thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những cuộc độc thoại của âm đạo: Lời nói đầu
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)

Lời người dịch:

Dưới đây là "Lời nói đầu" do Gloria Steinem(*) viết cho cuốn sách có nhan đề The Vagina Monologues của Eve Ensler -- một tác phẩm ra đời năm 1998 và gây nên những chấn động và ảnh hưởng to lớn đến nhận thức của con người đương đại về phẩm giá và vai trò của phụ nữ trong đời sống nhân loại. Cuốn sách này -- gồm một loạt truyện kể và thơ -- có lẽ là một trong vài tiếng nói can đảm và trung thực nhất về những vấn đề vốn luôn luôn bị đè nén và phải câm nín dưới quyền lực của chế độ phụ hệ suốt nhiều ngàn năm qua. Nó định nghĩa lại những ý niệm về sinh hoạt dục tính; xét lại những tiêu chuẩn đạo đức phụ hệ về tình dục; đánh vỡ những huyền thoại giả dối về "cái trong sạch, cao sang" và "cái dơ bẩn, tục tĩu". Cuốn sách đã được chính Eve Ensler trình bày trước công chúng nhiều nơi trên thế giới dưới hình thức kịch độc diễn và đã liên tục gặt hái những thành công vang dội.

Chúng tôi xin cống hiến bản dịch Việt ngữ của trọn cuốn sách, và sẽ đăng thành nhiều kỳ trên Tiền Vệ. Xin quý độc giả theo dõi.

-------------------------------------

 

Tôi đến từ thế hệ "chỗ dưới ấy". Tôi muốn nói đó là những chữ -- ít khi được nói đến, và chỉ với giọng thầm thì -- mà những người đàn bà trong gia đình tôi dùng để chỉ chung mọi thứ thuộc về bộ phận sinh dục phụ nữ, từ bên trong đến bên ngoài.

Chẳng phải là họ không biết những từ như âm đạo, âm thần, âm hộ, hay âm hạch. Ngược lại, họ đã được đào tạo để làm những thầy giáo và có lẽ có nhiều điều kiện tiếp cận với thông tin hơn hầu hết chúng ta.

Thậm chí cũng chẳng phải là họ không được tự do, hay họ phải "nghiêm cẩn", như họ vẫn nói thế. Một bậc tổ mẫu của tôi đã kiếm tiền từ cái giáo hội Tin Lành khắt khe của cụ bằng nghề viết cho các mục sư những bài giảng đạo -- mà chính cụ chẳng tin một chữ nào mình viết ra -- và rồi lại kiếm được nhiều tiền hơn nữa bằng trò cá độ ngựa đua. Một cụ bà khác là người tranh đấu cho quyền bầu cử của nữ giới, là nhà giáo dục, và thậm chí là một ứng cử viên chính trị vào thời phụ nữ bắt đầu tham chính, tất cả những điều ấy khiến nhiều người trong cộng đồng Do Thái của cụ phải kiêng dè. Riêng về mẹ tôi, bà đã là một phóng viên báo chí vào thời đầu tiên, từ nhiều năm trước khi tôi ra đời, và bà vẫn hãnh diện đã nuôi dạy hai đứa con gái theo một đường lối thông tuệ hơn kiểu giáo dục bà đã thụ nhận. Tôi không nhớ bà đã dùng bất cứ tiếng lóng nào khiến cho thân xác người phụ nữ trông có vẻ dơ bẩn hay đáng xấu hổ, và tôi biết ơn về điều đó. Như bạn sẽ thấy trong những trang sách này, nhiều đứa con gái đã lớn lên dưới một gánh nặng to lớn hơn.

