thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Văn chương trên "lưới"

Sự xuất hiện của các tạp chí văn học trên Liên mạng là một trong vài biến cố quan trọng nhất trong sinh hoạt văn học Việt Nam tại hải ngoại. Hiện nay, hầu hết các tạp chí văn học nổi tiếng ở hải ngoại, như Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Tạp chí Thơ, Hợp Lưu đều được lên lưới (nghĩa là được đưa vào Liên mạng). Tạp chí Việt, mới ra đời, mà cũng đã có ngay một ấn bản điện tử trên Liên mạng. Đó là chưa kể có hẳn một số tạp chí văn học trên Liên mạng do các chuyên viên về kỹ thuật, đặc biệt là về điện toán thực hiện.

Cách đây mấy thế kỷ, sự xuất hiện của kỹ thuật in đã làm thay đổi hẳn diện mạo văn học thế giới. Cách đây mấy thập niên, sự phát triển của điện ảnh và sự xuất hiện của máy truyền hình đã góp phần làm thay đổi văn học, đặc biệt là tiểu thuyết, khá nhiều. Hiện nay, với sự xuất hiện của Mạng nhện toàn cầu (World Wide Web) và việc đưa các tác phẩm văn học cũng như các tạp chí văn học vào mạng lưới ấy để độc giả khắp nơi có thể theo dõi một cách nhanh chóng và rộng rãi trên máy điện toán cá nhân của mình chắc chắn sẽ tạo ra những ảnh hưởng quan trọng trong việc đọc và việc viết của chúng ta.

Lần này, ảnh hưởng chắc chắn sẽ nhanh và triệt để hơn những lần trước nhiều. Phải mất đến mấy thế kỷ, kỹ thuật in ấn mới hoàn chỉnh và phổ biến trên khắp thế giới. Còn Liên mạng thì chỉ mới xuất hiện khoảng bốn, năm năm mà đã tràn ngập khắp nơi. Trong bài "At the Cyber Frontier" đăng trên nhật báo The Australian ngày 14 tháng Tư 1998, George Megalogenis cho biết, theo một bản tường trình tại Quốc hội Hoa Kỳ mới đây, cứ khoảng 100 ngày thì số người sử dụng tăng lên gấp đôi. Cách đây hai năm chỉ có khoảng 40 triệu người sử dụng Liên mạng, bây giờ con số ấy đã tăng lên 100 triệu (trong số này có khoảng 62 triệu là tại Hoa Kỳ). Đến năm 2005, sẽ tăng lên một tỉ. Năm ngoái, trị giá hàng hoá được bán qua hệ thống Liên mạng là sáu tỉ đô la; người ta ước tính con số ấy sẽ tăng lên khoảng 300 tỉ vào năm 2002. Riêng trong thị trường sách vở, tại Hoa Kỳ vào năm 2000, số sách bán được qua Liên mạng sẽ chiếm khoảng 20% tổng số sách tiêu thụ được.

Hiện nay, Liên mạng có thể vẫn là cái gì còn khá xa lạ với những người lớn tuổi, nhưng nó đã rất quen thuộc với thế hệ trẻ, ngay cả những em đang học tiểu học. Cũng trong bài báo dẫn trên, tác giả nhắc lại lời nhận định của Ira Magaziner, một trong những cố vấn của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton: "Bất cứ người lớn nào mà nghĩ là họ hiểu Liên mạng hơn trẻ em đều là điên rồ, kể cả Bill Gates." Ông giải thích: "Trẻ em lớn lên với Liên mạng; Liên mạng thật tự nhiên với chúng. Nó giống như học một ngôn ngữ mới từ tuổi thơ ấu, lúc đó bạn sẽ tiếp nhận tự nhiên hơn là chờ đến lúc đã lớn tuổi." Ira Magaziner kể một ví dụ: mới đây, khi giúp đứa con gái 10 tuổi của ông làm một bài tập ở nhà, trong lúc ông nghĩ đến việc lái xe ra thư viện để tìm tài liệu thì con gái ông đã nhanh chóng để mở máy điện toán để vào Liên mạng. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, cô bé đã tìm được một khối lượng tài liệu khổng lồ mà bình thường chúng ta phải mất mấy ngày mới kiếm ra từ thư viện.

Chúng ta cứ tưởng tượng: khi thế hệ của cô bé con của Ira Magaziner vào đại học, tức chỉ khoảng bảy, tám năm nữa thôi, việc đi vào thư viện để tìm sách, rồi sau đó, cầm sách đọc nhâm nhi như chúng ta hiện nay có thể là một việc làm xa xỉ, lãng phí thời gian một cách vô ích. Lúc ấy, chỉ cần mở Liên mạng ra là người ta tìm được đủ thứ với một tốc độ nhanh gấp trăm lần cung cách làm việc của chúng ta bây giờ.

