thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“Đi tìm thời gian đã mất”

 

 

 

“ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT”

Hoàng Ngọc Biên

 

“Longtemps, je me suis couché de bonne heure.”

Với câu văn trên đây, nhân vật “tôi” thoạt tiên được xướng lên một cách thật bình thản đã cho chúng ta dịp bước vào một khoảng không gian trong đó thời gian và ký ức bạc đãi nhau, lẩn tránh nhau, suốt mấy ngàn trang sách, rồi cũng trên mấy ngàn trang sách đó, thời gian và ký ức lại được giải hoà, được dựng lên một cách thật đẹp đẽ, để rồi tác phẩm viết xong được mô tả như một tác phẩm đang được sửa soạn viết, và tác giả, Người thuật chuyện, ở cuốn cuối cùng của bộ truyện, có thể loan báo với chúng ta là ông sắp viết cuốn tiểu thuyết mà chính ra chúng ta vừa đọc xong.

Cái thời gian được sống, được mơ mộng, rồi được viết ra đó, cái môi trường thám hiểm ký ức, vốn là một cuộc phiêu lưu của tư tưởng vừa không trung thành mà cùng lúc lại chính xác, chỉ có thể được thiết lập trong ta, được phân tiết từ chúng ta, bằng vào những đối chiếu thường ngày đặt ra với một vật gì, với một người nào, một cái nhìn nào mà chúng ta thực sự không biết từ đâu tới nhưng cảm thấy được, ghi nhận được sự êm ái ngọt ngào, trong những vùng tăm tối của ý thức chúng ta.

A la recherché du temps perdu là một bộ truyện đã được xây dựng như một giao hưởng khúc, gồm có bảy cuốn tiểu thuyết mà cuốn cuối cùng có tên là Le temps retrouvé, bởi vì nó là một loại suy niệm về sáu cuốn trước, nghĩa là kết tinh cuộc đời của tác giả, bởi vì toàn bộ hiện ra như một tác phẩm tự thuật và đã được kể lại ở ngôi thứ nhất. Cậu bé tính tình dễ xúc cảm ở Combray, trong những buổi đi dạo, thường dùng hai lối đi: lối đi qua Méséglise tức là về phía nhà ông Swann, và lối đi qua nhà Guermantes. Hai lối đi mà cũng là hai ngả đường của cuộc đời cậu, biểu tượng cho hai nhóm người trong xã hội của cậu.

Trong một bố cục phức tạp nhưng khéo léo của toàn bộ tác phẩm, những đề tài chính yếu đã được hiện ra ngay cuốn đầu tiên, Du Côté de chez Swann, cuốn sách được phân ra làm hai phần chính, cộng thêm với một phần thứ ba ít ai chờ đợi tới. Trong phần đầu, chúng ta đang ở Combray, nơi nghỉ hè của gia đình Người thuật chuyện, trong thời thơ ấu của mình. Đây vừa là một ký sự về gia đình, về ngôi làng, mà cũng là một khởi sự khai thác đời sống nội tâm, những rung động vô thức của cơ năng tình cảm. Tiếp theo là những khuôn mặt quen thuộc, người ông của cậu bé, những người cô, hay bà cô, cha của cậu, cô tớ gái Françoise, người sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong toàn cuốn sách, sau cùng và đặc biệt là mẹ cậu và bà cậu. Trong số những người láng giềng ở đồng quê có gia đình Guermantes, mà người ta không thấy trong cuốn này, là những người đối với óc tưởng tượng của cậu bé giống như một giấc mơ không tới gần được, và Charles Swann, một ông “tài tử” nhà giàu “thông hiểu” cùng một lúc cả nghệ thuật lẫn đàn bà. Người ta sẽ được đi dạo, khi thì “về phía gia đình Guermantes”, khi thì “về phía nhà ông Swann”. Ông Swann, với tư cách một người láng giềng thân thiết và lịch sự, thường qua viếng thăm cha mẹ và ông bà của Người thuật chuyện. Nhưng đó không phải là lý do độc nhất để ta đứng “về phía ông Swann”, bởi vì phần thứ hai, tựa là Un amour de Swann, kể lại cho chúng ta mối tình vĩ đại của ông Swann đối với Odette, mối tình đã xẩy ra nhiều năm trước, bởi vì bây giờ Swann đã là chồng của Odette. Trong câu chuyện kể này chúng ta cũng làm quen nhiều với ông bà Verdurin, là những nhân vật trưởng giả giàu sang mà phòng khách là kiểu mẫu đầu tiên của lối thời thức văn chương và nghệ thuật đối nghịch với lối thời thức quí tộc của nhà Guermantes. Phần thứ ba, phần ít người đọc chờ đợi tới, nối tiếp với phần thứ nhất: vẫn là thời thơ ấu của Người thuật chuyện, nhưng là thời thơ ấu ở Paris.

