thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [8] SÁNG TẠO – NHÂN BẢN VÀ THẦN THÁNH
Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch

 

Thưa tiến sĩ Adler,

Một vài tác gia đương thời dùng từ “sáng tạo” để giải thích cho hầu hết mọi hoạt động của con người. Hình như họ viện đến nó như thể nó là một sức mạnh ma thuật nào đó có thể giải thích cho mọi việc chúng ta làm. Thuật ngữ đó có ý nghĩa nào xác định, hợp lý, có thể hiểu được không? Chúng ta có nên giới hạn nó vào những hoạt động của các họa sĩ và các nhà thơ, hay sự sáng tạo mở rộng ra ngoài họ? Cùng một từ đó có thể áp dụng cho cả Thượng Đế lẫn con người như thế nào?

W.P.

 

 

W.P. thân mến,

Sự sáng tạo của con người hệ tại ở sức mạnh cho ra đời các sự vật trước đây chưa từng hiện hữu. Điều đó được chứng minh rõ ràng nhất trong nhiều nghệ thuật khác nhau của con người – trong việc làm ra nhà cửa, đồ gốm, tàu thuyền, tranh tượng, điêu khắc hay những bài thơ. Sáng tạo trong nghĩa rộng nhất, ám chỉ đến sức mạnh khởi tạo trong mọi địa hạt hoạt động của con người, từ qui hoạch thành phố đến tư duy triết học.

Từ “sáng tạo” ngày nay đã trở nên phổ biến đến độ chúng ta quên rằng thoạt tiên nó có ý nghĩa tôn giáo. Sức mạnh tạo ra những sự vật từ nguyên thủy được gán cho một mình Thượng Đế thôi. Việc áp dụng từ này vào hoạt động sản xuất của con người là một lối nói ẩn dụ, dựa trên sự so sánh nghệ thuật nhân bản với sự sáng tạo thần thánh. Sự loại suy này xảy ra không chỉ trong truyền thống Do Thái – Cơ Đốc, nhưng cả trong triết học của Plato, người nói đến Thượng Đế như “kẻ sáng chế thần thánh”.

Theo Plato, có hai loại sáng tạo – thần thánh và nhân bản.

Loại sáng tạo thứ nhất và nền tảng là một sức mạnh thần thánh qua đó thế giới tự nhiên được tạo dựng. Loại sáng tạo thứ hai và phái sinh là sự tạo tác các tác phẩm nghệ thuật từ những vật liệu tự nhiên. Trong một thần thoại Hy Lạp cổ, Á thần hay Người Khổng Lồ Prometheus, đã ăn trộm sức mạnh sáng tạo từ các vị thần và trao nó cho con người. Do vậy, triết gia Anh Lord Shaftesbury[1] nói rằng nhà thơ đích thực là “người chế tạo thứ hai, một Prometheus đúng nghĩa dưới quyền của thần Zeus.”

Trong truyền thống Hy Lạp, sự sáng tạo nghệ thuật được liên kết với kỷ luật, chủ tâm và kỹ năng thủ đắc. Nó là một tiến trình thuần lý và có chủ đích. Trong các thời kỳ hiện đại, nhiều sự chú ý hơn đã được dành cho các nguồn sáng tạo nghệ thuật vô thức, tự động. Tuy nhiên, một lần nữa, Plato lại là người tiền bối của tư tưởng đến sau trong việc khám phá những nguồn sáng tạo ngoại lý và vô thức.

Đại thể Plato chấp nhận ý tưởng cho rằng nghệ thuật là một kỹ năng có ý thức, thuần lý. Nhưng ông nhìn thấy một loại thơ nào đó là sản phẩm của cảm hứng thần thánh hơn là sản phẩm của nghệ thuật có chủ đích. Do vậy, nhà thơ là kẻ thấu thị hay nhà tiên tri, qua họ Nữ thần Nghệ thuật lên tiếng. Plato còn đi xa hơn nữa và cho rằng óc sáng tạo của con người bắt nguồn từ sức mạnh tình yêu – thần ái tình Eros[2] thúc ép con người đi đến chỗ “sáng tạo trong cái đẹp”. Ông liên kết sự sáng tạo nhân bản với khao khát tình yêu để tham dự vào điều thiện.

