thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái lồn, vô tận (II)

 

1. Tán dương Phạm Khiếm Danh

Xâu các sự việc xưa/nay, cao cả/nhếch nhác, sự chơi/sự thực… chỏi nhau như thế vào được một chuỗi như: bán máu thiệt với mua lồn zin, lồn Bắc với lồn Nam, lồn đã thuộc lịch sử với lồn đang làm lịch sử, con đường Cái quan với con đường nhỏ, ngắn, yên tĩnh, thuộc khu trung tâm và, không thể nói là không thuộc hàng đẹp của Sài Gòn – thì hẳn phải là kẻ có óc tưởng tượng của thi sĩ mới làm được.

Bài viết ngắn, nhưng gây ấn tượng mạnh, đậm.[1] Chỉ xin thông tin thêm với Phạm Khiếm Danh là đường Huyền Trân Công chúa, biểu tượng của một thời, hôm nay cũng đã đi vào lịch sử. Ba năm nay, các em (những Cái lồn, vô tận – tít một bài thơ của Trần Vũ Khang) đã giạt đi, không phải ra đứng đường cổ điển hay chui vào các nhà hàng Karaoke hiện đại (để Nhà nước phải nhọc công ra chính sách cấm với chả cấm) mà là túa vô các tiệm ăn rất hậu hiện đại: từ Restaurant cao cấp cho đến tận quán cơm vỉa hè (ở Bắc tục gọi là cơm bụi) đầy tràn các em. Dân Việt ta thông minh lắm, cần cù nữa! Ở nơi chốn trù mật nhiêu khê này, đố mà chính sách tìm tới. Ví có tìm tới, đố ai bắt được tay vây được cánh mà phạt. An cư rồi, các em chăm chỉ bám trụ: vừa được thưởng thức món cao lương mĩ vị vừa có tiền bo, ít nhất cũng 100.000 đ/ngày (khi xưa ở quê chổng mông suốt ngày ngoài trời cũng chỉ được 20.000đ), và ví có trúng quả cũng xài tới được (đơn giá 200.000đ/dù là hẻo). Cũng có giá đấy chứ! Mà quán nhậu ở Việt Nam ta thì bạt ngàn. Gì chớ, như cấm thơ thì được, chớ dại mà đi cấm nhậu, dân Việt làm loạn như chơi.

 

2. Nhắc nhở nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc [2]

Khảo cứu cặc, lồn cũng nghiêm trọng chẳng kém gì nghiên cứu Thượng đế hay siêu hình, miễn sao bài viết đúng, hay. Tiểu luận của Nguyễn Hưng Quốc thì đạt cả 2 yêu cầu trên. Chỉ tội anh có hơi đối xử phân biệt với cái lồn. Hạn chế ở anh hay ở tiếng Việt?

Nhân vụ Bùi Trát, tôi có đem việc này trao đổi với Inrasara, người sinh ra và lớn lên trong và từ chế độ Mẫu hệ. Inrasara bảo Chăm có cái nhìn khác, rất bình đẳng. Nhóm từ vựng Chăm thuộc phạm trù này thì mênh mông đại hải, chỉ nêu một khía cạnh nhỏ gọi là góp ý nhà phê bình: lồn Chăm cũng “trỏ, văng” và cũng “đáng tự hào” không thua kém gì người anh em khác giới đâu. Nó không những chỉ mang chức năng “sỉ nhục”: bú / nhjuk, liếm / liah, chui / lwak, nhét / jaih, lạy liếm lồn / kakuh kiah ting (hãy chú ý cụm từ này, dường như Việt chưa có), … mà còn kiêm luôn khả năng doạ nạt: gak ting / vạch lồn (ra), bbac ting / mở to lồn (khó chuyển từ này sang Việt ngữ tương đương!), pađak ting / trỏ lồn, v.v… Vậy đó, anh cần kĩ lưỡng và công bằng hơn.

