thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Về một cái chết

 

Lời giới thiệu:
Bài viết dưới đây, lần đầu tiên được công bố, thật ra, đã được Trúc Quỳnh hoàn tất tại Hà Nội từ năm 1988, chưa tới một năm sau ngày Nguyễn Tuân qua đời, cho thấy, đằng sau những bản tụng ca ồn ào và dễ dãi, có những cách nhìn khác, độc lập và có khi chính xác hơn về một trong những nhà văn hiếm hoi đã trở thành huyền thoại ngay khi còn sống.
Nhân ngày giỗ thứ 17 của Nguyễn Tuân (28-7-1987 - 28-7-2004), chúng tôi cho đăng bài này không nhằm mục đích đánh giá lại sự nghiệp Nguyễn Tuân mà chủ yếu chỉ nhằm góp phần đánh giá lại những lời đánh giá đã thành khuôn sáo về Nguyễn Tuân lâu nay.
Tiền Vệ
--------------------------------------

 

Ở cái thành phố vài triệu dân này, ngày nào chả có người chết. Khu chết trọ Văn Điển cho mướn từng m2 đất để các cư dân chờ nhập cảnh vào đại đế quốc Vĩnh Hằng, ba năm mới có thị thực. Thời chiến tranh B52, tôi có dịp dạn dĩ với những cái chết đổ đồng, chết ngả rạ, ruột gan lòng thòng trên cây, tay chân di tản khỏi mình vô trật tự khắp các cống rãnh Khâm Thiên, chết trong hộp cầu thang bêtông, chết trong ống trú ẩn than xỉ, chết tức chết tưởi trong một Guernica ảo giác.

Vậy nên phải nói về một cái chết lẻ nhiều chữ nghĩa quá, tôi thấy phiền.

Cụ Nguyễn Tuân, bậc danh sĩ Giao Chỉ qui tiên chưa kịp giỗ đầu mà tôi đã khai quật uy thế của cụ, chẳng để tôn vinh người sống lẫn người chết, chẳng để truy phong truy tặng cụ danh dự này mỹ hiệu nọ, chẳng để làm gì hết, chỉ để bàn về một cái chết, nguyên văn.

Cụ Nguyễn sinh thời hiền lành, chẳng giết chóc áp bức ai, khí tiết nho phong đáng trọng, văn chương bay bướm tài hoa, đáng mặt bậc tiên chỉ trong làng ngoài xã. Nay phải ai điếu muộn mằn cho cụ bằng những lời lẽ thiếu phần long trọng, kẻ hậu sinh thật lấy làm chua chát!

Cụ khôn thiêng xin chứng giám lòng thành, bát cơm quả trứng luộc không đủ bữa rượu âm cho đấng ăn chơi một thời lừng lẫy. Nhưng thôi, xin cụ liệu cơm gắp trứng, bớt giận làm lành để cháu con vịn vong linh cụ mà bầy chuyện dương gian.

Ô hô, phục duy, thượng hưởng!

Tôi đã bất đắc dĩ dự tang lễ cụ, chỉ vì chiều ý một người bạn tò mò, muốn biết người ta thao diễn lòng thương tiếc trước một chuyến đi không khứ hồi theo kịch bản phân cảnh nào? Tôi đã dại dột góp bản mặt cô hồn của mình vào bộ sưu tập ủ dột của các thứ nhăn nhó trong một đám rước lễ. Tô đậm cái lạc lõng của tâm trạng bực bội vì thiên hạ nhiễu sự, tôi không còn lòng dạ nào mà quan sát mà xúc động mà suy tưởng về Nguyễn lẫn tất cả những gì vo ve xung quanh mớ hình hài đã bắt đầu quá trình tan rữa.

Tôi chỉ muốn đào thoát cho nhanh khỏi những gương mặt buồn bã giả tạo, những cung kính nghiêng mình, những phân ưu não nuột, bầy ra trưng ra những cảm xúc bi thương, lên dây cót các bố cục sân khấu hiếu đễ ngây ngô, các trầm ngâm siêu hình cỡ Hamlet... toàn những mặt nạ kịch Noh, trên các vòng hoa và trong các trái tim, trên những làn khói nhang và trong nỗi lâm chung của tất cả cuộc đời.

Người bạn tôi làm đủ mọi bổn phận của kẻ đi viếng trừ việc ký sổ tang, có lẽ đụng tới giới hạn của lố bịch, rồi kéo tôi ra ngoài tìm một ly cà phê thoát nợ. Tôi thở hắt ra vì khí hậu ngột ngạt đè nặng lên một đời sống ngột ngạt, vì cuộc báo hiếu ồn ào của các công dân Lilipus, không phải cho cái chết kềnh càng của một Guliver mà là cho cáo chung tầm thường của một văn nghiệp tủn mủn!

