thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Reiner Kunze, nhà thơ giữa ánh sáng và bóng tối
(Diễm Châu dịch)

 

REINER KUNZE sinh năm 1933, trong vùng Erzgebirge*, là con một người thợ mỏ và một nữ công nhân làm tạp phẩm (nón, vớ, bao tay, quần áo lót,...): không thể nào là con của nhân dân hơn nữa. Trong đời ông, cũng như trong mỗi cuộc đời của chúng ta, cố nhiên, là ánh sáng và bóng tối, nhưng tương phản hơn. Ánh sáng: một trong những câu chuyện tình đẹp nhất mà tôi được biết. Ta hãy dành cho ông công việc thuật lại câu chuyện ấy:

 

"Trên một tấm bưu thiếp gửi tới đài phát thanh-Leipzig, một bà ở Usti nad Labem (Aussig-an-der-Elbe) một hôm đã yêu cầu gửi cho một bài thơ của một ông "Kunz" nào đó, nghe được trong một buổi phát thanh. Tôi đã nghĩ rằng bà kia có thể là một phụ nữ Đức có tuổi, hoặc là một nhà nghiên cứu văn hóa Đức, là vì tấm thiếp đã được viết bằng một thứ tiếng Đức tuyệt hảo. Tôi gửi bài thơ và nhận được một lá thư dài bốn trang. Bà cùng tuổi với tôi, bà là người Tiệp và làm y sĩ. Tiếp theo đó là một cuộc trao đổi thư từ lên tới một con số huyền hoặc khoảng 400 lá thư, trong đó có những lá dài tới 25 trang. Chúng tôi cũng đã trao đổi hình chụp và người trao đổi thư từ với tôi - một nét tiêu biểu về con người - đã gửi cho tôi một tấm hình chụp lúc mười bảy tuổi và tấm hình này quả là một bức chân dung bất lợi nhất mà người ta có thể có về bà. Nhưng tôi bất kể chuyện ấy, chuyện người đàn bà này trông ra sao. Chưa hề được thấy bà, vì hồi ấy không thể đi qua biên giới với tư cách cá nhân, tôi đã gọi dây nói cho bà một buổi tối nọ và hỏi bà có muốn trở thành vợ tôi hay không. Không ngập ngừng, bà đã trả lời tôi là có. Kế đó, khi tôi qua được Pra-ha trong một chuyến đi tập thể ba ngày, tôi đứng trước một phụ nữ đẹp khôn tả và thật dễ thương, trong lúc về phía bà, bà đã thú nhận với tôi sau này, bà đã nhận ra tôi với tấm áo khoác lỗi thời tôi mang trong hình chụp. Vậy là tôi đã vào Tiệp-khắc bằng hôn nhân, ít ra là tôi cũng đã "sáp nhập" bà bằng liên minh..."('par alliance'; còn hiểu là kết hôn, nhẫn cưới.)

 

*

*    *

 

Than ôi! Sau khi đã đem lại hạnh phúc cho Reiner Kunze, Tiệp-khắc cũng đã gây nên - dẫu thật miễn cưỡng - nỗi bất hạnh của ông. Ngày 21-8-1968, quân đội thuộc minh ước Vac-xa-va đã vượt biên giới Tiệp và tràn vào nước cộng hòa bạc phước này. Ngay hôm sau, bà Kunze đã thấy những bó hoa đặt trước ngưỡng cửa nhà, nhưng sự liên đới thầm lặng này không làm gì được trước cơn giông tố đương lên. Reiner Kunze đã không thể và cũng không muốn che giấu sự phẫn nộ của mình: từ đấy bắt đầu chuyện ngược đãi. Chuyện này sẽ kéo dài chín năm, cho tới khi hai ông bà Kunze, bị đe dọa về tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần và cả về sinh mạng nữa, rốt cuộc phải tỵ nạn ở nước Đức liên bang.

Sau khi bức tường Bá-linh sụp đổ, Reiner Kunze tình cờ có được 3500 trang hồ sơ do cơ quan Stasi đã tom góp để hại ông, và ông cho in một số đoạn trích với tựa đề Deckname: Lyrik. Thôi thì những chuyện gián điệp đủ mọi loại, những chuyện xâm phạm tới đời tư, những mưu toan hối lộ, hăm dọa, tống tiền, vu khống: người ta thấy rằng không một phương sách nào bị bỏ qua để triệt hạ, bằng cách này hay cách khác, sự đối kháng của nhà thơ. Dẫu phải chịu một cuộc tấn kích như vậy, ông đã bảo toàn sự quân bình và thanh thản, ấy là điều nói nhiều hơn là mọi lời tán tụng, về phẩm chất con người.