 

3. Trao đổi với nhà thơ Phan Nhiên Hạo

Cũng nhân vụ Bùi Trát, nhà thơ Inrasara kể chuyện vui: Thuở cấp II, anh ở trong một gia đình Chăm (có học hẳn hoi) gồm 7 thành viên, duy bà mẹ nói “tục”, 5 anh chị em và cả ông cha thì không. Lạ là dụng ngữ của bà cực phong phú (không riêng kho từ tục, Inrasara bảo anh học được từ người mẹ Chăm này khối lượng lớn vốn từ vựng).[3] Bà dùng hàng ngày, thoải mái, cả khi dạy bảo con cái nữa. Lạ: cả gia đình chả có ai dị ứng cả, như là chuyện bình thường, các từ rất bình đẳng với nhau! [Tôi không rành lắm vốn từ của dân Chợ Cầu Muối, nên không ý kiến gì về ý kiến của anh Hạo]. Tôi nhớ dường như M. Gandhi có nói đâu đó trong Tự truyện là chỉ khi tiếp xúc với người Anh, dân Ấn Độ mới nhận thấy các thao tác tượng trưng cho hoạt động giao cấu trong các lễ hội dân gian “mang dáng vẻ” tục. Trước đó, không!

Đấy là tôi mạn phép Inrasara tạm nêu một kinh nghiệm thế. Kinh nghiệm ngôn ngữ là kinh nghiệm khá riêng tư. Có thể kinh nghiệm của Phan Nhiên Hạo hay Bùi Chát khác. Không nên áp đặt kinh nghiệm chủ quan lên người khác. Còn ví anh Hạo đứng về phía số đông để phát biểu thì xin miễn bàn. Theo tôi hiểu, Bùi Chát khá ý thức về sử dụng ngôn ngữ hay điều mình làm. Anh làm thơ “thơm” cũng hay (Phan Nhiên Hạo cũng đồng ý vậy), thế tại sao phải hạ mình làm thơ “thối”? Đây là điều cần suy nghĩ kĩ, sâu, chứ không nên phán một cách vội vã đầy sơ giản: “để tỏ ra bản lĩnh”.

Thứ nữa: về khái niệm “làn gió thối”. Theo tôi đây là dụng ngữ đắc của nhà thơ Inrasara khi viết về tập thơ Xáo chộn chong ngày của Bùi Chát.[4] Phan Nhiên Hạo “không tin” là một khi làn gió kia (anh đã lanh trí chuyển phạm trù) thổi tới, nó “buộc chúng ta quay lại nhìn nó”. Ừ, thì anh không tin, nhưng chúng tôi tin. Làm như thể xã hội này “thơm” lắm!!! Bùi Chát tự nhận thơ mình là “thơ zác”, Phan Nhiên Hạo cũng cho như vậy. Trong một xã hội mà ai cũng xả rác, thì chỉ có xả thứ rác độc hơn (như thứ “zác zưởi” chả hạn) mới mong/buộc được kẻ khác quay lại nhìn. Từ đó, xem lại mình. Như thế không là một đóng góp tích cực ư?

Vâng, nếu chỉ dừng lại đấy thôi – 2 buổi học đã oải rồi, trúng trật gì cũng nằm trong giáo án-chương trình của Bộ, cha mẹ hay trò nào dám kêu ca[5] – đằng này nhà thơ kiêm nhà mô phạm Phan Nhiên Hạo hứng quá bắt các em ngồi lại để gõ đầu phụ đạo thêm buổi tối. Mới phiền. Và anh tự làm cháy giáo án.

Anh bảo rất “đáng chán” cho lớp nhà văn trẻ “tự phủ dụ, tự hài lòng” với vụ: “viết gì thì viết, nhưng không được đụng đến chính trị”.[6] Anh chán, anh la làng, anh kêu họ “nên chấm dứt những trò ca ngợi dối trá” ấy. Anh làm như thể có mỗi anh đủ trình độ chán. Xin hỏi anh: ai, vị trẻ nào đã “tự phủ dụ”, “tự hài lòng”, và tự làm như rứa tại mô? Anh chưa chỉ cho chúng tôi thấy rõ sự vụ đó đấy nhé.