A l’ombre des Jeunes Fille en fleurs, cuốn thứ hai, nói chung, là tuổi thiếu niên của tác giả, và mối đam mê đầu tiên của ông đối với Gilberte Swann, chẳng ai khác lạ mà chính là con gái của ông Swann. Mối đam mê thật khốn khổ, và đã giúp tác giả tự tìm hiểu nơi mình những “cơn rung động từng hồi của con tim”. Cuốn này cũng được chia hai phần: phần thứ nhất, ở Paris, cho ta thấy anh chàng niên thiếu lui tới phòng khách của bà Swann, làm quen với nhà văn lớn Bergotte, tượng trưng cho văn chương — cũng như Vinteuil sẽ tượng trưng cho âm nhạc và Elstir cho hội hoạ — làm quen với một nhà ngoại giao kỳ quái, ông de Norpois, lần đầu tiên đi xem La Berma, nữ diễn viên nổi tiếng về bi kịch ở Hí viện, và nhất là sống mối tình không may mắn mà ông đã cho Gilberte và đồng thời rút ra ở đó những nguyên tắc của triết lý ông về sự đam mê yêu đương.

Phần thứ hai dẫn ta đến bờ biển, ở Balbec, Normandie. Ở đây Người thuật chuyện làm quen với một nhóm “thiếu nữ đương thì”, trong đó có Albertine, sẽ là mối đam mê chính của cuộc sống ông, và ông gặp những nhân vật sau này sẽ trở nên rất quan trọng: Robert de Saint-Loup, ông de Charlus, nhân vật đã cho ông dịp nghiên cứu về một trong những khía cạnh táo bạo của tình yêu, đó là không kể một “nhân vật” rất khăng khít và rất phong phú là khách sạn Grand Hôtel ở Balbec.

Le Côté de Guermantes, cuốn thứ ba, hoàn toàn xẩy ra ở Paris, trừ một quãng thời gian đẹp đẽ ở Doncières, một thành phố tỉnh lẻ, nơi Saint-Loup là sĩ quan đồn trú. Trong cuốn tiểu thuyết này, Người thuật chuyện bắt đầu giao du rộng rãi trong xã hội quí tộc. Khi thì ta bắt gặp ông vào một buổi sáng ở nhà bà de Villedeparisis, họ hàng với gia đình Guermantes, khi ta lại thấy ông dùng bữa tại nhà quận công phu nhân de Guermantes, là Oriane, mà chính ông đã từng si mê trong tưởng tượng. Ngoài ra Le côté de Guermantes cũng được đánh dấu bởi cái chết của bà ngoại Người thuật chuyện, là người đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời ông.

Trong những cuộc giao du ở các phòng khách sang trọng, chúng ta cũng bắt gặp ông, ở cuốn tiếp theo là Sodome et Gomorrhe, tại một dạ hội ở nhà công chúa de Guermantes, chị dâu của quận công phu nhân. Những cuộc hội họp nói trên vượt xa hẳn tầm vóc loại “tiểu thuyết nói về xã hội cao sang” mà chính là những vũ trụ nhỏ trong đó tác giả đã quan sát luôn toàn diện thân phận con người. Với Sodome và Gomorrhe Marcel Proust đã đi vào một lãnh vực chưa ai dùng văn chương thực sự để đặt chân vào một cách thẳng thắn, kể từ thời thượng cổ, đó là lãnh vực “tình dục ở tuổi vị thành niên” và những tính khác thường trong tình yêu. Một cảnh nổi bật cho ông biết được ông de Charlus là đồng tính và ngoài ra, Albertine, là người mà ông đã say mê, cũng đã để lộ những khuynh hướng đồng tính — đối với tác giả luôn luôn là nguồn của sự ghen tuông. Trong một chuyến về Balbec khác, mà chúng ta được gặp lại gia đình Verdurin, tác giả quyết định cưới Albertine, là điều ông sẽ không làm sau này.

