thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một tâm thức và một thế giới mộng huyễn

 

 

Đọc tập truyện cực ngắn Tháp kền kền
của Hoàng Long (nhà xuất bản Văn Học, 2014)

 

Truyện cực ngắn thường được xem là tranh thủy mặc của văn học, lấy ngắn nói dài, lấy ít nói nhiều; nó dành cho độc giả rất nhiều không gian để tưởng tượng và suy nghiệm. Tuy nhiên truyện cực ngắn của Hoàng Long có vẻ không phải như vậy, ít nhất là không thể “đọc nhanh”, và không hề “thủy mặc”: tác giả không mơ màng “vẽ mây nẩy trăng” mà lao tâm, khổ trí trừu tượng, siêu thực, hậu hiện đại. Ngỡ như tác giả còn hiện diện đâu đó sau dấu chấm cuối sẵn sàng cầm tay độc giả cùng mình quay lại những khoảnh khắc chất chứa của truyện và suốt cuốn sách. Để có thể cùng tác giả tát cạn tất cả những gì cần tát cạn trước khi không còn gì phải nói thêm.

Tất cả 72 truyện cực ngắn trong sách này đều được viết trên đất nước Nhật Bản (nơi tác giả đang theo đuổi một chương trình nghiên cứu học thuật), đặc điểm đó cộng với cái hình thức nhỏ gọn súc tích thường thấy trong văn học Nhật Bản khiến độc giả (và nhất là độc giả không phải người Việt Nam) có thể nghĩ ngay đây là một tác phẩm của một nhà văn xứ Phù Tang. Mà như thế cũng chẳng phải là lầm lẫn gì ghê gớm, nếu không muốn nói đó là một cảm nhận đúng. Vì khi rời bỏ hai cánh cửa hình thức đó để tiếp tục đi sâu vào bên trong ta thực sự dần dần chìm đắm vào khí hậu văn chương Nhật Bản với nhiều mùi vị Zen, Phật giáo, Thần đạo, tư tưởng Lão Trang thoát tục, sự tôn sùng cái Đẹp của cảnh trí thiên nhiên, cái Đẹp của các thú tiêu dao... – tất cả được hòa tan thành một công trình văn xuôi nhờ sự đưa đẩy trôi chảy của một bút pháp trang nhã.

Bao trùm tất cả là “thế giới mộng huyễn” xét như là hiện thực tràn ngập trong sách. Như một nhân vật trong truyện đã thốt lên: “Nhưng thế giới mộng huyễn của ta nhiều khi lại thực hơn cả một con người, đáng để ta bỏ cả đời mà đi tìm kiếm” (truyện “Cõi nhớ vô hình”).

Một trong những cõi miền của thế giới mộng huyễn đó là cõi miền của bản ngã, tự ngã, sự tìm kiếm thân tâm với đủ sắc màu từ cặn bã và tội lỗi, đến đớn hèn và ti tiện, cùng nhiều trạng huống tự thương, tự đày đọa kinh khủng khác. Rồi từ trong chốn hôn ám đó, ta sẽ được dẫn dắt đến “đại lộ” mở toang này: “Tất cả phải được gột rửa. Thân hình tôi nhẹ dần và trong suốt hơn như mặt nước đã được lắng bụi trần”. Viết về phương diện này, truyện “Bản thể” thật đặc sắc và tài tình. Một truyện mà mô tả được cả một thế giới đa tạp mộng huyễn!

Dĩ nhiên có nỗi ám ảnh về thời gian. Ta hay thấy nói đến sự lưu chảy của sông suối. Những đám mây thay hình đổi dạng. Chuyến tàu tốc hành. Chiếc xe hơi chạy thong thả. Và thời gian luôn gắn với những chiêm nghiệm. Vâng, rất nhiều chiêm nghiệm Thiền tông, Phật giáo, văn hóa Nhật Bản được đúc kết trong khi nhân vật trong truyện đuổi theo câu hỏi tối hậu: Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Lần theo từng truyện, tác giả cho chúng ta những câu trả lời: Là buông bỏ dần dần mọi ham muốn trần thế phù hoa. Là chậm lại. Là thu mình bé nhỏ như con kiến; tâm mình là gương soi. Là an trú trong hiện tại. Là thay đổi cái nhìn về thế giới, chứ đừng hoài mong thế giới thay đổi. Là tìm thấy bình an trong thế giới huyễn mộng này.

