thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tản mạn về chuyện lưu vong và viết
Lưu vong được chấp nhận như một định mệnh, theo cách chúng ta chấp nhận một chứng bệnh nan y không chữa trị được, có thể giúp chúng ta nhìn xuyên thấu sự tự đánh lừa của mình.
(Czeslaw Milosz, Notes on Exile)

Các nhà văn lưu vong hôm nay không chỉ kiếm sống bằng cách dạy đàn ghi-ta hay làm bồi bàn một cách đơn giản như Gustave Flaubert từng nói. Truyền thống đó đã thay đổi rất nhiều.

Những người Việt nhiều hệ lụy với chữ nghĩa sống rải rác khắp nơi trên thế giới hiện giờ đang mưu sinh nơi xứ người với nhiều công việc khác nhau. Hầu hết là những việc không có liên hệ gì đến tiếng Việt. Có người dạy học. Nhiều người là kỹ sư. Một số làm việc lao động chân tay. Có người là nhà khoa học. Buôn bán. Nội trợ. Nhà báo. Công chức. Bác sĩ. Luật sư. Cán sự xã hội. Có người đi giang hồ đây đó. Có khi sống nhờ tiền trợ cấp xã hội hoặc bệnh tâm thần.

Hầu hết phải tiêu phí một số lớn thời gian đời mình vào một công việc nào đó. Như cái giá phải trả khi viết văn không phải là một công việc full time nuôi họ sống được. Niềm vui sẽ đến sau đó khi còn có thể theo đuổi một công việc khác mà họ yêu thích. Một công việc duy nhất mà có lẽ họ thật sự muốn làm: viết. Sáng tạo.

Mặt khác, nhà thơ Mỹ gốc Nga Joseph Brodsky đã liệt kê nghề nghiệp thông thường của các nhà văn lưu vong ngày nay là "dạy đại học, diễn giả, bỉnh bút các tạp chí nhỏ hoặc đơn giản chỉ là người đóng góp bài vở cho báo." Chủ yếu là ông đề cập đến các nhà văn tị nạn, có tiếng tăm và có khả năng hội nhập vào dòng văn học của đất nước tạm dung.

Một người bạn của tôi viết trong lúc đang lái xe trên những xa lộ đông nghẹt nhất thế giới thuộc vùng Los Angeles. Mỗi ngày cô có khoảng hơn hai tiếng đồng hồ để suy nghĩ, sắp xếp và... viết trong sự di động đó. Các truyện ngắn của cô được hoàn tất gần như trọn vẹn trong trí tưởng, chỉ đợi lúc rảnh rỗi là cô viết xuống - khá nhanh. Kể cũng tiện, vừa chống lại sự buồn nản mệt mỏi đầy stress của tình trạng vướng kẹt giữa dòng xe cộ, lại vừa có thể duy trì được sợi tơ nối đời cô với chữ nghĩa.

Vài bạn khác, làm ngơ trước sự cắn rứt của lương tâm mình khi gần như "lấy cắp" chút ít thời gian của tám giờ vàng ngọc. Họ - thường là các nhà văn nữ - viết trong sở làm, mỗi khi thưa việc hay vào giờ ăn trưa. Và với họ, đó lại có vẻ là những lúc lý tưởng để viết, vì thật ra khi trở về nhà mỗi chiều, chuyện con cái bếp núc dọn dẹp đã lấy hết thì giờ còn sót lại của họ.

Một người bạn khác thường viết thật khuya. Cho đến sáng. Vì mất ngủ, vì khó thở, vì đau bệnh. Trong tình trạng không ngủ được, không thở được như thế, có lẽ bạn tôi chọn viết như một hành động tự chữa trị và chống lại cái chết.

Nói chung những người bạn nhiều đam mê của tôi vẫn cố tìm cách để lách thoát ra khỏi guồng máy đời sống được chút nào hay chút đó. Để còn chút thì giờ riêng mà trầm ngâm trước chiếc monitor hay trang giấy trắng.

