thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sống và viết trên đất Mỹ

Có những người bạn ở hải ngoại, và gần đây cũng có cả những người bạn ở nội địa nữa, hỏi tôi một câu thoạt nghe có vẻ giản dị: "Anh sống và viết như thế nào ở hải ngoại?" Cùng gia đình, tôi định cư ở Hoa Kỳ từ lâu và trở thành công dân xứ này, tôi vẫn viết văn nhưng bằng tiếng Việt. Trả lời như thế tuy là đúng nhưng mơ hồ quá, không thoả mãn được bất cứ người hỏi nào, mà trả lời chi tiết hơn thì chắc phải viết một hồi ký quá. Bởi thế tôi xin chọn giải pháp là hồi ức lại, những nét chính thôi, là tôi đã viết văn trong hoàn cảnh như thế nào trước tháng 4. 1975, rồi lấy từ đó làm căn bản mà so sánh và kể tôi đã sống và viết như thế nào ở Hoa Kỳ.

Tôi bắt đầu viết văn từ năm 1960 ở Việt Nam, vào một thời kỳ có thể tạm gọi là hoàng kim của văn học Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20 (chỉ xét riêng tại miền Nam bởi vì vào thời kỳ này miền Bắc đang bị đóng băng, rất tịch mịch.) Với một dân số khoảng 20 triệu thôi, nhưng số người đọc và thưởng thức văn học nghệ thuật khá đông để khuyến khích trăm hoa đua nở, nhất là kể từ 1963.

Điểm thứ nhất cần nêu là nếu anh có tài, dù trong bất cứ địa hạt văn học nghệ thuật nào anh sẽ được biết tới, kể cả địa hạt vũ như trường hợp Hoàng Thư hay tấu hài bằng nhạc như ban AVT, vũ sexy như Thanh Nhung, Thu Thủy... Còn trong những địa hạt văn học chính thống như thơ và văn, mọi sự còn thoải mái hơn: làm thơ mà thở phì phào ngạo nghễ như Nguyễn Đức Sơn, mơ dòng golden stream của cô Kim Cương như Bùi Giáng cũng chẳng sao, say bí tỉ trong không khí erotic như Tuệ Mai hay nhớ nàng mà hỏi thăm đến cả âm mao cũng được (Bây giờ em ở nơi đâu / Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao - Bùi Giáng.) Dĩ nhiên thơ hùng, thơ biên tái như một Tô Thùy Yên, hay thơ thiền của Nhất Hạnh, Trụ Vũ, Phạm Thiên Thư... lại càng dễ được thưởng ngoạn hơn. Các tạp chí văn học nghệ thuật, nhờ một hệ thống phát hành tốt do tư nhân nắm giữ, được phổ biến đến tận những thị trấn khiêm tốn của miền Trung cũng như Nam, do đó nhà văn chỉ cần đăng bài của mình trên một tạp chí là đủ. Chỉ cần đăng trên Văn Học của Phan Kim Thịnh, hoặc Bách Khoa của Lê Ngộ Châu, hay Văn của Nguyễn Đình Vượng/Trần Phong Giao... là xong cho cả nước.

Nhà xuất bản xuất hiện khá nhiều, đủ mọi khuynh hướng kể cả tôn giáo, nên một cuốn sách có giá trị văn chương hay tư tưởng trước hay sau đều được in ra, kể cả những cuốn biên khảo khô khan, nhức đầu cho người đọc. Về số lượng in, riêng về một bộ môn truyện, một nhà văn bình thường như tôi, thì lần in đầu 3.000 cuốn, và hai ba năm sau tái bản với số lượng là 2.000. Với các nhà văn ăn khách, thí dụ như một Tuý Hồng, thì ngay lần đầu đã in 5.000 bản, dĩ nhiên tác quyền được trả đầy đủ từ 7% cho người mới viết, 10% cho các nhà văn đã thành danh và 12% cho những cuốn sách được nhà xuất bản đánh giá từ đầu là ‘ăn khách’.

