thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài giảng về thơ [kỳ 2]
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)

 

Có người nói rằng văn xuôi gần với hiện thực hơn thơ. Tôi nghĩ điều này là sai. Có một ý tưởng được truyền tụng là xuất phát từ nhà viết truyện ngắn Horacio Quiroga: nếu một cơn gió lạnh thổi từ bờ sông, ta phải viết đơn giản là "một cơn gió lạnh thổi từ bờ sông." Quiroga -- nếu quả thực ông đã nói thế -- dường như đã quên rằng cái kết cấu ngôn từ ấy cũng xa cách với hiện thực như xa cách với cơn gió lạnh thổi từ bờ sông. Cảm nhận của chúng ta về điều này là gì? Chúng ta cảm thấy không khí chuyển động, chúng ta gọi nó là gió; chúng ta cảm thấy cơn gió ấy đến từ một hướng nào đó, từ bờ sông chẳng hạn. Và với điều này chúng ta hình thành một cái gì đó cũng phức tạp như một bài thơ của Góngora hay một câu văn của Joyce. Hãy trở lại với nhóm chữ ấy, "một cơn gió lạnh thổi từ bờ sông." Chúng ta tạo ra một chủ từ, gió, một động từ, thổi, và một trạng ngữ, từ bờ sông. Tất cả những thứ này hoàn toàn xa cách với hiện thực. Hiện thực là cái gì đơn giản hơn. Câu văn bình thường và hiển nhiên chứa những mảnh chữ ghép nối ấy, được Quiroga cân nhắc chọn lựa, là một nhóm chữ phức tạp; nó là một cấu trúc ngôn từ.

Hãy thử lấy một câu thơ nổi danh của Carducci: "el silencio verde de los campos" ("sự im lặng xanh biếc của những cánh đồng"). Chúng ta hẳn nghĩ rằng câu này sai, rằng Carducci đã đặt tính từ nhầm chỗ; rằng ý ông muốn viết "sự im lặng của những cánh đồng xanh biếc." Với lối viết hoặc là ranh mãnh hoặc mang tính tu từ, ông đã hoán chuyển vị trí của chữ và nói về sự im lặng xanh biếc của những cánh đồng. Chúng ta cảm nhận nó thế nào? Chúng ta cảm thấy nhiều sự vật trong cùng một lúc. (Chữ sự vật thì quá cụ thể, có lẽ vậy). Chúng ta thấy cánh đồng, cái hiện hữu bát ngát của cánh đồng, chúng ta cảm nhận màu xanh biếc và sự im lặng. Một chữ cho sự im lặng là một sáng tạo mỹ học. Sự im lặng là để áp dụng cho con người, một người im lặng hay một chiến dịch vận động im lặng. Áp dụng nó cho tình trạng không có âm thanh trên cánh đồng là một động thái mỹ học; một câu thơ như vậy rõ ràng là táo bạo vào thời điểm nó được viết ra. Khi Carducci nói "sự im lặng xanh biếc của những cánh đồng", ông đang nói một điều gì đó vừa gần chừng nào lại vừa xa chừng ấy với cái thực tại ngay trước mắt cũng giống như ông nói "sự im lặng của những cánh đồng xanh biếc."

Chúng ta có một ví dụ nổi tiếng khác về sự hoán vị của chữ, đó là câu thơ vô địch của Virgilio, “Ibant oscuri sola sub nocte per umbra” (“họ ra đi u ám dưới màn đêm cô độc qua bóng tối”). Chúng ta có thể tạm cắt đi phần đuôi "per umbra", và lấy phần "họ [dũng sĩ Eneas và nàng Sibilara] ra đi u ám dưới màn đêm cô độc." (Chữ "cô độc" trong tiếng Latin có nhiều sức mạnh hơn vì nó đi trước chữ sub). Có lẽ chúng ta nghĩ rằng Virgilio đã làm thay đổi trật tự các chữ, vì câu nói tự nhiên hẳn phải là "họ ra đi cô độc dưới màn đêm u ám." Tuy nhiên, cố gắng tái hiện hình ảnh ấy trong óc, chúng ta nghĩ đến Eneas và Sibilara, và chúng ta nhận ra rằng câu “họ ra đi u ám dưới màn đêm cô độc" gần gũi với hình ảnh trong óc ta chừng nào, thì câu "họ ra đi cô độc dưới màn đêm u ám" cũng gần gũi như vậy.

Ngôn ngữ là một sáng tạo mỹ học. Tôi nghĩ chẳng có gì phải thắc mắc về điều này nữa. Bằng chứng là khi chúng ta học một ngoại ngữ, khi chúng ta buộc phải nhìn kỹ, nhìn gần các chữ, chúng ta cảm nghiệm được chúng đẹp hay không. Học một ngoại ngữ, chúng ta thấy các chữ qua một chiếc kính phóng đại; chúng ta nghĩ "chữ này trông xấu, chữ này đáng yêu, chữ này quá nặng nề." Điều này không xảy ra trong tiếng mẹ đẻ, vì trong tiếng mẹ đẻ các chữ đến với chúng ta không tách rời khỏi lời nói.

Thơ, Croce nói, là sự diễn tả, nếu mỗi câu là sự diễn tả, nếu mỗi đoạn của bài thơ, mỗi chữ trong những chữ, đều chứa đựng sự diễn tả. Bạn sẽ bảo điều này nghe đã nhàm tai, ai cũng đều biết cả rồi. Nhưng tôi không chắc có phải chúng ta đã thực biết hay chưa; tôi nghĩ chúng ta chỉ cảm nhận như vậy, vì nó là điều có thật.

Nói đúng ra, thơ không phải là những cuốn sách trong thư viện, không phải là những cuốn sách trong căn phòng kỳ ảo của Emerson. Thơ là sự chạm mặt của người đọc với cuốn sách, là sự phát hiện ra cuốn sách.

 

[còn tiếp]

 

Nguyên tác: "La poesía", trong Jorge Luis Borges, Siete noches (Mexico: Fondo de Cultura Económica, 1980).

-------------------------

"La poesía" là một trong bảy bài giảng do Borges trình bày tại Teatro Coliseo, Buenos Aires, trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1977. Những bài giảng này đã bị nhiều người lén thu băng đem bán, rồi bị một nhóm người khác chép lại với nhiều sai sót, và phát hành lậu dưới hình thức một phụ trang cho một nhật báo ở Buenos Aires. Hai năm sau đó, Roy Bartholomew đem một trong những ấn bản lậu ấy đến gặp Borges, và cùng ông biên tập lại thật chính xác để chính thức ấn hành tại Mexico vào năm 1980. (theo Roy Bartholomew, trong phần "Epilogo" [Lời bạt] ở cuối sách)

-------------------------

Đã đăng:

Bài giảng về thơ [kỳ 1]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021