Tuy nhiên, tôi đã không được nghe những chữ chính xác, và những chữ đáng tự hào thì còn ít hơn nữa. Ví dụ, tôi chưa một lần nghe chữ âm hạch. Phải mất nhiều năm tôi mới học hỏi được rằng phụ nữ sở hữu một bộ phận duy nhất trong cơ thể không có chức năng nào khác ngoài việc cảm nhận khoái lạc. (Nếu chỉ riêng cơ thể đàn ông mới có bộ phận ấy, thì bạn có thể tưởng tượng chúng ta phải nghe họ nói về nó nhiều đến chừng nào -- và họ đã dùng những lý do gì để biện minh cho điều đó?) Bởi thế, khi tôi học nói, học đánh vần, hay học tự chăm sóc cơ thể mình, tôi được dạy những tên gọi cho từng phần kỳ diệu của cơ thể -- ngoại trừ cái vùng duy nhất không được nhắc đến ấy. Điều này khiến tôi không thể tự bảo vệ mình trước những từ ngữ nhục nhã và những trò đùa nhơ nhớp trên sân trường và, sau này, tôi không thể tranh cãi ngược lại niềm tin phổ cập rằng đàn ông, dù là tình nhân hay y sĩ, biết nhiều về cơ thể đàn bà hơn chính đàn bà biết.

Trước tiên, trong thời gian tôi sống ở Ấn Độ vài năm sau khi rời đại học, tôi đã thoáng bắt gặp tinh thần tự tri và tự do mà bạn sẽ tìm thấy trong những trang sách này. Trong những ngôi đền và bệ thờ của Ấn Độ giáo, lần đầu tiên tôi được thấy cái lingam, một biểu tượng của bộ sinh dục phái nam, nhưng tôi cũng được thấy cái yoni, một biểu tượng của bộ sinh dục phái nữ: một vật có hình giống đoá hoa, hình tam giác, hay hình bầu dục nhọn ở hai đầu. Tôi nghe nói rằng nhiều ngàn năm trước đây, biểu tượng này đã được thờ phượng như một sức mạnh lớn hơn biểu tượng phái nam, một niềm tin được truyền dẫn vào Mật thừa (Tantrism), mà yếu lý của nó là sự bất khả của người đàn ông trong việc đạt đến sự viên mãn tâm linh trừ khi kết hợp làm một về cả thể xác lẫn tinh thần với năng lượng tâm linh ưu việt hơn của người đàn bà. Đó là một niềm tin rất sâu sắc và phổ cập đến nỗi, về sau, ngay cả trong vài tôn giáo loại trừ phụ nữ và mang tính độc thần (monotheistic) vẫn còn duy trì yếu lý đó trong những truyền thống của họ, mặc dù những niềm tin như vậy đã (và vẫn đang) bị gạt ra ngoại vi hay bị xem là dị giáo bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo chính mạch.

Thử lấy ví dụ: những người Thiên Chúa giáo theo phái Tri thức (Gnostics) thờ Sophia như Đức Thánh Linh và xem Mary Magdalene là môn đệ thông tuệ nhất của Chúa Ki-tô; Phật giáo Kim Cương thừa vẫn dạy rằng Phật tính ngự trị trong âm hộ; phái Sufi huyền bí của Hồi giáo tin rằng người ta chỉ có thể đạt đến fana, hay sự xuất hồn, qua Fravashi, tâm linh nữ giới; linh vị Shekina của thuyết thần bí trong Do Thái giáo là một biến thể của Shakti, linh hồn nữ tính của Chúa Trời; và giáo hội Công giáo cũng bao gồm những hình thức thờ phượng Maria, tập trung vào Đức Mẹ hơn là vào Đức Chúa Con. Ở nhiều nước Á châu, Phi châu, và những vùng khác trên thế giới nơi thần linh vẫn còn được mô tả qua những hình tượng nữ cũng như nam, những bệ thờ biểu hiện ngọc Lưu Ly trong đoá Liên Hoa và những lối biểu hiện khác về cái-lingam-trong-cái-yoni. Ở Ấn Độ, các nữ thần Durga và Kali của Ấn Độ giáo là những biểu tượng nhập thể của những quyền năng của yoni đối với sinh và tử, sáng tạo và huỷ hoại.

