thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Kẻ thực hiện trách vụ cao nhất
(Diễm Châu dịch)

 

Một định mệnh thơ không chỉ diễn ra trong thời kỳ văn học thông thường, nơi mọi sự trôi chảy, mọi sự đổi thay. Mặc dù sinh ra ở ngay bên bờ dòng Danube, tôi không phải bao giờ cũng có thể ngoi đầu ra khỏi mặt nước. Ở trường trung học, chúng tôi rất đông đảo đã thử làm thơ. Tôi còn nhớ một hôm, một người bạn học của tôi và tôi đã trao đổi với nhau những tập vở chép thơ của mình. Anh ta đã trả lại tập vở của tôi và nói: «Mi hãy đốt những bài thơ của mi đi, nếu không thời chúng sẽ đưa mi thẳng tới Belené.» Belené là một hòn đảo trên dòng sông Danube đã bị biến thành một trại tập trung khủng khiếp. Về phần những bài thơ, ấy là những bài có tính cách hậu-tượng trưng một cách ngây ngô, và, theo những tiêu chuẩn chính thức thời đó, chúng cũng chẳng xứng đáng với một tờ bích báo trong trường. Còn về Belené, tôi lúc ấy hãy còn quá ít tuổi để tới đó, nhưng tôi cũng đã biết chuyện gì xảy ra ở đó. Khu làng quê tôi, Biala Voda (nước trắng) ở cách Belené khoảng mươi cây số, và từ đỉnh đồi trong làng người ta có thể thấy vùng bình nguyên ở dưới. Vùng ấy hoàn toàn nâu, màu lưng của những người tù, cháy nắng, đang đào những con kênh dẫn nước không bao giờ được sử dụng, và ánh mặt trời phản chiếu trên những khẩu liên thanh của quân canh lấp lóe như những vì sao. Ngay từ thời ấy tôi đã hiểu tôi sẽ phải sống trong một vũ trụ nào.

Người ta mò mẫm bước vào đời. Điều quan trọng, sau khi đã bị bỏng những ngón tay, là biết cách thổi lên đó. Nhất là không được xoay theo mọi chiều gió, nếu không những kẻ quyền thế đương thời sẽ biến anh thành cái cối xay, và anh sẽ trở thành một cái cối xay ngôn từ mãn đời. Người nào cảm thấy đói khát về tinh thần không ở lại với những kẻ kia, người ấy sẽ làm quen, nhờ sách vở, với những người, nhân danh cái đẹp, đã đấu tranh chống lại những cái cối xay gió. Người ấy sẽ không chiếm vị trí cao trên thang xã hội, bên cạnh những kẻ, nhận được bột rồi, đã quên đi rằng con người không chỉ sống bằng bánh mì. Những kẻ kia có dao có bánh và anh chỉ còn có việc phải tự vệ đối với món trước và kiêng khem đối với món sau. Câu chuyện ấy đã xưa, nhưng không bao giờ được quên, để có thể trung thành đối với bản thân và không vâng phục những mệnh lệnh đương thời. Bởi mỗi ngày là ngày áp chót và những người chót hết là những người đầu hết. Ở bất cứ thời nào, khi người ta lội ngược dòng, sự giải thoát chỉ có tính cách cá nhân. Phải đợi cho những dòng nước lặng êm và những vùng sâu hiện ra ánh sáng.

Chính vì thế mà, chẳng hạn, tôi không bao giờ bước vào cái lăng của xác ướp đỏ, căn buồng của những kẻ chết, trong đó sự tò mò ngây ngốc, hoặc là ý thức nghĩa vụ, đã liên tục đẩy xô những bầy người lũ lượt vô. Tôi đã ở lại ngoài đời như cuộc đời cần phải thế. Dĩ nhiên chuyện đó phải trả giá mắc trong một xã hội không để cho một ai không bị trừng phạt, không để lại một đơn vị người nào cả. Nhưng một sự khước từ như thế cũng có những cái lợi, một trong những điều lợi đó là, không bao giờ giữ địa vị kiểm duyệt viên, tôi đã không bao giờ phải từ chối bản thảo của một người đồng nghiệp. Tình hình gia trọng khi đã rõ là họ tuyệt đối không muốn để anh yên. Vào lúc đó, nếu anh muốn gỡ nón ra, anh có cơ nguy mất đầu.