Đối với Reiner Kunze, thơ là sự bảo vệ có hiệu lực nhất hay có lẽ còn là sự bảo vệ duy nhất có thể được đễ chống lại sự man rợ tràn ngập của thế giới. Sự man rợ này có nhiều hình thức và những biến thái "công khai" của nó không nhất thiết phải là những biến thái đáng sợ nhất. Là man di mọi rợ tất cả những gì giết chết con người nơi chúng ta và nhất là sự hung bạo kia, tức là cái mặt đen tối nhất của đêm tối ở bên trong của chúng ta:

 

Những bóng tối trong nắm tay
là một mẩu bóng tối nơi chúng ta
Ai vung nắm tay, là vung
sự tăm tối như dấu hiệu
Và trong chớp mắt, khi chúng ta ném đá
nơi chúng ta bóng tối
cũng dày đặc như trong đá
                                     ("Suy ngẫm về một pho tượng bán thân")

 

*

*    *

 

Là vì sự man rợ không chỉ là cũng chẳng phải chính yếu là một sự kiện ở bên ngoài đối với chúng ta, khiến chúng ta có thễ dễ dàng nhận ra, khoanh vùng và chống trả. Thường là chúng ta không hay biết, nó len lỏi vào chúng ta, nó ngụ cư ở đấy, nó sinh sôi nảy nở ở đấy và rốt cuộc dần dà chiếm đoạt mọi phần của con người chúng ta, theo kiểu sự đông giá dần dần làm băng lại các khớp nối và cơ bắp của chúng ta. Chính cái quá trình phổ biến ở bên trong này là cái Reiner Kunze đã chỉ định bằng từ hóa-đá; một khi nó đã hoàn tất, chúng ta trở thành đui mù và câm điếc, hoàn toàn rửng rưng, hay hơn thế nữa, mất cảm giác, với thế giới và với mọi người chung quanh chúng ta. Chính cái vô-cảm này là nét tiêu biểu cốt yếu của sự man rợ; sự tàn bạo, sự độc ác chỉ là những hậu quả của nó. Với sự hóa-đá, ấy cũng là cá tính biến đi: còn gì có thể trao đổi với nhau được hơn là đá cuội trên bãi biển hay là sạn sỏi trên đường? Rốt cuộc, từ thế giới hóa-đá, ấy là cuộc đời bỏ đi; và sự man rợ, xét cho cùng, chỉ là cái mặt nạ của chết chóc.

Đứng trước lớp triều đang lên này, chúng ta lại chẳng phải tựa như những cây cọc ghi dấu tuyết mà nhà thơ đã nhận thấy ở Na-uy, những cây cọc đứng dậy một cách thật vô nghĩa:

 

Như thể chúng muốn chận bắt tuyết
không cần tới cánh tay
Và từng chiếc một đứng thẳng
chống lại sức mạnh ưu thắng của trời
                                                                         ("Cọc ghi dấu tuyết")

 

Ngay như đó là trường hợp, ngay như cuộc đấu tranh của chúng ta là tuyệt vọng, thế nhưng vẫn có một thứ đạo đức phải tuân thủ, là vì có một niềm danh dự cần bênh vực và một phẩm cách phải bảo toàn. Trong cái đạo đức này, từ-chủ yếu hẳn phải là sự khiêm tốn, theo nghĩa gần như của các thày tu dòng Phan-xi-cô. Là khiêm tốn, mọn hèn, trước tiên là khước từ mọi quyền bính và mọi thống trị, áp chế: kẻ tự cấm chỉ vĩnh viễn quyền thế và sự cao cả cũng đồng thời tước bỏ của mình mọi khả năng gây tổn thương hoặc đè bẹp; và như thế kẻ ấy tự cho mình cái đảm bảo rằng mình sẽ không đồng lõa với sự dữ về điều gì hết và mình sẽ không thêm vào đấy điều gì hết:

 

Chúng tôi đã muốn là như những món đồ bằng đất làm bằng
đất ngoài đồng
Và thêm, không ai có thể giết người với chúng tôi
Chúng tôi đã muốn là như những món đồ bằng đất
Ở giữa
            bao nhiêu
                            là sắt thép
                                             lăn lăn
                                                                ("Như những món đồ bằng đất")

 

