thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Võ Phiến, tình nghĩa giáo khoa thư

 

Lời tác giả: Tôi viết bài này vào tháng Tám năm 1998, đầu tiên đăng trên tạp chí Văn Học (California) số đặc biệt về Võ Phiến, sau in lại trong cuốn Văn hoá, giới tính và văn học (Văn Mới, California, 2005). Nay tôi gửi đăng lại bài viết này trên Tiền Vệ như một nén hương tưởng niệm nhà văn Võ Phiến (1925-2015).

 

Lần đầu tiên đọc Võ Phiến, tôi đọc trong sách giáo khoa. Cái đoạn trích của bài tuỳ bút trong trang sách học, như một bài văn kiểu mẫu, nói về cái thị xã già nua mà tôi đang ngày ngày hai buổi cắp sách tới trường: phố thị có cảnh người khách ngồi bên lề Chùa Cầu, hay Lai Viễn Kiều, vội vàng co chân mỗi khi có chiếc Land Rover nào đó chạy ngang để khỏi bị quẹt.

Chùa Cầu ngày đó hãy còn xe cộ thung thăng qua lại và những ông thầy bói vừa ngồi ủ rũ đuổi ruồi vừa nghe ngóng khách hàng. Chùa Cầu với hình ảnh mấy con khỉ và chó ngồi trấn yểm mối hoạ của nước Nhật đã là biểu tượng cho niềm tự hào địa phương về những giao tiếp sớm sủa của mình, và bây giờ, trong ngòi bút của Võ Phiến, lại là bằng chứng sống động nhất cho sự chật hẹp và cổ lỗ của cái phố thị dưỡng già này.

Và Hội An, chốn phố thị ấy nhỏ thực, nhỏ hơn Đà Nẵng, cái đô thị sinh sau đẻ muộn nằm sát nách nó rất nhiều. Ngày nay người ngồi hai bên Lai Viễn Kiều khỏi phải co chân nữa vì cầu chỉ dành cho những người đi bộ với hai rào cản bằng gỗ cao ngang gối chặn ở hai đầu. Móng cầu nghe đâu đã lún. Những ông thầy bói đã bị đuổi đi từ lâu. Và mối giao tiếp bên ngoài của chốn phố buồn trong bài học ngày nào lại có dịp hồi phục với hình ảnh những du khách Tây phương lượn lờ đầy phố. Nhưng Võ Phiến chưa hề có dịp trở lại chốn ấy để một lần nữa bắt gặp lịch sử, bắt gặp cả cao lầu để ngồi đâu đó bẻ cúc cắc mấy mảng bánh tráng, ăn từ từ, vừa ăn vừa ngắm nghía những cây cột tròn to tướng và đen bóng để suy nghĩ về từng ngọn ngành chi li của cái lịch sử cao cả của vùng đất ấy...

Võ Phiến viết nhiều và viết với một giọng văn vừa dí dỏm vừa tinh tế như những sợi tóc chẻ ra làm tư làm tám, với những ý tưởng dàn trải từ đề tài rộng lớn nhất đến những cái nhỏ nhất và tinh tế nhất. Như có thể lắng tai nghe ngóng sự lay động của những chồi cây bật mầm giữa những âm thanh hỗn độn của một thời đại đang rầm rập chuyển mình, ông có thể lặng yên thả hồn theo sự lay động của một vạt áo dài, theo mùi hương nước mắm đọng trên đầu lưỡi bà cô già giữa những cơn trở mình trằn trọc với những băn khoăn phù thế, với những ý tưởng vô cùng buồn thảm về cuộc chiến tưởng sẽ không bao giờ dứt.

