thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khi kẻ lưu đày là nhà văn: cuộc đối thoại về những khổ đau và hoan lạc
Lời toà soạn:
Khi hơn 200.000 người Việt Nam vội vã chạy thoát khỏi Việt Nam để sống lưu vong ở nước người vào năm 1975, trên thế giới đã có sẵn hàng chục triệu người lưu vong đến từ Nga và các nước Đông Âu, Cuba và các quốc gia Nam Mỹ, Phi châu cũng như Á châu, v.v.. Chúng ta không thể không thắc mắc: các nhà văn lưu vong thuộc các sắc tộc khác đã sống, suy nghĩ và viết lách như thế nào ở hải ngoại?
Trong bài ‘Khi kẻ lưu đày là nhà văn’ dưới đây, nhà phê bình Wojciech Karpinski (sinh năm 1943 tại Ba Lan, đỗ tiến sĩ văn học năm 1970, từng dạy học tại Yale, Hoa Kỳ, hiện sống tại Paris và làm việc trong Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học của Pháp) sẽ giới thiệu kinh nghiệm lưu vong của hai tên tuổi hàng đầu của nền văn học Ba Lan đương đại: nhà thơ Czeslaw Milosz (giải Nobel văn chương năm 1980) và nhà văn Witold Gombrowicz (giải International Prize for Literature năm 1967 và được đề cử tranh giải Nobel văn chương năm 1968.)
Bài viết được nhà văn Phùng Nguyễn chuyển sang tiếng Việt.

Thế nào là một nhà văn lưu vong? Anh ta có những sợi dây liên hệ nào với cái tập thể đã bỏ lại? Với cái bối cảnh mới chung quanh? Tất nhiên phần lớn còn tùy thuộc vào cách chúng ta hiểu như thế nào về cụm từ "nhà văn lưu vong." Chúng ta có thể tranh cãi lê thê về sự uyên bác của những định nghĩa khác nhau, hoặc chúng ta có thể đúc kết những phát biểu cá nhân [về vấn nạn này]. Tôi sẽ chọn con đường thứ ba. Đây là một đề tài gai góc. Thực khó để nói về nó một cách khách quan. Một giọng điệu chủ quan cũng bị gò bó không kém! Có lẽ chúng ta nên xoay xở để nói được nhiều hơn bằng cách lắng nghe những người khác nói về đề tài này trong những giây phút thành thực.

Một cách tình cờ, hai thế kỷ qua, lưu vong đã là định mệnh của văn học Ba Lan. Ở các quốc gia khác, đã có một số tác phẩm xuất hiện trong hoàn cảnh lưu vong. Những tác phẩm nền tảng của văn học Ba Lan, từ đó ngôn ngữ và chiều hướng sáng tạo của xứ này được hình thành, đều mọc lên từ phía ngoài biên giới. Đây là điều đã xảy ra ở thế kỷ 19: sau cuộc thất trận vào năm 1831, người ta thấy xuất hiện một sự ‘bùng nổ đột ngột’ về mặt sáng tác. Chỉ trong vòng vài tháng, nổi lên ở Dresden, và hơn hết, ở Paris, những tác phẩm đầy tính cách tân, nhanh chóng được công nhận bởi giới tị nạn và sau đó của cả nước như là nguyện vọng của xã hội Ba Lan. Trong thế kỷ 20, sau cuộc bại trận năm 1939 - 1945, hoàn cảnh phát triển có khác đi. Ngày nay chúng ta nhận thức được rằng cộng đồng tị nạn Ba Lan thời hậu chiến, đặc biệt trong cá nhân Gombrowicz và Czeslaw Milosz, đã tạo nên một nền văn chương lớn. Tuy nhiên, những người cùng thời với họ, trong nước cũng như đang lưu vong, lại có một quan niệm khác.

Gombrowicz và Milosz có cách nhìn riêng. Họ cảm thấy mình là thiểu số trong nhóm thiểu số, bị xua đuổi hai lần, từ quê hương Ba Lan và từ cái xã hội tị nạn ở xứ người. Nếu người ta có thể nói về cái kinh nghiệm ‘từ chết đến bị thương’ của một nhà văn lưu vong, nhất định điều này phải áp dụng cho Gombrowicz và Milosz. Khi Czeslaw Milosz quyết định ở lại Tây phương vào năm 1952, ông bắt đầu sáng tác trong cảnh lưu đày (và nhắm vào cộng đồng tị nạn) với những lời "Những điều tôi sắp mô tả có thể được gọi là câu chuyện của một cuộc tự sát chắc chắn sẽ xảy ra!" Từ góc nhìn của ngày nay, lời nói của ông thực đáng kinh ngạc và tỏ ra hiển nhiên thiếu công chính cho chính ông và cả cho cái cộng đồng tị nạn nói chung. Nhưng có lẽ chính là nhờ vào thái độ này mà ông đã có thể nhận thức và giúp người khác cảm nhận những khổ đau và hoan lạc của cảnh giới lưu đày.