Ông chỉ giam cầm nàng, như câu chuyện đã được kể trong cuốn thứ năm, La Prisonnière. Marcel, Người thuật chuyện, và Albertine sống ở Paris trong một căn nhà mà hai người không bao giờ bước ra khỏi cửa. Nếu một buổi tối nọ Người thuật chuyện đã đến nhà gia đình Verdurin, đó là để điều tra về một điểm trong quá khứ của cô tình nhân mà thôi. La Prisonnière là một trong những khảo cứu tâm lý sâu xa nhất về những tương quan của một cặp trai gái sống kín đáo với nhau, vừa trói buộc mà cũng vừa xâu xé bởi mối đam mê tình yêu.

Nhưng không chịu nổi sự nô lệ đó, Albertine bỏ trốn, và sau đó chết trong một tai nạn giữa lúc chắc hẳn nàng sắp sửa quay trở lại. Đó là cuốn La Fugitive mà trong những lần xuất bản đầu tiên đã mang tựa là Albertine disparue. Ở đây tác giả quan sát mối tình của ông bây giờ hiển hiện ra sau khi đối tượng tình yêu đã mất biến, và quan sát lòng ghen tương hồi cố của mình mà cái chết đã không dập tắt được, bởi vì trong một thời gian rất lâu ông sẽ cố gắng khám phá ra sự thật những liên hệ đến tính đồng tính ái của Albertine. Dần dần, sự say mê của ông hoàn toàn biến mất: lần này Albertine mới chết hẳn.

Tác giả lên đến tuổi già dặn chin chắn. Bây giờ trong cuốn Le Temps retrouvé, chìa khoá của toàn bộ tác phẩm, chỗ “chấm dứt cuộc tìm kiếm” của tác giả đồng thời lại là chỗ “bắt đầu đời sống thực sự” của ông, ông sống xa những đam mê và những tham vọng. Nhưng lối quan sát của ông vẫn không mảy may mất đi tính cách sắc bén của nó, cả lối hài hước châm biếm của ông, ý thức khôi hài của ông, cũng vẫn còn nguyên vẹn. Ông tả lại thành phố Paris trong thời kỳ chiến tranh, một buổi hội họp ban ngày khác ở nhà bà Verdurin, bây giờ đã trở thành công chúa de Guermantes, và giữa lúc những nhân vật cũ như cùng gặp gỡ nhau, hoá thân bởi thời gian, tựa như để dự một buổi khiêu vũ hoá trang, Người thuật chuyện đã đi đến chỗ quyết định một sự dứt bỏ với xã hội để có thể để hết nghị lực quay về việc xây dựng tác phẩm của mình.

Thời gian “mất đi” nay “đã tìm lại được”.

 

HOÀNG NGỌC BIÊN

 

----------------
“Đi tìm thời gian đã mất” đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn số 85 ở Saigon, 1967, số đặc biệt về Marcel Proust, sau đó được đưa vào Marcel Proust – Con người xã hội của Hoàng Ngọc Biên, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, Saigon 1971.
 
