thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ghi chú về cuộc đời và quan niệm thơ của Ted Hughes (1930-1998)

 

Khi Nữ hoàng Anh quốc chỉ định Edward J. Hughes làm « Poet Laureate » (thi sĩ của hoàng gia) vào tháng Mười Một năm 1984, bà đã gây ngạc nhiên, thích thú cho không ít thần dân của bà và thế giới nói tiếng Anh. Thật vậy, Ted Hughes, một «nhà thơ của máu và bạo lực», làm sao lại có thể đảm trách cái công việc của một nhà thơ thường được dùng để vẽ vời những vần ca ngợi vương quốc trong những dịp trọng đại của quốc gia! Nổi tiếng như một nhà thơ lớn của Anh quốc ngay từ những năm mới ngoài hai mươi tuổi, Ted Hughes được nhiều người yêu mến, nhưng cũng bị ghét cay ghét đắng, nhất là sau khi người vợ đầu tiên của ông, bà Sylvia Plath, một nhà thơ khá hay của Hoa-kỳ, tự sát vào năm 1963. Người ta trách rằng ông là một người hung bạo và nhất là «đã bỏ bê» vợ con...

Ted Hughes là con út trong một gia đình có ba người con. Ông sinh ngày 17. 8. 1930 tại làng Mytholmroyd ở Yorkshire về phía Bắc miền England, nơi có những vùng đất hoang, rừng núi và dã thú, khí hậu riết róng. Cha ông làm thợ mộc (sườn nhà); năm ông lên bảy, gia đình dọn về Mexborough ở phía nam Yorkshire, và cha ông đã đổi sang nghề bán báo và bán thuốc lá. Chính cái cảnh trí thời thơ ấu khắc nghiệt này đã ảnh hưởng nhiều tới con người và tác phẩm của ông. Học xong trung học ở các làng quê, Ted Hughes đi lính hai năm, làm thợ máy trong Không lực Anh, cả ngày « không làm gì hết, chỉ đọc tới đọc lui Shakespeare và ngắm cỏ mọc ». Kế đó, ông vào học Peabody College, đại học Cambridge. Ông học Anh văn rồi đổi qua ngành Khảo cổ và Nhân chủng học. Các môn học này đã hỗ trợ đắc lực ông trong công việc sáng tác, vì ông đã trở thành một chuyên viên về thần thoại... Tốt nghiệp đại học năm 1954, Ted Hughes tới Luân-đôn, làm những việc vặt kiếm sống nhưng ngày nghỉ cuối tuần lại trở lại Cambridge. Trong một dịp cuối tuần đó, Ted Hughes gặp Sylvia Plath lúc đó đang học ở Cambridge. Hai người kết hôn ở Luân-đôn năm 1956.

Khi Plath tốt nghiệp, hai người qua Hoa-kỳ. Ted dạy học, viết lách và tập thơ đầu tiên được giải thưởng của ông, The Hawk in the Rain, đã được xuất bản. Hai người trở lại Luân-đôn vào cuối năm 1959 và đến năm 1961 thì đươc hai người con. Sau đứa con thứ nhì, Ted và Sylvia xích mích với nhau, có lẽ là vì chuyện Ted có cảm tình với một người đàn bà khác. Nhưng rồi Sylvia và Ted đã thỏa thuận chia tay... Bi kịch của họ cho đến nay cũng hãy còn nhiều điều không rõ rệt. Ba mươi năm sau Ted Hughes đã viết về giai đoạn 1960-1970 này trong các tập Capriccio, Howls and Whispers, Birthday Letters xuất bản trước khi ông mất. Các tập sách này cho thấy cái chết của Sylvia Plath đã ảnh hưởng thật sâu xa tới cuộc đời Ted Hughes. Từ năm 1970 cho đến ngày ông mất (1998), con số các tác phẩm của ông đã xuất bản được ghi nhận là «thật phi thường», và «người ta không rõ con số các tác phẩm chưa xuất bản của ông»...

 

Ted Hughes có một số ý niệm khá minh bạch về thơ, chức năng của thơ, và vai trò của ông, kể như nhà thơ. Ông không ưa lối đề cập tới thơ một cách tình cảm, giả tạo.

Thơ, đối với ông, là «một hành trình vào vũ trụ bên trong», «một cuộc khám phá ra bản ngã đích thực», «một cách thế khiến sự vật xảy ra theo cách ta muốn chúng xảy ra».