Thời kỳ đó của đời tôi đã là cuộc thử thách nơi sa mạc. Mỗi người ít nhiều gì cũng đều có kinh nghiệm về một thời kỳ như thế, một thời kỳ mà người ấy phải quyết định mình có muốn đi tới với những kẻ khác, hay ở lại bên những vấn nạn muôn thủa của cuộc đời. Về chuyện đi tới, người ta đã thấy chuyện đó dẫn tới đâu. Sự co giật của xã hội không xuất hiện như một tia chớp trong một bầu trời không mây, dẫu như có những kẻ, nhất là ở Tây Âu, đã bị bất ngờ. Tôi không muốn nói tất cả sự thật, nhưng những sự thật một nửa thường trống rỗng. Thế tuy nhiên cần phải biết rằng sự biến đổi thực tại thành một lý tưởng nhiệm mầu mà có những kẻ mơ mộng là điều không thể được. Trong một quan niệm như thế về sự vật, mọi lối ngoặt đều là một lối ngoặt ở ba trăm sáu chục độ. Lại cũng cần phải nói rằng sự đột ngột bước ra khỏi bóng tối không có nghĩa là bước vào đô thị mặt trời. Một suy tưởng như thế lại dẫn tới những ý thức hệ mới, và như thế người ta đi tới không phải là một sự tình tốt đẹp hơn mà là một ngõ cụt.

Cái tiêu biểu cho chế độ độc tài, ấy là nó bao trùm toàn bộ dân chúng trong vòng ôm siết tàn nhẫn của nó. Không một ai có thể thoát khỏi nó. Vòng ôm siết toàn diện này là căn nguyên sự suy đồi xã hội trong đó những người cầm bút, quen biết hay không quen biết, đã sa xuống. Những cá nhân họa hiếm còn suy nghĩ khác biệt bị loại bỏ. Nhưng cái trò chơi này quá tin cậy vào sức lực của mình và điều đó đã dẫn tới sự thất bại không thể tránh. Chống lại những sức mạnh này, suy tưởng khác biệt đã có những cây kèn làm sụp đổ lũy thành, và ấy là thơ. Một bài thơ bằng văn xuôi là một khung hình chữ nhật của những chấn động. Nhưng tôi dừng lại ở đây, vì đi xa hơn hẳn sẽ là cố tìm cách giải quyết vấn đề cầu phương của hình tròn (một điều không thể tìm ra được. - người dịch). Chuyện thật đơn giản, thơ xua đuổi những quỉ ma và mở ra một không gian trong đó mỗi người có thể cày cấy cánh đồng của mình, không cần môi giới của một tổ chức nào đó.

Vào giờ phút hiện tại, người ta nhận thấy một sự lùi bước trước sự sống thật sự và những trào vọt tự nhiên của cuộc sống. Những dòng thác này không còn bắn tóe lên ngực các nhà thơ. Nhà thơ đích thực, cũng hệt như vàng tự nhiên, hiếm có khi gặp được, người ta không thể chế tạo ra ông bằng một thuật luyện đan xã hội cũng chẳng thể mạ vàng ông với những huy chương.

Vậy thời ta hãy bắt tay ngay vào việc. Trong tiếng Hy-lạp xưa, chữ thi nhân có nghĩa là: kẻ thực hiện trách vụ cao nhất.

NIKOLAÏ KANTCHEV
Sofia, tháng Bảy 1991.

 

-----------------------------

Ghi chú của người dịch:

NIKOLAÏ KANTCHEV, nhà thơ Bun-ga-ri, sinh ngày 25.11.1936 tại Biala Voda, một khu làng bên sông Danube. Là một nhà thơ rất sung mãn, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và được phiên dịch sang khoảng mười hai thứ tiếng, Nikolaï Kantchev cũng là một dịch giả thơ Pushkin, Blok, Du Bellay, Henri Michaux, Guillevic, Yves Bonnefoy,... Ở Pháp, ông đã có ít nhất là bốn thi phẩm được in bằng Pháp văn: Comme un grain de sénevé Anthologie personnelle do chính ông dịch chung với Marie-Claude và Kenneth White, nhà Actes Sud xuất bản năm 1987 và 1994; L’Acacia blanc de Blanche-ÉgliseMessage du piéton do Denitza Bancheva dịch, nhà Cahiers Bleus in vào các năm 1997 và 2000.

Tháng Tám năm nay (2004, kể từ ngày 10), cùng với mười ba nhà thơ, nhà văn khác của Bun-ga-ri, Nikolaï Kantchev đã được mời tới tiếp xúc với công chúng ở Pháp…

Bài dịch ở trên chính là lời đề tựa của Nikolaï Kantchev cho tuyển tập Anthologie personnelle của ông, do nhà Actes Sud in năm 1994. Xin mời bạn đọc xem thêm phần thơ của tác giả đăng song song trên Tiền Vệ: “Ra đời” và những bài thơ khác.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021