Với số lượng in thấp như mô tả trên, tác quyền chỉ là một nguồn lợi tức phụ cho các nhà văn mà thôi. Hầu hết các nhà văn đều có một nghề nghiệp khác, viết văn chỉ là nghề tay trái thôi và dạy học là nghề được nhiều người chọn lựa, như chính bản thân người viết bài này, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyên Sa, Nhật Tiến... Những nhà văn loại ‘chuyên nghiệp,’ hiểu theo nghĩa hoàn toàn sống bằng ngòi bút, đều phải trông cậy vào báo chí: viết feuilleton như Mai Thảo, Tuý Hồng hay tự mình làm báo như Duyên Anh, Trần Dạ Từ... Nếu về tài chính không khá như thế, tác quyền không đủ sức nuôi nhà văn, nhưng bù lại được hưởng cái thú là nhìn thấy tác phẩm của mình được in ra tương đối dễ dàng.

Dĩ nhiên cái gì cũng có mặt trái hoặc khó khăn riêng của nó, đó là chế độ kiểm duyệt sách báo. Cơ quan kiểm duyệt trực thuộc Bộ Thông Tin và mang nhiều tên khác nhau tuỳ từng chính phủ, đôi khi mang cái tên rất văn chương là Sở Phối Hợp Nghệ Thuật. Nhà văn hay nhà xuất bản phải đệ nạp bản thảo đánh máy để cơ quan này duyệt xét. Nếu sách ‘không có vấn đề’, sau hai tuần sẽ được trả lại với giấy phép cho xuất bản. Nếu có vấn đề, dù là chữ hay câu, đoạn, hay trang... cũng bị nhân viên kiểm duyệt cầm bút lên bôi thẳng tay và công khai. Khi in, nhà xuất bản và tác giả phải bỏ những chỗ bôi xoá, bỏ một cách im lặng, thay bằng các dấu (.....) hay bỏ cách ngang bướng bằng cách ghi rõ "bỏ" hay "kiểm duyệt bỏ" 10 chữ, 3 câu hay một đoạn, làm trang sách lắm lúc da beo tức cười. Dĩ nhiên không thiếu gì tác phẩm bị cấm luôn không cho xuất bản (tôi đã từng ở trong trường hợp này.) Nói gì thì nói cũng phải ghi nhận là sở kiểm duyệt sách báo miền Nam 1954-1975, ngay cả thời kỳ chiến tranh dữ dội nhất, cũng không áp dụng chuyên chính, không dùng các biện pháp hành chánh hay cảnh sát đối với các nhà văn, cho dù họ chống đối lại đường lối chính sách đương thời, như Ban Văn hoá Tư tưởng và Công an Văn hoá của chế độ Cộng sản Việt Nam đã làm. Các sở kiểm duyệt nói chung theo đường lối đại cương là: a) "Tôi cấm không cho anh in cuốn sách hay bài báo này vì... nhưng tôi không chuyển sang bên Cảnh sát để họ làm khó dễ hay bắt nhốt anh"; b) Nhân viên kiểm duyệt chỉ bôi xoá những gì mình không thích, tuyệt đối không sửa văn đổi ý của tác giả, nghĩa là ‘không biên tập lại’ cho đúng đường lối chính sách, như chế độ Cộng sản Việt Nam vẫn làm suốt từ 1945 cho tới lúc này; c) Tác giả có quyền khiếu nại, lên gặp trực tiếp nhân viên kiểm duyệt để biện hộ cho văn chương, chữ nghĩa của mình. Bởi thế người viết bài này đã thiếu gì buổi lên Bộ Thông tin để tranh đấu và ‘mặc cả’ từng chữ từng dòng những đoạn đã bị bôi bỏ.