Người ta có thể xây dựng từ những tác phẩm của Gombrowicz và Milosz một cuộc đối thoại về hoàn cảnh của một nhà văn lưu vong. Cuộc đối thoại này mang một tầm quan trọng cơ bản đối với họ. Họ đã phải khám phá ra chính mình, những dây nhợ nào đã trói buộc họ với xã hội và truyền thống, điều gì đã đe dọa, và điều gì đã thách thức họ. Họ đã phải nhìn trừng trừng vào chính bản thân mình, đạt được tự do bằng cách nêu đích danh những giới hạn. Bây giờ họ trở nên một thí dụ điển hình của tự do cho những người khác.

Cuộc đối thoại về những buồn vui của kiếp lưu vong thực hiện bởi giới tị nạn Ba Lan sau Đệ nhị Thế chiến bao gồm nhiều giọng điệu khác nhau. Như là điểm khởi đầu của cuộc đối thoại, tôi chọn bài tiểu luận của nhà văn Lỗ Ma Ni Emil Cioran, viết bằng một thứ tiếng Pháp rất xuất sắc. Bài viết được phổ biến trên tờ Kultura, đặt trụ sở ở Paris, vào tháng Sáu năm 1952, do Witold Gombrowicz dịch và chú giải. Bài tiểu luận này xuất hiện trong cuốn Sự cám dỗ của hiện hữu của Gombrowicz (La Tentation d’Exister, The Temptation to Exist), có tựa Pháp ngữ là "Avantages de l’exil." Trong ngôn ngữ Ba Lan, tựa đề của sách trở thành Lợi và Hại của Lưu Vong (The Advantages and Disadvantages of Exile).

Cioran là kẻ gây hấn. Ông chủ tâm vẽ ra một thứ chân dung biếm họa. Ông chẳng ngại ngần gì khi phê phán một cách bất công, và do vậy đã đánh mạnh vào điểm chính của vấn đề nhiều hơn một lần. Và đôi khi qua cái phiến diện của mình, ông để lộ những sai lầm của sự quá trớn và của những nhận định vội vã. Theo ông, nhà văn lưu vong là một cá thể có ý thức cạnh tranh và luôn cay đắng. Anh ta khao khát gây được sự chú ý của kẻ khác với bất cứ giá nào. Làm thế nào bây giờ? Nói cho cùng, anh ta viết bằng một thứ ngôn ngữ xa lạ. Dịch thuật? Sẽ chẳng tìm ra được một ai. Và nếu anh ta may mắn tìm được một người như vậy, bản phiên dịch sẽ chỉ là một trò hề ngớ ngẩn. Rồi ai sẽ xuất bản sách của anh ta? Và ai sẽ đưa tay đón nhận cuốn sách ngoại lai đó? Hoặc giả anh ta nên viết bằng một thứ ngôn ngữ khác? Đã có mấy người làm được điều đó? Và nếu anh ta có thể xoay xở để làm được điều này, anh ta biến thành một người khác, thực hiện một cuộc bội phản dũng cảm, chối bỏ mối liên hệ với quá khứ, và ở một chừng mực nào đó, với chính bản thân.