Những điều ấy đã cổ xưa như thế, nhưng khi về Mỹ tôi thấy tinh thần Ấn Độ và việc thờ phượng yoni dường như đã vượt xa những thái độ của người Mỹ đối với thân xác phụ nữ. Thậm chí cuộc cách mạnh tình dục của những năm 1960 chỉ làm tăng số lượng đàn bà dễ dàng bị nhiều người đàn ông lạm dụng tình dục hơn nữa. Chữ "đừng" của những năm 1950 chỉ được thay thế bằng chữ "vâng" nhanh chóng hơn, sẵn sàng hơn. Mãi đến khi có những vận động nữ quyền vào những năm 1970 thì mới bắt đầu có những hoán cải về mọi thứ, từ những tôn giáo mang tính phụ hệ cho đến Freud (cái khoảng cách từ A đến B), từ cái tiêu chuẩn hai mặt của thái độ tình dục cho đến cái tiêu chuẩn độc tôn của quyền lực phụ hệ/ chính trị/ tôn giáo đối với thân xác phụ nữ như phương tiện sinh sản.

Những năm phôi thai của cuộc khám phá ấy được biểu tượng hoá trong ý nghĩ tôi bằng những hình ảnh còn trong ký ức khi tôi bước xuyên qua cuộc triển lãm trang thiết Womanhouse [Nhà đàn bà] do Judy Chicago tổ chức ở Los Angeles [năm 1972], nơi mỗi phòng được sáng tạo bởi một nữ nghệ sĩ khác nhau, và nơi tôi đã tìm thấy cái biểu tượng phụ nữ của văn hoá bản thân lần đầu tiên. (Thử lấy ví dụ, cái hình dạng mà chúng ta gọi là trái tim có lẽ là di tích của biểu tượng sinh thực khí nữ giới -- vì sự cân phương của nó trông giống cái âm hộ hơn là sự bất cân phương của bộ phận mang tên là trái tim. Qua nhiều thế kỷ dưới sự thống trị của nam giới, sức mạnh của bộ sinh thực khí nữ giới bị đàn áp để co rút lại thành biểu tượng của sự lãng mạn.) Hoặc ngồi trong một quán cà phê ở New York với Betty Dodson (bạn sẽ gặp chị ấy trong những trang sách này), tôi cố ra vẻ tỉnh khô trong khi chị ấy làm cho bọn thực khách nghe lóng từ những bàn kế bên phải điếng cả người với lời giảng giải hào hứng của chị về sự thủ dâm như một sức mạnh giải phóng. Hoặc tìm lại tạp chí Ms. để đọc thấy, giữa những hình ảnh luôn luôn khôi hài trên trang tin, hàng chữ: BÂY GIỜ LÀ 10 GIỜ ĐÊM -- BẠN CÓ BIẾT CÁI HỘT LE CỦA BẠN NẰM CHỖ NÀO KHÔNG? Cho đến lúc những nhà nữ quyền in hàng chữ CUNT POWER! [QUYỀN LỰC CỦA CÁI LỒN!] lên những hột nút áo và những cái T-shirt như một cách giành lại giá trị của cái chữ "lồn" bị lăng nhục ấy, tôi mới nhận ra sự khôi phục của một quyền lực đã có từ ngàn xưa. Rốt cuộc, cái chữ cunt [lồn] của văn hoá Ấn-Âu lại phát nguyên từ danh hiệu Kunda hay Cunti của nữ thần Kali, và cùng một từ nguyên với chữ kin [dòng họ] và country [đất nước].

Ba thập niên ấy của chủ nghĩa nữ quyền cũng đã được đánh dấu bởi một niềm giận dữ khi sự thật phơi bày những trò bạo hành đối với thân xác phụ nữ, hoặc dưới hình thức hiếp dâm, lạm dụng tình dục trẻ thơ, đánh đập phụ nữ đồng tính luyến ái, xúc phạm thân xác phụ nữ, quấy nhiễu tình dục, khủng bố sự tự do sinh sản, hay tội ác quốc tế trong việc cắt xẻo bộ phận sinh dục nữ. Sự lành mạnh của phụ nữ được cứu rỗi nhờ những kinh nghiệm khuất lấp này được đem ra ánh sáng, gọi tên, và biến niềm giận dữ của chúng ta thành hành động tích cực nhằm giảm thiểu và chữa trị sự bạo hành. Vở kịch và cuốn sách này chính là một phần của trào lưu sáng tạo sinh ra từ nhiệt năng của hành động phát biểu sự thật ấy.