Là một nhà văn và một trí thức có tư duy và ngòi bút không phóng ra phía trước thì cũng lang thang ngoài vòng cương toả của xã hội đương thời trong nhiều địa hạt, đương nhiên tôi đã gặp nhiều vất vả với đủ các cơ quan kiểm duyệt trước và sau. Nhưng nhìn lại, cũng phải ghi nhận là chế độ đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, nếu có quan tâm đến phát triển văn học nghệ thuật trong những năm đầu thì càng về sau lại khắt khe thanh giáo, dị ứng với những dòng tư tưởng khác biệt với hệ công giáo, trong khi đệ nhị Cộng Hoà, kể từ 1963, rộng rãi trong địa hạt kiểm duyệt hơn nhiều. Có thể cắt nghĩa các tướng lãnh lãnh đạo miền Nam trong thời kỳ này, đa số xuất thân từ quân đội Pháp, thừa hưởng được một phần tinh thần phóng khoáng, nhân bản của nền văn hoá Pháp, nên để khoảng trống khá dễ thở cho địa hạt văn học nghệ thuật.

Nói chung kiểm duyệt sách báo là không hay rồi xét về bất cứ phương diện nào, nhưng để cho công bình hơn với chế độ Việt Nam Cộng Hoà, tôi xin ghi lại lời tán thán gần đây của một cán bộ công tác báo chí khi còn trẻ thuộc loại ‘nằm vùng’ ở Sài Gòn:

Các anh viết văn dưới chế độ cũ vậy mà sướng vì có sở kiểm duyệt công khai. Họ cấm họ bôi cái gì xong là ta đăng những gì còn lại, sau đó là vô can. Bọn tôi thì không, mỗi người viết phải ‘tự kiểm duyệt lấy’, dù cẩn thận đến mấy cũng có lúc lỡ bút mà không biết. Vài tháng vài năm sau, bất cứ lúc nào cũng có thể bị trên nắm đầu lôi ra kiểm điểm còn là nhẹ, mất chức, đi tù là thường...

Sau khi rời Việt Nam, sống tám tháng trong trại tị nạn ở Bataan xứ Phi, tôi đã có nhiều thì giờ để đọc và tìm hiểu từ xa cộng đồng Việt, nhất là trong địa hạt văn chương chữ nghĩa. Nếu tôi thú vị là khám phá ra hải ngoại có nhiều báo chí cùng các nhà xuất bản đủ loại, nhưng cũng nhìn ra không ít những điều tiêu cực. Điểm tiêu cực đầu tiên đập mạnh vào những người mới ra hải ngoại là báo chí hải ngoại dữ dằn, hay chụp nón cối và chửi bới nhau dữ dội quá và bằng những lời lẽ nhiều khi thô tục chưa hề thấy trong báo chí thời Việt Nam Cộng Hoà và cũng ít thấy trong báo chí Cộng sản: trong thời kỳ 75-79 bản thân tôi bị mang ra tố trên báo chí Cộng sản Việt Nam nhiều lần, khi thì bởi những chức sắc như Chế Lan Viên, Lữ Phương, khi thì bởi những cán bộ cấp thấp vô danh, nhưng họ không dùng những từ thô lỗ như trong báo chí hải ngoại sử dụng với nhau. Đọc những bài báo chửi ghê rợn ở hải ngoại ấy, qua điển tích và từ ngữ họ sử dụng, tôi phỏng đoán tác giả là những người già. Một người bạn chủ biên một tạp chí văn học ở California xác nhận nghi ngờ của tôi là đúng và còn chú giải thêm là tuổi 60 còn độc vừa, còn những bài âm hàn kịch độc đa số là của các bậc trưởng lão trên 70. Ông bạn chủ biên này còn khuyên tôi đừng vội viết lách gì cả, hãy đọc và quan sát ít nhất một năm - và tôi nghe ngay lời khuyên tốt này. Dĩ nhiên hai đứa cũng móc ngoặc với nhau là khi về già, sẽ cố gắng làm một trưởng lão dễ thương, bao dung, ăn nói viết lách hoà nhã cho lớp trẻ có chỗ mà nương.