Vậy thì anh ta nên viết về cái gì và viết như thế nào? Anh ta khao khát được giãi bày với thiên hạ về những bất hạnh của mình. Chất liệu anh ta dùng cho chủ đề này rồi cũng sớm cạn đi. Người ta không thể cứ lập đi lập lại mãi cái hình ảnh của kiếp lưu vong, và theo Cioran, đó là lý do tại sao tiểu thuyết không phải là một thể loại thích hợp cho văn chương lưu đày. Thơ mới là thể tài của anh ta! Văn xuôi đòi hỏi những truyền thống, một căn cơ xã hội tách bạch, và sự sắc gọn. Thơ tuôn trào, trực tiếp, và hoàn toàn hư huyễn. Thơ là lãnh địa của đám ẩn dật và của những kẻ yêu mỹ học! Ở buổi khởi đầu, mặt đất trôi tuột đi dưới chân kẻ lưu đày. Đối với nhà thơ, đó là một vị trí đầy ân sủng. Cứ nghĩ đến Rilke đã tốn biết bao công sức ruồng rẫy hết quê cha này đến đất tổ khác chỉ để cắt đứt mọi ràng buộc thế gian! Nhà văn lưu vong có được điều này với giá rẻ mạt. Nhưng mối đe dọa cho anh ta là sẽ trở nên quen thuộc với kiếp lưu đày, trở thành một hậu duệ còm cõi của niềm tuyệt vọng của chính mình. Nếu vậy, nguồn cảm hứng của anh ta sẽ cạn kiệt. Tuỳ thuộc vào tính khí của mình, anh ta sẽ tìm kiếm sự cứu rỗi bằng cách dâng mình cho tín ngưỡng hoặc rơi vào sự biếm nhẽ cay độc. Tín ngưỡng hoặc khôi hài là những trạm đến cuối cùng của nhà văn lưu vong - theo như dự kiến của Cioran.

Để phúc đáp những đơn giản hóa chớp nhoáng [của Cioran], Gombrowicz đã dùng phần bình luận mà sau này ông triển khai trong tập Nhật ký (Diary). Lời lẽ của Cioran, trong khi sặc mùi ẩm mốc thối tha của mộ địa, lại đầy vẻ đớn hèn. "Nhà văn lưu vong" này là ai vậy? Mickiewicz viết sách, và ông X. cũng viết sách, những cuốn sách đúng qui cách và thậm chí coi được; cả hai đều là "nhà văn," và để ý nhé, nhà văn lưu vong! Và chính ở chỗ này, điểm tương đồng giữa họ chấm dứt. Có nhiều kiểu lưu vong, Rimbaud, Norwid, Kafka... Mỗi nhà văn tiếng tăm, như là hệ quả của sự kiệt xuất của chính mình, là người ngoại quốc trên đất nước mình. Nhiều người trong số họ viết chống lại, chứ không phải viết cho, độc giả của mình. Họ thành danh bởi vì đã đề cao lòng tự trọng hơn là sự thành công. Mỗi tác phẩm nghệ thuật, Gombrowicz thêm, không chỉ riêng nghệ thuật của giới lưu vong, vươn dậy từ một tiếp xúc gần gũi nhất với sự phân hóa và là sự lành mạnh được tạo ra từ bệnh hoạn. Mọi tác phẩm nghệ thuật đều thành tựu khi vượt qua cái tối tăm thấp hèn. Nghệ thuật nói chung là một nghĩa trang của những tham vọng, bởi để cho một tác phẩm đơm hoa kết trái, đã có hàng ngàn công trình khác mãi dở dang. Phải chăng vì thiếu vắng sự trọng vọng và hỗ trợ của đồng bào trong nước? Nhưng bầu không khí nhà kính như thế khuyến khích một hệ thống tôn ti giả tạo. Gombrowicz nhận định rằng "nhà văn" mà Cioran mô tả không hề có thực, đó chỉ là một phôi thai của người nghệ sĩ sáng tạo.

Chìm đắm trong một thế giới đày ải, về mặt lý thuyết, phải tạo ra một cơ hội tốt cho văn học. Những tinh hoa của đất nước bị xua đuổi ra khỏi biên giới. Từ bên ngoài, họ có thể tư duy, cảm nhận, và viết ra. Họ có được cái khoảng cách. Họ có được tự do tư tưởng. Họ phải cất cao tiếng nói mạnh mẽ và độc lập của mình. Nhưng điều đó đã không xảy ra, Gombrowicz nhận xét. Tại sao? Bởi vì họ tự do quá! Lạc lõng trong thế giới mới, họ sợ hãi. Họ quằn quại bám chặt lấy quá khứ, bám chặt lấy nhau. Họ sợ hãi chính sự tự do của mình. Họ bám víu vào một niềm hy vọng độc nhất, phục hồi quê cha đất tổ! Hình như đối với họ, sức mạnh tập thể của xã hội tị nạn chỉ có thể được dựng dậy từ cái chết của bản ngã. Cùng với những điều mù quáng khác, nhà văn lưu vong cố tâm áp đặt lên chính mình và đồng bào mình một thứ tín điều mù lòa. Những suy nghĩ vô tư nay trở thành một thứ xa xí phẩm nguy hiểm. Không có một quê hương, nhà văn kiểu này không thể tồn tại. Trên bệ thờ của cái quê hương huyễn mộng đó, anh ta chối bỏ độc lập tư duy của mình. Anh ta hết còn là một nhà văn!

