thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [5] TÍNH NGHIÊM TÚC CỦA “NHỮNG VỞ KỊCH”
Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch

 

Thưa tiến sĩ Adler,

Những bài giảng về văn hóa Tây phương hoặc những cuốn sách quan trọng thường đặc biệt nhấn mạnh đến những tác phẩm kịch – cả bi kịch lẫn hài kịch. Hầu hết chúng tôi, là sinh viên hay độc giả, hoan nghênh sự nhấn mạnh đó vì niềm vui hưởng mà chúng tôi có được từ những tác phẩm này và như sự giải lao khỏi những sách vở có vẻ nghiêm túc hơn. Nhưng nhiều người trong chúng tôi có cảm giác vụng trộm, không vui, tội lỗi rằng chúng tôi thật phù phiếm khi dành hết chú ý vào những “trò kịch” tầm thường trong những gì lẽ ra phải là sự khám phá nghiêm túc di sản văn hóa của chúng ta. Các triết gia cổ đại có coi trọng kịch không hay họ coi nó chỉ là sự khuây lãng và giải trí?

C.K.

 

 

C.K. thân mến,

Đôi khi chúng ta quên rằng khởi thủy kịch là một yếu tố trong việc thờ cúng công khai. Ở thành phố Athens cổ đại, kịch được trình diễn trong nhà hát ngoài trời quay chung quanh bệ thờ thần Dionysius.[1] Những chủ đề của bi kịch Hy Lạp bắt nguồn từ những chuyện kể về các thần và các anh hùng và được xử lý với sự nghiêm túc tối đa.

Hài kịch Hy Lạp nảy sinh từ những cuộc liên hoan để vinh danh thần Dionysius. Vào thời Aristophanes, nó là sự hỗn hợp của cái gì đó giống như một trò nhại, nhạc kịch vui, và kiểu hài hước Mort Sahl.[2] Nó phối hợp những lời nói đùa tục tĩu và trò hề với những lời châm biếm sâu cay về những nhược điểm chính trị và xã hội lúc bấy giờ.

Bởi vì bi kịch và hài kịch cổ điển có những ngụ ý đạo đức và xã hội nghiêm túc, nên các triết gia cổ đại – những người bảo vệ đạo đức công chúng và những người biện hộ cho sự nguyên trạng (status quo) chính trị – tán thành việc hạn chế hay thậm chí cấm chỉ những buổi diễn kịch. Thái độ chỉ trích này được Plato dành cho văn chương nói chung, thường trở nên dữ dội khi áp dụng với kịch, vì sự trình diễn và ảnh hưởng rộng rãi của nó.

Ngược lại, Aristotle phản bác quan điểm nói rằng mục đích của kịch – hoặc của các nghệ thuật tưởng tượng nói chung – là mang đến sự khai tâm về đạo đức. Ông cho rằng kịch là sự diễn tả có tính chất tưởng tượng những hành động của con người, nó đạt được mục đích của nó bằng việc sử dụng hiệu quả cốt truyện, các nhân vật, ngôn ngữ và những yếu tố khác. Sự thích thú của chúng ta trước vở kịch tùy thuộc vào sự đáng tin của các nhân vật và hành động trong thế giới hư cấu do nhà soạn kịch dựng nên.

Bên cạnh những điều kiện kỹ thuật hoặc khách quan của vở kịch hay, Aristotle nói có một số điều kiện chủ quan và tâm lý. Kịch tác động đến khán giả thông qua sự lôi cuốn đối với cảm xúc, cảm giác và niềm vui thích của họ. Trong trường hợp của bi kịch, khán giả trải nghiệm một “sự thanh tẩy” hay phóng thích cảm xúc, thông qua sự khuấy động và lắng đọng của những cảm giác trắc ẩn và hãi sợ. Sự tham dự đồng cảm của chúng ta vào những diễn biến dữ dội và đau khổ trong thế giới hư cấu của nhà soạn kịch đem đến cho chúng ta niềm vui, sự phóng thích cảm xúc và sự nhận thức những phương diện cơ bản của hiện hữu con người.