Cái ngày ấy thế nào cũng xảy ra chỉ trong năm, mười năm nữa chứ không lâu gì lắm đâu. Chúng ta không thể không đặt câu hỏi: lúc ấy, người ta sẽ đọc như thế nào?

Ngay bây giờ, chúng ta cũng thấy là cách chúng ta đọc, chẳng hạn tờ Việt trên giấy in và tờ Việt trên Liên mạng không giống nhau. Đọc bản in, chúng ta có thể đọc từ từ, nhẩn nha để thưởng thức những cách diễn đạt bóng bẩy, những cách ví von ngộ nghĩnh, v.v... Còn đọc bản điện tử trên Liên mạng có lẽ chúng ta chỉ lướt qua thật nhanh để nắm bắt những ý chính. Nhiều người lớn tuổi cho biết là sau khi lướt qua thật nhanh như thế, họ sẽ in những bài họ thích ra giấy để đọc từ từ. Họ cho cái đọc sau mới là đọc thật. Theo thiển ý của người viết, đó chỉ là tàn tích của thói quen đọc sách in của những người đã lỡ trưởng thành trong thời đại văn minh chữ in. Còn đối với những trẻ em ngay từ tiểu học đã làm quen với việc đọc thẳng trên Liên mạng thì sao? Với chúng, có lẽ đọc trên Liên mạng cũng là một thói quen như chúng ta cầm cuốn sách trên tay vậy. Mà như thế thì đến thế hệ chúng, chúng sẽ không cần đến cái động tác in ra giấy để đọc. Lúc ấy, với chúng, đọc có nghĩa là đọc trên màn ảnh máy điện toán; cũng có nghĩa là đọc cái gì cũng là đọc lướt, đọc cái gì cũng là đọc vội. Chúng sẽ đọc từ đầu đến cuối tạp chí Việt ấn bản điện tử chỉ trong vòng mười, mười lăm phút rồi lướt con chuột sang những trang văn học nghệ thuật khác. Giả dụ người ta có đem Truyện Kiều lên Liên mạng thì kiệt tác văn học ấy cũng chỉ được lướt qua bằng những cái quét mắt vội vã trên màn ảnh máy điện toán như thế.

Trong cuộc nói chuyện kéo dài với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng sau này được in trong cuốn Viết, nhà văn Võ Phiến nhận định là trong thời đại của chúng ta cái gì cũng vội vội vàng vàng: ăn thì fast food, uống thì espresso, đọc thì nhảy lóc cóc từ đoạn này sang đoạn khác. Ông cho nhịp sống hối hả như thế tất sẽ ảnh hưởng đến văn chương. Ông có vẻ lo lắng. Thế nhưng chỉ khoảng nửa năm sau cuộc nói chuyện ấy, với sự ra đời của Mạng nhện toàn cầu, tốc độ phát triển của sinh hoạt trí thức nhanh đến độ khủng khiếp khiến sự kiện đọc lướt theo kiểu cũ cũng trở thành lề mề, chậm chạp. Không biết nếu Võ Phiến có dịp nhìn các sinh viên hiện nay quét mắt đọc thơ, văn hay tài liệu tham khảo trên màn ảnh Liên mạng, ông sẽ kinh hãi đến đâu.

Dù sao, nhận định của ông vẫn đúng:

...sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông điện tử thời nay làm đảo lộn nếp sống con người có thua gì sự xuất hiện chữ viết trước kia. Đảo lộn sâu xa và cấp kỳ hơn trước nhiều chứ. [...]. Các phương tiện điện tử không phải chỉ thay đổi nếp sống, chúng nó thay đổi luôn cách cảm nghĩ của chúng ta nữa. [...]... không phải chỉ có tâm lý độc giả thay đổi, mà chính tâm lý các tác giả cũng thay đổi nữa... Kẻ viết người đọc đều thay đổi, làm sao sáng tác phẩm vẫn như xưa! (Võ Phiến, Viết, Văn Nghệ, 1993, tr. 209, 211 & 220)

Liên mạng sẽ thay đổi cách sống, cách nghĩ, cách đọc và cách viết của chúng ta là điều không thể hoài nghi được. Chúng ta chỉ băn khoăn là chưa biết chiều hướng thay đổi sẽ như thế nào mà thôi. Tương lai có lẽ thuộc về những người nào trả lời sớm và trả lời đúng câu hỏi ấy.θ


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021