Trong những tháng ngày chờ đợi rời khỏi Việt Nam, tôi thường giảng cho các con trai lớn hiểu rằng cho không có biến cố 30 tháng 4. 1975 thì với khả năng tài chính của tôi, bất quá chỉ gửi được một hay hai con là cùng du học nước ngoài, nay tất cả mấy đứa cùng được xuất ngoại, lại có bố mẹ đi kèm nữa, vậy sang Mỹ rồi rán mà học. Hơn nữa một Mỹ đen là một Mỹ đen, nhưng nếu ông ta có bằng Ph.D. thì vẫn sẽ được gọi là ông tiến sĩ như thường. Đó là phần các con, còn hai vợ chồng tôi, khi khám phá chế độ Financial Aid của Hoa Kỳ không phân biệt tuổi, hai vợ chồng vui vẻ theo các con trở lại đại học, chấp nhận một cuộc sống under the poverty line trong năm năm liền, cho tới khi cả nhà đều tốt nghiệp BA hay BS. Trường The Evergreen State College bọn tôi theo học cho phép một người thân được đi hộ tống người tốt nghiệp lên khán đài lãnh bằng, và một buổi sáng đầy nắng ấm, tôi đã thật sung sướng khi cầm tay cô vợ cưng dẫn lên bục cao và khi nàng theo tục lệ gạt cái tua trên mũ vuông sang một bên biểu lộ học đã thành tài, thì trong hai kẻ, người hãnh diện nhất chắc là tôi... Rồi mới đến cặp vợ chồng người Mỹ già đã làm tutor Anh văn tại nhà cho hai đứa tôi trong năm đầu tại Mỹ.

Tôi đã ngắm nghía, quan sát kỹ cộng đồng Việt, nhất là những là những gì biểu lộ qua báo chí, và thấy gay go hơn thời còn Việt Nam Cộng Hoà. Rất nhiều người vẫn còn tiếp tục theo đường lối chống Cộng, chủ thuyết domino của ngoại trưởng Foster Dulles và vị Giáo hoàng thời đó, diễn giải lại ở Việt Nam bởi những nha cục sở Tâm lý chiến của hai ông Nhu và Diệm - những chính sách đã bị vượt qua và thực hiện bởi những người đã chết lâu rồi. Và bây giờ những môn đệ còn theo trường phái chống Cộng cổ điển đó ở Mỹ đến mời tôi theo họ, chống Cộng vô vọng và lỗi thời như họ, mời tôi lên các diễn đàn có micro, có hoa tặng, có đèn flash nhấp nhoáng, để làm một chiến sĩ tố cộng, một cán bộ của Bộ Thông tin/ Dân vận/ Công dân vụ/ Chiêu hồi của một chính quyền đã quá cố lâu rồi. Tôi từ chối, và lảng tránh các vị ấy không phải chỉ vì vậy mà còn những lý do thâm sâu và nhân bản hơn. Những con người này xét chung thường sử dụng các phương sách của Cộng sản để chống Cộng sản, nghĩa là Cộng sản làm sao thì ta bào hao làm vậy. ‘Nó’ chụp mũ nó bịa đặt nó thiếu lòng nhân thì ta cứ y chang, lấy ác trị ác dĩ độc trị độc, lấy độc tài xanh chống độc tài đỏ... Và còn ép buộc cộng đồng hải ngoại phải chấp nhận những tiền đề chính trị xã hội chẳng liên quan gì đến thực tại Việt Nam: ai mà không chịu phát ngôn theo các tiền đề đó, thì trước hay sau cũng bị chụp mũ, đả kích thậm tệ, biểu tình và tẩy chay, và nếu là người cầm bút thì còn có thể bị đánh trọng thương, đốt chết, bắn chết.