Nếu đã định tâm phải viết hay đang có điều cần viết, các bạn tôi có thể trở thành người đãng trí hay kẻ mộng du thứ thiệt. Gần như lúc nào họ cũng mơ màng tìm ý, chọn chữ, sắp câu. Lúc ngồi ngoài xe chờ vợ đi chợ. (Có khi bà vợ yêu quý đi những ba chợ trong một buổi sáng!) Khi đang thao tác hai-mươi-lăm-phút jogging trên cái treadmill ngoài phòng tập thể dục. Lúc đang xếp hàng ở ngân hàng vào chiều thứ sáu cuối tháng. Khi nằm vẩn vơ trên bãi cỏ ngoài công viên cuối tuần. Và dĩ nhiên, giống như nhà văn nữ trên kia, họ cũng không bỏ qua quãng thời gian lý tưởng khi đang lái xe trên đường đến sở làm hay trở về nhà. (Điều này cho thấy viết văn đúng là "một công việc nguy hiểm!" Chỉ cần sơ ý một chút...) Không còn cuốc bộ nữa thì nhà thơ lưu vong của chúng ta đành lái xe trên mây xanh vậy.

Có người hăng say viết được vài ba năm đầu vừa ra khỏi nước. Say mê như thể không được viết sẽ ngã lăn ra chết ngay lập tức. Rồi một thời gian sau, cũng chẳng nhớ là từ bao giờ, người ta chợt nhận ra sự im lặng và vắng bóng của họ. Một cách nào đó, họ biến mất hẳn trong sinh hoạt viết lách. Khó xác định một lý do duy nhất nào cho việc đó. Có người lấy chồng rồi ngưng viết. Có người mất hút trong sự đòi hỏi của một công việc mới. Có người bận mua nhà mới - tần ngần lấp kín những kệ sách của mình hoặc ngồi bất động trước trang giấy trắng. Có người quá mệt mỏi vì sinh kế, đêm về chỉ còn đủ sức nhìn ngó màn ảnh truyền hình chớp nháy một hồi là thiếp đi. Có người đâm chán văn chương, bỏ đi làm hai job cho hết thì giờ mà lại có thêm tiền.

Nhiều người nói là họ không biết viết gì hoặc thấy không còn gì để viết!

Rất nhiều người than thở rằng họ không còn hứng thú nữa. Chủ yếu là vì chuyện viết ở hải ngoại giống như hành động đứng la khan một mình ngoài sa mạc. Không chút âm vọng nào. Không một "feedback" nào. Chẳng ai thèm nghe và cũng chẳng ai cần lắng nghe. "... Mà đứng la một mình hoài trông giống như đã hoá khùng!"

Mất hứng thú vào một công việc mà lẽ ra người ta phải làm vì tình yêu, vì bổn phận, vì bản chất của chính mình! Loại công việc phải làm vì tất cả những lý do nào đó - trừ sự hứng thú. Những người bạn của tôi không còn say mê chữ nghĩa nữa hay đã có những nhã thú khác sâu sắc, lớn lao, mãn nguyện hơn... rồi chăng?

Phải mất nhiều năm tháng để một nhà văn lưu vong có thể bắt đầu viết bằng thứ ngôn ngữ mới. Trong khi chờ đến giờ hoàng đạo đó, qua hành động viết bằng tiếng mẹ đẻ, họ cố gắng thiết lập cho mình một sự phòng vệ mong manh. Viết có lẽ đó là pháo đài duy nhất vì họ không còn cách nào khác. Đó là cách phòng vệ tiêu cực trước cánh cửa tuy mở rộng nhưng khép kín của thế giới mới mà nhà văn mới trượt chân vào. Thấp thoáng trong thế giới đó, có thể có một ngôi nhà văn chương - một thế giới khác nữa - chờ đợi họ. Nhưng trong lúc này, họ không có cách gì mở cửa để bước vào và cất lên tiếng nói thất lạc của mình. Họ chỉ là một người lạ. Vừa mới từ phi cơ bước xuống. Vừa bị xoá tên. Vô danh.

Cũng lại Brodsky có nói đại khái là nhà văn khi lên đường lưu vong, sẽ bị mất hút trong nhân loại, trong đám đông hàng tỉ người lô nhô. Hắn chỉ là một cây kim trong đống rơm rạ khổng lồ, chỉ là một hạt cát trong sa mạc. Hắn phải đọ sức mình với cả một tập thể vô hạn người chứ không phải chỉ với các đồng nghiệp viết văn mà thôi.