Như thế là Reiner Kunze đi tới chỗ đề nghị với chúng ta một lý tưởng gần như của Phật giáo: khước từ thế giới và những uy thế của nó, điều kiện của một cuộc sống tôn trọng người khác và tận tụy với người:

 

Níu bám
vào đất
Không trút bóng
lên ai
Trong bóng kẻ khác
tỏa sáng
                                   ("Cỏ gai ánh bạc")

 

Kẻ tuyên xưng niềm tin này cũng dấn thân vào một sự cam kết liên hệ không nguyên tới những hành động, mà cả tới diễn từ của mình nữa. Người ấy trước tiên sẽ phải đặt mình vào tình trạng "không bao giờ còn bị bắt buộc phải hôn chiếc nhẫn của dối trá" ("Ở Salzburg"). Thường hơn, thời ông sẽ xa tránh những điều bất minh và những thâm ý: như Thánh thư muốn thế, tiếng "có" của ông sẽ là "có", và tiếng "không" của ông sẽ là "không"; ông sẽ phải "không bị ai bắt buộc, trong cơm bánh, cất lời ngợi ca một điều gì khác hơn cơm bánh" ("Là nhà thơ").

Luật của những người quan tâm tới con người, sự khiêm nhường với những lý lẽ còn mạnh hơn nữa là luật cơ bản của nhà thơ. Là vì sáng tạo thi ca trước tiên là trông chờ và sẵn sàng đáp ứng. Hiểu theo chính nó, sự sáng tạo quả thật không thể được định nghĩa như bày đặt, xây dựng hay chinh phục: đó là vì hình ảnh thi ca được tạo lập và kết tinh trong vô thức và nhà thơ cũng tựa như kẻ canh chừng rình rập nơi chân trời sự xuất hiện nhiệm mầu của bắc cực quang. Làm sao nhà thơ ấy lại có thể vênh vang về một cái ơn ngay từ đầu đã hoàn toàn được ban cho mình?

Trong những điều kiện ấy, trách vụ của nhà thơ có hai điều; trước tiên ông phải bảo vệ tính cảm thụ của mình, cái khả năng của mình trong việc đón nhận tiếng lao xao của mọi sự và của thế giới; là vì những thức ấy là những bảo vật mong manh:

 

Nhạy bén
là đất bên trên những nguồn suối: không được đốn hạ
một cái cây nào, không được nhổ đi
một chiếc rễ
Những nguồn suối có thể
khô cạn [...]
                                           ("Những con đường nhạy bén")

 

Trách vụ khác gồm có việc chụp bắt trong chiếc lưới ngôn từ những hỏa pháo vọt lên từ vô thức: ấy là hành vi có quan hệ sinh tử đối với nhà thơ, "Và cũng chỉ có người câm mới biết nghĩa là gì: / hoài công vật lộn tìm chữ" ("Kích thước"). Hết thảy những thực hiện này buộc phải có sự khiêm tốn, sự nhẫn nại và kỳ gian cần thiết cho những sự chín muồi thành tựu. Trong một bài thơ rất có thể coi như nghệ thuật thi ca của ông, Reiner Kunze đã mô tả rất rõ cái quá trình mà tôi đang cố gắng tô đậm:

 

Chim chóc rình rập lâu hơn là chúng
kiếm mồi
Và một lần nữa tôi lại
bất động
Lời trách móc của người rằng tôi lãng phí thời gian
tôi bác bỏ
Im lặng chồng chất chung quanh tôi,
ấy đất cho bài thơ
Vào mùa xuân chúng ta sẽ có
những bài thơ và chim chóc
                                           ("Bàn làm việc bên cửa sổ")

 