Giờ đây, tôi thèm nghe tiếng hát lồng lộng ngoài vòng sống chết của Trang Tử, đập chậu thương kẻ về nơi thiên cổ và thương hơn là chán vạn kẻ còn trầm luân trong bể phù sinh, đói cơm rét áo, đã có lúc nào yên hàn thưởng thức một lời bàn tinh vi về hoa lá, giò chả của Nguyễn?

Cụ nhấm nháp gần 80 năm sống như một miếng giò lụa tan ra trong cái tâm thế vặt vãnh của một nền văn chương vặt vãnh. Cụ biểu trưng cho giấc mơ lai tạp nửa hủ nho nửa tiểu thị dân mà xã hội Giao Chỉ đã chuẩn hoá trong thẩm mỹ, trong hành vi, trong từ vựng, nhất là trong văn phong của cụ. Cụ được tôn vinh rất mực là chí phải!

Báo chí sách vở mấy tháng nay, sau cái tử quy của bậc trưởng thượng văn đàn, làm ồn nhiều quá. Thi nhau cất giọng kèn Tàu lâm ly để thương vay khóc mướn, đám tiểu nho được cơ hội ngàn vàng trưng lên cái tài tấm tắc truyền thống, ra sức phát hiện các loại châu Mỹ trong khoảng trống xinh xắn Nguyễn để lại cho nền văn nghệ nước nhà. Tôi tin rằng cụ chuyển hộ khẩu về Vương Quốc Bóng Tối không lấy gì làm đột ngột và nỗi trống trải để lại trong tâm trí những kẻ cầm bút đang viết về cụ cũng vừa đủ cho vài ba bài báo nhạt nhẽo truy đuổi mãi bóng dáng lầm lũi của một hành nhân cô đơn.

Nguyễn đích thực cô đơn ngay trong cái chết đắc kỳ tử. Có lẽ cụ đã mỉm cười độ lượng sau hàng ria lúc người ta gài cá ván thiên trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” với một chút bùi ngùi, một chút ấp úng và rất nhiều dửng dưng.

Vô số đấng văn nghệ nửa mùa khắp ba kỳ đã vươn xúc tu tới cái chết nổi tiếng để kiếm tìm những thực phẩm tâm lý. Người ta nhận họ nhận hàng với danh sĩ trên mọi thang bậc xã hội học. Ai cũng thấy vinh dự vì đã khề khà trà rượu với Nguyễn, đã huyên thuyên lý sự với Nguyễn, đã được Nguyễn xoa đầu véo tai, ít nhất cũng đã tự véo tai xoa đầu mình sau khi hân hạnh gặp Nguyễn. Tóm lại, người ta thấy mình rất Nguyễn!

Nguyễn quả là một tâm hồn Việt Nam 100%. Còn hơn tấm giấy gắn trên thập giá kẻ chịu nạn đóng đinh 2000 năm trước, cụ phải được tấn phong xứng đáng theo tinh thần sôvanh. Đóng góp của cụ cho chữ nghĩa xứ này ra sao là một chuyên đề chắc chắn sẽ gây tranh cãi, nhưng cụ đã để lại cho đám hậu sinh ấn tượng về một bảo vật bằng gỗ gụ, chạm trổ tinh xảo những dơi ngậm chữ thọ, sóc leo cành nho, lưỡng long tranh châu, mai lan cúc trúc... Người ta lại gần tác phẩm vô giá đó với một niềm kính cẩn xa lạ, xuýt xoa bái phục và rồi thờ ơ quên lãng. Nguyễn sành đồ cổ, chơi đồ cổ trong tâm hồn và trên giấy mực, cụ đã thành một đồ cổ hiếm hoi mà giá trị tăng tiến theo thời gian. Nhưng không một ai sáng mắt sáng lòng vì một thứ đồ cổ, không một ai nguyện suốt đời sẽ trở thành đồ cổ. Thời gian sẽ đẩy tất cả những tán dương, những tụng niệm vào một khí hậu bảo tàng. Người ta đến thăm viện bảo tàng nhưng người ta không sống trong viện bảo tàng (trừ những nhân viên chuyên coi sóc các loại xác ướp của chữ nghĩa, của đồ vật và của con người). Với thời gian, Nguyễn sẽ còn gia tăng giá trị như một chứng tích, một di chỉ và trong tương quan với các chứng tích và di chỉ tương tự, Nguyễn quả là đáng để chiêm ngưỡng, để ngây ngất và để rũ bỏ.