Mối đe dọa lớn đối với nhà văn lưu vong là cái quan niệm xem xã hội tị nạn như là một tập thể giành quyền làm chủ linh hồn và tước đoạt tự do của người viết. Hai nhà văn vĩ đại nhất của Ba Lan trong thế kỷ hai mươi, Gombrowicz và Milosz, không chỉ vật lộn với mối đe dọa bên ngoài, với lý thuyết cộng sản áp đặt lên họ. Họ còn phải chiến đấu vất vả với những đe dọa nội bộ, với cái thể chế hao mòn của xã hội tị nạn, và với những mù loà của chính họ. Trong cuộc chiến đấu khó khăn và đau thương này, mỗi người trong bọn họ chỉ biết trông cậy ở chính mình và trong quá trình đó, nhìn ra thực chất của chính họ.

Gombrowicz cảnh giác Milosz đừng khuất phục chế độ độc tài của những con ngáo ộp giả tưởng, đừng để bị "tống tiền" bởi "những nhu cầu lịch sử" và những "nghĩa vụ xã hội," đừng gắn chiếc mặt nạ của ác quỷ lên lưu đày và sự cô đơn. Gombrowicz quyết tâm đạt đến tự do tinh thần, đón nhận thực tại, và trung thành với nó. Ông quyết định chỉ nói về những điều ông biết rõ: cái thực tại của chính mình. Những cáo buộc về tính tự cao tự đại của ông theo đuổi Gombrowicz trong nhiều năm. Mãi về sau người ta mới hiểu ra cái tư thế này chỉ là một phương pháp tu khổ hạnh để tìm giải thoát. Những phê phán của ông về cộng đồng lưu vong cũng nặng nề không kém gì những nhận định ông dành cho nền văn học Ba Lan ở nội địa: một vũng nước tù đọng! Nguyên tắc của ông là nhìn thẳng vào hoàn cảnh. Để sống sót, trong mọi phương diện, "đừng làm pho tượng, đừng làm kẻ khóc mướn, đừng làm kẻ đào mồ, đừng khóc lóc, đừng kể lể, đừng lập lại chính mình, đừng phóng đại, đừng tự co rút lại, đừng gào thét, đừng châm chích. Và trên hết, tái thẩm định! Đánh giá lại những gì chúng ta có, và thêm vào đó, đánh giá lại chính mình." Gombrowicz đã đạt được mục tiêu bằng cách khiêu khích, châm chọc cái cộng đồng tị nạn cho nó phản ứng lại. Ông tự bảo mình, "Tôi theo học ngành Tự Do, và ngôi trường lưu vong làm tăng cường độ của điều mà tôi có từ lúc mới sinh ra: nỗi hân hoan cay đắng chối bỏ những gì đã chối bỏ tôi!" Trong cái "học đường lưu vong" này, Gombrowicz học hỏi trước hết về chính mình. Ông nói về bản thân ông, và đó là lý do tại sao ông được lắng nghe, cho dù có muộn màng. Tác phẩm của ông là một bài học về tự do cá nhân. Giống như Nietzsche, ông dạy chúng ta cách đánh mất những gì có thể bị đánh mất - và trong cảnh lưu vong, làm thế nào để tìm thấy chính mình, để biến những mất mát thành điều hữu dụng. Đây chẳng phải là một công thức thần diệu, mà là một cố gắng được làm mới liên tục.