Anh đòi hỏi họ dù sao cũng phải ý thức, “phân tích”, hoặc chí ít “từ chối thỏa hiệp” nếu hoàn cảnh chính trị “rất nguy hiểm” chưa cho phép “làm”. Nhưng nhà thơ để làm gì, nếu không làm thơ?! Ôi lẽ nào cứ ý thức đầy mình rồi nằm ườn ra đó cho người yêu đi bán nhà hàng đem tiền về nuôi ăn? Vỉa từ (Nguyễn Hữu Hồng Minh), VILI (Vi Thùy Linh)[7],… không nhà xuất bản nào chịu in cả. Vòng tròn sáu mặt (thơ của 6 cây viết trẻ Sài Gòn), Xáo chộn chong ngày đã phải cậy đến Nhóm Mở miệng qua nhờ Nhà xuất bản Giấy vụn mới được mở mắt chào đời. Không đáng chán sao được? Còn các tập Bầu trời lông gà lông vịt (Trần Tiến Dũng), Của căn cước ẩn dụ (Nguyễn Quốc Chánh), Nhiệt đới cát (Phạm Mạnh Hiên), … các tác giả phải tự in photocopy. Sướng thân lắm ư?

Anh dạy họ đừng làm những thứ thơ “zác zưởi”, “thơ siêu hình”, “những bài thơ đượm mùi tình dục”… anh mỉa họ về “những trò văn chương nửa vời” ấy. Dê-su! Lẽ nào: một, hai, ba chúng ta đi l…àm thơ chính trị. Chẳng đáng chán hơn sao!

Cuối, xin được phép hỏi anh: làm những thơ “zác zưởi”, “thơ siêu hình” hay “những bài thơ đượm mùi tình dục” với những “và em sẽ trỗi dậy thân hình chữ S” (thơ Nguyễn Hoàng Tranh) rồi phải tự bỏ tiền túi ra in, không ngang tàng một cõi hơn, không đáng đồng tiền bát gạo hơn việc gởi vài chùm thơ vô thưởng vô phạt xếp hàng chen chân trên các trang báo của Nhà nước ư? Dạ thưa đồng chí nhà thơ Phan Nhiên Hạo vô cùng kính mến.

Nhưng dù gì thì gì anh vẫn rất dễ thương khi cũng biết chia sẻ với chúng tôi – các thi sĩ trẻ nội địa – cái suy nghĩ khá biết điều của anh: “Tôi thấy hay cái cung cách làm thơ rồi tự in tay của những nhà thơ Sài Gòn như Bùi Chát. Nó xa lạ với trò xu nịnh kiếm danh hoặc bù khú trưởng giả mà một số nhà thơ trẻ khác hiện đang chạy theo.”[8]

Đa tạ!!!

 

_________________________

[1]Phạm Khiếm Danh, Chuyện lồn, www.tienve.org, 2004.

[2]Nguyễn Hưng Quốc, Con cặc, www.tienve.org, 2003.

[3]Inrasara là nhà nghiên cứu văn hoá Chăm có nhiều công trình giá trị về văn chương và ngôn ngữ Chăm, anh là thành viên chính trong nhóm biên soạn Từ điển Chăm – Việt, Việt – Chăm.

[4]Inrasara, Sáo trộn với Bùi Trát (giới thiệu tập thơ 'Xáo Chộn Chong Ngày' của Bùi Chát), www.tienve.org, 2003.

[5]Đã có một, hai người kêu ca. Nguyễn Trung Bình chẳng hạn: Hãy quan sát những kẻ du thủ du thực ít học trong đời sống, www.talawas.org, 2004. Nhưng khi anh bảo Phan Nhiên Hạo “chửi” Nhà Thơ Inrasara, là anh sai to. Trong bài viết của mình, không tìm thấy câu nào nói lên ý đó cả. Tôi xin đính chính thế.

[6]Phan Nhiên Hạo, Nhà văn thế hệ sau chiến tranh và ông vua cởi truồng, www.talawas.org, 2004.

[7]Tôi xem Vi Thùy Linh là một hiện tượng xã hội hơn là hiện tượng thơ ca, dù Vi Thùy Linh làm thơ. Còn vụ Linh la oai oải trên RFI ngày 23.11.2003, Hợp Lưu số 75, tháng 2&3.2004 đăng lại, về tập thơ VILI không được in vừa qua chỉ là chuyện làm dáng dỗi lẫy chút đỉnh, chứ ít ai nỡ bảo cô nhà thơ trẻ này hèn cả.

[8]Phan Nhiên Hạo, Thơ trẻ không nhất thiết phải là “làn gió thối”, www.talawas.org, 2003.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021