Lần đầu khi tôi đến xem Eve Ensler trình diễn những câu chuyện riêng tư trong những trang sách này -- thu thập từ hơn hai trăm cuộc phỏng vấn phụ nữ và chuyển thể thành thi ca cho sâu khấu kịch -- tôi đã nghĩ: tôi biết điều này rồi: nó là cuộc hành trình của việc phát biểu sự thật mà chúng ta đã thực hiện suốt ba thập niên qua. Và thật thế. Phụ nữ đã tin tưởng ký thác cho Eve Ensler những kinh nghiệm riêng tư nhất, từ chuyện làm tình đến chuyện đẻ con, từ cuộc chiến tranh bất thành văn chống nữ giới cho đến quyền tự do luyến ái mới mẻ giữa những người đàn bà. Trên từng trang sách, hiển hiện cái sức mạnh của việc phát biểu những gì không thể phát biểu -- sức mạnh ấy cũng có mặt ngay trong câu chuyện hậu trường của chính cuốn sách này. Một nhà xuất bản đã ứng trước tiền tác quyền của cuốn sách, rồi, sau khi tỉnh táo nghĩ lại, đã cho phép Eve Ensler giữ luôn số tiền đó nếu cô chịu vác cuốn sách và những từ ngữ về bộ sinh dục nữ trong đó đi nơi khác. (Cảm ơn nhà Villard đã dám xuất bản tất cả những chữ thuộc về phụ nữ -- ngay cả trên nhan đề).

Nhưng giá trị của Những cuộc độc thoại của âm đạo vượt qua việc xoá bỏ một quá khứ đầy rẫy những thái độ tiêu cực. Nó cống hiến một cách thế vận động hướng về tương lai -- một cách thế gắn liền với bản thân, bám-chắc-vào-thân-xác. Tôi nghĩ độc giả, đàn ông cũng như đàn bà, rời khỏi những trang sách này sẽ không chỉ cảm thấy tự do hơn trong chính mình -- và tự do hơn đối với nhau -- mà còn có những ý tưởng mới để thay thế cho cái chủ nghĩa nhị phân của ý thức phụ hệ trong những cặp đối lập nữ tính/ nam tính, thể xác/ tinh thần, và dục tính/ tâm linh vốn bắt rễ trong sự phân chia bản thể vật chất của mình thành "cái phần được nói đến" và "cái phần không được nói đến."

Nếu một cuốn sách với chữ "âm đạo" ngay trong nhan đề có vẻ như đi quá xa so với những vấn đề triết lý và chính trị chúng ta vừa đề cập đến, tôi xin cống hiến thêm một trong những khám phá trễ tràng của tôi.

Trong những năm 1970, khi đang truy lục ở Library of Congress, tôi tìm thấy một lịch sử bị quên lãng về kiến trúc tôn giáo, trong đó có một sự kiện tưởng như là kiến thức phổ thông: lối thiết kế truyền thống của hầu hết những nhà thờ của chế độ phụ hệ đều bắt chước thân xác người phụ nữ. Bởi thế, chúng có một ngoại môn và một nội môn, giống cái đại âm thần và cái tiểu âm thần; một lối đi chính giữa như cái âm đạo dẫn đến điện thờ; hai cái vòm bên trái và bên phải có cấu trúc như hai cái noãn sào; và rồi ở ngay trung tâm linh thiêng là cái điện thờ, như cái tử cung, nơi phép lạ xảy ra -- nơi những người đàn ông thực hiện việc sinh đẻ.