Cuộc nổi loạn chống lại cái cơ chế chính thức của xã hội tị nạn là yếu tố chung nối liền Milosz và Gombrowicz. Tuy nhiên, hình thức và căn nguyên của mỗi cuộc nổi loạn có khác nhau. Khởi dầu, Milosz đã xem lưu vong như là cái chết cho một nhà thơ. Sau này ông đánh giá hoàn cảnh của mình một cách trầm tĩnh hơn. Những xung động có tính cách phản kháng cứ trở đi trở lại mãi: chống đối cái xã hội từ đó ông đã ra đi, cái xã hội chung quanh ông, cái cộng đồng tị nạn, xã hội Tây phương, và chống đối chính mình! Trong những phút ngã lòng, ông tự mô tả mình như là một kẻ không chấp nhận trần gian này và thượng giới này, luôn tìm kiếm trong tuyệt vọng một địa giới khác, một thiên đường khác. Vào những thời điểm khác, những giây phút hân hoan, ông mô tả với sự chính xác và cách diễn đạt vô địch niềm hoan lạc của mình trong cái khoảnh khắc đặc biệt, ở cái nơi chốn ông tình cờ hiện diện, dù là Lithuania hay Mazowsze, những đường phố Paris hay vùng thung lũng Dordogne, rặng Sierra Nevada hay vùng vịnh San Francisco.

Milosz có lần cho rằng cuộc thiên di đầu tiên trong đời ông xảy ra khi ông rời Vilno dọn đến Varsaw trước cuộc chiến tranh. Trong The Land of Ulro, ông với sâu vào quá khứ, mô tả lại cuộc chia tay của ông với thiên đường tuổi nhỏ. Trong tác phẩm của ông, người ta có thể theo dõi những vòng tròn đồng tâm của lưu đày hiện ra với những cường độ khác nhau trong những giai đoạn khác nhau của đời ông. Vào năm 1967, ông ghi lại:

Lưu đày là số phận của nhà thơ đương đại bất kể anh ta đang sống trên quê hương hay ở nước ngoài, bởi vì anh ta hầu như luôn luôn bị giằng xé, bứt rời ra khỏi cái thế giới nhỏ bé của tập quán và tín điều mà anh ta quen thuộc từ khi còn thơ ấu. Tự thân lưu đày không có tốt xấu; làm ra vẻ lãng mạn hay bi thương đều vô dụng trong tình huống này, và chỉ có thể đưa đến sự trá ngụy. Lưu vong phải được chấp nhận như là một thực tại và tất cả đều tuỳ thuộc vào việc chúng ta có thể làm được gì với những điều rút ra từ nó. Trong mọi trường hợp, người ta cần phải liệng bỏ cái huyền thoại về sự "bất lực sáng tạo" vẫn được cho rằng sẽ giáng xuống nhà thơ kể từ lúc sợi dây ràng buộc huyền nhiệm liên kết anh ta với quê cha đất tổ bị cắt đứt. Cách nhìn đó mang dấu ấn của những nền văn minh nông phố, dù hay dù dở, đã bắt đầu thuộc về quá khứ.

Những thú nhận của Milosz không có nghĩa là ông đã đạt đến cảnh giới cao nhất của sự quân bình tâm trí. Những khía cạnh chua xót của cuộc di cư vẫn chưa tan biến hẳn. Milosz than thở rằng, với tất cả những "thành công" của chúng, thay vì viết bằng tiếng Ba Lan, ông đã có thể bỏ những bản thảo của mình vào mớ thân cây rỗng! Còn việc sáng tạo bằng một thứ ngôn ngữ khác thì sao? Những quan hệ mà ông có với người ngoai quốc thì lại quá hời hợt. Những người gốc Ba Lan thì lại quá phiền hà. Dễ dàng hơn cho ông chạm vào sợi dây thần kinh trần trụi của mình, nó là một phần của chính ông, Milosz, cái le moi haissable! Như ông đã thú nhận ở một nơi khác (trong The Land of Ulro), đó là lý do tại sao những điều ông viết cho người ngoại quốc chỉ là một cố gắng có tính cách thực dụng hoặc giáo dục bởi vì ông không tin rằng một hiểu biết sâu sắc về đất nước của ông là điều khả thi nếu không cùng chia xẻ một thứ ngôn ngữ và một truyền thống lịch sử.

