thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tâm sự ba tê

Trong tiếng Việt có ba chữ tê rất hay để chỉ tương quan so sánh giữa mình và người, đó là: Ta - Tàu - Tây. Nghĩ về cuộc hội nhập của nước nhà hôm nay vào thế giới hiện đại, tôi thường ngâm ba từ bắt đầu bằng chữ T đó.

1. Đọc ca dao tôi đã nhiều lần ngỡ ngàng trước những thái cực đối lập trong kinh nghiệm ứng xử của cha ông. Người bảo thật thà là cha quỷ quái, nhưng rồi lại bảo thật thà là cha dại. Người đã biết nhìn xa ra ngoài mình ở nhà nhất mẹ nhì con / Ra đường còn lắm kẻ giòn hơn ta, nhưng rồi người lại lo không giữ nổi mình, nên khuyên: Ta về ta tắm ao ta / Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

Từ ngỡ ngàng tôi thấy thông cảm và xót thương cho cha ông. Đi ra với người với ngoài từ xưa đã là một khát vọng. Nhưng biết đi ra là có lợi, là mở mang, là phát triển mà vẫn sợ. Sợ gì? Sợ đủ thứ. Tâm lý dân mình có nét sợ cố hữu này. Thế là để cho chắc ăn, khỏi sợ hay bớt sợ, tốt nhất là quay lại mình với mình, ta với ta, đóng cửa dạy nhau, làm thì trên đồng cạn dưới đồng sâu, ăn thì râu tôm nấu với ruột bầu.

Nhà thơ ngang tàng họ Cao ở thế kỷ trước, một hôm đọc tập thơ của bạn mình thấy bạn vết chân đã in khắp trên non sông muôn dặm, khi trở về trong bụng chứa đầy sách vở đã thích chí kêu lên: Chà chà. Làm trai như thế thật khoái. Rồi ông tự phàn nàn: Chỉ đóng cửa mà gọt giũa câu văn / Lải nhải nhai lại từng câu từng chữ / Có khác chi con sâu đo muốn đo cả đất trời / Từ khi vượt biển qua đất Ba Sơn / Mới cảm thấy vũ trụ là bao la / Chuyện văn chương trước đấy thực là trẻ con / Trong thế gian này có ai thật là bậc tài trai / Mà lại phí cả một đời đọc mấy pho sách cũ? Mới thấy ông giận thân ghê lắm.

2. Ta học của Tàu của Tây để làm giàu cho mình, giàu về kinh tế về trí tuệ về cảm xúc, chứ không nô lệ, vọng ngoại. Gần sáu mươi năm trước, chàng thi sĩ Xuân Diệu mới tuổi ngoài đôi mươi đã nghĩ sâu sắc:

Cái học của Âu Tây đã làm cho chúng ta tinh vi, kỹ lưỡng; vì sao chúng ta không nói những điều ấy trong văn Việt Nam? Chúng ta là người An Nam có chịu ảnh hưởng Âu Tây, nhưng vẫn là người An Nam. Mà người Âu Tây là gì? Họ cũng là người. Khi xưa, nước An Nam cũng vẫn có những mỏ dầu hoả đấy chứ, cái dầu hoả mà khoa học Âu Tây tìm ra trên đất An Nam có phải dầu hoả Tây hay không? Chúng ta phải giữ gìn cho tính cách An Nam. Điều ấy rất phải. Nhưng giữ gìn bờ cõi có phải là đóng hết cửa biển, tuyệt hết giao thông, bế tắc cả nước lại đâu. Giữ gìn không phải là đành tâm mến yêu một cảnh nghèo đói.

3. Hơn mười năm qua Việt Nam đang đi vào nền kinh tế thị trường. Và thị trường kinh tế Việt Nam đang cố gắng thống nhất với thị trường thế giới, trở thành một bộ phận của thị trường chung toàn cầu, chịu ảnh hưởng nhưng cũng có tác động trở lại thị trường chung đó. Muốn thế, các sản phẩm trên thị trường Việt Nam do trong nước sản xuất phải được đo lường, đánh giá theo trình độ của thị trường thế giới, theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tượng hàng ngoại tràn ngập thị trường trong nước, đánh bạt hàng nội là một biểu hiện rõ rệt của yêu cầu đó. Nhìn chung và tổng thể, hàng ngoại hơn hẳn về chất lượng so với hàng nội. Đó là một thực tế buộc phải chấp nhận. Chấp nhận để được tìm cách vượt qua. Cách vượt qua không gì khác hơn là làm cho hàng nội bằng và hơn hàng ngoại.