Nếu diễn tả một cách màu mè rằng sự đa dạng của nhà văn lấp lánh như một hạt kim cương, thì cái sự khai phá một hay hai facet phản quang bé tí của nó tưởng cũng thú vị lắm rồi. Với tôi, luôn có cái gì đó day dứt trong những dòng tuỳ bút của Võ Phiến. Day dứt và mơ hồ như cơn mưa dai dẳng chiều nào ở tỉnh lẻ có người ngồi chờ mưa ngớt, rồi trông đợi cái gì đó không rõ; day dứt như niềm nhớ về những vùng đất đi qua có bao kỷ niệm gắn bó; day dứt như những ý tưởng nào đó đã từng trăn trở, đã từng hiện lên trong tâm tưởng nhưng sao giờ đây bỗng trở nên phai nhạt, mơ hồ, không thể nào nhớ nổi!

Rời đoạn văn về chốn phố thị buồn thiu ngày ấy, tôi có dịp đọc Võ Phiến nhiều hơn. Cũng như những con người của mảnh đất trong bài tuỳ bút ấy, những kẻ phải rời bỏ vùng đất chật hẹp để tìm lấy những vận hội mới, tôi cũng từng bao phen xuôi Nam trẩy Bắc. Những lúc mệt nhừ sau mấy chặng tàu xe chật hẹp và hôi hám, đứng ngơ ngác giữa những bến xe hay nhà ga hỗn tạp đầy cảnh đón đưa, đầy cảnh ăn xin ăn cướp, đầy cảnh ăn gian chửi thề, để rồi, chợt nhớ đến những lời văn thủ thỉ tâm tình của Võ Phiến:

Sài Gòn có biết chăng sự chắt chiu của các địa phương khi gom góp chọn lựa gởi về đây những con em yêu quý của mình. Từ đây Sài Gòn rồi sẽ phân phát... Nhưng những hạt giống vãi ra, tranh nhau tìm sống, có hạt nẩy mầm lớn lên thành cây mạnh mẽ, nở hoa, ra quả, mà cũng có hạt tịt đi, có mầm héo non. Có những cuộc đời tài hoa rồi tàn lụi đi, im lặng, không ai hay biết, đây đó trong đô thành.
 
Một chiều nào đó, họ xuống máy bay, tay xách chiếc va-li, ngơ ngác bước theo chân cô tiếp viên hàng không, cánh quạt của chiếc máy bay mới đến sau xua gió ào ào thổi tốc áo quần làm cho họ càng chơi vơi trong buổi đầu tiên... Một xâm xẩm tối nào đó, họ bước xuống bến xe đường Pétrus Ký, mình mẩy ê ẩm, đứng ngước mặt chờ đón lãnh chiếc va-li nặng từ trên trần xe đưa xuống...”[1]

Vậy đó, hình ảnh một công chức nhà nước đang thi hành phận sự, chứng kiến cảnh kẻ chết nằm chờ thân quyến về chịu tang mà có thể nghĩ ngợi xa xôi đến tình cảnh phiêu bạt, chìm nổi của biết bao đứa con từ một vùng đất chật hẹp có cái gì đó cảm động quá. Người ngoài cuộc mà thấu tận tim gan thì làm sao người “qua cầu” không se sắt, bồi hồi? Bởi vậy, cứ mỗi lần lật một trang sách của Võ Phiến, tôi không khỏi lâng lâng một thứ tình cảm tựa như “Tình nghĩa giáo khoa thư”. Hai nhân vật của Sơn Nam tranh nhau đọc nốt phần còn lại những bài tập đọc mình đã thuộc lòng và trở nên thâm tình. Còn Võ Phiến, khởi đi từ bài văn trong trang sách giáo khoa ngày ấy, những gì mà tôi từng day dứt, từng ấm ức hay định nói ra, hình như ông đã nói hộ cả rồi!