Có thể đoán hiểu một phần suy nghĩ của những nhà văn Việt Nam vừa rời khỏi nước. Còn tâm trạng của người viết ở hải ngoại ra sao, sau những đổi thay ở Việt Nam gần đây? Cầm viết trong năm 1998 có khác biệt gì không với việc sáng tác 15 năm trước đó, vào năm 1983 chẳng hạn? Có khác biệt gì không trong quá trình sáng tác sau khi người viết đã trở về thăm lại quê hương? Mục đích viết của nhà văn sau chuyến đi đó như thế nào? Cảm thấy hăng hái muốn viết hơn hay chán chường muốn bỏ viết?

Ảo tưởng của một số các nhà văn lưu vong khác trên thế giới đã rạn nứt hoặc tan vỡ sau khi trở về thăm quê hương. Họ nhìn thấy những thay đổi ghê gớm, từ cung cách sống cho đến cách nói năng trò chuyện. Đối tượng của những niềm tin và sự tưởng tượng mà họ chứng kiến ngày nay khác biệt hẳn những gì họ ôm giữ trong lòng trước đó. Có thể nào họ vẫn sáng tác với cùng một cách nhìn thế giới như trước kia?

Có ý kiến cho rằng, không nên để cho văn học hôm nay bị phong toả bởi tính chất quốc gia (trong nghĩa đối nghịch với thế giới) nữa. Không nên giới hạn văn chương bằng tinh thần ái quốc hay bởi biên cương địa lý nữa. Người sáng tác không chỉ mong tác phẩm mình sẽ được đọc, trước tiên bởi vài ngàn đồng hương tha phương và sau đó hy vọng (mơ hồ) là sẽ đến tay một số đông đồng bào khác "trong kia" nữa. Không chỉ là như thế mà thôi.

Khuynh hướng văn học mới này muốn xoá bỏ cái biên giới giữa tác phẩm họ và những giáo điều. Một số cho rằng chính cái tinh thần quốc gia đã làm cho nhà văn hư hỏng. Nhà văn Anh Salman Rushdie, có lần phát biểu đại khái là những tác phẩm tốt phải hướng tới một tổ quốc không có biên giới, nghĩa là hướng đến cả nhân loại. "Nhà văn viết để phục vụ những ranh giới sẽ chỉ trở thành người lính biên phòng mà thôi." Nền văn học của nhân loại tương lai thuộc về những nhà văn không có quốc tịch - những công dân thế giới đúng nghĩa.

Mặt khác, khuynh hướng bài chống xứ sở đã mở vòng tay cho nhà văn tạm dung - nhất là Hoa Kỳ - cũng là hiện tượng khá phổ biến. Một số người muốn bày tỏ sự trung thành với đất nước mà họ đã từ bỏ vì một lý do nào đó. Có nhiều người Việt chạy ra xứ người từ năm bảy lăm nhưng vẫn gượng chống lại chuyện nhập tịch quốc gia mới.

Tâm trạng "bài Mỹ" đã hiện diện khá mạnh trong suy nghĩ của một số trí thức văn nghệ sĩ lưu vong - nhất là những người đến từ các nước cựu cộng sản. Đôi khi điều này cũng bị lạm dụng như một thứ mốt thời thượng. Dĩ nhiên không phải tất cả những gì của "đế quốc" đều hay ho tốt đẹp cả. America chắc chắn không phải là thiên đường. Hình như nhiều nhà văn đã cảnh giác về điều đó từ lâu. Tuy nhiên một số trí thức văn nghệ sĩ Nga lưu vong vẫn chỉ trích Hoa Kỳ như một sứ xở nông cạn, kém văn hoá, ích kỷ. Hoa Kỳ tôn sùng những chiếm hữu vật chất hơn là những giá trị tinh thần. Hoa Kỳ không thật tâm và tận lực trong việc chống lại các chế độ độc tài áp bức. Thí dụ gay gắt nhất của thái độ chống Mỹ này được bày tỏ một cách giận dữ qua bài nói chuyện của nhà văn Solzhenitsyn ở đại học Harvard năm 1987.