Mặc dù lối so sánh này còn mới mẻ đối với tôi, nó đập vào ý nghĩ của tôi như một tảng đá rơi xuống giếng. Dĩ nhiên, tôi nghĩ. Nghi lễ chính yếu của các tôn giáo của chế độ phụ hệ là thứ nghi lễ trong đó những người đàn ông chiếm đoạt cái quyền lực sáng tạo của yoni bằng cách thực hiện việc sinh đẻ một cách tượng trưng. Chẳng ngạc nhiên gì khi các nam lãnh tụ tôn giáo vẫn luôn cho rằng con người được đẻ ra trong tội lỗi -- bởi vì chúng ta được đẻ ra từ những sinh thể giống cái. Chỉ bằng cách tuân theo những luật lệ của chế độ phụ hệ, chúng ta mới được đẻ ra một lần nữa từ đàn ông. Chẳng ngạc nhiên gì khi các linh mục và mục sư mặc áo choàng đàn bà, vẩy thứ nước giả như nước ối lên đầu chúng ta, đặt tên mới cho chúng ta, và hứa hẹn chúng ta sẽ được tái sinh vào cõi vĩnh hằng. Chẳng ngạc nhiên gì khi giới giáo sĩ phái nam cố gắng gạt đàn bà ra xa khỏi bệ thờ, cũng giống như đàn bà bị truất quyền kiểm soát chính khả năng sinh đẻ của mình. Tượng trưng hay hiện thực, tất cả những hành động này đều nhằm khống chế cái sức mạnh tiềm tàng trong thân xác người đàn bà.

Từ đó, tôi không còn cảm thấy sự xa cách như trước kia khi bước vào một toà kiến trúc tôn giáo phụ hệ. Thay vào đó, tôi bước thẳng vào lối đi hình âm đạo, với ý đồ giành lại bệ thờ nơi những tu sĩ -- nữ cũng như nam -- sẽ không khinh rẻ khả năng dục tính của đàn bà để phổ cập hoá những thứ huyền thoại về Sáng Thế chỉ riêng cho nam giới, để nhân lên những từ ngữ và biểu tượng tinh thần, và để tái lập cái tâm linh Đức Chúa Trời nam tính trong mọi sinh thể.

Nếu lật đổ gần năm ngàn năm phụ hệ có vẻ là một công tác kỳ vĩ, thì hãy chú tâm vào việc xiển dương từng bước chân tự trọng dọc theo con đường mình đi.

Tôi đã suy nghĩ về điều này khi nhìn ngắm những cô gái nhỏ vẽ những hình trái tim trong sổ tay của chúng, thậm chí chúng dùng trái tim để thay cho dấu chấm trên chữ i, và tôi tự hỏi: Có phải chúng bị cái hình dạng nguyên sơ này hấp dẫn bởi nó trông quá giống thân xác của chúng? Tôi lại suy nghĩ về điều này khi lắng nghe một nhóm chừng hai mươi cô gái tuổi từ chín đến mười sáu quyết định tạo nên một chữ để chỉ chung cho mọi thứ -- âm đạo, âm thần, âm hạch. Sau khi bàn bạc rất nhiều, "power bundle" [ổ sức mạnh] là chữ họ yêu thích nhất. Quan trọng hơn nữa, cuộc bàn bạc đã diễn ra trong những tiếng la và tiếng cười. Tôi nghĩ: Từ cái thế hệ thì thào "chỗ dưới ấy" cho đến đây thật là một quãng đường dằng dặc và đầy diễm phúc.

Tôi ước ao phải chi những bậc tổ mẫu của tôi đã biết được rằng thân xác của họ là thiêng liêng. Với sự hỗ trợ của những tiếng nói táo bạo và những từ ngữ trung thực như những gì được viết trong cuốn sách này, tôi tin tưởng những tổ mẫu, những bà mẹ, và những đứa con gái của tương lai sẽ chữa lành bản thể của chính họ -- và trùng tu thế giới.

 

Nguyên tác: "Foreword", trong Eve Ensler, The Vagina Monologues
(New York: Villard Books, 2001 [Revised edition]).

-----------------------------------------------------

(*) Gloria Steinem là một nhà lãnh đạo phong trào nữ quyền trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20. Bà cũng là nhà sáng lập của National Women's Political Caucus, Women's Action Alliance, và Ms. -- tạp chí nữ quyền đầu tiên trên thế giới.

-------------------------------------------------------

Mời đọc: “Những cuộc độc thoại của âm đạo: Dẫn nhập” (do chính Eve Ensler viết), và trọn vẹn cuốn NHỮNG CUỘC ĐỘC THOẠI CỦA ÂM ĐẠO của Eve Ensler được đăng thành nhiều kỳ, qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021