Để có thể tồn tại trong thế giới đầy huyễn mộng đó, hẳn phải có một tâm thức phức tạp và khác thường lắm? Quả thật, cuốn truyện này dõi theo một tâm thức hiện sinh của HẮN, MỘT CON NGƯỜI tự thu giảm mình từng giây từng phút để chỉ còn là một biểu tượng của ý chí chinh phục cuộc sống và giải thoát khỏi tất cả những trở ngại của mê trầm. Hắn ta sống với từng khoảnh khắc nhỏ nhất của hiểm nguy, những vết thương, bất an, chết chóc, để rồi có lúc được bình yên, giải thoát, cực lạc. Đó đích thực là những khoảnh khắc hiện hữu mà ngòi bút của tác giả muốn đào sâu khám phá, mô tả, minh họa. Hiện hữu trong tương quan với chân trời định mệnh, hắn sống có lúc khẩn bách như thể đang hân hưởng một phút huy hoàng hấp hối, có lúc thong thả như thể sẽ sống đến thiên thu bất tuyệt. Trong tương quan với chính mình, với nhân sinh nói chung, với ý niệm, rất nhiều ý niệm, như một cánh rừng, hắn và các nhân vật đánh vật với cánh rừng đó, khiến chúng ta liên tưởng đến một lời dạy của triết gia cổ đại Hy Lạp Socrates: “Sống mà không tự tra vấn thì không đáng sống”.

Nếu văn hào Pháp Stendhal từng nói đại ý rằng văn học là tấm gương đặt dọc con đường hiện thực, thì với “cuốn sách – tấm gương” này tác giả “soi” và trình hiện cho chúng ta thấy loang loáng những hiện thực mộng huyễn và mờ mờ MỘT TÂM THỨC luôn luôn xao động và thường khi động loạn. Vì đó là một tâm thức tìm kiếm, tâm thức lang thang, tâm thức đổ nát. Viết văn ở đây là để trình bày một chặng đường khổ ải đôi khi đẫm máu, nhiều lần chạm mặt ngõ cụt của tâm thức. Những lúc đó người đọc cảm thấy căng thẳng, hồi hộp, mệt mỏi.

Nhưng cũng có lúc tâm thức trở nên đơn sơ, lặng lẽ như một mặt hồ. Những lúc ấy độc giả thực sự cảm thấy hoan hỉ với những bức tranh tối giản, những bài thơ tuyệt bút về giá trị cuộc sống. (Nhưng sẽ phải đặt vấn đề này ở một chỗ khác để khảo cứu riêng vì tầm quan trọng của nó trong tập truyện này). Tâm thức đơn sơ thấu thị ra “ba thứ quan trọng nhất của cuộc sinh tồn. Là người thân để sẻ chia, nhà để trú ngụ và bóng cây để ẩn dật quên đời”. Tâm thức mặt hồ thấy “thiên đường không phải là một chốn xa vời nào cả mà nó nằm ở ngay đây, trong buổi chiều này”. Buổi chiều ấy có “vạt cỏ ngời sáng trong ánh nắng mùa xuân” khiến tâm thức hắn thấy “hạnh phúc và nhiệm màu của cuộc sống vô cùng giản dị”. Có lúc hắn thấy mình như làn khói, và có lúc sự êm dịu quyến rũ hắn đến mức hắn muốn chết ngay để đi vào vĩnh cửu.

Ở một chỗ khác, hắn thấy “Sự giản đơn này là vĩnh cửu. Trong hàng ngàn năm, cuộc hiện hữu này vẫn y nguyên như thế. Một màu xám lặng lờ trôi”.

“Còn lại là lặng yên. Như một bức tranh thủy mặc. A, đây chính là cuộc đời, anh thầm nghĩ”.

Nói một cách khác, tập truyện này khảo sát một cuộc hiện hữu trong khung cảnh rộng nhất, chiều kích mênh mông nhất có thể của kiếp người, chứ không phải chỉ là cuộc mưu sinh vất vả, hay cuộc vật lộn với hoàn cảnh, với tha nhân. Nhưng rộng nhất đến mức ngỡ như vô tận mà lại là nhỏ nhất đến tinh tế: một tiếng mưa khuya, một mái nhà hoang, một mặt hồ, một vạt cỏ, một chiếc lá, một âm thanh... Đó là phận người trong sự qui chiếu với chính bản thân mình, những lúc đó con người như một giây tơ luôn rung lên muôn ngàn âm thanh xao xuyến...