 

Võ Phiến, giữa đất và người

Đất ở đây cũng có thể là con đất, cũng có thể là một tổng thể hoà hợp những yếu tố nhân văn và tự nhiên của một địa phương nào đó. Đất thế nào thì người thế ấy. Xưa Khổng Tử từng đoan quyết về tính tình cứng cỏi của người sống trên đất rắn, sự nhút nhát của người sống trên đất mềm, nét đẹp của người sống trên đất nở, sự xấu xí của người sống trên đất đất thưa mỏng, sự tỉ mỉ của người sống trên đất rắn đen vv...[2]

Dĩ nhiên đất rắn, nở hay thưa mỏng không phải là nguyên cớ duy nhất làm nên cá tính con người. Đấy chỉ là một trong những biểu hiện của bao yếu tố tự nhiên và nhân văn đã tạo thành những đặc điểm kinh tế văn hoá của “đất”.

Có thể đó là đất Bình Định, nơi có những cô gái biết múa roi đi quyền, nơi có những người dân chiều nào nhìn én lượn mà cảm thương cho chú Lía đang bị vây khốn trong thành. Nhưng Võ Phiến còn miên man nói đến những giọng nói ngăn cách núi đèo, đến tình cảnh những đoàn lưu dân thời nào, đến lý do của bao thế hệ lưu lạc: người Bình Định thì thương kẻ Phú Yên mà sao Nghệ-Quảng cứ là hững hờ cách biệt? Bởi trong lịch sử trùng trùng những cuộc Nam tiến ấy, đâu có cuộc xuôi Nam nào giống cuộc xuôi Nam nào? Bởi, có những đoàn lưu dân ra đi “hoặc tuân theo chiếu vua kêu gọi, hoặc mang án lưu hình vv..., đã đi là đi luôn, đi để lập nghiệp ở các miền đất mới, không tính ngày về...”. Bởi, có những kẻ cũng ra đi nhưng không phải “từ bỏ một quê hương để nhận lấy cho mình một quê hương mới”; như “anh Bình Định” lưu lạc đất Phú Yên trong những cuộc di dân tự động, anh còn gắn bó với nơi chốn “có cha mẹ, có mồ mả tổ tiên, có cả những dính líu về tài sản ruộng đất nữa.”[3]

Đất đó có thể là đất Đồng Nai lục tỉnh mênh mông một dải ngày nào mới khai phá, con người bơ vơ giữa trời đất bao la nên lòng cứ là hiếu khách. Và những con người từ muôn phương về đây “lập chí” trở nên hào sảng theo khuôn mẫu của những hảo hán đầy tiết nghĩa, trọng nghĩa khinh tài trong những truyện chương hồi Tàu một thời phổ biến, theo khuôn mẫu của những hảo hán Thiên Địa Hội ngày nào mới ngơ ngáo tỵ nạn và chăm chăm phản Thanh Phục Minh. Cái hào sảng, cái tấm lòng hiếu khách ấy lại được Võ Phiến tô điểm với một cái nhìn đầy ý vị. Vùng đất hoang sơ cho những kẻ “lập chí” một thời ấy còn nhung nhúc những “Gắn, gùa và gụ” đầy mời mọc, làm sao con người trên những xóm làng hiu hắt buồn teo “cầm lòng” cho đặng? Thành thử cuộc vui nào cũng sặc sụa hơi men và người ở đây ai cũng trở thành cao đồ của Lưu Linh.[4]

Đất đó cũng có thể là đất ven một cửa sông cửa biển ngày nào từng tấp nập thuyền bè và bây giờ chỉ còn lại một phố thị buồn hiu. Có ai ngoài Võ Phiến lặng ngắm những hàng cột đá được chở từ bên Tàu sang, ở một ngôi chùa ở Hội An, mà nghĩ đến lý do đã khiến người bạn nhu mì gốc Quảng “trong khi ngồi lơ mơ nặn mụn” không chỉ “nghĩ tới người bạn trăm năm”, mà còn nghĩ ngợi đến những chuyện chính trị cách xa ngàn dặm để có thể “hỏi tới đâu vanh vách tới đó”. Có ai đã nối được những dấu gạch nối giữa những cột đá với những gánh sách “tân thư” đem về từ những nơi chốn xa xôi cho những sĩ phu đất này để rồi truyền lại dòng máu “chính trị luân lưu” cho cả mấy thế hệ “ba sinh hương lửa”?[5]