Điều đó không có nghĩa là Aristotle coi kịch chỉ là sự giải trí. Ông cho rằng kịch miêu tả những phương diện phổ quát của tính cách, tâm hồn và hành động con người. Sức mạnh của nó phát xuất từ sự trình diễn có tính sáng tạo những gì phổ quát trong cuộc nhân sinh. Lao động theo phương pháp này, nhà soạn kịch bổ sung cho triết gia, là người xử lý sự phổ quát bằng tư duy trừu tượng.

Về hài kịch, Aristotle nhìn thấy nó như sự diễn tả những hành vi lố bịch và thô tục của những con người ở dưới, thay vì ở trên, mức trung bình. Chẳng những không đánh giá thấp hài kịch, ông còn cho rằng tính chất phổ quát của nó thậm chí còn dễ hiểu hơn tính chất của bi kịch. Nó đem đến sự nhận thức phê phán cung cách con người hành động – tính khoe khoang, đạo đức giả, và những khuyết điểm khác. Aristotle chỉ rõ niềm vui chúng ta có được khi theo dõi hài kịch, nhưng ông không nói rõ “sự thanh tẩy” cảm xúc mà nó đem lại. Về điều này, chúng ta có thể nói tới những trải nghiệm của riêng chúng ta về anh em nhà Marx,[3] W.C. Fields,[4] Jonathan Winters[5] và những nhà soạn hài kịch vĩ đại khác.

 

Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch từ cuốn Great Ideas from the Great Books của Dr. Mortimer J. Adler.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

Đã đăng:

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [1] BẢN CHẤT VÀ CÁC HÌNH THỨC CỦA NGHỆ THUẬT (đăng kèm bài giới thiệu của hai dịch giả Phạm Viêm Phương và Mai Sơn)

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [2] YẾU TÍNH CỦA THƠ

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [3] NHÀ THƠ – NGƯỜI THỢ LÀNH NGHỀ HAY NHÀ TIÊN TRI?

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [4] NHỮNG LỢI ÍCH CỦA ÂM NHẠC

 

-------------------------------

MORTIMER JEROME ADLER (1900 – 2001). Học giả và tác giả người Mỹ, sinh tại New York City, tốt nghiệp Đại học Columbia.

Ông giảng dạy tâm lý học tại Đại học Columbia (1923 – 1929) và dạy triết học về luật tại Đại học Chicago (1930 – 1952). Từ 1945 đến 1952, ông cùng với nhà giáo dục Robert Hutchins biên soạn một công trình đồ sộ gồm 52 tập, Great Books of the Western World. Năm 1952 ông thôi giảng dạy tại Đại học Chicago để lãnh đạo Viện Nghiên cứu Triết học mới thành lập tại San Francisco.

Các tác phẩm quan trọng của ông có thể kể: How to Read a Book (1940), The Difference of Man and the Difference It Makes (1967), Philosopher at Large: An Intellectual Autobiography (1977)...

Ông là chủ biên công trình biên niên sử The Annals of America (20 tập; 1969) và là chủ biên ấn bản thứ 15 bộ bách khoa tự điển Encyclopaedia Britannica, xuất bản năm 1974.

 

_________________________

[1]Dionysius: trong thần thoại Hy Lạp đây là vị thần của rượu nho, được thờ cúng bằng những nghi lễ say sưa và xuất thần.

[2]Mort Sahl (1927 - ): nhà soạn hài kịch Mỹ gốc Canada. Ông nổi tiếng với những vở kịch một vai châm biếm dựa trên những biến cố đương thời.

[3]Anh em nhà Marx (Marx Brothers): ba nhà soạn hài kịch xuất sắc người Mỹ: Chico Marx (1891 – 1961), Groucho Marx (1895 – 1977), và Harpo Marx (1888 – 1964)..

[4] W.C. Fields (1880 – 1946): nhà soạn hài kịch và diễn viên hài người Mỹ.

[5] Jonathan Winters (1925 - ): nhà soạn hài kịch Mỹ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021