Nhưng sống từng khoảnh khắc là để chinh phục cuộc sống, cái vĩnh cửu của nó, cái đẹp của nó, chân trời của nó, tức là cái chết. Chinh phục cái chết! Ồ, có thể nghe thấy tiếng reo vui vô tiền khoáng hậu này vang lên nhiều chỗ trong tập sách. Thoạt tiên tâm thức đó cũng rách nát tơi tả như bao nhiêu tâm thức trần gian này (có cảm giác đó là một tâm thức đầy bi kịch, ám ảnh, nặng nề mang nhiều màu sắc tối ám của Việt Nam) khi nó lặn ngụp dưới hang sâu, bị chết chìm, đã đi qua những tàn niệm, những đam mê, đã từng cuồng điên vì phải bám víu quá nhiều, đã từng bị những vực thẳm đen ngòm cuốn lấy, từng “gào rú thảm thiết”, từng bị nhiễm độc, nhưng rồi dần dà nó sáng lên, đến mức ngay cả khi uống những chén đắng nó cũng thấy vui sướng.

Tâm thức đó luôn muốn quay về với ngôi nhà của mình. Quay về với Ngôi nhà. Đây là hai ý niệm quan trọng mà khi khép cuốn sách lại độc giả sẽ bị ám ảnh: Phải chăng ta cứ cắm đầu đi tới mà không nghĩ đến chuyện quay về; cứ mải miết đi mà không có một ngôi nhà để dừng chân ngơi nghỉ?

Hẳn tác giả và cái tâm thức lang thang muốn cuốn sách đó phải kết thúc trong viễn tượng này: “Ngày nào anh cũng an trú vững chãi trong thân tâm mình, sống trọn vẹn cuộc đời trong từng phút giây hiện tại. Chung trà thơm hương tỏa, mắt nhìn xa khói mây, vị ngọt như cam lộ, ơn đời vui mỗi ngày. Ngồi bình an nơi căn nhà vắng, mới thấy mình thật sự trở về, nhìn ra cửa thấy hàng cây xanh mát, cúi thật gần thấy tự tại một thân kia. Anh đứng dậy, vươn vai. Trời đã đứng bóng. Anh vào bếp chuẩn bị bữa cơm trưa và hát khe khẽ mà không hay giai điệu mình cất lên chính là nhịp đi của tâm tư anh đã hòa cùng đất trời và vĩnh cửu”.

Nhưng dĩ nhiên đây không phải là tiểu thuyết, và những đoạn văn “hân hoan” trên cũng không nằm ở cuối cuốn sách. Nó cũng chỉ là một khoảnh khắc đẹp nhất trong đời của hắn thôi. Ngược lại, chưa chắc đó là cái “khoảnh khắc truyện” hay nhất xét như một đơn vị của sáng tạo, vì thấy quá nhiều dấu vết kinh sách trong đó - quả thật, nhiều “truyện” giống với “thoại đầu” hơn khi tính văn chương bị tác giả coi khinh bỏ qua một bên để say sưa biện luận, thuyết giảng, thuyết phục như một triết gia, một đạo sĩ, một nhà lão thực.

Có thể vườn tâm của tác giả đổ nát chưa tu tạo lại kịp (theo cách nói của tác giả) sau Việt Nam, sau đại sóng thần, sau đại động đất khiến công trình sáng tạo của mình mới “trăm hoa đua nở” như thế. Và như một bữa đại tiệc với rất nhiều “món ngon”. Thật may mắn cho độc giả! Chứ nếu ngăn nắp gọn gàng quá, biết đâu cả cuốn sách sẽ chỉ còn là một bản đại luận chặt chẽ hay một đại công án về sự hiện hữu con người.

Vì tác giả để ngỏ cánh cửa khu vườn, không bắt ta phải chọn mang tâm thế nghiêm trang của nhà nghiên cứu hay tâm hồn phóng khoáng nghệ sĩ khi bước vào, nên ta mặc sức thưởng thức bao nhiêu là hoa trái: hoa tỏa hương thoang thoảng không biết ở đâu, nhưng trái thì lúc lỉu đây đó ta có thể nhận ra dễ dàng. Tác giả đã tham lam và tự do như thế thì hà cớ gì độc giả chúng ta lại dè dặt, khép nép?

 

Sài Gòn 16/8/2013

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021