Những lời bàn của tôi về một danh nhân văn hoá như thế thật hết sức phạm thượng và dễ khiến bàn dân thiên hạ la ó phẫn nộ. Bàn về một cổ vật thượng đẳng trong không khí khói hương hiện tại, ý kiến của tôi sẽ cực kỳ lạc lõng. Nhưng rồi đây những ý kiến ấy, như một phán đoán tương lai học, sẽ là bằng chứng về sự nổi loạn trung hậu của lương tri con người.

Ngồi trong một quán cà phê phố Lò Đúc – Hà Nội, tôi còn được thấy những chân dung Nguyễn nguệch ngoạc gắn cứng trên tường. Không thể mời bức chân dung một ly cà phê, tôi đành truy niệm cụ bằng việc hồi cố tất cả những ấn tượng thâu góp trong kính trọng và chối bỏ, trong khâm phục và chán chường.

Tôi đã đọc Nguyễn Tuân nhiều lần, từ “Vang bóng một thời” đến những bài viết tạp nhạp trên báo, để hiểu thế nào là một bậc tài hoa. Hơn tất cả những kẻ đã nhồi trấu tiếng Việt, hơn tất cả các loại thi sĩ chỉ biết đẽo vần gọt chữ, cụ là pháp sư của tiếng mẹ đẻ, đầy ma thuật trong các thao tác cú pháp. Tôi đã học tiếng Việt trong hành văn của Nguyễn, đã há hốc miệng kinh ngạc trước các tiểu xảo ngôn từ của một trí năng duy mỹ. Cụ xoay ống kính vạn hoa trên một khuôn nhạc hẹp âm vực nhưng nhiều vang dội, những mảnh thuỷ tinh muôn màu có thể dâng hiến cho những ai yêu mê tiếng mẹ đẻ một trò chơi biến hình khá lý thú.

Tuy nhiên, chúng ta đã kết thúc bài toán nghịch lý Zenon. Lưc sĩ ngôn ngữ đã bắt kịp con rùa tư tưởng, dẫu phép vi phân có thể chặt chẽ mãi khoảng không gian giữa hai đại lượng chênh lệch. Mũi tên sẽ tới đích bất chấp các camera quay chậm hành trình của trò chơi hide-and-seek.

Tôi nhìn lên chân dung Nguyễn phẳng dẹt trên bức tường quán vắng. Giờ đây, cụ giống một chiếc đầu sư tử Trung Thu đã không còn tung hoành theo tiếng trống sôi động. Đêm trăng kỳ bí đã lùi vào dĩ vãng và cụ ở đó – trên tường - buồn rầu như một chiếc đầu sư tử bị bỏ quên. Sẽ lại có một đêm rằm tháng Tám khác và một vầng trăng khác soi tỏ các biến cố thiên biến vạn hoá trên cõi đời, và có một chiếc đầu sư tử kỳ lân khác cho những đứa trẻ khao khát Hạnh Phúc và Cái Đẹp. Chúng ta không dầm mình hai lần trên một khúc sông!

Tôi nhớ những lần gặp cụ trên đoạn phố Trần Bình Trọng từ nhà cụ ra trụ sở Hội Nhà văn. Vầng trán rộng lớn với những nếp nhăn mờ tỏ như một khuôn mặt thứ hai chồng lên khuôn mặt thứ nhất, mái tóc đạo sĩ và nụ cười khinh bạc, chiếc can vung vẩy, cụ đi nhanh và thanh thản. Tôi dừng lại hồi lâu, chiêm bái một thần tượng đã tróc vàng son, một tiếng rung vang đã lạc giọng. Phải chăng cụ biết mình đang đi vào bất tử? Ý nghĩ đó khiến tôi quay gót, từ bỏ ước muốn tới chào cụ, cầm bàn tay già nua đã đặt bút viết những thiên tuỳ bút óng ánh câu chữ, nhìn vào mắt cụ để thấy những đám mây bồng bềnh tan hợp trên một vòm xanh mà không câu chữ nào khoả lấp nổi nỗi quạnh hiu.

Người bạn tôi viết về đám tang của Nguyễn, đặt tất cả những trò vè ma chay đối lập với niềm khao khát cảm thông. Tôi chia sẻ phần nào ý tưởng của bạn tôi và còn chia sẻ nhiều hơn những khao khát dai dẳng và thầm kín khác trong đáy tim Nguyễn mà tôi tưởng như mình biết, một trái tim thật nhiều xao động giờ đây có lẽ đã thành đất bùn.

Không phải những điếu văn, những vòng hoa, những bài báo cuốn sách viết về cụ đã làm nguôi ngoai niềm khao khát ấy; mà có thể chính nỗi bực bội của tôi khi đi viếng cụ, những lời báng bổ của tôi về uy danh văn nghệ của cụ sẽ làm Nguyễn tìm lại nụ cười triết nhân đã tan nát chăng?

 

Hà Nội 1988

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021