Văn học không thể ngoại lệ so với kinh tế. Cố nhiên kinh tế hay văn học, mỗi thứ có đặc thù của nó. Nhưng hiện đại hoá là đòi hỏi cấp bách đặt ra lúc này đối với đất nước trên tất cả mọi lãnh vực. Đừng nghĩ giản đơn là hồn người thì mỗi nơi mỗi khác, thì muôn đời vẫn vậy và cứ nói theo kiểu cách quen thuộc gần gũi với mỗi chốn mỗi phương là đủ là xong. Hơn sáu mươi năm trước phong trào Thơ Mới đã bùng lên bởi "phương Tây đã vào đến giữa hồn ta." Và cuộc cách mạng thi ca đó đã làm giàu có, đẹp đẽ thêm vườn thơ của dân tộc. Bây giờ lục bát Nguyễn Duy đã rất khác lục bát Nguyễn Bính. Có thể rồi đây thể thơ dân tộc đó còn khác nữa, dẫu câu sáu câu tám là không thay đổi, là vẫn đủ mười bốn chữ. Cái khác đó là cái khác của hồn người, nó dân tộc nhưng nó hiện đại. Mà phải chăng cách viết, nghệ thuật biểu hiện là không quan trọng hay sao? Bao năm nay những tác phẩm lớn của những cây bút lớn trên thế giới vào ta đã dạy cho ta những bài học lớn cả về nội dung tư tưởng lẫn về hình thức nghệ thuật. Không tìm hiểu nghiên cứu, học hỏi cách viết của người thì dẫu có ý tưởng vĩ đại đầy mình văn học vẫn không bước qua được biên giới nước mình. Đọc Trăm năm cô đơn ta choáng váng trước cái làng Macônđô nhưng đó phải là cái làng Macônđô của Máckét ở Côlumbia chứ không phải của ai khác. Và cái ông Máckét tận châu Mỹ ấy đã khiến nhiều người cầm bút Việt Nam bị ‘mắc kẹt’ khi học theo ông, nhưng nếu họ qua được cái đoạn kẹt đó thì họ sẽ ra được thế giới. Văn học cũng như các thứ hàng hoá bây giờ, không chất lượng cao là không xuất khẩu được. Nói gì thì nói, không một ai - cả người viết và người đọc - lại không muốn đem chuông đi đánh nước người, không muốn tiếng chuông văn học nước mình vang xa vang to, lay động được tâm hồn người năm châu bốn bể. Văn học chất lượng cao nghĩa là phải hay. Hay ở tư tưởng, hay ở nghệ thuật. Cái hay đó phải từ tầm dân tộc lên tầm nhân loại. Thật tình mà nói văn học ta tầm nhân loại đang thấp. Nói ta cũng là một phần nhân loại là đúng. Nhưng lại phải hiểu nhân loại còn là cái phần ngoài ta nữa.

4. Năm mươi năm qua nước Việt đã đi từ ĐẤT đến CHIẾN HÀO về thành phố và bây giờ ra biển. Có tâm trạng ngậm ngùi đến đây gần bể xa nguồn / Con sông chảy chậm, nỗi buồn tan lâu. Có kinh nghiệm nhắc nhở chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Nhưng hiện tại trước mắt đã là biển. Tính cách người Việt, theo nhà Đạo học Cao Xuân Huy, là tính cách NƯỚC, hỗn dung được tất cả mà không mất mình. "Bốn ngàn năm ta lại là ta" nhưng đó là cái TA tổ hợp của TÀU và TÂY, là chữ tê lập phương. Và tôi lại nhớ đến những lời của Xuân Diệu, chàng thi sĩ của tình yêu, những lời nồng nàn thống thiết ông viết vào đầu năm 1939:

Miễn là ta viết văn An Nam theo tinh thần tiếng An Nam, chứ còn vặn mãi trí não để theo học một cách chật hẹp, một cách nông nổi cái ‘đặc An Nam’, tôi e rất cản trở cho sự tiến bộ của văn chương Nam Việt.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021