thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái thế hệ đã phung phí các nhà thơ
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

 

Bị giết chết:
và tôi không cần biết rõ
bởi tôi hay do nó mà chúng nó
đã bị giết chết.
 
MAÏAKOVSKI

 

Câu thơ Maïakovski. Những hình ảnh của nhà thơ. Tác phẩm trữ tình của anh. Tôi đã từng nói đến từ thủa xa xưa. Tôi có cho xuất bản các phát thảo về chúng. Tôi luôn luôn trở lại với dự tính về một cuốn tiểu sử. Đề tài quyến rũ, chỉ bởi vì ngôn từ của Maïakovski trên bình diện phẩm chất khác biệt hẳn với tất cả thơ ca của nước Nga trước anh, và, mặc dù các liên hệ di truyền mà người ta có thể thiết lập, cấu trúc của câu thơ anh độc đáo và mang tính cách mạng vô cùng sâu sắc. Thế nhưng, làm sao mà nói về thơ Maïakovski trong lúc này, khi cái nổi bật nhất không phải là tiết nhịp, mà lại chính là cái chết của nhà thơ (tôi sử dụng lại thuật ngữ của Maïakovski) cái “hình phạt độc ác” không muốn hoá thành “nỗi đau khổ trong sáng và ý thức”! Trong một lần gặp gỡ giữa hai chúng tôi, Maïakovski, theo thói quen, có đọc cho tôi nghe các bài thơ anh vừa làm xong. Sự so sánh đã buộc tôi phải nghĩ đến những cái mà anh cần phải viết với những khả thể sáng tạo trong vai nhà thơ của anh lúc bấy giờ: hay lắm, tôi nói, nhưng kém hơn thơ Maïakovski. Và giờ đây, các khả thể sáng tạo ấy đã bị xoá mờ, chẳng còn lại gì cả để mà so sánh với các khổ thơ không thể bắt chước được đó, các con chữ đó, “những câu thơ cuối cùng” của Maïakovski, bỗng dưng khoác một ý nghĩa bi đát. Nỗi buồn của sự xa vắng che khuất bóng dáng của kẻ vắng mặt. Giờ đây, tuy có đau đớn hơn nhưng mà cũng dễ dàng hơn để nói tới, không phải những cái đã bị mất đi rồi, mà chính là sự mất mát ấy và những kẻ đã bị thua thiệt.

Những kẻ bị thua thiệt, chính là thế hệ chúng ta. Xấp xỉ nhau, những kẻ trong lứa tuổi giữa ba mươi và bốn mươi lăm. Những kẻ khi bước vào những năm tháng của cách mạng đã có một hình dáng, không còn là những cục đất sét chưa có một khuôn mặt, nhưng cũng chưa bị cốt hoá, hãy còn khả năng rung cảm và biến hoá, còn có thể hiểu biết mọi thứ ở xung quanh, không ở trong trạng thái tĩnh mà ở trong tình trạng biến thiên.

Người ta đã nhiều lần viết rằng cái mối tình thơ đầu tiên của cái thế hệ đó chính là Alexandre Blok. Velimir Khlebnikov đã cho chúng ta một loại thơ hùng ca mới, những thi phẩm hùng ca thực sự sau cả chục năm suy nhược. Các bài thơ ngắn của anh cũng cho người đọc cái cảm giác chúng là những mảnh của một trường ca, và Khlebnikov đã xen kẽ chúng vào các bài thơ tự sự. Khlebnikov đã sáng tạo thơ hùng ca mặc dù tính phi-hùng-ca của thời đại chúng ta, và đó cũng là một trong các lý do của sự không thành công của anh đối với giới tiêu thụ thơ trung bình. Vài nhà thơ khác đã mang thơ ca của anh tới gần độc giả, rút tỉa từ thơ Khlebnikov, rải rắc cái “đại dương ngôn từ” đó, trong những dòng thác thơ trữ tình. Ngược lại Khlebnikov, thì Maïakovski chính là sự hiện thân của yếu tố trữ tình của thế hệ đó. Các “khung tranh hùng ca bao la” thì hoàn toàn xa lạ và không thể chấp nhận được đối với Maïakovski. Kể cả khi anh muốn viết bản “Hùng ca Iliade đẫm máu của cách mạng”, bản “Odyssée của những năm bị nạn đói”, thì đó không phải là một bản hùng ca đang hình thành, mà là một bài thơ anh dũng và trữ tình có âm giai mênh mông, “thét gào to giọng”. Đã có một khoảnh khắc khi chủ nghĩa thơ tượng trưng chấm dứt và người ta chưa biết, giữa hai trường phái mới, chủ nghĩa hoa niên (acméisme) và chủ nghĩa vị lai (futurisme) cái nào sẽ chiếm giữ được trái tim người đọc. Khlebnikov và Maïakovski đã có phát biểu riêng về nghệ thuật văn chương đương thời. Tên tuổi của Goumilev [một trong hai giáo chủ của chủ nghĩa “hoa niên”] đánh dấu một ngả đi bên hông của thơ ca mới của Nga ― một hoà âm đặc biệt. Nếu như đối với Khlebnikov và Maïakovski, “quê hương của sáng tạo là tương lai, nơi thốc lên ngọn gió ngôn từ của thần thánh”, thì Essenine lại là cái nhìn trữ tình trong kính chiếu hậu, lời và thơ của anh bộc lộ sự mệt mỏi chán chường của một thế hệ.

