thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một vài ý nghĩ về thơ
(Diễm Châu dịch)

 

1

Thơ không được vay mượn của nhạc, phải lấy đi những yếu tố nhạc của thơ.

 

2

Thơ không được vay mượn của họa.

 

3

Nét phân biệt của thơ không nằm trong vẻ đẹp của sự sắp đặt các chữ.

 

4

Âm vận của thơ không biểu lộ nơi tiết điệu nhịp nhàng của các chữ, mà là trong tiết điệu của tình cảm, nghĩa là trong sự sâu sắc của cảm hứng.

 

5

Điều quan trọng nhất trong thơ mới: những sắc dị của tình cảm, chứ không phải những sắc dị của những chữ và những câu thơ.

 

6

Vận và niêm luật gây trở ngại cho cảm hứng, hoặc đóng khuôn nó lại. Đem những tình cảm thơ thích nghi với những luật tắc cứng nhắc, hời hợt trên bề mặt và cổ lỗ, chính là muốn xỏ chân mình vào những đôi giầy của kẻ khác. Người khờ khạo chặt chân mình cho vừa giầy của người khác; người thông minh lựa những đôi giầy hợp với mình; người khôn ngoan tạo lấy giầy mình đi.

 

7

Thơ không phải là việc vui hưởng của một giác quan, mà là một điều gì đó động chạm tới hết mọi giác quan hoặc ở bên kia các giác quan.

 

8

Thơ mới phải mang những tình cảm mới và những hình thức thích hợp để diễn tả những tình cảm ấy. Khi nói hình thức, ta không có ý nói sự sắp đặt ngay hàng thẳng lối hời hợt bề ngoài của các chữ, cũng chẳng hiểu là sự chồng chất những từ mới.

 

9

Rút cảm hứng từ những đề tài mới không phải là tuyệt đối cần thiết. Trong những biến cố và sự việc của dĩ vãng, người ta có thể khám phá ra một nguồn cảm hứng mới.

 

10

Người ta có thể sử dụng một ngôn ngữ cổ điển, với điều kiện là ngôn ngữ này gợi ra những tình cảm mới.

 

11

Không nên chỉ băn khoăn tới một sự trang trí tân kỳ, sự trang trí này không phải là vĩnh viễn.

 

12

Thơ cần phải có tính độc sáng, nhưng cũng cần phải có tính phổ quát; cả hai cần phải đi song đôi.

 

13

Thơ là kết quả của trí tưởng tượng dựa trên thực tế, nó không chỉ là tưởng tượng, cũng không chỉ là thực tế.

 

14

Thơ phải diễn tả những tình cảm của tác giả để người đọc đến lượt mình cảm thấy một điều gì đó; thơ tựa như một vật sống động, chứ không phải một thây ma cứng ngắc.

 

15

Ta không chụp hình các tình cảm, mà gợi ra chúng bằng những nét bút khéo léo; những nét ấy cần sống động, thay đổi và phong phú.

 

16

Thơ viết trong một ngôn ngữ nào đó và được một dân tộc nào đó yêu mến, trong thực tế, không phải là thơ hay; cùng lắm nó tạo lập một trò chơi bằng chữ. Vẻ đẹp của thơ đích thực không nhất thiết nối liền với vẻ đẹp của ngôn ngữ.

 

---------------------------

Ghi chú của người dịch:

ĐỚI VỌNG THƯ (1905-1950) là một nhà thơ "dấn thân" của Trung-hoa. Ông sinh ngày 5.11.1905 ở Hangxian, Zhejiang. Cha ông làm ngân hàng Trung quốc ở Hangzhou. Ông học văn khoa và khoa học xã hội, rồi học Pháp văn ở đại học. Một trong các bạn học của ông là Ding Ling... Năm 1928, xuất hiện trên một tạp chí văn nghệ sáu bài thơ của ông trong đó có bài “Con hẻm dưới mưa”. Chính bài thơ này đã khiến người ta ca ngợi ông là “nhà thơ của con hẻm dưới mưa”! Với bài ấy, trong một tiểu sử biên niên đời ông, người ta đã viết: “Như thế là vào năm 23 tuổi, ông đã đặt nền tảng cho trường thơ hiện đại (Trung quốc)”! Năm 1930, ông trở thành một trong những thành viên đầu tiên của “Liên đoàn các nhà văn cánh Tả”, một tổ chức do Lỗ Tấn điều khiển. Từng sống ở Pháp và Tây-ban-nha, Đới Vọng Thư cũng đã dịch nhiều truyện của Pháp, Bỉ, Tây-ban-nha và Nga. Năm 1941, ông bị quân Nhât bắt giam và tra tấn ở Hương cảng. Tháng Ba 1947 xuất hiện bàn dịch Fleurs du mal của Baudelaire do ông thực hiện. Cùng năm ấy ông bị “cho thôi việc” ở đại học Jinan vì ủng hộ phong trào sinh viên tiến bộ. Tình trạng sức khỏe suy sụp nghiêm trọng từ nhiều năm, khiến ông phải nằm bệnh viện vào mùa Thu 1949. Ông mất ngày 28.2.1950. Chịu ảnh hưởng thơ cổ điển Trung-hoa, thơ Tượng trưng Pháp và thơ Federico García Lorca, Đới Vọng Thư còn để lại ba tập thơ gồm ngót 100 bài, kể cả một số bài viết bằng tiếng Pháp hoặc tự dịch sang tiếng Pháp. “Một vài ý nghĩ về thơ” của ông, viết vào thời kỳ đầu của thơ mới Trung-hoa, dường như.. vẫn còn đôi điều “kỳ dị” so với thơ hiện đại và cả hậu hậu-hiện đại!

 

---------------------------

Mời độc giả thưởng thức "Bảy bài thơ" của Đới Vọng Thu đăng cùng lúc trên trang Tiền Vệ này.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021