Các thân hữu đã định cư lâu nước ngoài thay thế nhau gửi tới tôi những lời báo động: Hãy coi chừng thành phần quân phiệt, họ đông và dữ lắm, không chấp nhận đối thoại hay trao đổi... Hãy coi chừng dư đảng..., họ mạnh và nắm nhiều báo lắm... Nhật Tiến thì than không có đủ tự do cho người cầm bút ở hải ngoại... Một trí thức khoa bảng khác nhỏ nhẹ với tôi: Trình độ dân trí của các cộng đồng Việt kém xa trình độ dân trí của Mỹ, Canada, Pháp, Úc... anh viết gì nên thận trọng... Một giáo sư đang dạy đại học Mỹ thì nhắn tôi: Muốn được tự do tư tưởng và ngôn luận thì hãy nói bằng tiếng Anh và viết bằng tiếng Anh...

Trong tình trạng như thế một ông cậu bên vợ mang đến tặng một cái máy chữ điện: Để cho cháu viết văn nhé! Vậy thì ta viết thôi, viết trong các weekend vì ngày thường phải học phải làm bài phải làm thêm kiếm sống. Bài đầu tiên là trả lời một tạp chí địa phương và chưa chi đã bị chỉ trích chỉ vì khi được hỏi tại sao rời bỏ Việt Nam, tôi đã trả lời đại khái: Tôi đi tìm tự do cho tôi và ngòi bút tôi, tôi đi tìm an toàn cho bản thân và cơm no áo ấm cho gia đình, và tương lai cho con cháu mai sau... Một người bạn thân đi từ 75 giải thích đáng lẽ tôi phải trả lời theo đúng bài bổn của nhiều hội đoàn là: Tôi ra đi để làm một chiến sĩ chống cộng, tạm dung xứ Mỹ để mài gươm chùi súng, đêm quên ngủ, ngày quên ăn để tiêu diệt Cộng sản, quang phục quê hương..

Tôi thở dài một cái nhẹ nhàng và tiếp tục viết. Viết do những thúc đẩy của nội tâm hay hoàn cảnh sinh sống mới, viết bằng lương tâm mình, cái đầu của mình, nhìn thấy sao học được gì mới suy nghĩ sao cứ thế viết ra bằng tất cả tấm lòng thành thật của mình. Và loạt bài đầu tiên, sau này do Xuân Thu xuất bản dưới nhan đề Saigon, sau 12 năm đã bị hầu hết các báo đang xin bài từ chối, để rồi mãi về sau mới đăng trên một tạp chí của phe hữu của miền Đông Hoa Kỳ, chỉ bị bỏ có một chương. Nhà xuất bản gửi lên tặng tôi một PC cũ, tôi dùng tiền work study (quét dọn phòng thí nghiệm, quét lá sân trường, mặc áo choàng làm thợ sơn nhà kho trong mưa dầm, nhổ cỏ trong greenhouse - trong năm đầu tiếng Anh văn bập bẹ skill chưa có, nhà trường đâu biết dùng tôi vào việc gì khác) góp với các con mua một máy in cũ dot matrix, và ta vừa viết bài nộp cho thầy cô trong tuần và viết văn cuối tuần thôi. Và tôi viết được khá nhiều: Con đường qua mùa đông, Nghĩ trong mùa xuân... kế tiếp nhau ra đời.

Tôi học và dạy học tới 6 năm liền trong đại học nên môi trường này tác động đến tôi rất là nhiều, tôi trở thành nhân bản hơn và có tinh thần quốc tế hơn, có tầm nhìn dài hơn xa hơn trong nhiều vấn đề của thời đại. Và cũng trở thành kiên nhẫn và chịu đựng hơn xưa. Tôi được học biết rằng những cộng đồng thiểu số nào khi thành lập trên nước Mỹ, trong thời kỳ đầu tiên đều mang theo những mâu thuẫn chính trị xã hội với những hận thù phe phái, bởi thế trong thế hệ đầu tiên thường có những vụ ẩu đả và sát nhân mà nguyên nhân thật tào lao theo quan điểm của cảnh sát điều tra người địa phương. Tôi cũng được biết những crisis về identity, những culture shock là có thật mà những di dân nào không vượt qua được sẽ dễ lâm vào những khủng hoảng tâm thần nhẹ hay nặng. Những cộng đồng Hoa, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Đại Hàn... đều đã trải qua những thời kỳ nhiều bạo lực nội tại như thế, nhưng rồi với thời gian qua, với lớp trẻ lớn lên ở Mỹ, các cộng đồng ấy mỗi ngày một mature hơn, hội nhập hơn rồi gắn liền đời kiếp với vùng đất mới định cư - dù những nơi này là Mỹ, Pháp, Đức hay Úc...