Theo Ann Skea, một người chuyên khảo về Ted Hughes, ông thường coi mình như một thứ “thày mo”(shaman) hay thày lang bộ lạc, lên đường tới cõi tiềm thức âm u để tìm kiếm những hồn lạc lõng đem về và chữa lành người bệnh: “Ngôn từ, biễu tượng, các hình ảnh và tiết điệu nhịp nhàng của thơ, đối với ông, cũng tựa như tiếng trống thần của thày mo giúp ông trong cuộc hành trình. Chính những điều này khuấy động tưởng tượng của chúng ta, và hiệu quả là một sự giải tỏa thần diệu cho năng lực cảm xúc.”

Ann Skea cũng cho biết: “Hughes tin rằng thơ là một cách thế thần kỳ và mãnh liệt để tiến tới những tình cảm và cảm xúc của chúng ta - những năng lực tự nhiên thuộc tiềm thức của chúng ta. Ông tin rằng những năng lực này đã bị trấn áp do việc nhấn mạnh vào phương thức khoa hoc khi đề cập tới đời sống và trong việc giảng dạy. Ông nói người ta dạy ta rằng cảm xúc là nguy hiểm, có thể làm sai lạc phán đoán, không nên dựa vào đấy khi ta cần quyết định, và rằng cảm xúc không liên hệ gì với chân lý.

“Hầu như tất cả việc giáo dục ở nhà trường đều có cái lối phân chia ấy: coi những năng khiếu về suy lý cần cho môn toán và khoa học, chẳng hạn, có phần cao hơn là những năng khiếu cần cho nghệ thuật và âm nhạc..

“Hughes thấy chuyện này là nhầm. Ông tin rằng chuyện này sẽ dẫn tới sự cứng nhắc và những ngõ cụt: tới lối suy nghĩ dẫn tới chiến tranh và tàn phá. (...) Trong thơ ông, Hughes ca ngợi những năng lực tự nhiên, ông cho thấy cái cách chúng hiện hữu nơi nhân loại và đưa ra luận cứ là tính toàn vẹn của con người tùy thuộc vào sự chấp nhận hết mọi hình thái của bản tính chúng ta. Đặc biệt ông tin rằng chúng ta cần phải nhìn nhận chính chúng ta như thành phần của nhiên giới, tùy thuộc vào cũng những sức mạnh của thiên nhiên như hết thảy mọi sinh vật khác.

“Sáng tạo là cần cho sự sống còn và nó đòi hỏi cả trí tưởng lẫn lô-gích. Hughes thấy công việc của một nghệ sĩ thuộc bất cứ loại nào là phải giúp vào việc giải thoát các năng lực sáng tạo bị trấn áp của chúng ta, và ông tin rằng thơ đặc biệt có hiệu lực cho mục đích ấy.”

 

Trong số các tác phẩm khá bộn bề của Ted Hughes, người ta thường lưu ý tới: Hawk in the rain (1957); Lupercal (1960); Wodwo (1967); Crow (1970); Selected Poems (1972); Cave Birds (1978); Tales from Ovid (1997) và Birthday Letters (1998). Hầu hết các tác phẩm của Ted Hughes mỗi cuốn đều được ít nhất một giải thưởng, có khi hơn. Riêng tập cuối cùng kể trên được tới bốn giải thưởng và đoạt kỷ lục về «bán nhanh» chưa từng thấy. (Tuy vậy vẫn có kẻ cho rằng sự thành công vượt bậc ấy là do tâp thơ này của Ted Hughes nói tới Sylvia Plath...)

Thơ Ted Hughes nổi tiếng là khó, trừ nhửng cuốn viết cho trẻ em, cố nhiên. Riêng tập CROW From the Life and Songs of the Crow được viết theo yêu cầu của họa sĩ Leonard Baskin để đi kèm với các tranh vẽ quạ, tác giả cho rằng mình đã viết như hồi.. 19 tuổi! Con «Quạ» đã biến thành «nhân vật» chính, «người hùng» của toàn tập thơ! Chính Ted Hughes cũng thường dùng con chim này như một hình ảnh «tượng trưng cho mặt đen tối thuộc tiềm thức của nhân tính».

Thành tựu thi ca của Ted Hughes đã được nhìn nhận với nhiều giải thưởng nêu trên. Ông còn được tặng cấp bằng danh dự của Đại học Exeter (1982), tiến sĩ văn chương danh dự của Cambridge (1986); và năm 1998, vài tuần trước ngày Ted Hughes mất (28.10.1998), Nữ hoàng Anh quốc đã tặng ông «Order of Merit».

Ngoài quan niệm nhà thơ như “shaman” nói trên, người ta cũng ghi nhận “những ành hưởng huyền bí” của các nhà thơ Blake và Yeats đối với Ted Hughes.

 

---------------------------------------------------------

(Xin xem những bài thơ Quạ dịch của Ted Hughes.)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021