Tất cả những tên tuổi kể trên đã định nghĩa cho thơ mới, sau năm 1910. Dẫu có rực rỡ thế mấy đi chăng nữa những câu thơ của Asseïv và Selvinski, ánh sáng của chúng cũng chỉ là phản ảnh; chúng không xác định, chúng chỉ phản ảnh thời đại, sự lớn lao của chúng bị lệ thuộc. Các cuốn sách của Pasternak, Mandelstam, có thể đặc sắc, nhưng chỉ là thơ thính phòng[*] không châm ngòi lửa cho một phong cách sáng tạo mới, đó chỉ là những con chữ không chuyển động, không nghiến tan thành tro bụi các trái tim của bao thế hệ, không đục khoét được một lỗ hổng trong hiện tại.

Sự hành quyết Goumilev (1886), cơn hấp hối dài lâu của tinh thần, những tra tấn quá sức chịu đựng của cơ thể, cái chết của Blok (1885-1922), những thiếu thốn vật chất hung ác và cái chết trong những cơn đau đớn vô nhân đạo của Khlebnikov (1885-1922), sự tự sát có quyết định trước của Essenine (1895-1925) và của Maïakovski (1894-1930). Và như vậy, những năm 20 của thế kỷ này [thế kỷ 20] đã chứng kiến, trong lứa tuổi từ ba mươi đến bốn mươi, những kẻ đã gợi hứng cho cả một thế hệ, và cho mỗi cá nhân của nó, cái ý thức của một cuộc chấm dứt vĩnh viễn không thể vãn hồi, với sự chậm rãi và sự chính xác của nó, nên không thể chịu đựng nổi. Những kẻ đã bị giết hay tự giết, gồm Blok và Khlebnikov, bị đóng đinh trên giường bệnh, cũng thực sự đã chết hết cả rồi. Trong hồi ký Zamiatine: “Chính chúng ta là những kẻ phạm tội... Tôi còn nhớ rằng tôi đã chịu hết nổi và có gọi điện thoại cho Gorki: Blok chết rồi, chúng ta thảy đều không thể tha thứ được, tất cả bọn chúng ta.” V. Chklovski, về những kỷ niệm với Khlebnikov: “Hãy tha thứ cho chúng tôi, vì anh và vì tất cả những người khác mà chúng tôi đã bắn giết... Nhà Nước không trả lời về cái chết của dân chúng; thời Giê-su, ngài cũng không thông hiểu tiếng ‘araméen’ [sử dụng trong công việc hành chánh của Đế quốc Ba Tư, thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên], và nói chung, Chúa chẳng bao giờ hiểu nổi con người. Các binh sĩ La-mã đã đâm thủng hai tay Chúa cũng không phạm tội lớn hơn mấy cây đinh. Tuy thế, những kẻ bị đóng đinh cũng cảm thấy đau đớn vô cùng.”[*]

 

_________________________

[*]Khi nói thơ thính phòng chúng tôi [Jakobson] không ngụ ý xấu. Thơ Baratynski chẳng hạn, hay thơ của Innokenti Annenski đều là thơ thính phòng.

[**]Khlebnikov đã nói về cái chết của chính mình như một sự quyên sinh: “Thế nào? / Zanguezi đã chết rồi! Chưa hết đâu, hắn đã tự tay cắt cổ hắn với một lưỡi dao cạo. / Cái tin buồn / Âm thanh quá thê lương! / Hắn có để lại mấy dòng ngắn: / Dao cạo ơi, hãy nắm lấy, cổ họng ta đây!” / Cành sậy bằng sắt to / Đã cứa đứt dòng đời hắn, hắn không còn nữa...”

 

------------------
Trích dịch từ cuốn La Génération qui a gaspillé ses poètes của Roman Jakobson [bản dịch tiếng Pháp của Marguerite Derrida] (Paris: Éditions Allia, 2001).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021