Trong bài tiểu luận "Những ghi chép về lưu vong" (Notes on Exile), Milosz, một cách phức tạp hơn, trình bày những niềm vui và những giới hạn của việc sáng tác. Bài viết này, xuất bản năm 1975, có thể được xem như là một tiếp nối của cuộc đối thoại với Gombrowicz. Bài viết cũng có những tương đồng rõ rệt với bài của Cioran, mặc dù Milosz chủ tâm đưa ra nhiều sắc thái hơn. Milosz tin rằng lưu vong, khi được chấp nhận như là một định mệnh, có thể giúp chúng ta phơi trần những ảo tưởng. Hiện tại chế độ kiểm duyệt ở các quốc gia toàn trị đã cho phép một số trò chơi avant-garde nho nhỏ, những điều đã bị cấm đoán trước đó. Tuy vậy, khi nhà văn để lộ sự quan tâm đến cái thực tại quanh mình, chế độ kiểm duyệt sẽ giáng xuống anh ta không thương tiếc. Nếu chính nhà văn đó nhận ra mình đang ở trong cảnh lưu vong, hoặc do lựa chọn hoặc vì bắt buộc, anh ta sẽ xem việc tiếp tục phun ra những quan sát của mình như là một bổn phận. Tuy nhiên những gì được xem là nghiêm trọng chết người ở trong nước chỉ được một số ít người ở nước ngoài để tâm đến, ngay cả vì những lý do thực tình cờ, đã gợi lên một vài hứng thú cho họ. Do đó nhà văn kết luận rằng anh ta không thể bày tỏ với những người thực sự quan tâm đến những đề tài anh ta đưa ra, anh ta chỉ có thể bày tỏ với những người mà anh ta chỉ có một hiểu biết gián tiếp. Dần dà anh ta bị cuốn hút vào nhịp sống của cái xứ sở tạm dung, và những kiến thức của anh ta về cái quê hương bỏ lại sau lưng biến đổi từ những gì có thể sờ mó được trở thành những một mớ lý thuyết mơ hồ. Nếu anh ta vẫn giữ được mối quan tâm về những vấn đề đã có từ trước, tác phẩm của anh ta sẽ mất đi sự cấp thiết trực tiếp. Cho nên, nếu không muốn đánh mất khả năng sáng tạo, nhà văn lưu vong phải trải qua một cuộc ‘đổi đời’ sâu sắc.

Nhà văn lưu vong cần một nhãn quan mới, Milosz viết. Việc anh ta có đủ sức lực để vượt qua cái khoảng cách mới mẻ này hay không còn tùy thuộc vào nguồn tài nguyên mà anh ta có rất ít trong kho kiến thức dự trữ của mình. Anh ta có thể cố thử thay đổi ngôn ngữ của mình. Anh ta có thể làm như vậy theo nghĩa đen, sử dụng ngôn ngữ của xứ sở tạm dung. Hay anh ta có thể tiếp tục sử dụng tiếng mẹ đẻ trong một phương cách mà những điều anh ta viết ra sẽ được đón nhận và thấu hiểu bởi đám công chúng mới. Theo Milosz, trong trường hợp đó, anh ta không còn là một nhà văn lưu vong. Một lối đi khác, khó khăn hơn, nằm ở chỗ anh ta cố duy trì sự có mặt của mình - một sự có mặt mang tính cách tưởng tượng và lý thuyết - trên cố quốc. Một hiện diện tưởng tượng - bởi vì nhà văn phải hình dung được rằng nền văn học của xứ sở anh ta là một thực thể sinh động, phát triển hằng ngày hằng giờ, và anh ta phải làm sao để tác phẩm của chính mình đóng được vai trò trong dòng sinh động này suốt từ quá khứ cho đến hiện tại. Đó là luận điểm căn bản của Milosz. Ông rất gần với Gombrowicz ở điểm này. Cả hai đều liên tục tìm kiếm cái ‘sinh căn’ của văn hóa quê hương bằng cách thanh thoả nợ nần với quá khứ. Họ quan sát hiện tại với cặp mắt phê phán nghiêm túc. Họ giữ một khoảng cách với văn giới trong nước cũng như với cộng đồng tị nạn. Bởi vì họ có cảm giác chính họ là tương lai của nền văn học quê hương. Đó mới là cái cộng đồng thực sự của họ. Họ mong muốn sẽ chiếm lĩnh một vị trí quan yếu trong cái cộng đồng tương lai ấy. Đó là lý do tại sao họ đã say sưa chỉ trích tất cả những cơ chế giả tạo của quá khứ và của hiện tại. Người ta có thể tìm thấy trong tác phẩm của cả hai những cố gắng làm sáng tỏ những bí ẩn lịch sử của nền văn học Ba Lan, đặc biệt là nền văn học đương đại, và cả những phân tích không thương xót đối với nền văn hóa hiện đại của phương Tây.