Như thế, hình ảnh luôn luôn là một điều tìm thấy, có được là nhờ may mắn ít ra cũng ngang với nhờ nỗ lực tìm kiếm, và "xuyên suốt sự ngỡ ngàng bài thơ được tạo lập" ("Là nhà thơ"). Thế nhưng hình ảnh, ngay khi được khám phá và diễn tả, đã tỏ ra có những tính chất tuyệt diệu. Trước tiên ngôn từ nói ra hình ảnh ấy không thể khác hơn những gì chúng vẫn là; như thế, hình ảnh được ghép với một thứ tất yếu vô điều kiện nó đem lại cho hình ảnh sự bền bỉ của cái tuyệt đối. Khép lại trong chính mình, không chịu tác động cũng không rạn nứt, hình ảnh ấy thách thức những sức ép, những trò quyến rũ, những lấn áp nhằm thu hồi: nó tựa như một khối đá lớn nơi mỗi người trong chúng ta có thể cột con thuyền bị gió xô đẩy. Thứ nữa, hình ảnh theo định nghĩa là độc sáng và duy nhất: khác hơn thế nó không phải là hình ảnh thi ca. Thế nhưng với hai tính chất này, hình ảnh nhất thiết phải là công trình của một cá nhân tự trị, và cũng thế nó chỉ có thể được một cá nhân tự trị tiếp nhận. Để quan niệm hay tiếp nhận cái biến cố hoàn toàn phi thường là hình ảnh này, phải loại bỏ những thứ khuôn sáo cố định và những thành kiến tạo nên như một thứ bẩn quặng bao quanh chúng ta; phải tìm được hay tìm lại được cái tính cách hằng cửu riêng biệt của chúng ta (son identité propre) và cái nhân cách đích thực của chúng ta đã. Vậy mà cái gì thật về hình ảnh lại càng thật (a fortieri vrai) với tác phẩm trong toàn bộ: hình ảnh mở rộng cá nhân cho chính bản thân y; nó cho y tới được cái kho tàng ở bên trong của y; nó trả lại cho y sự chủ động và khả năng sáng tạo; tắt một lời, nó là công cụ và vũ khí giải phóng.

Reiner Kunze rốt cuộc được đưa tới chỗ tuyên cáo rằng công trình nghệ thuật kể như công trình nghệ thuật bao giờ cũng có tính cách chống-độc tài. Ở bên kia mọi sự khiêm tốn bao bọc quan niệm của ông, vậy thời này đây là công trình ấy chất nặng sứ mạng cao cả nhất: nó là hiện thân của sự đối kháng với sự dữ ở ngoài chúng ta và ở trong chúng ta. Bằng những đường lối mới, Reiner Kunze lại tìm được ở đây cả những tham vọng sâu xa của chủ nghĩa lãng mạn Đức lẫn truyền thống riêng biệt của Trung Âu, nhà thơ-người hướng đạo: đứng trước mọi loại thế lực không ngừng ra sức nô lệ-hóa chúng ta, nhà thơ của thế kỷ XX, như Petöfi, như Mickiewicz, lại xuất hiện ở hàng đầu của những người chiến đấu để giải thoát; ông không còn có cùng những hy vọng, nhưng ông là kẻ mang cùng những trách nhiệm và là người hữu trách về cùng một niềm danh dự.

Đáp trả những quan niệm này là một thứ thơ mà nét quyến rũ kín đáo và dai dẳng gợi lại sự quyến rũ của những bông tuyết-điểm đầu tiên, khi chúng vọt lên từ mặt đất đông giá dưới bầu trời xám màu chì của tháng Hai. Những bài thơ của Reiner Kunze có cái vắn vỏi của bài hài. Chúng khước từ mọi huênh hoang, mọi tu-từ, và cả đến mọi thứ hùng biện; có lẽ cần phải thì thầm chúng hơn là ngâm nga. Chúng đặt mình ở sát đất, gợi lại cuộc sống thường ngày, những con người-gần gụi, những đồ vật thân quen; đôi khi chúng đạt tới cái trơ trụi nhói buốt nơi "những bài thơ điên" hay nhất của Hölderlin. Tuy nhiên, khác với những bài này, chúng là những bài thơ của khoảnh khắc đang bỏ trốn, và phải chụp bắt trước khi nó biến mất; sự giản tiệp và sự mau lẹ của chúng đưa chúng lại gần cái mảnh đoạn mà anh em nhà Schlegel và Novalis yêu quý; với mảnh đoạn, có nhiều bài trong chúng chia sẻ một tính cách khác: chúng như được soi rọi bằng sự Lanh trí (Witz), tia vọt lên hay cái ý tinh anh của thần trí nó thâu thập, chỉ bằng một cử chỉ, tất cả cái trùng phức và đề nghị một hợp đề mới. Cùng lúc, sự vắn vỏi của chúng cũng là sự vắn vỏi của ánh chớp hoặc pháo bông...

 

(trong Reiner Kunze, Un jour sur cette terre)

 

-------------------------

Ghi chú của người dịch:

* Erzgebirge là một vùng có nhiều mỏ ở phía đông nước Đức giáp với Tiệp-khắc.

 

Bài của Emmanuel Terray trên đây đã được dùng làm bài tựa cho tập thơ của Reiner Kunze, Un jour sur cette terre, sách song ngữ, bản Pháp văn của Mireille Gansel, nxb Cheyne, Chambon-sur-Lignon, 2001. Tựa bài do người dịch thêm vào.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021