thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những bài viết cũ [10]: Cái riêng và cái chung trong thơ (b)

 

Lời tác giả:
Hai cuốn sách đầu tay của tôi, Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (1988) và Nghĩ về thơ (1989), hiện nay đã tuyệt bản. Mười mấy năm, quan niệm về văn học đã đổi, cách viết cũng đã khác, tôi không còn hứng thú lắm để in lại. Tuy vậy, vẫn có một số bạn đọc xa gần thỉnh thoảng hỏi thăm về chúng. Thôi thì, thay vì tái bản thành sách, tôi chọn một số đoạn để đăng lại trên Tiền Vệ, như một món quà tặng cho một số tri âm, nếu có, đâu đó.

 

Thơ hay không bao giờ là của riêng ai cả. Nó là cảm xúc của đám đông. Nó là của cuộc đời. Nó không phải chỉ là sự tự thể hiện của nhà thơ. Nó còn có tác dụng giúp mọi người chung quanh, từ nó, nhận diện được những tiếng sóng ngầm u uẩn ngay chính trong đáy sâu của lòng họ. Hoàn toàn không phải tình cờ, khi người ta, ở Việt Nam cũng như ở khắp nơi trên thế giới, để tìm hiểu tâm trạng của một thời đại, thường căn cứ chủ yếu vào tác phẩm của các nhà thơ lớn. Quan hệ giữa nhà thơ và xã hội giống như quan hệ giữa hạt muối và đại dương. Nhiệm vụ của nhà thơ là cô sắc cái đại dương kia: tâm sự chung, thành ra cái hạt muối này: thơ. Tâm sự chung của thời đại là khối tinh vân khổng lồ bay lênh đênh trong vũ trụ. Nó khổng lồ nhưng nó rất lênh đênh. Bằng sự nhạy cảm, bằng năng lực tưởng tượng, bằng tài hoa cấu tứ và bằng trình độ sử dụng ngôn ngữ, mỗi nhà thơ phải tìm cách kết tinh từ khối tinh vân mênh mông mù loãng kia thành ra những mặt trời thơ, những mặt trăng thơ, những vì sao thơ.

 

(Trích từ cuốn Nghĩ về thơ, Văn Nghệ xuất bản tại California năm 1989)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021