 
NỘI DUNG: Proust, một kỷ niệm trong mùa mưa - Nguyễn Đăng Thường [09] Marcel Proust – Cuộc đời thí nghiệm trong tác phẩm [17] Những chủ đề rời thời trẻ tuổi [49] Thời gian tìm thấy lại [61] Marcel Proust con người xã hội [77]. PHỤ LỤC I: “Đi tìm thời gian đã mất” [103] Chiếc bánh Madeleine – M. Proust [113] Những gác chuông nhà thờ ở Martinville – M. Proust [123] Vũ trụ của Vinteuil – M. Proust [129] PHỤ LỤC II: Quê hương của nhạc sĩ – Cao Thanh Tùng [139]

 

 

-------------------

Bài liên quan:

... Trang sách đối với Proust không phải là tế bào xây dựng tác phẩm, mà là không gian đứng ra ngoài trôi dạt của thời gian. Khi viết sách, Proust không cần biết đến mình đang tạo tác phẩm mà chỉ thụ động để những kỷ niệm tuôn tràn tìm nơi ẩn náu qua dòng chữ. Một mai khi những giọng nói quen thuộc cứ tắt dần theo ngày tháng, khi chính con người Proust cũng lu mờ dần, hình ảnh Proust vẫn còn lại trong những dòng chữ triền miên, u buồn, man mác nghe như chính cái buồn êm ả của thời gian. Những cảm xúc, những tình tự, kỷ niệm và thời gian đã có con tàu tâm tư mang vào khép kín trong dòng chữ tâm tư... (...)
 
Quê hương của nhạc sĩ  (tiểu luận / nhận định) - Cao Thanh Tùng
... Đối với một nhạc sĩ, hình ảnh một khoảng rừng vừa lớn lên, một chiếc lá úa trên viền môi hay một tiếng khua của kiểng tù, tiếng võng đầu hiên, tiếng động nghiền nát của nhà máy... cũng có thể là đầu mối của những cảm xúc lớn lao. Được nuôi dưỡng bằng thực phẩm của quả đất, nhạc sĩ — cũng như những nghệ sĩ khác — đã được chính quả đất đặt nghệ thuật vào giữa bàn tay mình. Âm nhạc từ căn bản không phải là thứ xa xỉ của tâm hồn họ mà chính là sự hiện hữu, dưới hình thức khác, của tâm hồn... (...)
 
... Proust, nhà văn của những khám phá mới mẻ về tâm lý phức tạp của con người, nhà văn đã sáng suốt dành trọn đời mình để đi sâu vào những ngõ ngách và hố thẳm của mọi tình yêu, tìm tòi những định luật chung về ái tình và con người, đã thẳng thắn mổ xẻ và đôi khi phóng đại cho chúng dễ được nhìn thấy hơn và có cơ hội thoát ra ngoài, những sự thật chung và những tình cảm bất ngờ ẩn núp ở những nơi thầm kín nhất bên trong chúng ta, nhà văn của bút pháp mới và hình thức mới cho tiểu thuyết... (...)
 
Đi tìm thời gian, một lần nữa  (tiểu luận / nhận định)  - Hoàng Ngọc Biên
... Có điều là không ai chối cãi, cho đến bây giờ, là cuộc tìm kiếm của Proust quả có bắt nguồn từ một nỗ lực, một thúc đẩy nội tâm, từ nỗi thất vọng, lòng ghen tương, niềm xao xuyến trước tuổi già và cái chết đến gần. Nỗ lực đó là sáng tạo, như chính Deleuze cũng đã đồng ý: tìm lại kỷ niệm, tức là sáng tạo — và sáng tạo nơi Proust hướng về tương lai hay hướng về quá khứ không phải là vấn đề chính, vấn đề chính là tác dụng của nó nơi người đọc... (...)
 
... Proust chưa vĩnh viễn chết, bởi vì cuốn sách của ông luôn luôn là “biểu tượng cho sự hồi sinh của ông”. Nhờ khám phá được sức mạnh của Thời gian và của Nghệ thuật, ông đã hoàn thành được tác phẩm của mình, một tác phẩm mà ông đã xây dựng như người ta xây dựng một ngôi giáo đường... (...)
 
Khi tác phẩm đầu tay của Marcel Proust ra đời, với những nét thủy họa bay bướm của Madeleine Lemaire, những bài nhạc của Reynaldo Hahn và bài tựa ký tên Anatole France, người đọc đương thời đã đón nhận một cách xa lạ ngỡ ngàng... (...)

 

 

-------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021