Ngay từ hồi còn trẻ ở Việt Nam tôi đã thường tránh không trả lời, không tranh luận không đôi co với những người đả kích tôi, nhất là khi họ sử dụng những ngôn từ thiếu trình độ văn hoá giáo dục tối thiểu. Hơn nữa, do chịu ảnh hưởng của Phật giáo, tôi đã tập dần được từ lâu thói quen rán không hận thù ai hay cái gì trong cuộc đời này, bực bội thoáng qua thì có, hận thù thì gần như không. Biết ai không ưa mình thì tôi thường chỉ tìm cách tránh xa mỗi khi có thể được, và tiếp tục viết văn viết sách, giản dị như người thợ mộc đóng bàn ghế, thợ nề xây nhà, nhà giáo dạy học...

Tất cả những sách tôi viết đều trao cho nhà xuất bản in và phát hành luôn, tôi chỉ phải làm công việc sửa bản in và tặng sách cho báo chí thân hữu thôi, nên thoát được gánh nặng phát hành trong một cộng đồng Việt ở rải rác khắp các thành phố Bắc Mỹ châu, Âu và Úc. Các bài viết, bất kể loại nào, thường đăng báo trước đã rồi gom lại in thành sách sau, do đó có chút kinh nghiệm để kể.

Như trên đã nói, ở Việt Nam Cộng Hoà, chỉ cần đăng bài ở một tạp chí có uy tín là đủ cho cả nước. Bây giờ ngay những báo bán như Văn Học, Văn, Làng Văn, Thế Kỷ 21... trên nguyên tắc bán khắp năm châu bốn biển nơi nào có người Việt, nhưng thực tế không được như vậy và số lượng in ít ỏi (so với Việt Nam nội địa). Làm cho nhiều người viết có cảm tưởng bài văn của mình đã như một mũi tên bắn vào rừng thẳm, mất hút, lắm lúc thật nản. Nhưng cũng có những bài văn có một số phận khác, thí dụ như bài ‘Nghĩ trong mùa xuân’, khi viết nó tôi thoải mái như viết các bài khác nhưng mức độ phổ biến lại bất ngờ vì có các báo chợ tham gia đăng lại, thành thử đăng tới bốn lần ở Mỹ, chưa kể ở Pháp và Đức... Tiện đây ghi chú luôn là các báo chợ cũng đóng một vai trò nhất định cho việc phổ biến chữ nghĩa hải ngoại. Ông chủ biên kiêm nhiệm nhiều việc nên lắm khi không đánh máy lại, mà lấy kéo cắt bài từ báo khác dán lại thành bài mình, đôi khi có lịch sự văn học xin phép tác giả, nhưng thường thì không và tôi chẳng phàn nàn bao giờ. Văn chương như mây trời như nước chảy, cứ việc phiêu lưu trong cõi người Việt ở bất cứ đâu.

Về nhuận bút các bài đăng báo, làng báo hải ngoại có cái lệ dễ thương là cố gắng trả nhuận bút cho những nhà văn mới tới với hai bàn tay không. Ngân khoản đi từ 20 đến 50 đô la một bài tuỳ khả năng tài chính mỗi báo, nhưng chỉ trả trong vài năm đầu thôi. Sau đó là các ông chủ biên cười xoà mời ông bạn văn chia xẻ nỗi khó khăn trong chữ nghĩa hải ngoại, nghĩa là viết chùa giúp nhau...