Tuy nhiên, khác với đa số các nhà văn lưu vong Nga khác, thái độ của nhà văn Vassily Aksyonov ngược hẳn lại. Ông này công khai bày tỏ sự thán phục của mình trước nền văn hóa đám đông và chủ nghĩa tiêu dùng xa xỉ của Mỹ. Ông xem đó như một điều rất lành mạnh bình thường và chạnh lòng khi nghĩ đến người dân Liên Xô không được hưởng các tiện nghi đó. Thậm chí ông còn tuyên bố người nào chống Mỹ là chống lại tự do, là thoả hiệp với các trại tập trung trên thế giới.

Nếu hình dung một viễn tượng hội nhập đầy vinh quang thì hầu hết người viết Việt Nam ngoài nước đang gian nan bế tắc giữa đường. Tương tự chuyện ngụ ngôn con lừa chết vì phân vân chọn lựa. Nhưng trong một tình thế còn tuyệt vọng hơn nữa. Ở đây nhà văn là con lừa đói khát bị từ chối và bị lấy đi cả bó cỏ lẫn xô nước. Dù hai mươi hai năm đã trôi qua, đối với hai sinh hoạt ở hai nơi chốn cách biệt như ở Mỹ và ở Việt Nam, có thể họ chỉ được xem là những người không chính thức, không căn cơ và không chuyên nghiệp. Nói tóm lại, như một thứ ngoại đạo. Sau sự cắt lìa này, có thể họ không bao giờ trở thành một cư dân chính gốc, đích thực của một nơi chốn nào giữa hai lãnh thổ văn hoá đó được nữa.

Do đó, nhìn ở một khía cạnh khác, hành động viết của họ, nhiều lúc chỉ nhằm xoá bỏ sự cách biệt về nguồn gốc và lý lịch bi đát đó. Viết, đôi khi cũng nhằm lấp đầy cái khe hở hay sự rạn nứt đột ngột hiện ra dưới chân họ trong một sớm một chiều. Ngay giữa đời sống họ. Ngay giữa một sự nghiệp văn học có thể là sẽ vĩnh viễn dở dang của họ. Giữa hai sinh hoạt văn học, những thành tựu vừa tạo được chút ít nơi quê nhà thì đã vuột mất đi, đã ở sau lưng họ. Trong khi đó, dòng văn học mainstream của đất nước tạm dung thì còn ở xa ngoài tầm tay với của họ.

Nhìn chung, cho đến nay, hầu hết những người viết Việt Nam ở hải ngoại vẫn còn trong giai đoạn lỡ làng, tiến thối lưỡng nan đó. Và chắc là sẽ còn ở trong sự lưng chừng đó lâu dài. Một số nhà văn vẫn có mong ước khiêm tốn là làm sao để những gì họ mới sáng tác bằng tiếng Việt của mình được du nhập vào trong nước để đến tay được nhiều người khác hơn. Thế thôi. Ít người đủ tự tin để nghĩ đến việc tác phẩm mình phải được dịch ra ngoại ngữ và một ngày nào đó, bản dịch sẽ được các viện sĩ thuộc Hàn lâm viện Thụy Điển nghiền ngẫm.

Có thể người viết Việt Nam còn phải chờ lâu lắm để được công nhận ở một tầm vóc thế giới. Solzhenitsyn đã được công bố trúng giải Nobel rồi mới được mời ra khỏi nước nên sẽ là một ngoại lệ ít có hy vọng tái diễn. Còn các tác giả tài năng khác đều đã phải vượt qua một đoạn đường xa xôi gian khổ. Họ đã phải kinh qua sự mất mát triệt để, sự cô lập toàn diện và sự thất vọng dai dẳng. Nhà thơ Ba Lan Czeslaw Milosz mất gần 30 năm từ lúc bước đi lưu vong mới được thế giới công nhận. Còn thi sĩ Nga Joseph Brodsky nhanh và may mắn hơn nhiều, nhờ sự hỗ trợ tận tình của các thi sĩ ở "đế quốc" nên ông chỉ chờ đợi có 13 năm thôi.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021