Milosz lập luận rằng một số văn phong và thể loại, như tiểu thuyết tả thực chẳng hạn, không thể được bảo trì trong môi trường lưu vong - nguyên do bởi chính cái bản chất của chúng. Mặt khác, lưu vong - vốn bắt buộc người ta phải nhìn thế giới thật gần từ những góc độ khác nhau - ưu đãi những văn phong và thể loại khác, đặc biệt những thể loại được sử dụng để thực hiện sự biến dạng có tính biểu tượng của hiện thực. Theo Milosz, có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến niềm tuyệt vọng của một nhà văn, nhất là trong thời gian đầu của quãng đời lưu vong: sự mất tên tuổi, nỗi sợ bị thất bại, và nỗi dằn vặt về đạo đức.

Về sự mất tên tuổi: nhà văn đã tự xây dựng hình ảnh mình ở cỡ lớn bằng cách đọc thấy hình ảnh đó trong mắt của độc giả. Khi bỏ nước ra đi, hình ảnh đó trở nên mờ nhạt, và nhà văn trở thành một bộ phận vô danh của đám đông.

Về nỗi sợ bị thất bại: nhà văn nhận ra mình nay thuộc về một cộng đồng viết lách cứ chực dâng mình cho một thứ nghi thức thiêng liêng nào đó, ở đó người ta chỉ có tán tụng và phỉ báng lẫn nhau. Nhà văn mất đi điểm "qui chiếu" của mình và bắt đầu cho rằng sẽ chẳng bao giờ còn có khả năng đứng vững trên hai chân mình.

Hiểu được sự thất bại - hiểu được sự chao đảo của điểm quy chiếu tập thể - là một điều kiện để đạt chiến thắng. Nhưng cái chiến thắng này thực đáng ngờ về mặt đạo đức. Lương tri của nhà văn trải qua những cơn đau nhói vì không thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với bạn đồng nghiệp mà anh ta đã bỏ lại phía sau. Niềm thống khổ này, gắn liền với cái hình ảnh đầy hùng tính của chính mình, hiếm khi giúp nhà văn sáng tạo được những tác phẩm có giá trị đạo đức và đồng thời vẫn giữ được một hình ảnh không tì vết của chính mình - Milosz kết luận.

Những điều nêu trên, theo Milosz, là những muộn phiền của kiếp lưu vong. Phải chăng chỉ có nhà văn lưu vong mới phải vật lộn với những khó khăn đó? Phải chăng những đồng nghiệp của anh ta, những người sáng tác bằng ngôn ngữ của họ và di chuyển trong cái thế giới họ đã quen thuộc từ thời thơ ấu, được ở trong một hoàn cảnh khả quan hơn? Phải chăng họ thực sự được đọc và được hiểu? Chẳng phải sáng tạo trong thế giới hiện đại là công việc của những người cô đơn - một tín hiệu lẻ loi gởi đi bởi những kẻ bị tước đi quyền thừa kế - hay sao? Cái thử thách tối hậu của sự thành công, điều quyết định vị trí trung thực của nhà văn trong văn học, chỗ đứng của anh ta trong văn đàn, chính là cái sức mạnh của ngôn ngữ anh ta dùng. Liệu ‘sức mạnh ngôn ngữ’ của anh ta có thể được gìn giữ và phát triển đầy đủ để trở thành hiệu quả trong một bối cảnh xa lạ? Câu trả lời từ một trong những nhân chứng có thẩm quyền về những tiến trình này, Czeslaw Milosz, là "có." Ông bảo rằng việc cư ngụ lâu dài ở nước ngoài đưa đến sự nghèo nàn về văn phong văn thể là không đúng. Sự thực là trong khi một vài lĩnh vực của ngôn ngữ có thể trở nên nghèo túng đi (ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày, trên đường phố, hay những phương ngữ), những khía cạnh và âm sắc mới mẻ của tiếng mẹ đẻ được bộc lộ và trở nên mạnh mẽ và trong sáng hơn ở những lĩnh vực khác.Những ai đã tiếp xúc với thơ của Milosz và văn xuôi của Gombrowicz sẽ đồng ý với nhận xét trên. Đây là kết luận quan trọng nhất rút ra từ cuộc đối thoại về những đau khổ và hoan lạc của việc sáng tác trong cảnh lưu đày. Có thể là như thế, và đôi khi là như thế. Người ta phải trả giá cho sự thành công. Mà cũng chẳng có một bảo đảm nào cho thành công, và cả điều này nữa cũng đã được nói rõ trong cuộc đối thoại của hai nhà văn lưu vong Ba Lan mà tôi đã cố gắng tái tạo ở đây.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021