thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài giảng về thơ [kỳ 3]
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)

 

Có một kinh nghiệm mỹ học khác, cũng lạ lùng không kém, đó là khoảnh khắc lúc nhà thơ trầm tư về tác phẩm sẽ viết, khoảnh khắc lúc nhà thơ đang khám phá hay phát minh tác phẩm. Như nhiều người hẳn biết, trong tiếng Latin, chữ để chỉ phát minh hay khám phá chỉ có cùng một nghĩa. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan niệm của Plato rằng phát minh, tức là khám phá, chính là nhớ lại. Francis Bacon nói thêm rằng tìm hiểu tức là nhớ lại, chứ không phải biết là biết quên; mọi sự đã sẵn có, ta chỉ cần tìm thấy nó.

Khi tôi viết một cái gì đó, tôi có cảm tưởng nó đã có sẵn từ trước. Tôi bắt đầu từ một ý niệm tổng quát. Tôi biết ít nhiều về đoạn mở đầu và đoạn kết, rồi tôi khám phá những phần ở giữa. Nhưng tôi không có cảm tưởng rằng mình đã phát minh ra chúng, rằng chúng tuỳ thuộc vào ý muốn tự do của mình. Mọi sự đều đâu vào đấy cả, nhưng chúng ẩn nấp, và công việc của tôi như một nhà thơ là tìm kiếm chúng.

Bradley nói rằng một trong những tác động của thơ là nó cho chúng ta cái ấn tượng rằng không phải chúng ta khám phá được điều gì mới lạ, mà nhớ lại điều gì đó chúng ta đã quên. Khi đọc một bài thơ hay, chúng ta tưởng tượng rằng mình cũng có thể viết được nó; rằng bài thơ ấy đã sẵn có trong chính mình. Điều này mang chúng ta đến với với định nghĩa của Plato về thơ: vật lung linh biến ảo, có cánh bay, và thiêng liêng. Như một định nghĩa, ý tưởng này thất bại, bởi vật lung linh biến ảo, có cánh bay, và thiêng liêng ấy cũng có thể là nhạc (trừ khi thơ là một hình thức của nhạc). Định nghĩa thơ như thế, Plato cống hiến cho chúng ta một ví dụ về thơ. Và điều này mang chúng ta đến với ý tưởng rằng thơ là một kinh nghiệm mỹ học -- ý tưởng này chắc hẳn đem đến một cuộc cách mạng trong việc giảng dạy thơ.

Tôi từng là một giáo sư văn chương Anh ở Khoa Triết Học và Ngữ Văn thuộc Đại Học Buenos Aires, và tôi đã cố gắng gạt bỏ văn học sử chừng nào hay chừng ấy. Khi các sinh viên của tôi xin tôi cho họ một thư mục cần phải đọc, tôi bảo họ “một thư mục thì không quan trọng -- rốt cuộc thì Shakespeare đã chẳng biết chút gì đến cái thư mục về Shakespeare cả.” Tại sao không nghiên cứu trực tiếp văn bản? Nếu bạn thích cuốn sách, thì tốt; nếu không thích, thì vất nó đi, bởi cái quan niệm đọc sách theo sự bắt buộc [lectura obligatoria] là một quan niệm quái gở; cùng lắm chỉ có cái lạc thú theo sự bắt buộc [felicidad obligatoria] mới là điều đáng bàn bạc. Tôi tin rằng thơ là cái gì đó người ta cảm nhận. Nếu bạn không cảm nhận thơ, nếu bạn không có ý thức gì về cái đẹp, nếu một câu chuyện không làm bạn muốn biết thêm những gì sẽ tiếp tục xảy ra, điều đó có nghĩa là tác giả đã không viết cho bạn. Hãy để nó qua một bên, vì văn chương đủ phong phú để cống hiến cho bạn một tác giả nào đó đáng để bạn chú ý, hoặc một tác giả hôm nay không đáng để bạn chú ý nhưng ngày mai bạn sẽ đọc.

Đây là cách tôi đã giảng dạy, nghĩa là tôi dựa trên sự kiện mỹ học, mà sự kiện ấy không cần phải được định nghĩa. Sự kiện mỹ học là cái gì đó cũng hiển nhiên, cũng tức thời, cũng bất khả định nghĩa như tình yêu, như vị trái cây, như nước. Chúng ta cảm nhận thơ như cảm nhận sự gần gũi của một người đàn bà, hay như chúng ta cảm nhận một hòn núi, một thuỷ vịnh. Nếu chúng ta cảm nhận nó tức thời, thì tại sao lại pha loãng nó vào những thứ chữ nghĩa khác, những thứ chữ nghĩa hiển nhiên còn yếu hơn cả những cảm nhận của chúng ta?

Có những người chẳng cảm nhận thơ chút nào, mà họ lại dấn thân vào việc giảng dạy thơ. Tôi tin vào cảm nhận thơ chứ không tin vào giảng dạy thơ. Tôi đã không dạy cho sinh viên yêu những văn bản nào đó; tôi dạy cho sinh viên làm cách nào để yêu văn chương, cách nào để thấy văn chương là một hình thái của niềm lạc thú.

 

[còn tiếp]

 

Nguyên tác: "La poesía", trong Jorge Luis Borges, Siete noches (Mexico: Fondo de Cultura Económica, 1980).

-------------------------

"La poesía" là một trong bảy bài giảng do Borges trình bày tại Teatro Coliseo, Buenos Aires, trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1977. Những bài giảng này đã bị nhiều người lén thu băng đem bán, rồi bị một nhóm người khác chép lại với nhiều sai sót, và phát hành lậu dưới hình thức một phụ trang cho một nhật báo ở Buenos Aires. Hai năm sau đó, Roy Bartholomew đem một trong những ấn bản lậu ấy đến gặp Borges, và cùng ông biên tập lại thật chính xác để chính thức ấn hành tại Mexico vào năm 1980. (theo Roy Bartholomew, trong phần "Epilogo" [Lời bạt] ở cuối sách)

-------------------------

Đã đăng:

Bài giảng về thơ [kỳ 1]

Bài giảng về thơ [kỳ 2]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021