Đất cũng có khi là đất thần kinh có cái ăn “dồi dào nhất miền Trung”, có cái mặc “tục ngữ còn xếp hạng trên xứ Bắc”, và cả những “lời dịu dàng dễ nghe” của những “người khôn..... Họ còn đi xa hơn sự dịu dàng một bậc nữa: họ nhỏ nhẹ”. Huế dưới cái nhìn của Võ Phiến là Huế của một xã hội thư lại, nơi “lời nói sống sượng của nông dân được ca ngợi là chất phác” sẽ có thể “làm hỏng một tương lai nghề nghiệp”; nơi những gì “hồn nhiên bộc trực vv... là những cái cấm kỵ”, nơi “người đàn ông tập quên những cơn phẫn nộ, người đàn bà tập dằn nén tình cảm, dìm nó xuống thật sâu nơi đáy lòng”.[6]

Con mắt của Võ Phiến đã tinh tế soi rõ từng ngóc ngách của từng số phận, từng đặc tính mà đất đã hằn lên con người. Và đó không phải là con mắt thuần lý. Qua những đốt mía róc sẵn cắm que, Võ Phiến nhìn ra sự “chịu thương chịu khó” của những con người miền Nam vốn không xuất sắc lắm về đức cần cù nhưng đang sống trong môi trường rộn rịp những hoạt động thương mãi.[7] Ông “thương gái miền Trung”, thương những thiếu nữ suốt đời ru rú trong nhà vì thiếu hội hè, thiếu những hội bà Chúa Xứ, thiếu những hội chùa Thầy, chùa Hương hay ngày vía đức Phật Thầy, Đức Bà nào đó để mà khoe màu áo mới.[8] Ông nhìn ra những gắn bó cố tri của mấy tâm hồn già nua qua những hạt bọt trà, giữa chiếc om đất và những bát nước chè.[9]

Nghe Võ Phiến lan man về những miền đất đi qua, chúng ta có cái cảm giác ấm cúng của một tối mùa đông ngồi nhẩn nha bên ấm trà bốc khói hóng chuyện giang hồ, chúng ta cảm thấy cái mát rượi của một trưa hè giăng võng nằm mơ mộng dưới bóng cây râm và thả hồn theo những trang sách phiêu lưu. Đọc Võ Phiến chúng ta bắt gặp cái hương vị “đã cay lại thơm” của bún bò Huế, bắt gặp âm thanh “cúc cắc” của những mảng bánh tráng hay vỏ đậu đang vỡ tan, bắt gặp những đám bọt chè “ập tới, bám riết quanh mép” của người nông dân, bắt gặp những giọng nói cách biệt núi đèo của miền Trung và những kênh rạch chằng chịt nối liền giọng hò một cõi miền Nam.

Và chúng ta chợt nhận ra sự gắn bó giữa nết đất và nết người, cảm được cái tình đất-người thắm thiết của hằng trăm địa danh quê hương mà không cần viện đến những phán ngôn cả quyết hách dịch như Khổng tử, không phải viện đến những “lý khí” nặng nề như Lê Quý Đôn...

 

Võ Phiến, giữa thế cuộc và người

Võ Phiến bị xếp hạng “chống cộng hăng say và thâm độc”, bị xếp hạng “cực kỳ phản động”; cách đây gần hai mươi năm tôi đã đọc những kết luận hằn học như thế về nhà văn đã chọn lựa “đứng hẳn trong trận tuyến đối lập với nhân dân” chỉ vì những “thâm thù cá nhân”. Nhớ mang máng trong Cuộc xâm lăng của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận tư tưỏng văn hoá của Lữ Phương với đoạn trích, trích từ Bách Khoa, như một bằng chứng: Võ Phiến bị bắt cải tạo, bị quản chế “cực khổ trăm đường” và đã nhân cơ hội đi bán gà, “gồng gánh chợ xa, thừa cơ trốn thoát...”.

