thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sống để viết

Thế nào là sống?

"Sống về mồ mả
Không ai sống về cả bát cơm"

Mồ mả đây cũng là làng nước đó. Ở hải ngoại tuy bắt đầu lai rai có mồ mả, nhưng mà nó chưa đủ thành truyền thống, thành nước thành làng. Bát cơm tuy dễ kiếm nhưng làng nước khôn tìm. Hỡi ơi, thân no mà hồn đói. Biết nói thế nào cho hết mọi chua cay. Ta có chữ "ngụ cư" để chỉ người tha phương đến tạm ở một địa phương nào. Vẫn cùng trong một nước, thế mà thân phận đã ngu ngơ. Huống hồ ra khỏi nước. Trước hết là ngôn ngữ bất đồng. Phong tục thói quen đã khác. Cái ăn càng lạ nhá không vô. Đó là chưa kể tình trạng bơ vơ lạ nước lạ non. Thêm cái nhìn, cái thái độ kỳ thị thì chỉ đẩy thêm người tị nạn vào cõi... điên sầu.

Điên sầu có lẽ sẽ là động cơ để viết. Viết cho giết hết mọi hoang liêu? Mới đầu hăm hở cầm bút. Trút tâm sự nhớ nước nhớ nhà vào trang giấy! Thấy đơ đỡ... buồn. Bèn viết nữa. Ngày nọ qua tháng kia. Mỉa mai thay, nỗi buồn vẫn còn nguyên đó. Có thuyên giảm gì đâu. Đọc lại văn, càng thêm ngao ngán. Bởi vì văn chương không chỉ là nỗi nhớ nhà. Cái câu rất văn chương "Triết học là nỗi nhớ nhà" chẳng áp dụng được. Vì nhớ nhà trong văn chương là "nhớ nhà" khi đang ở trong nhà, trong nước. Còn ở đây là đang nhớ nhà... cụ thể, ở ngoài nhà, ngoài nước. Bước chân trên phố lạ. Lần đầu còn lãng mạn viển vông được. Bước mãi đâm sợ hãi. Ở Mỹ, còn hoang mang hơn nhiều nơi khác. Nước Mỹ rộng mênh mông. Cứ tưởng tượng không hề có một cánh cửa nào mở. Chính người bản xứ còn có khi điên vì... nhàm chán và cô đơn. Nước Mỹ sống khép kín như... nhà mồ. Thực ra tại người tị nạn không sinh hoạt cộng đồng như họ, với họ. Điểm chính là văn hoá?

Một số người Việt trong nước, có dịp tiếp xúc ở Mỹ, phát biểu: "Nghe nói nước Mỹ tự do. Nhưng nhìn đâu cũng thấy cấm. Chữ nhìn thấy nhiều nhất là chữ "No". Đúng vậy, giới hạn của tự do là tôn trọng tự do của người khác. Chỉ có một thứ hết sức tự do cho người cầm bút là tự do nghĩ, và tự do viết. Viết tự do mà không cần tôn trọng ai cả. Thật vậy chăng?

Ở trong nước, trước cũng như sau 1975 không có thứ tự do viết kiểu này. Cho nên, hình như tác phẩm nào "phạm húy" đều được chú ý, tò mò, để trở thành bán chạy, và nổi tiếng. Người viết, và cả người đọc bị sống trong không khí thúc bách khác thường. Tưởng như giá trị văn chương là... phản kháng. Đây cũng là điểm hào hứng khiến kẻ viết, người đọc sôi nổi nhất thời. Tôi cho đó là nền văn chương... ăn vụng.

Hình như người Việt có nhiều khả năng ăn vụng. Đến khi được ăn thật thì... không ăn được nữa. Viết cũng thế!

Viết cũng là sống! Sống không xong thì viết cái gì? Tự do bỗng trở thành hoang mang. Sống tự do ở hải ngoại là sống tự do tuyệt đối với nỗi buồn bã cô độc của mình. Tự do buông xuôi đời mình. Tự do không sống và không viết.

Mặt khác, hải ngoại khó viết vì thiếu độc giả. Viết một mình tựa như diễn kịch một mình. Không, hoặc rất ít người xem. Không thể có không khí ấm cúng, sôi nổi trong thế giới văn chương giữa tác giả và độc giả. Mặc nhiên, văn chương dần dần bị xuống cấp, và... thừa thãi vô duyên. Thế mà ai viết được ở hải ngoại, thật là quý hoá. Viết hay nữa thì thật đáng được... nâng niu.

Có lần tôi nói với một bạn văn trong nước ra:

- Chúng tôi nghĩ trong khi lao động. Và viết trong lúc... nghỉ ngơi. (Đúng ra là trong lúc... chẳng biết làm gì.)

Người bạn văn bảo:

- Nếu thế thì các ông đáng phục quá!

Nghe khen tôi chỉ cười thầm.

Sống và viết ở hải ngoại có khi thiếu cả tiếng cười thầm.

Tuy nhiên, điều cuối cùng vẫn là ý hướng muốn sống và muốn viết. Dù ở hoàn cảnh nào. Đôi khi ở hải ngoại, tôi tự hỏi "Sống để làm gì?" Câu hỏi ấy bám lấy tôi cho đến một hôm bật ra tiếng trả lời: "Sống để viết." Có lẽ, với tôi, bây giờ là câu tôi vừa ý nhất.

San Jose, 12/5/98


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021