Vào thời của mình, Sigmund Freud, từ một điểm xuất phát hoàn toàn khác, đã đi đến một kết luận gần giống như vậy. Ông nhìn thấy hoạt động sáng tạo nghệ thuật khởi phát từ những miền sâu vô thức của tinh thần và thể hiện những xung năng cảm xúc. Thỉnh thoảng, Freud coi nghệ thuật như là sự thỏa mãn ước muốn đơn thuần và sự trốn thoát thực tại. Nhưng ông cũng nhấn mạnh những yếu tố kiến tạo và tài tình của sự sáng tạo nghệ thuật. Như Plato, ông xem sự sáng tạo như “công việc của thần ái tình Eros”, một lực lượng tích cực, khẳng định cuộc sống trong cuộc đấu tranh với lực lượng tiêu cực, hủy diệt trong con người.

Bất chấp rất nhiều nỗ lực đương thời nghiên cứu và phân tích sự sáng tạo, nó dường như không phải là cái gì chúng ta có thể kiểm soát được. Các trường học của chúng ta không thể sản sinh ra được các nhà sáng tạo cũng như nó không thể sản sinh ra các nhà tiên tri và các vị thánh. Óc sáng tạo thường khô héo trong những hoàn cảnh thuận tiện nhất và nở rộ trong những hoàn cảnh không thuận lợi nhất. Hình như không chắc rằng sáng tạo tự nó sẽ là cái gì đó chúng ta có thể tạo ra tùy ý.

Một sự thay đổi đáng chú ý đã xảy ra trong những quan điểm về sáng tạo của chúng ta. Cho đến những thời kỳ gần đây nó được gán cho một thiểu số chọn lọc – những nhà sáng tạo hay nghệ sĩ lớn. Giờ đây chúng ta có khuynh hướng coi sức mạnh sáng tạo như một quan năng phổ quát của con người, được mọi người thụ hưởng ở mức độ nhiều hơn hay ít hơn.

 

Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch từ cuốn Great Ideas from the Great Books của Dr. Mortimer J. Adler.

 

Đã đăng:

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [1] BẢN CHẤT VÀ CÁC HÌNH THỨC CỦA NGHỆ THUẬT (đăng kèm bài giới thiệu của hai dịch giả Phạm Viêm Phương và Mai Sơn)

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [2] YẾU TÍNH CỦA THƠ

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [3] NHÀ THƠ – NGƯỜI THỢ LÀNH NGHỀ HAY NHÀ TIÊN TRI?

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [4] NHỮNG LỢI ÍCH CỦA ÂM NHẠC

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [5] TÍNH NGHIÊM TÚC CỦA “NHỮNG VỞ KỊCH”

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [6] ĐỊNH NGHĨA VỀ CÁI ĐẸP

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [7] NHỮNG KHÁC BIỆT VỀ THỊ HIẾU

 

-------------------------------

MORTIMER JEROME ADLER (1900 – 2001). Học giả và tác giả người Mỹ, sinh tại New York City, tốt nghiệp Đại học Columbia.

Ông giảng dạy tâm lý học tại Đại học Columbia (1923 – 1929) và dạy triết học về luật tại Đại học Chicago (1930 – 1952). Từ 1945 đến 1952, ông cùng với nhà giáo dục Robert Hutchins biên soạn một công trình đồ sộ gồm 52 tập, Great Books of the Western World. Năm 1952 ông thôi giảng dạy tại Đại học Chicago để lãnh đạo Viện Nghiên cứu Triết học mới thành lập tại San Francisco.

Các tác phẩm quan trọng của ông có thể kể: How to Read a Book (1940), The Difference of Man and the Difference It Makes (1967), Philosopher at Large: An Intellectual Autobiography (1977)...

Ông là chủ biên công trình biên niên sử The Annals of America (20 tập; 1969) và là chủ biên ấn bản thứ 15 bộ bách khoa tự điển Encyclopaedia Britannica, xuất bản năm 1974.

 

_________________________

[1]Lord Shaftesbury (1801 – 1885): triết gia và nhà cải cách người Anh.

[2]Eros: thần ái tình của người Hy Lạp (như thần Cupid của người La Mã), là con trai của thần Venus, thường mang trên người một cánh cung và một mũi tên.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021