Có thực chỉ là những thâm thù cá nhân? Đáng ngờ lắm: có hằn học, họ cũng hằn học chỉ vì Võ Phiến đã xoáy vào kẽ hở nhức nhối nhất của cái hệ tư tưởng chà đạp và huỷ hoại phần cá nhân ở mỗi con người. Và ông đã xoáy một cách đầy tính người.

Cứ nghĩ đến những nạn nhân của nó, thấp thoáng đó đây trong những dòng chữ của Võ Phiến, những con người “đầy thiện chí” nhưng sự trớ trêu của thời thế đã biến họ thành những tội nhân vô duyên, bị nghiền nát trong một hệ thống tiêu diệt nhân tính. Đây là vị lãnh tụ “Không biết lòng dạ ra sao, tim óc ra sao” và “cái gì cũng đáng trách, đáng giận quá”.[10] Kia là những thuộc hạ “lòng dạ như sắt nguội”[11] đang “ra công tu luyện để trút bỏ những tình cảm và phần nhân tính” để trở thành công cụ biết nói, chỉ biết hành động theo những giáo điều và những nghị quyết.[12] Võ Phiến chống lại một hệ thống những giáo điều huỷ hoại phần hồn của con người bởi chính ông cũng là một con người.

Đó là người đang trầm lặng với “những ý nghĩ vô cùng buồn thảm, đen tối”, người đã bỏ qua một bên những tin tức đang chế ngự dòng tít lớn của các tờ báo, bỏ qua những đề tài chế ngự chương trình nghị sự của các vị bộ trưởng, các nhà đạo đức tự phong để lặng lẽ suy tưởng về bước chân của những đứa “trẻ đồng xanh” đang bị đầu tư vào cuộc chiến tương lai ngay cả khi cuộc chiến này vẫn chưa chấm dứt.

Đó là người, trong cái chập chờn giữa tỉnh và mê trong những ngày đầu ngơ ngác trên đất lạ đã thầm cảm ơn người hàng xóm:

Trái lại, tôi hoàn toàn thông cảm cái nhảm nhí của người hàng xóm da đỏ, một khuya mùa hè, hơi men bốc lên, to tiếng gây gổ làm huyên náo cả khu phố. Hãy tưởng tượng: Nửa đêm hè, nằm trong nhà mà tất cả đều mở cửa để đón mọi cơn gió, để mắt có thể trông thấy mấy cành lệ liễu phất phơ ở bên hè phía này, bụi tử đinh hương ở góc vườn bên kia, có thể trông thấy cái tán lá đồ sộ của cây sồi đầu xóm..., đêm hè như thế đang ngon giấc bỗng giật mình thức dậy, thần trí còn hoang mang, nghe có tiếng lè nhè cãi cọ, lại nghe có tiếng quát nồng nặc hơi men ở hàng xóm, nghe tiếng đàn bà léo nhéo, có tiếng bà con can thiệp, có tiếng bát dĩa khua lẻng kẻng trên bàn nhậu bày giữa vườn, một cảnh tượng như thế quen thuộc biết chừng nào! Trong lúc tâm thần bất định, cứ tưởng chừng như anh Tư Tắc-xi đang cự nự với chú Năm Ba-Gác ở chỗ quán nhậu đầu con hẻm bên Sài Gòn...[13]

Làm sao có thể tin được rằng một người chỉ mới lần đầu ngơ ngác trên cảnh đẹp xứ người đã tiếc rẻ:

Phải chi cảnh đẹp đẽ và thanh bình này mà “ở ta” thì cái thú thưởng ngoạn mới đậm đà ngây ngất đến đâu! “Ở ta” thì có cảnh lại có tình, có cái lộng lẫy của hiện tại còn có các kỷ niệm của quá khứ lẩn quất..

là người đã sống trọn đời người với những “thâm thù cá nhân”? Cái con người, cũng trong cảnh vật ấy, đã miên man:

Thế nhưng, nghĩ đến một này kia, khi chúng ta đã thâm nhập vào cuộc sống xứ này đến cái độ không còn mỗi lúc mỗi hồi tưởng về những kỷ niệm ở quê hương... Có cái ngày ấy chăng? Dù sao chỉ nghĩ tới đã thấy xót xa.[14]

Chất người đó bàng bạc khắp nơi và chúng ta hiểu rằng nếu có chọn lựa, Võ Phiến không hề chọn lựa vì những thâm thù cá nhân. Có cay độc, có hay khiếm nhã ấy là những cái cay độc và khiếm nhã của một con người, và vì con người, do đó, rất là nhân bản.

Võ Phiến có những phân tích chính trị sắc bén và tách bạch nhưng đôi lúc cũng có “tiên tri” sai lầm. Cái sai lầm của những ngày đầu tin tưởng “cứ để chúng yên trên núi, chúng sẽ hoá thành khỉ” cho đến khi cuộc chiến tràn lan để cho những “nam phụ lão ấu”, những nhà “đạo đức không có nhiệm kỳ” tự trao cho mình “trách nhiệm che chở cái lương tâm nhân loại” cau mày khó chịu.[15]

 

*

 

Bao nhiêu mùa thu đã trôi qua, cái tình cảm “mỗi lúc mỗi hồi tưởng về kỷ niệm của quê hương” vẫn còn y nguyên hay đã phai lạt dần? Tôi nhớ lại những lời tranh luận sôi nổi về nguồn gốc cái tên ngày nào của chốn phố thị trong trang sách giáo khoa ngày thời bé: Faifo là “Phải Phố”, “Hải Phố” hay “Hoài Phố”? Người ta cãi nhau ra rít nhưng riêng Nguyễn Tuân thì quá đỗi bằng lòng với cái tên Hoài Phố, bởi có vậy thì: “Chao ơi, chỉ có đất nước ta mới có những địa danh gợi cảm như thế: Một con sông chảy ngang qua Phố Nhớ để rồi đổ về biển Đợi”.[16]

Con sông ấy, cái phố thị đứng Nhớ và cái cửa bể nằm Đợi ấy có lẽ Võ Phiến đã đi qua. Còn vô số những địa danh khác, ở những dòng tuỳ bút miên man hoài niệm của Võ Phiến, rồi cũng hoá thân thành những niềm nhớ triền miên. Còn biển, dĩ nhiên, từ bao giờ biển vẫn cứ mãi đợi chờ vì nếu xưa người có ra đi, người cũng ra đi từ biển!

 

8.1998

 

____________

Chú thích:

[1]Võ Phiến (1986), “Hội an”, Tùy bút (Văn Nghệ, California).

[2]Lê Quý Đôn, “Lý Khí Loại”, Vân Đài Loại Ngữ, tr. 40 [Bản dịch của Lê Hiền và Phạm Vũ].

[3]Võ Phiến, “Anh Bình Định”, sđd.

[4]Võ Phiến, “Gắn, Gùa và Gụ”, sđd.

[5]Võ Phiến, “Hội An”, sđd.

[6]Võ Phiến, “Giọng Huế”, sđd.

[7]Võ Phiến, “Của mắm và người”, sđd.

[8]Võ Phiến, “Thương gái miền Trung”, sđd.

[9]Võ Phiến, “Hạt bọt trà”, sđd.

[10]Võ Phiến (1987),”Bắt trẻ đồng xanh”, Tạp luận (Văn Nghệ, California).

[11]Võ Phiến, “Tiếng Cú”, sđd.

[12]Võ Phiến, “Thác đổ sau nhà”, sđd.

[13]Võ Phiến, “Giã biệt mùa nắng”, Tùy bút.

[14]Võ Phiến, “Một mùa thu”, sđd.

[15]Võ Phiến, “Dù có bao giờ”, Tạp luận.

[16]Một bài viết về Hội An của Nguyễn Tuân, ghi lại theo trí nhớ.

 

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021