Những cuốn sách đầu tiên của tôi (viết ở Hoa Kỳ) được in 1.500 bản rồi số lượng ấn bản đi xuống dần với thời gian. Đến truyện dài Khu vườn mùa mưa còn 1.000 và truyện ngắn ‘Nhà văn già và cô bé gù’ còn in có 700 và cuốn truyện dài mới nhất Không một vòng hoa cho người chiến bại cũng chỉ có số in vào khoảng đó. Hiện tượng số sách in ra đi xuống không phải chỉ áp dụng cho tôi mà còn đúng cho đa số các tác giả khác ở hải ngoại cũng như nội địa. Lý do để cắt nghĩa hiện tượng này thì nhiều lắm. Con người ai cũng chỉ có 24 giờ, thời giờ dùng cho đọc sách bị cắt giảm dần cho TV, cho video và gần đây cho Internet nữa. Đó là chưa kể hiện tượng kể từ khi được về Việt Nam thăm thân nhân và du lịch dễ dàng, bà con mua về khá nhiều sách nội địa để đọc dần. Phần tôi thì ít quan tâm đến số lượng sách tụt lui như vậy, một phần vì sách truyện trong nội địa đa số cũng chỉ in mỗi lần 1.000 bản cho một dân số 75 triệu, thì 700 bản hay 1.000 cho dân số khoảng 2 triệu cũng còn là được lắm rồi. Rõ ràng bà con hải ngoại chăm đọc và mua sách hơn nội địa rồi. Và còn viễn cảnh sang thế kỷ 21, đến một lúc nào đó chế độ bế quan toả cảng về văn hoá văn nghệ được bãi bỏ ở Việt nam, sách báo hải ngoại được nhập nội hay in lại hoặc in mới tại nội địa.

Viết thì đại khái như thế, còn sống thì ra sao?

Vừa rồi trong một bữa cơm với họ hàng và thân hữu tại quán Thành Được ở vùng San Jose (đúng là cái ông Thành Được cải lương nổi danh một thời ấy, nhưng các món nhậu vẫn cứ được lắm,) khi hỏi thăm một bạn văn lâu không gặp là gần đây sống ra sao, ông bạn nổi tiếng yêu đời và viết văn vui này đã trả lời: "Bây giờ tôi mà tuyên bố tôi sống vui vẻ lắm thì cả trăm thằng ở đây nó xúm lại đánh tôi ê càng ngay...Vậy tôi đi một đường kể khổ trước, cho nó đúng bài bổn nghe..." Dĩ nhiên nghe ông bạn này mà kể khổ thì chỉ có cười thôi.

Thí dụ trên cho thấy mọi sự cũng gay trong cõi người Việt hải ngoại. Bài bổn chính là phải than khổ, làm kiếp cu ly trong cõi tạm dung đạo lý mỗi ngày một đồi truỵ, cầy hai ba job bá thở, là đêm năm canh ngày sáu khắc khắc khoải gốc dừa gốc bàng gốc me quê hương, căm thù lũ cộng nô... vân vân và vân vân (đến độ tôi tự hỏi văn chương hải ngoại, ngoài tính hoài niệm và tính chống cộng, còn có tính than thở, kể khổ hay không?)

Vậy tôi xin bắt chước ông bạn San Jose mà kể khổ trước đã: Tôi vẫn không có nhà, đang ở nhà của các con, đi cũng bằng xe của các con luôn... Nhưng trong suốt cả cuộc đời đã dài, thì những năm sống ở Hoa Kỳ là những năm nhiều vui sướng nhất của tôi và ngay cả lúc này cũng thế. Phần vui nhiều hơn phần buồn, gặp nhiều người tốt hơn người xấu - mặc dù xứ tôi đang ở mưa nhiều hơn nắng, nhưng mưa nhỏ thì mặc áo mưa cầm dù, mưa to thì ở trong nhà đọc sách viết văn và chơi với cô cháu nội đầu tiên. Viết đến đây tôi muốn bắt chước nói như ông Thánh Thán: Không vui vậy sao...

Seattle tháng 4.1998


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021