thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ, ngày và đêm
(Diễm Châu dịch)

 

Holderlin đã sống giữa trời và đất, ở lưng chừng đường giữa thần linh và trái đất. Ông đã lãnh nhận vết xé. Ông đã bị xé nát.

Hôm nay, đất và trời gặp lại nhau nơi bài thơ. Trời trống rỗng và đất bị vét trống.

Ai đang nói? Các thần linh từng bập bẹ nơi sự vật không còn tiếng nói. Và trong bài thơ con người đang chết với các thần linh mà y mưu sát. Y tạo dựng sự sinh ra của y trong không gian của sống và của chết nơi thơ cất tiếng và tỏ bày. Buổi chiều. Nhà thơ cư ngụ nơi bài thơ.

Bởi nhà thơ là người. Ông sống trên mặt đất. Ngày khiến ông ngỡ ngàng. Cuộc sống phải nói ra, phải tạo tác; tương lai phải đánh vần từng chữ. Cuộc sống với những độ dày của nó và những điều khẩn cấp của nó, cuộc sống không phải là cho không, mà là luôn luôn phải chinh phục; điều thiết yếu.

Đêm khiến ông ngỡ ngàng, đêm nơi thần linh từng hiện hữu. Những câu ông đem về, tựa như bầy cá dưới đáy thẳm, bật tung trên mặt nước và trước ánh sáng. Và cái gì không thể đọc ra được chỉ là quá trong suốt.

Ông không ngừng sống vết xé và không ngừng thu thập những mảnh rải rác của chính bản ngã ông, bản ngã của mọi người.

Trong bài thơ, ngày và đêm kết hợp với nhau. Trong buổi chiều biếc xanh và vàng, hết thảy hòa lẫn.

Nhưng thường hơn cả, bài thơ là hy sinh. Ngày hy sinh đêm, đêm hy sinh ngày. Sự cân bằng bị phá vỡ. Kẻ diễn trò leo giây nẩy tung. Nhà thơ biệt tích, khi hy sinh những cái biểu kiến của cuộc sống hời hợt nông cạn.

Chống lại hạn hán, ông triệu tập bông hồng, tình yêu, những cụm dương xỉ, nếu ông, kẻ tiếp xúc chặt chẽ với ngôn từ của mình, cảm thấy sự khẩn cấp. Những bông hồng, tình yêu, những cụm dương xỉ, những lời nói, với một sự giản đơn đã chinh phục được và sau những chặng đường mờ khuất khô khan, cần phải thế. Không phải là bắt đầu lại, mà là bắt đầu.

Bông hồng của bài thơ, các từ, có chăng cái năng lực biến đổi thế giới? Thơ không phải một trò chơi dò tìm dấu vết. Thơ không vạch những mũi tên, nhưng những con đường nó lựa chọn không đưa vô ngõ cụt. Chúng chỉ rõ một miền đất khả dĩ cư ngụ được.

Là cuộc sống khác, sẽ tới, sự vượt qua, thơ không tuân theo bất cứ một khẩu lệnh nào. Ngón tay thơ trỏ về nơi khác cho thấy nơi đây. Bụi và ẩm ướt, sự dày đặc. Những mảnh im lặng và hy vọng. Hy vọng, những mái ngói đỏ.

Và nếu thơ ngày càng trở nên không thể được và nhà thơ không thể không kinh qua điều ấy, thơ phải đảm nhận sự không thể ấy.

Ở đáy giếng, mỗi người, nếu mong muốn, khi làm phẳng lại gương nước, vẫn có thể nhìn thấy khuôn mặt mình, khuôn mặt vàng ánh và rác rến.

Tháng Tư 1975

(trong Poésie Présente , số 15, 1975)

-------------------------------

Ghi chú của dịch giả:

ROLAND REUTENAUER là một nhà thơ Pháp kiệt xuất hiện đại với khoảng mười lăm thi phẩm có thể tìm thấy nơi các nhà xuất bản P.J. Oswald, Saint-Germain-des-Prés, Rougerie (Pháp) và Tetras Lyre (Bỉ). Ông sinh năm 1943 tại Wingen-sur-Moder, Yên-sa (Alsace). Thơ ông đã được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới, như Đức, Ý, Ru-ma-ni,... và Việt Nam. Bài dịch trên trích trong «Tuyển tập thơ» Roland Reutenauer, bàn dịch Diễm Châu, Trình Bầy xuất bản, 2001. Sách gồm hơn hai trăm trang thơ và tham luận về thơ của ông. Roland Reutenauer đã được mời đi trình bày thơ của ông ở nhiều nước, kể cả In-đô-nê-xi-a trong năm nay.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021