nhà thơ Ru-ma-ni đương thời trong hoàn cảnh xã hội-chính trị hiện nay.

 

---------------------------------

Ghi chú ngày 18. 9. 2004:

 

Tôi đã viết những dòng trên thay vì lời tựa cho một tập thơ dịch của Ana Blandiana trước khi được gặp bà ngày 24. 10. 1997 tại Schiltighem, Pháp trong khung khổ Đại hội lưỡng niên lần thứ VI của các nước Trung Âu. Tối hôm ấy chúng tôi đã nghe Ana Blandiana đọc thơ của bà và xem trình diễn một vở kịch của Romulus Rusan, chồng bà. Bên cạnh Ana Blandiana có dịch giả Pháp văn của bà là Hélène Lenz. Blandiana thật niềm nở, ân cần và giản dị, như một người Việt-nam. Trong câu chuyện riêng, tôi thuật lại cho bà những gì tôi nghe nói về những hoạt động gần nhất của bà: dấn thân vào chính trị, và tỏ ý tiếc cho thơ thê giới phải chịu những thiệt thòi... Blandiana kiên nhẫn lắng nghe hết những lời phàn nàn của tôi và lập tức rút ngay trong sắc ra một tập thơ của bà, khổ lớn, bìa cứng, mới in ở Bucuresti năm ấy (1997) bằng bốn thứ tiếng Ru, Đức, Pháp, Anh, và đề tặng tôi. Cử chỉ từ tốn, trong lặng lẽ, của Blandiana, mãi sau này tôi mới hiểu... Bây giờ, nghĩa là 7 năm sau, khi viết những dòng này với cuốn sách mà bà đề tặng bên mình, tôi hiểu hành động tham gia chính quyền mới của một Sorescu, bộ trưởng bộ Văn hóa Ru, mà chính tôi đã coi như... thỏa hiệp. Tôi hiểu cái cần thiết tách rời thứ quyền bính ấy của Blandiana, người có lẽ, trong tưởng tượng của tôi, đã... hy sinh thơ! Cuôc cách mạng phát khởi từ Timisoara, quê hương của Blandiana, chì mới thành công một nửa: đem lại cho dân tộc Ru-ma-ni quyền định đoạt số mệnh mình. Thế nhưng từ ấy đã 15 năm trôi qua, bọn cực hữu hung bạo từng câu kết với Ceausescu lại trở lại, cánh tả cũ bằng mưu mô thủ đoạn... «bầu cử» quen thuộc lại nắm được quyền hành, việc gia nhập Cộng đồng các nước Âu châu của Ru-ma-ni bị đẩy lui, và nhất là đã lại có những người làm thơ, viết văn «tiến bộ» của Ru-ma-ni chọn con đường thỏa hiệp với những lý lẽ chắc nịch của... sự sống cá nhân. Trong lúc đó, các sinh viên tụ họp lại trước đại học để nghe nói về quyền công dân lại bị các «công nhân» thợ mỏ «sửa trị» bằng... gậy gộc, và theo chứng từ của một nữ giảng sư đại học Cluj, bà Ruxandra Cesereanu (trong cuốn The Violent Imaginary of the Romanians, 2003), chính Blandiana lại bị đả kích, thóa mạ, thậm chí bôi bẩn trên «báo chương» và các phương tiện truyến thông khác... bằng những lời lẽ thô bỉ, tục tằn chưa từng thấy. (Khi nhận được tin này, tôi đã hỏi lại người phụ trách về văn hóa tại tòa đại sứ Ru-ma-ni ở Paris và được trả lời: «không nghe nói»!) Ý-thức-hóa đại đa số quần chúng về tình trạng sa sút thảm hại về đạo lý và tiếp tục ngủ vùi của xã hội Ru hiện thời, tôi hiểu, không phài là công việc của một ngày hay của nhiều năm đi nữa... Bởi thế, không lạ gì Ana Blandiana và những người Ru-ma-ni yêu chuộng tự do, dân chủ phải tiếp tục các nỗ lực của họ trong những tổ chức quần chúng, như «Liên minh Công dân» của bà....

Tôi biết bà, cùng với những người đồng-chí hướng, đã can trường biến nhà tù khét tiếng Sighet thành một nơi tưởng niệm các nạn nhân của cộng sản và những kẻ đã hy sinh cho công cuôc đối kháng. Thế tuy nhiên, tôi vẫn và càng không thể tin được sự cách biệt của thơ đối với những hoạt động ấy. Và hôm nay, như một niềm mong ước và một lời cầu chúc hướng về Ru-ma-ni, hướng về những Ru-ma-ni yêu dấu của chúng ta, tôi xin được lặp lại những gì mà chính Ana Blandiana đã viết:

Nhưng tôi, tôi vẫn chỉ là người duy nhất tin rằng
Những gì đã khởi sự một ngày nào đó
Thời phải được tiếp tục
Và tôi nhất quyết duy trì việc phân phối
Những ký hiệu, những từ, những chữ...
                      (trích bài «Tiếp tục» trong Ngôi sao săn mồi.)

 

-----------------------------
Kính mời bạn đọc xem thêm phần trích dịch thơ của Ana Blandiana, đăng song song trên Tiền Vệ: Ngôi sao săn mồi [I], và Ngôi sao săn mồi [II].

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021